Cháu không còn trẻ nữa, cũng không phải đi học nữa, nhưng thấy mình vẫn còn non nớt lắm, nên xin được xưng hô vậy. Già người mà vẫn thấy còn non cái dạ, lại hèn kém, đó chính là một trong những lý do quan trọng thôi thúc cháu viết lá thư này. Ngành giáo dục mà các bác lãnh đạo cháu xin được gọi là “cỗ máy đúc người”, và bức thư này cháu xin được gửi tới hết thảy các bác lãnh đạo của ngành trong nhiều thế hệ mà cháu cũng xin được mạn phép gọi là các “quản đốc phân xưởng đúc”. Tại sao vậy? Cháu sẽ xin được làm rõ.
- Trước hết là ý muốn chia sẻ nỗi lo của các bác đang vật vã với chuyện đúc người bao nhiêu năm nay, cứ cải (cách) đi rồi cải lại mà càng bế tắc thêm.
- Cái cỗ máy đúc người này nó làm cháu nhớ tới cuốn phim Đồi thịt băm, tức là nó băm vằm, nuốt chửng danh tiếng và mọi nỗ lực của nhiều thế hệ lãnh đạo các bác (nếu như ai đó thực tâm có). Các bác không thấy được, hoặc làm như không thấy, là nó chỉ như một cỗ máy trong một nhà máy khổng lồ, đã vận hành từ rất lâu với một sức mạnh và quán tính khủng khiếp. Hơn nữa, nó lại đóng vai trò vô cùng quan trọng là đúc ra mọi chi tiết cho những cỗ máy cái ở các phân xưởng khác. Thế mà cứ cố vặn vẹo nó nay tí mai tí mà không chịu cải đổi hẳn đi, không quan tâm tới các cỗ máy khác đang lôi kéo nhằng nhợ với nó thì đương nhiên sẽ bị nó nuốt chửng.
- Cái cỗ máy này thực ra đã một thời có công tích ghê gớm, có điều hình như chưa thấy ai phân tích cái kiểu công tích này và việc nó tác động lại theo lối phản tác dụng ghê gớm ra sao tới xã hội chúng ta, và đến chính nó, cái cỗ máy làm ra công tích đó.
1. Công
Phải nói là giờ nhớn rồi, lại được mở mang hiểu biết ra bên ngoài nước mình, cháu mới càng thấy một điều là cái kiểu đúc người (giáo dục) ở ta trong những năm chiến tranh quả là tuyệt diệu. Đó là “triệu người như một”, đều tăm tắp, tuân lệnh răm rắp, không giống bên Tây nó “đúc” thì ra mỗi người mỗi kiểu. Duyên do thì nhiều lắm, cháu xin kể lể vài điều ra đây. Số là dân mình tuyệt đại đa số vốn đã nghèo khổ, ngoài việc chả biết gì ngoài lũy tre làng, lại phải chịu ảnh hưởng đủ thứ tư tưởng, văn hóa Nho Khổng, Phật, Lão nhưng bị thăng trầm méo mó đi qua bao đời, nên con người ta sống rất chi là khiêm nhường, yếm thế với “bề trên”, không kênh kiệu như bên Tây. Đến khi cách mạng nổi lên, giành độc lập, họ được bảo là mình giờ thành ông bà chủ xã hội hết rồi, nhưng khốn nỗi lại cứ bị các bố đầy tớ (tức là cán bộ – “đầy tớ của nhân dân”) mắng mỏ dạy bảo đủ kiểu, từ trẻ nứt mắt cho tới già kề miệng lỗ. Thành thử bà con chả biết đâu mà lần, càng phải khiêm tốn tợn, phát triển thêm luôn cái đức tính giả vờ nữa, tức là nói, nghĩ một đằng làm một nẻo. Điều này vô cùng là móc xích với cái công nghệ đúc người ở ta. Cụ thể là bọn trẻ con chúng cháu là nhân dân, thì nhẽ ra thầy cô, đến cả các bác bộ trưởng nữa, phải là đầy tớ của chúng cháu, đúng với cái khẩu hiệu của chế độ, là phải hết lòng phục vụ. Thế nhưng sự tình nó cứ ngược lại hết làm cho chúng cháu quen dần cái lối sống giả vờ mà ngày nay các bác đang khốn khổ để “tuyên chiến”, ấy là “gian dối trong thi cử”, “bệnh thành tích trong giáo dục”. Khởi đầu là cái “cá nhân” trong mỗi con người luôn được đè nén xuống dí dị; làm gì, nghĩ gì cứ là vừa phải theo “tập thể”, “đoàn thể”, vừa phải tin tưởng tuyệt đối ở “trên” (tức là ở các ông bà đầy tớ). Từ ngày còn bé tẹo, chúng cháu đã biết nhận thức là mình rất ngu, rất hư, rất chi là “cá nhân chủ nghĩa,” nên mọi hoạt động phải đi vào khuôn phép. Nào là hát đồng ca, vỗ tay đồng loạt, tập đánh vần cũng phải đồng thanh theo nhịp thước cô gõ chan chát (có nhẽ để sau này nhớn lên mà phát triển cái “đồng tình”, “đồng chí”, “đồng lòng”…?) Học được mấy bài hát mà thấy bài nào cũng có từ “ngoan”, “cố gắng”, “không khóc nhè” nên nó ngấm vào máu cái tính “ngoan” hết mực, đói mấy cũng phải tươi cười tin tưởng phơi phới. Kế đến là cái khoản “xin-cho” thôi thì đủ kiểu. Đến cả buồn tè, mót ị mấy cũng phải giơ tay xin phép, cô cho thì mới được đi, không thì cố mà nín, đùn ra đấy là rất hư, hết cả “phiếu bé ngoan”. (Ngày qua ngày, càng già cháu càng rõ là cái cảnh xin xỏ này nó cứ diễn ra suốt đến lúc chết. Nào là xin vào trường học, xin đăng ký hộ khẩu, xin khai sinh, khai tử, xin khai thành tích để được khen… Còn cái chuyện “nín” thì càng lớn lên càng giỏi, cháu xin nói ở phần sau). Cô kể chuyện xong mà không vỗ tay là hỗn, cũng hư là cái chắc. Thành thói quen như từ cha sinh mẹ đẻ để sau này cấp trên có nói (bậy) ra cái gì cũng cứ vỗ tay rào rào, làm láo mà cũng phải khen nức nở.
Nhớn lên tí, học cái kiến thức thì cũng rất đặc biệt, chúng cháu được vun đắp thật là nhiều, những thứ rất cao siêu nhưng thuộc “phe ta” thôi; những gì về thế giới bên ngoài, của kẻ địch, hay phe khác thì được coi là nọc độc nên rất hạn chế. Còn chuyện hai bên đánh nhau thì cũng toàn ta dũng cảm, khôn ngoan, thắng ào ào, địch thì hèn nhát, ngu si nên thua chạy như vịt cả. Viết bài luận về thơ, văn của các vị nổi tiếng, nhất là có chức sắc nữa, là cứ phải khen ngất giời chứ cấm có được chê, kể cả hơi “băn khoăn” tí cũng ăn điểm không là còn nhẹ. Làm văn về đất nước là phải “rừng vàng biển bạc”, phải có “gương người tốt việc tốt”, “chế độ ta tươi đẹp”. Tóm tắt là cái gì của ta, từ “trên” là “cực kỳ” (đúng, tốt), còn của địch là khốn nạn hết. Trong quá trình vun đắp là phải căng tai trợn mắt ra mà lĩnh hội, chứ đứa nào nhỡ có hơi “thiên nhiên” tí, nảy nòi ra cái tính thắc mắc, cãi bướng, ưa tranh luận là mệt ngay. Cái kiểu dạy “thầy đọc trò chép” mà giờ các bác đang khốn khổ loại trừ phát sinh chính từ đây, nó giúp cho chúng cháu là những kẻ được “lập trình” vào đầu ngay từ tấm bé cho những nhận thức là ý kiến của “trên” thì chỉ có đúng, phải tuân theo răm rắp, kẻ nào không đồng ý với “trên” là coi như kẻ thù. Còn đã là kẻ thù thì ắt xấu xa, phải tiêu diệt nếu như không chịu cải tạo. Để được rèn giũa thì ngoài thầy cô còn có tầng tầng lớp lớp các đoàn thể ngay từ nhi đồng, thiếu niên… kèm cặp cho chúng cháu ngày càng ngoan (nghĩa là kiểu “gọi dạ bảo vâng”, “đặt đâu ngồi đấy”), có thêm “tinh thần tập thể”, giảm bớt cái “cá nhân” đi (mà giờ cháu mới hiểu là bên Tây nó hay gọi là có “cá tính”). Chưa hết, lại còn một lực lượng kiểu cảnh sát dân sự biệt danh là “Cờ đỏ”, tai mắt của thầy cô, xem có đứa nào vẫn còn hư không, làm cho đứa nào cũng cảm giác khó hiểu về bạn bè mình, còn mình thì lại tập cái tính sống ít hồn nhiên đi, thích phát hiện những đứa bạn hư để hớt lẻo với cô, để được công tích cho đỡ bị bảo là hư, là ngu. Mà chuyện công tích thì quan trọng khủng khiếp, trong hơn cả một đời người, từ khi đẻ ra cho qua cả lúc chết rồi. Vì có nhiều danh hiệu vô cùng để phấn đấu mà đạt cho được. Đứa nào không được danh hiệu thì sợ hãi khủng khiếp, cảm giác như bị bọn có danh hiệu nhìn ngắm mình như quái vật; vì số này rất ít, nên dưới đẳng cấp này thì chỉ còn có bọn tội phạm đi tù, cải tạo thôi. Để có danh hiệu là phải qua những công đoạn chấm điểm rèn luyện kỷ luật, từ đầu tóc, quần áo, nói năng, giờ giấc, rồi bọc, dán nhãn, giữ gìn sách vở sạch đẹp… (nhiều không kể hết được, cho cả cá nhân và tập thể). Thế rồi tính toán, “cân đối”, bình bầu, kèm theo là nhiều cuộc họp hành nữa. Cả trường xếp hàng nghe đọc điểm thi đua mỗi tuần, điểm cao là được khen, thấp là bị bêu riếu. Không khí ganh đua kèn cựa nhau từng li một muốn nghẹt thở, cứ gọi là mụ mị cả người, cảm giác tội lỗi, hèn kém luôn thường trực trong mình. Lại còn luôn luôn được hô những khẩu hiệu đạo đức mà những chữ “khiêm tốn”, “đoàn kết”, “kỷ luật” cứ gọi là ưu tiên hàng đầu. Trong mọi ngôn từ hàng ngày cho tới bài vở viết ra chúng cháu đều được dạy những từ ngữ rất chi là hoành tráng, gọi là ngôn ngữ ngợi ca. Nên cái không khí chung là cực kỳ… (xin lỗi, cháu không tìm ra được từ nào để diễn tả nữa). Và các bác sẽ chả lạ gì cái lối làm “bài văn mẫu” ngày nay đầy dẫy là có ngọn nguồn từ đây. Đến như cái “khẩu hiệu” nhiều năm nay trường nào cũng có, nghe rất chi là “đậm đà bản sắc dân tộc”, là “tiên học lễ, hậu học văn”, mà nào có mấy ai từ thầy đến trò được hiểu cho đúng cái chữ “lễ” của cụ Khổng Tử nó mênh mông đến nhường nào đâu. Cứ nghĩ theo lối tộc tệch là bọn trò chúng cháu phải trước hết “thấm nhuần” cái thái độ “lễ bái”, “lễ độ”, “lễ phép”, nhũn như con chi chi, có khi lại phải dâng “lễ lạt”, “lễ vật” nữa (tức là có… “phong bì”, “con gà nải chuối” cho thầy cô).
Ngoài nhà trường ra thì khắp nơi hang cùng ngõ hẻm, trong xóm ngoài làng, xưởng máy, ruộng đồng, cơ quan, đoàn thể, đêm ngày bằng mọi phương tiện từ báo, đài, thơ, truyện, ca, múa, nhạc, kịch, thể thao… cả “chuyên” và “không chuyên”, chúng cháu luôn luôn được tiếp tục “hun, đúc” không ngừng tất tật những gì thuộc về lòng trung thành, tin tưởng tuyệt đối, tự hào vô cùng về hiện tại, tương lai đất nước, chế độ, “bề trên”, căm thù tận xương tủy kẻ thù xấu xa. Tức là cái gì cũng có ranh giới tuyệt đối: tốt và xấu, ta và địch. Nên cái chữ “trồng người” nó phải được gọi là “đúc người” mới phải. Nghĩa là không có chăm bón, vun xới, nâng niu theo lối mơn trớn, “dân chủ giả hiệu” gì sất, mà là nung chảy, đổ khuôn, rèn, đột, dập, mài, dũa, cắt gọt, đánh bóng cho đến nhẵn thín, tròn xoe ra mới… vẫn chưa thôi.
Thế là những lớp người được trở nên vô cùng hoàn hảo, chả có chống đối, nghi ngờ, thắc mắc, tơ tưởng “đứng núi nọ trông núi kia”. Bảo đi là đi, bảo đánh là đánh, không một tí tiếc rẻ tài sản, máu xương. Sống cực kham khổ nhưng vẫn tươi hơn hớn, có biết bên ngoài người ta sống ra sao, nghĩ cả thế giới này cũng vậy, phần thì tin tưởng, phó thác ở “trên” dẫn lối chỉ đường hết. Cả triệu người như một hàng quân, tay nào khác đi một tẹo, dù là ý nghĩ, ánh mắt là trơ thổ địa ra, dễ bị nghi là phản động ngay, ít ra cũng là “thiếu kiên định”, phải tự đấm ngực kiểm thảo. Những diện có thể có những biểu hiện khác thường nhất, như là các nhà thơ, văn, nhạc…, dễ bất ngờ “thai nghén” những sản phẩm tinh thần trái cựa có nguy cơ ảnh hưởng đến tinh thần chiến đấu, lòng trung thành tuyệt đối, thì cũng được luyện làm sao các sản phẩm đó không những vẫn ở trong vòng kiểm soát (được gọi là theo “định hướng”) mà còn phải trở thành những khẩu hiệu hành động nóng dẫy. Những nhu cầu bản năng của con người từ ăn uống cho tới làm tình đều bị phỉ nhổ là thấp hèn, phải cố mà nín nhịn, kể cả nín không được mà tuôn ra thành văn, xổ ra thành tranh là cũng “ăn đòn” ngay; ngộ nhỡ có hơi tham tí mà “ăn vụng” lại không biết “chùi mép” là thôi rồi, tương lai mờ mịt luôn (dạo ấy có cái từ nghe còn kinh hơn án tử, gọi là “hủ hóa.” May quá giờ hiếm ai nhắc đến nữa). Vì rõ là mọi thứ nó đều có “suất” cả (giờ gọi là “bao cấp”). Sợ chết, thèm ăn, thèm “sinh hoạt” cũng phải bảo là không sợ, không thèm. Tức là cái trình độ nghĩ một đằng, nhưng nói, làm một nẻo điêu luyện lắm, như được “lập trình” sẵn cả rồi. Tóm tắt lại thì cháu tự cảm thấy mình như thể một thứ người-máy-sinh-học, được đúc ra từ cái phân xưởng đúc mà các bác gọi là “ngành giáo dục,” lại còn được nhiều phân xưởng khác gọt dũa, “mông má” thêm, nên giờ nhớn như lão già rồi mà nhìn ra thế giới thấy mình vẫn còn non nớt lắm. Cứ thế, cái thế hệ người-máy này lại quay lại rèn đúc, đẽo gọt thế hệ người-máy khác (nói bỏ quá, chứ cháu biết các bác cũng nằm trong số này, có khác chăng là thuộc loại “chất lượng cao” thôi – tức khả năng bắt chước, giả vờ, tuân lệnh răm rắp là hơn hẳn đồng loại). Cũng thi thoảng có vài người-máy do bẩm sinh hoặc quy trình đúc bị lỗi mà sinh cái tật hay có ý kiến riêng là được căn chỉnh ngay. Đó là loại bướng bỉnh, thiếu ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, bản lĩnh chính trị kém. Mà căn chỉnh tức là “kiểm điểm”, “kỷ luật”, “mất thi đua”… cuối cùng là ảnh hưởng đến lương, thưởng, tem phiếu. Vậy là đâu lại vào đấy. Thật là tuyệt!
Báo hại cho phe địch cứ cậy giàu có văn minh mà không biết là đánh nhau với những lực lượng này thì chỉ có thiệt trở lên. Vì bên họ thì không có cái lối đúc người như thế này, mỗi sản phẩm mỗi kiểu, nên nó có cuộc sống rất là “cá nhân chủ nghĩa”. Nào là thắc mắc, đấu tranh, buồn nhớ nhà thì rên rỉ, hát nhạc vàng, rượu chè cờ bạc, ăn diện phè phỡn, gái mú. Ngoài đời họ cũng chả có đông đảo các ban ngành đoàn thể, phát động tuyên truyền, văn hóa tinh thần để rèn đúc theo kiểu “đồng tâm nhất trí” như ta; đã vậy lại còn để cho nhiều đoàn thể, báo đài nói cái giọng phản tuyên truyền lung lạc ý chí chiến đấu của quân dân nữa chứ. Nhất là cái lối thấy đánh nhau bị thua, chết nhiều quá là xót, đòi xem với xét. Thế thì khác gì bàn lùi, là nhận mình kém cỏi, không có chính nghĩa. Như thể hai phe dàn trận ra, một bên thì “triệu người như một” đều bắn, cùng a-la-sô đánh chí chết, chấp nhận hy sinh vô hạn, còn bên kia thì lại phải cãi nhau tiến hay lùi, không “tin tưởng ở trên”, lo thiệt hại nhiều nhân mạng. Thua sặc tiết là cái chắc! Thế mà giờ vẫn còn cãi nhau như mổ bò là vì sao bị thua. Giá chịu khó ngó đến lịch sử xa xưa thì sẽ thấy xã hội này được tổ chức cũng hao hao như cái thị quốc quân sự hùng mạnh Sparte ở Hy lạp thế kỷ thứ V trước Công nguyên, để mà biết mà dàn hòa chịu thiệt ngay từ đầu thì có phải yên chuyện không.
Đó là tóm tắt vài biểu hiện trong cái công tích của cỗ máy đúc người, chứ đi sâu chỉ ra hết, phân tích rõ thì đa dạng, thâm thúy vô cùng tận, phải những trí thức học giả mới làm nổi.
2. Tội
Thế rồi hòa bình lập lại, nhiều năm sau nữa mà cái cỗ máy đúc này nó chạy lại còn khỏe hơn hẳn xưa. Hình như cũng có nhiều vị hay chữ kiến nghị phải thay nó đi, đơn giản là xưa “đúc” chiến binh là chính, giờ thì phải “trồng người” như bên Tây để cho ra nhiều trí thức, công nhân bậc cao, nông dân giỏi công nghệ. Xưa đánh nhau lo mất nước, có phe nọ phe kia, nên cần “muôn người như một”. Giờ đâu còn lo nữa, thế giới đơn cực, chế độ thì vững như bàn thạch rồi, lại còn chơi với tất tật, kể cả những loại ngày xưa là kẻ thù nữa. Với lại cái trò đúc ấy nó cũng có mặt trái kinh khủng, làm cho ta thiếu hẳn những người-thật. Trước nay mình toàn “đúc”, mà người ta thì “trồng”; như cái cây ấy, chăm bón, vun xới rồi tự nó nhớn lên mơn mởn mỗi cây mỗi vẻ, chứ cứ khuôn hình “đúc” ra cứng nhắc, khô không khốc thì có mà đánh nhau mãi à? Hậu quả đau đớn là cứ bị mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác, mới ngộ ra là vì ta quá thiếu người-thật, chỉ rặt những người-máy thôi, nào có dám cãi lại khi thấy “trên” làm sai. Thêm nữa là do “trên” thì các bác quản đốc, giám đốc biết thân biết phận, tâm niệm cái câu “ba anh hàng da thành anh Gia Cát Lượng” nên lãnh đạo theo lối “tập thể”, chứ không chơi kiểu “cá nhân” như bọn tư bản. Yên tâm quá, có chuyện gì thì cũng chịu trách nhiệm “tập thể”, tức là “hòa cả làng.” Cùng lắm là các bác đổ tại cái thằng… “cơ chế”, sợ gì chuyện làm sai, nên càng hay sai. Các bác lại còn thích kiểu ăn quả chắc, nên tuyển toàn loại người-máy thôi, ngại tuyển người-thật vì chúng nó hay cãi, dám hỗn láo vạch mặt cả cấp trên. Nhưng người- máy thì trông nó cứ “muôn người như một” nên cũng cực kỳ khó chọn, lý lịch anh nào thấy cũng na ná như anh nào, toàn “chấp hành”, “trung thành”, “khiêm tốn” cả. Các bác đành tổ chức thi… “chạy”. Anh nào “chạy” khỏe là ăn. Nhưng hóa ra những tay “chạy” khỏe thì làm việc lại cực ngu. Thế là các bác lại càng dễ mắc thêm sai lầm nữa.
Nhưng có lẽ các bác vẫn tính là thể nào cũng còn đánh nhau? Hay là cần các trí thức có phong cách như chiến binh người-máy? Hay các bác thấy giờ vi tính, rô-bốt ở tây nó phát triển quá nên nghĩ mình cả nửa thế kỷ nay thế là đi đúng cái kiểu “đi tắt đón đầu” rồi (đúc được người-máy)? Nên cỗ máy đúc vẫn cứ được dùng tiếp. Thi thoảng có tiếng kêu ca thì các bác lại xê dịch nó đi tị tẹo, sơn phết vào, hô là “cải cách”! Thế là yên chuyện.
Nhưng cái lũ người-máy-sinh-học giờ nó cũng quái ra phết. Không thấy đánh nhau nữa, lại thấy nhờ có cái “cơ chế thị trường” nên các người-máy có “cương vị” sống hơi bị Tây quá chứ không kham khổ như xưa nữa. Còn nhìn ra ngoài thì mới thấy là mình “thua em kém chị” ghê gớm. Thế là chúng nó nhao nhao lên. Một số thì lăn vào mà kiếm tình, tiền các kiểu, trong khi vẫn giữ cái vỏ người-máy. Số khác thì cố công nhồi nhét kiến thức bị hổng bao lâu nay, chỉ có điều nó vẫn bị cái thói quen là nhút nhát, sợ sệt không sửa được mấy, nên nhiều khi có cái sáng kiến cũng đành câm miệng, sợ dạy khôn người trên là bị mắng “thiếu khiêm tốn”, “gây mất đoàn kết nội bộ”. Cũng có một số ngộ ra là mình phải được có tí quyền này nọ chứ không thể như lớp trước mãi. Vậy là nảy sinh những xung đột xưa nay chưa từng thấy. Như tại xưởng đúc, nhiều thợ đúc bắt đầu áp dụng các ngón nghề cai ngục như ép học thêm, tra tấn, hỏi cung, lăng nhục người-máy, nhưng họ thường chỉ nhắm vào những loại hiền lành, ù lì thôi (khôn thế, chứ tra tấn loại người-máy khùng khùng có khi lại bị nó tra tấn lại thì khốn. Vì cũng có vài vụ người-máy nổi điên “xử lý” thợ đúc rồi). Đến độ nhiều người-máy bị hỏng “phần mềm”, bác sĩ gọi là sì-chét, là tâm thần, nói năng hành động lung tung, có những trường hợp tự tử nữa mới kinh. Tình trạng này giờ nhiều quá, công luận lên tiếng đòi có giải pháp, làm cho các bác quản đốc rối tinh không xoay xở kịp.
Khổ nữa là trong cái công cuộc “ra biển lớn” này (tức là làm ăn, quan hệ với khắp thế giới), những người-máy được đúc ra theo công nghệ cũ ngày càng bộc lộ kém cỏi. Vì không quen tự học hỏi, thường thụ động nên đơn giản là ra biển gặp sóng to gió lớn, cá mập, cướp biển nó rình rập mà cứ “gọi dạ bảo vâng”, “đặt đâu ngồi đấy”, chả có sáng kiến tối kiến gì cho ra hồn; khó khăn tí thì lại đòi về xin ý kiến chỉ đạo của “trên”, “trên” lại thỉnh thị “trên” nữa, hoặc dở “cẩm nang” ra đọc, thì có mà làm mồi cho bạch tuộc tư bản, nó chả phải vươn vòi gì mà cũng kiếm ăn tại chỗ được.
Vậy mà nhiều năm nay, cỗ máy cổ quái này lại còn được gia cố để hoạt động mạnh hơn. Vì tình hình hai chục năm qua theo cái “cơ chế thị trường”, nhiều vị chức sắc cũng kiếm ra phết, cả danh lẫn lợi (nói trắng ra là chức tước, đô-la và bằng cấp, thành tích rởm), đến độ nổi tiếng ra cả thế giới chuyện ta bị giặc nội xâm tham nhũng nó đánh, chả kém tiếng tăm ngày xưa ta đánh giặc ngoại xâm; thế nhưng các em người-máy có biết được bác nào là “giặc” thì cũng im thin thít, an toàn quá chứ còn gì. Lại có nhiều người-máy có cương vị vào là muốn được đúc lại, nâng cấp, dán thêm tem nhãn cho oách, dễ được lên làm đốc công, quản đốc… Cả xã hội giờ cứ như một đại công trường đúc người-máy. Các kiểu đúc: Đúc giả, giả vờ đúc, đúc lại, giả vờ đúc lại, giả vờ đã được đúc, đúc “tại chức”, đúc “từ xa”, đúc “thường xuyên”, đúc kiểu nâng cấp, kiểu khẩn cấp, “đẳng cấp quốc tế” nữa (nghe nói đang có phương án), vân vân và vân vân, mà lại vẫn cứ rập khuôn theo cái công nghệ cũ ấy. Cỗ máy đúc giờ phải tăng ca, ngày tới 4-5 ca mà vẫn không hết việc, thế mà các bác lại còn mới đưa ra chỉ tiêu phải đúc nâng cấp thêm mấy chục nghìn nữa mới ghê. Cung không kịp cầu nên tức khắc phát triển cực mạnh cái dịch vụ mua bán tem nhãn chứng nhận rởm là đã được đúc, được nâng cấp (mới thử kiểm tra cái tỉnh gì trên Tây Nguyên mà đã ngót gần hai nghìn vị “dính” rồi). Thử hỏi làm sao mà thay cái cỗ máy này đi được, nhất là ai cũng thấy “đúc” dễ hơn “trồng” rất nhiều, cho cả thợ đúc lẫn người-máy. Chỉ thấy thay hết đời bác quản đốc này lại đến bác quản đốc khác mà điều tiếng thì ngày càng nhiều là tại sao chất lượng người-máy ngày càng tệ. Rồi còn nảy sinh ra đủ kiểu phong phú, như thi thoảng lại có bác quản đốc phân xưởng khác muốn được giả vờ đúc lại, giả vờ nâng cấp để được tại vị hoặc lên chức giám đốc, mà to thế thì phải chiều chứ. Chưa kể mỗi khi các bác có hô hào “từ nay chấm dứt cái trò giả vờ đúc nhé” (tức là phát động “nói không với bệnh thành tích”, “chống gian dối trong thi cử”), cũng không ăn nhằm gì, vì các phân xưởng khác họ cũng “làm giả, ăn thật” đầy dẫy ra cả rồi, mà thu nhập, năng suất của họ lại còn bằng vạn phân xưởng đúc. (Nên nói trắng ra là người nhớn, “bề trên” không làm gương chống gian dối, “bệnh thành tích” trước đi mà lại bảo trẻ con, kẻ nghèo hèn chống thì chống thế nào được). Thành thử công nhân phân xưởng của các bác cũng phải thi đua tăng thu nhập với họ thì mới sống nổi chứ. Vậy là các người-máy nay được đúc ra thậm chí còn tệ hơn với sản phẩm của cái lối “nhanh, nhiều, tốt, rẻ” ngày xưa. Mệt nữa là các phân xưởng khác còn có đủ những quyền hạn khống chế cái xưởng đúc này để mà “vào guồng” cùng với mình. Ví như bên thiết kế (kiểu như tuyên giáo í mà), hay bên tài vụ (giống cái ngành tài chính ấy), quyền hành họ rất to, không nghe theo là họ “siết hầu bao”. Nhưng cũng chả thể đổ tại thiên hạ hết được vì cái công nghệ đúc của các bác nó quá lỗi thời rồi, trẻ con giờ nó lên vi tính, nhoằng một cái là nó biết hết ở bên Tây người ta thế nào, thế mà các bác cứ muốn nó phải nghe, phải tin những lời giáo lý theo kiểu “nói vậy mà không phải vậy” mãi sao được. Các bác cũng nào có chịu tin là bao nhiêu tệ nạn xã hội, giặc nội xâm tham nhũng, trò giả vờ ở cái xã hội này một phần chính là do cái lối đúc người của các bác mà ra. Có điều, thi thoảng cũng thấy thương các bác thật. Ấy là chuyện các công nhân đúc, họ vốn xuất thân cũng người-máy cả, quen cái công nghệ cổ quái này rồi, giờ đổi lại là họ chóng mặt, “chập mạch” ngay. Rồi xoay đủ kiểu để đánh bài cù nhầy. Nhất là giờ họ phải lo nhiều hơn tới cuộc sống, vì của đáng tội, lương ba cọc ba đồng sống sao nổi, nhìn ra ngoài thì đâu đâu cũng kiếm mạnh quá, họ có phát khùng lên, hay không chịu cố mà đổi từ “đúc” sang “trồng” cũng không lạ. Vừa rồi các bác mới hứa đại là mấy năm nữa thì lương họ được nâng lên mức “đủ sống”. Nói hay thế! Thế nào là đủ sống, sống dật dờ, hay sống phây phây? Thế lâu nay chả phải là họ vẫn sống, có thợ đúc nào chết đói đâu? Làm sao họ tin được. Càng rõ là ngay trong bản thân nhiều vị trong số các bác cũng không nhận ra hoặc không chịu nhận là mình có những thói quen cũ khác gì những công nhân đúc dưới mình đâu, thậm chí còn nặng hơn nhiều. Thật nan giải vô cùng!
Vậy thì thấy ngay là muốn thực sự đúc (trồng) được người-thật theo kiểu tiên tiến như bên Tây, phải bắt đầu bằng các bác lãnh đạo nhà máy, rồi tất tật các phân xưởng khác nữa đồng tâm nhất trí mới được. Đằng này các bác chỉ ở tầm quản đốc phân xưởng đúc thôi, đơn thương độc mã mà xoay xở, thì có bị nó nuốt chửng cũng chả oan. Chưa nói tới chuyện (xin lỗi các bác đừng giận) trong số các bác, nhiều vị i-qui cũng hơi bị cao, biết tỏng là chẳng đi đến đâu, nhưng thôi thì tặc lưỡi chấp nhận cống hiến theo kiểu “ngậm miệng…” là khỏe. Nên bao nhiêu năm nay cứ nghe các bác “cải cách” hết đợt này đến đợt khác xoành xoạch, mà toàn theo kiểu “giật mình,” tức là theo lối hình thức, manh mún, vội vã, chứ không có chiến lược lâu dài gì cả. Thành thử cái ngành “đúc người” càng đi vào ngõ cụt thêm, càng nhiều thêm chuyện tồi tệ trong học hành thi cử, từ các quan chức, thầy cô cho tới học trò.
Từ bé cháu đã nghe mãi lời giáo huấn “… vì lợi ích trăm năm trồng người”, nhưng cháu nghĩ quả tình chả thấy các bác trồng trọt gì mấy, thấy toàn là đúc thôi, ra rặt những người-máy, còn người-thật khan quá. Cái lợi ích thì cũng có, nhưng nó nặng về trước mắt vài năm để phục vụ chiến tranh, chứ làm gì được tới trăm năm, cho việc xây dựng đất nước, chưa nói tới chuyện “lợi bất cập hại” thì vô cùng tận, khó mà nói ra được hết.
3. Chữa trị
Giờ thì chắc các bác sẽ mắng “thế mày giỏi thì hiến kế đi xem nào”! Vâng, cháu xin hiến kế, để chia sẻ cái cơn vật vã của các bác với công cuộc “trồng người” này.
Thứ nhất: trước hết nếu đồng ý với những lý sự này của cháu, rằng cái lối đúc người bao năm nay là nguyên nhân đem đến nhiều thói tật tệ hại, ăn vào máu mấy thế hệ, vào mọi ngõ ngách của cuộc sống, dưới đủ mọi hình thức, mức độ, giờ thay đổi là vô cùng khó, vướng víu nhằng nhịt với cả thiết chế xã hội, thì các bác hẵng đọc tiếp.
Thứ hai: các bác đừng sợ là “trồng người” theo kiểu Tây thì sinh ra những loại người-thật là sẽ “khó bảo”, hay “chống đối”, là mình “mất chế độ”. Nghĩ thế là các bác không tin tưởng vào đường lối đổi mới của “trên” rồi. Còn cứ sợ bóng sợ vía, lại cả nuối tiếc cuộc sống phè phỡn với bọn giặc nội xâm, rồi đâm ra nhùng nhằng, giả vờ cải cách, chẳng kiểu nào ra kiểu nào, dở Tây dở ta chẳng những tốn kém vô cùng, mà còn đúc ra thêm những người-máy quái dị nữa thì càng gay. (Thí dụ chả đâu xa, cái bác quản đốc xưởng đúc vừa về hưu ấy, rất tỉnh, biết tỏng là mình cũng dạng người-máy, nên xin tiền nhà máy để sang Tây cho nó “trồng” lại mình thành người-thật, chả biết để về mà làm gì. Thế là sinh chuyện dở mếu dở cười). Với lại cháu đọc sách mới biết là cách nay cũng gần trăm năm rồi, các cụ tiền bối mà ta tưởng là cổ hủ đã từng khuyên là phải học Tây, Nhật cái cách “trồng người” chứ có phải không đâu. Khi nước mình còn nô lệ, có cụ còn bỏ tiền túi ra đưa khối mầm non sang Nhật cho họ “trồng” hộ, đến lúc vừa độc lập mình còn mời nhiều vị được Tây thực dân nó “trồng” về giúp đất nước giỏi phết. Chưa hết, nhiều vị còn tranh thủ học Tây tại chỗ nữa, nên trội hơn hẳn, mới được tôn lên cầm đầu cách mạng. Thế là một phần nhờ những vị này, được học Tây, Tây học mà nên người-thật, để sau đó ta cướp lại được chế độ lần nữa chứ nào có mất mát (chế độ) gì đâu.
Có điều hình như nhiều bác cũng vẫn đinh ninh, là lối đúc người này của ta lâu nay, chính là học theo “Tây” từ lâu rồi, nên cứ yên trí vậy mà theo. Nhưng các bác hơi bị nhầm. “Tây” mà ta học theo ở đây thực ra là Tây-đông, tức là nước Liên-xô, thành trì XHCN đã sụp đổ mười mấy năm nay rồi. Mà bố này sụp đổ thì ta còn chạy theo học làm gì nữa, có mà học cái bóng ma! Hay là các bác cũng muốn…?
Thứ ba: khi đã “quán triệt” hết rồi (tức là phải cả ban giám đốc nhà máy, nhiều phân xưởng cũng chịu cắn răng mà theo), thì ta phải tìm ra tất tật những biểu hiện của lối đúc người theo kiểu cũ, mà cháu mới đưa ra được có vài ví dụ ở trên thôi. Tìm quyết liệt như truy nã tội phạm ấy. Phải nhấn mạnh là nó nhiều vô cùng vô tận, chọc sâu cắm rễ cực chắc vào toàn bộ đời sống xã hội, các ban ngành đoàn thể, tác động khủng khiếp tới cái công cuộc “trồng người”. Từ những ngôn ngữ cửa miệng (ví dụ ngay như cái từ “quán triệt” cháu quen mồm mà vừa dùng ấy, cũng nên bớt đi), chữ nghĩa trên sách, báo, diễn văn, bài học, khẩu hiệu, giọng điệu nói năng hàng ngày kêu cứ choang choang (như trên vô tuyến cứ ra rả “Mỗi người tốt, mỗi việc tốt là một bông hoa đẹp. Cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp”, e là thứ hoa sớm nở tối tàn, nên bỏ dần)… cho đến tác phong, thái độ, hành động cư xử giữa con người với nhau, đâu đâu cũng thấy tràn ngập cái lối đúc người lồ lộ. Tiếp đến là các danh hiệu này nọ thôi thì nhiều vô thiên ủng, các đoàn thể gọi là “quốc doanh” với những bộ máy khổng lồ. Hai thứ này mấy chục năm nay tham gia vào cái công cuộc đúc người vô cùng đắc lực. Tạm gọi các đoàn thể này nó như những phân xưởng đánh bóng, mạ kền cho sản phẩm đúc. Còn những danh hiệu này nọ lại như cái nhãn mác “hàng Việt Nam chất lượng cao”… Tất cả nó đi vào luôn chuyện dạy dỗ, nhìn nhận, đánh giá con người, không theo kiểu “trồng”, mà là “đúc.”
Thứ tư: khi tìm ra hết rồi, giờ mới đến cái thực sự được gọi là “tuyên chiến”. Đó là tuyên chiến với cái bệnh hoạn này trong toàn xã hội, chứ không phải chỉ riêng trong cái ngành đúc người của các bác. Mà tuyên chiến là rất nghiêm trọng rồi (như kiểu chiến tranh giữa hai nước), thì phải lập tức đưa ngay vào hệ thống luật pháp. Phải sửa luật giáo dục, luật báo chí, luật thi đua khen thưởng (nên cho luật này teo dần), luật dân sự (cả luật nhà giáo, luật về hội mà các bác đang tính làm nữa) v.v…, để có biện pháp áp chế từ kỷ luật cho tới phạt tiền, bỏ tù những ai mắc cái căn bệnh đúc người theo lối cũ. Sửa lại, thay thế hết những sách, báo, văn bản rặt những ngôn ngữ kiểu đúc người.
Có luật rồi thì phải có cái bộ máy nó chấp hành luật này. Vậy là cái tòa án để xét xử phải được coi trọng, được độc lập, phát triển mạnh vào, để cho phép học trò nó kiện cả nhà trường nếu vi phạm, chứ đừng coi đó là hỗn. Vì ta cứ hô chế độ ta dân chủ gấp triệu lần chế độ cũ thì phải chứng tỏ ra chứ.
Có hai cái này rồi, giờ nếu bố bộ trưởng nào mà có bằng tiến sĩ theo kiểu “học giả bằng thật”, nhân viên nó kiện ra tòa là mất chức như chơi. Trẻ con nó nhìn vào đó mà hãi, không dám học kiểu lếu láo nữa. Thầy cô mà lại đi hành hạ, đấm đá, cưỡng bức học trò, dạy kiểu “đọc-chép”, “làm bài văn mẫu”, “lớp mẫu”, “giờ dạy mẫu”, không chịu khích lệ tự học, tranh luận là nó cũng kiện ra tòa luôn. Quan tòa nào mà kiếm cớ không xử thì cũng bị… ra tòa luôn. Bố nào mà quen mồm, đọc diễn văn toàn kiểu “thành công rực rỡ”, “phấn khởi thi đua”, “đồng tâm nhất trí” là phạt tiền luôn, thậm chí đưa ngay vào trường để được “trồng” lại theo chương trình mới. Có thể lúc đầu thì các bác chưa quen, dễ bị ăn phạt, phải châm chước tí chút, nhưng rồi dần dần sẽ quen thôi, là ổn.
Nhưng có lẽ các bác lại bảo “phạt lắm thế, mà lương thì ba cọc ba đồng, lấy đâu mà nộp?” Ấy là cái chuyện xã hội hóa giáo dục, y tế. Khởi thủy là do các bác cứ cố, cứ vội mà chứng tỏ chế độ ta ưu việt hơn bọn Tây tư bản, vì sợ không làm nhanh thì lại “mất chế độ”, nên chơi kiểu “nhà nước lo tất”; rồi lại sợ thả ra cho tư nhân thì lại chả phổ cập được cái công nghệ đúc người, lo nó trồng người kiểu tư bản thì mình cũng “mất chế độ”. Khốn nạn là nhà nước giờ đang còn nghèo lấy đâu ra tiền mà “lo tất”. Báo hại vô cùng, “ôm tất” rồi chả còn tiền mà trả lương cho các bác để có ngày nộp phạt. Nhưng giờ bỏ kiểu đúc này rồi, mà chuyển sang trồng người hẳn hoi, thì phải nhanh chóng cho phát triển tư nhân để họ gánh đỡ cho nhà nước chứ gì nữa. Còn sợ “mất chế độ” á? Cứ sợ thế nên mới mất lòng tin, mất nhân tài, tài nguyên… thậm chí mất cả thể diện quốc gia, rồi có ngày mới mất chế độ vào tay bọn giặc nội xâm thật ấy chứ.
Nhưng cũng phải đề phòng khả năng các vị lập pháp lại không đồng lòng sửa những luật này, vì thực tình trong ngót 500 vị, thể nào cũng không thiếu những vị chịu ơn nghĩa cái lối đúc người cũ. Vậy chỉ còn cách nữa là ông chủ tịch nước ra cái sắc lệnh, bao quát hết luôn, chiếu vào đó mà thực hiện thôi.
Song song với luật (sắc lệnh) và tòa là phải có cái bộ máy để tẩy não cho người-máy, tức là tuyên truyền. Mà những bộ máy này cũng phải được quản chặt bằng luật, nếu lơ-tơ-mơ tuyên truyền theo kiểu cũ là cũng phạt. Nhất là phải cho các vị này đi học, tự học, tự đọc tử tế mà thấm nhuần, biết chọn lọc trong những giáo lý Phật, Lão, Khổng đẹp đẽ cao quý từ ngàn đời cả thế giới người ta kính nể, rồi đưa vào cuộc sống, vào nhà trường, chứ cứ để các vị “tự biên tự diễn” chế ra những lời dạy, khẩu hiệu của mình mà bắt người ta tin như là của thánh hiền bao năm nay là nguy hiểm vô cùng.
Còn chuyện nan giải nữa là những thợ đúc, đông đúc như thế mà thay đổi để họ đều biết cách trồng trọt là khó lắm. Phải đưa họ đi trồng lại thôi. Ai lo chuyện này? Đành giật gấu vá vai vậy. Đó là những thợ đúc trông đỡ giống người-máy nhất, nói trắng ra đó mới thực sự là thành phần ưu tú. Thêm nữa là khi đỡ lo “mất chế độ” rồi thì phải mạnh dạn mà thuê thợ trồng trọt bên Tây, nhất là số anh chị em định cư bên ấy thuộc diện gọi là “một bộ phận của dân tộc” về để cùng mở lớp. Ta cứ lặng lẽ mà làm thôi, đừng hô hoán là “đẳng cấp quốc tế” này nọ như lâu nay, chả lại bị phạt. Có tốn kém, thiếu kinh phí thì cứ cắt bớt ngân sách của mấy cái phân xưởng đánh bóng, mạ kền đi cũng tạm ổn, vì số này ngốn tiền là hơi bị kinh.
Thế là “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”, tuyên chiến với một thứ giặc giã mới từ nhà trường cho tới xã hội – giặc gian dối, giả dối, háo danh hão, hám thành tích cuội, u mê, đớn hèn… rồi sinh ra tham nhũng.
Nhưng cũng còn nhiều biện pháp lắm, chứ chả phải làm qua quít mà xong đâu, cháu cứ nôm na tạm vậy đã, để phần cho các chuyên gia của các bác lo tiếp.
Cháu xin hết và cũng xin các bác bỏ quá nếu cháu ăn nói có hàm hồ, hỗn xược, vì cháu vẫn còn non nớt như đã thưa ngay từ đầu.
Kính chúc các bác khỏe, luôn tỉnh táo để khỏi bị cái máy đúc nó nuốt chửng mất sự nghiệp.
Nguyễn Hữu Vinh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét