Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

11 thg 7, 2010

BÁN TRỤ SỞ UBND THÀNH PHỐ THAY VÌ TĂNG HỌC PHÍ…

Vnexpress vừa đưa tin:”Một trong những nội dung bàn thảo ở kỳ họp HĐND giữa năm của Hà Nội vào tuần tới là nghị quyết thu, sử dụng học phí ở trường học phổ thông công lập. Trong đó, mức tăng đối với học sinh ở nội thành lên tới 4-5 lần…”

Đọc xong đoạn tin này Hai Xe Ôm tôi tự nhiên thân thấy cứ bần thần cả người. Không phải vì Hai Xe Ôm đang có con đang ở độ tuổi đi học nên phải sờ nắn túi mình. Theo Hai Xe Ôm thì đây là một chủ trương, một sự tính toán không lấy gì làm thông minh, không kinh tế, không xã hội chủ nghĩa một tẹo nào hết của các cơ quan công quyền Hà Nội, do vậy nên không hợp lòng dân.

Không nhẽ Hà Nội đang bí bách về tiền đến mức phải tính chuyện tăng học phí mà lại tăng đến 4-5 lần trong dịp kỷ niệm Đại lễ 1000 năm Thăng Long mới kinh; Đây là hành động nâng cao dân trí hay bóp nghẹt dân trí ? Hay do sau vụ Vinashin, Chính phủ không còn đủ tiền cấp cho hoạt động giáo dục Hà Nội nên phải tìm cách tăng học phí, moi của người nghèo để bù vào?

Miễn giảm học phí là một trong những miếng “đầu đày” hiếm hoi cuối cùng của cái cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tại nhiều nước, người ta không định hướng xã hội chủ nghĩa, nhưng chính phủ đã miễn giảm học phí lên tận đại học, thậm chí còn có thêm học bổng cho những học sinh học giỏi, xuất sắc để khuyến khích tài năng, khuyến khích chuyện học hành.Rất nhiều lần tại các hội nghị lớn vẫn thấy giương các khẩu hiệu: Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai…


Đầu tư cho giáo dục thực chất là đầu tư cho con người, đầu tư cho số đông tầng lớp có thu nhập thấp trong xã hội.
Hà Nội đã tính được hệ lụy nếu tăng học phí lên 4-5 lần thì bao học sinh con nhà nghèo phải bỏ học chưa? Trong khi đó thì Hà Nội có tiền mua xe 5 tỷ cho Thị trưởng đi, có tiền làm cổng chào tới 50 tỷ, Hà Nội có tiền lát lại vỉa hè tuy chưa đến nỗi hỏng, Hà Nội có tiền mua sơn đi sơn trả cả thành phố; Hà Nội đổ ra bao nhiêu tiền đầu tư cho những công trình chẳng mấy thiết thực tỷ như đầu tư cho nhiều băng rôn, khẩu hiệu cho các tờ báo in ra phát không mà không ai đọc... Trong khi huyếnh lên không tiếc tiền cho các dự án đó, nhưng đối với giáo dục lại kêu thiếu tiền nên bàn cách tăng học phí?

Nếu quả thật Hà Nội đang bí bách về tiền cho ngành giáo dục, Hai Xe Ôm xin đề xuất một sáng kiến sau đây để gỡ bí.
Theo Hai Xe Ôm thì UBND thành phố Hà Nội nên bán cái trụ sở của mình tại Bờ Hồ, lô đất đó theo Hai Xe Ôm chắc cũng trên 10.000 m2. Lô đất này nếu đem bán cũng phải được trên 10.000 tỷ đồng, số tiền này đủ trang trải cho ngành giáo dục để khỏi tăng học phí trong dăm năm. Nếu bán trụ sở UBND thành phố Hà Nội thì sẽ được mấy cái lợi sau đây:

-Được lòng dân, dân sẽ không phải tăng tiền học phí sẽ biết ơn các cấp chính quyền thành phố Hà Nội, dám nghĩ tới dân bằng những việc làm thiết thực;

- Bán trụ sở đi, UBND thành phố Hà Nội di dời ra đâu đó ví như lên Ba Vì chẳng hạn thì vừa dãn được số người hàng ngày vào trung tam thủ đô. Còn UBND thành phố Hà Nội đi dời về đâu chẳng được: Bần cư bình địa vô nhân đáo; Phú tại sơn lâm hữu khách tầm…

Trích ra độ 100 tỷ trong số tiền bán đất để xây trụ sở mới mua ôtô đưa đón cán bộ đi làm thì có ảnh hưởng gì đâu; Trụ sở UBND thành phố Hà Nội mà đóng ở bờ hồ Hoàn Kiếm là không kinh tế đứng về góc độ tận sử dụng thửa đất vàng này.

Hiện nay rât nhiều bà con ở quê do thiều tiền cho con ăn học đã phải bán bớt nhà đất đi để lấy tiền cho con và đều được khen ngợi. Con cái mang cái ơn sâu nghĩa nặng này làm sao mà không gắng sức học tập để đền đáp.

Nếu UBND thành phố Hà Nội bán các trụ sở của mình ở Bờ Hồ để thay cho việc tăng học phí, biết đâu lại trở thành nghĩa cử khiến cho thanh thiếu niên Hà Nội ngoan hẳn lên, chăm học hẳn lên giống như các cu cậu nhà nghèo ở quê được bố mẹ bán vườn đi đấy lấy tiền cho ra thành phố học.

Tấm gương bán trụ sở của UBND thành phố Hà Nội thay cho tăng học phí, biết đâu lại lại được nhiều tỉnh thành trong cả nước noi theo: chính quyền các tỉnh thi đua bán trụ sở để trang trải tiền học phí và chu cấp cho con em ăn học, để tạo nên một phong trào khuyến học, khuyến tài trong cả nước.

Biết đâu do phong trào bán trụ sở chính quyền để giảm tiền học phí cho học sinh này lan rộng, Thị trưởng Hà Nội sẽ trở thành điển hình khuyến học, được phong anh hùng, được khắc vào bia đá trong Văn Miếu Quốc Tử giám cũng nên…

Cứ mỗi lần gần hết tiền chi cho ngành giáo dục, các vị cứ bán đi một lô đất, đất Hà Nội bây giờ rộng mênh mông đâu có thiếu. Nếu Hà Nội giải quyết theo hướng này thì dân sẽ vỗ tay vì, nếu thành phố không bán đất thì dân phải bán cái gì đó mới có tiền đóng học phí…Thành phố bán đất để đầu tư cho giáo dục sẽ được dân hoan nghênh, ngược lại vì tăng học phí mà dân phải bán đi cái gì đó cho con ăn học thì dân sẽ oán chính quyền !

Chỉ xin lưu ý các vị nếu có bán đất để lấy tiền trang trải cho ngành giáo dục thì có thể bán cho bất kỳ ai, công khai và theo hình thức đấu thầu…kể cả các nhà đầu tư nước ngoài cũng chấp nhận trừ Trung Quốc.
Còn như các vị lại bắt dân nghèo bán nhà, bán cửa, bán đất bán vườn để có tiền học phí thì tội cho họ lắm.

Bởi theo ông Nguyễn Đức Toàn, Trưởng ban Văn hoá xã hội - HĐND Hà Nội, cho báo chí biết trong chiều 8/7/2010, trong phương án tăng học phí ở các bậc học mà UBND thành phố đề xuất mức tăng cao nhất lên tới 500%.
Cụ thể, mỗi tháng mức học phí mới dự kiến cho mẫu giáo ở nội thành là 165.000 đồng; tại nông thôn, có 2 mức 30.000 hoặc 50.000 đồng tùy thuộc vào bố mẹ làm nông nghiệp hoặc ngành nghề khác. Bậc nhà trẻ, các mức thu tương ứng là 175.000 đồng, 35.000 đồng hoặc 70.000 đồng.
Ở bậc THCS, có các mức tương ứng 100.000 đồng 30.000 đồng hoặc 50.000 đồng. Bậc THPT là 120.000 đồng, 35.000 đồng hoặc 55.000 đồng.
Thưa với quý ông, khoản tiền trên đối với số đông bà con Hà Nội là không nhỏ?!
Do vậy, Hai Xe Ôm xin đề xuất sáng kiến nhỏ nhưng ý nghĩa lớn. Nếu bà con nào ủng hộ sáng kiến này thì cũng nên lên tiếng! Rất mong chính quyền Hà Nội suy xét, tiếp thu sáng kiến này và làm theo !

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét