Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

16 thg 7, 2010

Bồ tát hiện hình và một công dân hèn nhát

"Đến hẹn lại lên", Phát ngôn và Hành động tuần này là mối trăn trở buồn vui của một công dân tự thú rằng mình là kẻ hèn nhát; chuyện một cụ bà bán vé số 78 tuổi bỏ tiền túi nuôi sinh viên; chuyện về tình trạng úng ngập khiến nhân dân lo Đại lễ ngàn năm Thăng Long bị ướt....

Những "ngôi sao" bằng... bùn
"Ngôi sao điện ảnh triển vọng" Vũ Lâm tố đạo diễn Thanh Quỳnh (Nguyễn Văn Khoa) bán giải với giá 200.000 triệu đồng. Liền ngay đó, đạo diễn Thanh Quỳnh công bố băng ghi âm với nội dung "sao" Vũ Lâm gạ đạo diễn cùng nhau tạo scandal để cùng nổi tiếng.
Rồi mới đây, "sao" Vũ Hạnh Nguyên lên truyền thông khẳng định cái túi của mình mới là túi thứ thiệt và là sản phẩm duy nhất của một hãng thời trang bán về Việt Nam.
Chỉ mấy câu chuyện đó, chúng ta đã hiểu văn hóa của "sao" nước Việt là thế nào. Thế mà mấy "sao" Việt kiểu này thường xuyên xuất hiện trên nhiều phương tiện truyền thông nói những điều to tát về nghệ thuật và sự sáng tạo. Không biết, với những thứ rởm đời như vậy thì họ sáng tạo ra cái gì?

Phải thú thực, những "sao" Việt được trời phú cho một ít nhan sắc. Thế rồi qua mấy cái phim truyền hình vô bổ và nhạt nhẽo, qua mấy sàn catwalk hài hước và vụng về, qua mấy bài hát với cái giọng cao hơn karaoke một chút...bỗng vụt thành "sao". Khi thành "sao" rồi, họ ngày một lộ ra sự hiểu biết nông cạn, thói hợm hĩnh và ngốc nghếch đến thương hại.


Vũ Lâm, Ảnh Thanh Niên

Họ không gì hơn là những ngôi "sao" làm bằng bùn. Nhưng lạ thay, khi báo chí phê phán họ thì họ lại lu loa lên rằng bị moi móc đời tư. Lạ hơn nữa là có những người quản lý văn hóa cũng nói như vậy. Thật chẳng ra khoai ra ngô gì cả!

Nhưng nếu nhìn rộng ra, chúng ta lại thông cảm một phần cho các "sao" ấy. Vì có không ít những người mang danh trí thức hay văn nghệ sỹ còn bi thảm hơn thế. Bi thảm hơn và tội nghiệp hơn vì những người này được học hành và có bằng cấp cao nhưng suốt ngày chỉ lo vun vén cho bản thân và tìm cách đánh bóng những cái tên cũ mòn và tội nghiệp của mình.

Nhưng tóm lại họ cũng lại được thông cảm một chút cho dù ít hơn những "sao" nói trên. Vì lâu nay, chúng ta đã tôn vinh nhiều giá trị giả trong xã hội. Lâu nay, không ít cơ quan có thẩm quyền xác lập các giá trị văn hóa ở nước ta đã không vì những giá trị thật. Chuyện mua bán những danh hiệu này, giải thưởng nọ càng ngày càng trở nên trơ trẽn. Việc đặt tiến sỹ này, nghệ sỹ nọ, nhà văn kia...vào các vị trí không đúng với tài năng và nhân cách của họ. Chính vì thế mà đời sống văn hóa và những giá trị của sáng tạo nghệ thuật bây giờ mới nên nông nỗi này.

Tuy nhiên, cuối cùng thì những giá trị thật phải được đặt đúng vị trí của nó. Nhưng để làm được như vậy, chúng ta sẽ phải đi một chặng đường dài, rất dài vì những giá trị bị đánh tráo quá lâu đã phá vỡ nền tảng văn hóa của đất nước. Và những ai trực tiếp hay gián tiếp làm cho những giá trị giả lên ngôi là những kẻ có tội với đất nước này.

Một công dân hèn nhát
Thông báo của Ủy ban Kiểm tra TƯ có trích đoạn trong một bài báo tuần này như sau: "Thời gian qua có nhiều tin nhắn tố cáo gửi qua điện thoại di động đến các lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo UB Kiểm tra các cấp. UBKTTƯ đề nghị các cá nhân chấm dứt tình trạng trên và thực hiện việc tố cáo, khiếu nại theo đúng quy định của pháp luật, không xem xét các tin nhắn vì không có giá trị pháp lý trong Luật khiếu nại, tố cáo".

Sự thật trong thông báo trên là đúng. Nhưng sau sự thật đó có một sự thật đau lòng khác. Đó là sự thật gì? Xin thưa: sự thật về nỗi sợ hãi của những người muốn đấu tranh chống tiêu cực trong xã hội ta.

Chính Trực Ngôn tôi đã có lần tiếp xúc với đồng chí Vũ Quốc Hùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Ban Kiểm tra Trung Ương cách đây khoảng 10 năm về ông thủ trưởng cơ quan cũ của tôi vì ông thủ trưởng này có nhiều đơn tố cáo trù úm cấp dưới và những chuyện nhập nhằng khác. Tôi rất kính trọng ông Hùng và tin ông ấy. Trước khi làm việc, ông Hùng nói với tôi: "Đồng chí cứ nói hết sự thật. Tôi hứa danh dự sẽ giữ kín những gì đồng chí nói".

Nhưng thương thay, cho dù được một người đứng đắn và có quyền lực khuyến khích lên tiếng về sự thật nhưng tôi cũng không dám nói gì. Tôi không những không dám nói ra sự thật mà còn bóp méo sự thật. Đó là tôi đã nói một vài điều tốt đẹp về ông thủ trưởng kia mà ông chẳng có. Tôi là kẻ nói dối.

Hơn thế, tôi là một công dân hèn nhát. Quả thật lúc đó tôi vô cùng sợ hãi ông thủ trưởng của tôi. Nếu ông ta biết được tôi nói sự thật về ông ta thì tôi sẽ bị "giết" bằng những cách ngọt ngào và hợp lý. Chuyện này thì quá phổ biến trong xã hội ta.
Thế nên, có nhiều người biết sự thật nhưng mấy ai dám công khai danh tính để nói lên sự thật đó.

Việc gửi thư nặc danh hay nhắn tin tố cáo ai đó theo luật pháp là không có giá trị. Nhưng Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương hãy hiểu cho người dân chúng tôi rằng: chúng tôi không thể lên tiếng về sự thật rồi sau đó "sống dở chết dở" ở chính nơi mình lên tiếng. Hoặc nếu may mắn, chúng tôi có thể không bị khổ sở thì sự thật mà người dân chúng tôi lên tiếng cũng lặng lẽ chìm vào im lặng. Nghĩa là xét cả hai phía đều là vô ích. Lợi cho xã hội cũng không mà hại cho cá nhân người lên tiếng là cầm chắc.

Cũng như trong trường hợp tôi nói trên, sau khi ông Hùng đi rồi thì ai sẽ bảo vệ "nhân chứng" là tôi đây. Ông thủ trưởng của tôi ngày ngày ở trên tôi còn ông Hùng từ đó đến nay tôi cũng không gặp lại. Đoạn đường từ Uỷ ban Kiểm tra Trung Ương đến cơ quan tôi hay đến những tỉnh, những huyện xa xôi khác chi đường từ Thiên đình xuống Hạ giới. Bởi thế, người lên tiếng tố cáo những lãnh đạo sai phạm ở cơ quan hay địa phương mình đã nhận ra bài học "xương máu" là " tránh voi chẳng xấu mặt nào".

Chính vì điều đó làm tinh thần đấu tranh cho lẽ phải và những điều tốt đẹp vô tình và gián tiếp bị thủ tiêu. Còn nếu không chịu đựng được sự sai trái, lộng hành... của lãnh đạo cơ quan mình hay địa phương mình thì hoặc là im lặng trong u buồn hoặc viết một lá thư nặc danh hay một tin nhắn đầy tuyệt vọng.

Cho nên, để những người dân chúng tôi không phải "lén lút" trong sợ hãi nhắn tin tố cáo rồi vứt sim đi hoặc đóng cửa buồng, che đèn viết thư tố cáo mà không dám ký tên rồi nhờ người khác đi gửi thư hộ thì những người lãnh đạo phải làm cho người dân chúng tôi thực sự tin rằng: đấu tranh cho lẽ phải là nhân cách của cả xã hội mà các đảng viên, các cán bộ có quyền chức luôn luôn đi đầu bằng hành động chứ không phải bằng lời nói. Vì người dân chúng tôi đã quá thấm nhuần, quá thuộc lòng lời nói của các đồng chí rồi.
Xin cám ơn các đồng chí!

Xin chào vĩnh biệt 5 cổng chào
Khi chỉ còn khoảng ba tháng nữa là bắt đầu đại lễ 1000 năm Thăng Long thì đột nhiên có quyết định xây 5 cổng chào.
Nhưng rồi khi chỉ còn hơn hai tháng nữa thì lại có quyết định đột ngột dừng xây 5 cổng chào. Trước đó còn có những quyết định đột ngột giảm từ 5 cổng xuống còn 4 cổng, đột ngột thay đổi thiết kế...
Những cú "tăng tốc" các dự án cũng như "quay ngoắt" và "phanh gấp" các dự án như thế làm cho người dân chóng mặt không thể nào xác định được những gì đang diễn ra quanh mình.
Biết bao cái "không ra sao" liên quan đến 5 cổng chào đã được các chuyên gia, báo chí bàn đến khá nhiều rồi. Việc tiếp tục xây 5 cổng chào hay dừng xây 5 cổng chào thực sự cũng chưa phải là những gì quá nguy hiểm. Nhưng cách làm ăn của cái thời được gọi là "công nghiệp hoá, hiện đại hoá" của chúng ta thì quả là nguy hiểm.

Nguy hiểm bởi lối làm ăn không có kế hoạch. Chúng ta biết rằng, một dự án siêu lớn như đại lễ 1000 năm Thăng Long mà thấy một sự làm ăn nhiều ngẫu hứng. Đùng đùng lát đá xanh quanh Bờ Hồ rồi đùng đùng bóc đi.
Cho đến thời điểm này, người dân chẳng thể nào hình dung nổi Hà Nội sẽ giống cái gì khi bắt đầu đại lễ. Lẽ ra, mọi công việc đã hoàn thiện và lúc này chỉ còn lại việc chuẩn bị "rượu và hoa" thôi.

Một trong những mẫu cổng chào dịp Đại lễ, Ảnh ST

Hà Nội bây giờ giống như một gia đình có cỗ khi khách mời đã lục tục kéo đến thì mâm vẫn chẳng thấy mâm, bát vẫn không thấy bát và bếp vẫn còn chưa có củi để nhóm lên nấu nướng... Hơn nữa, việc chỉnh trang Hà Nội như chọn "điểm rơi phong độ" vào đúng mùa mưa. Thế là bao nhiêu đoạn hè, đường vừa mới sửa sang lại bị mưa ngập phá hỏng. Nói chung là cứ loạn tít mù cả lên.

Nguy hiểm bởi tư duy cho những dự án lớn quá ư là hời hợt. Ví dụ chuyển Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì, lát hè đường, xây cổng chào... Qua những dự án này thấy tư duy chiến lược của chúng ta không có nền tảng và rất mơ hồ.

Có người có trách nhiệm nói rằng dừng cổng chào vì có người đồng ý và có người không đồng ý. Nói thế chưa chính xác. Phải nói là việc dựng 5 cổng chào như dự định ban đầu là thất sách. Những ai bảo vệ việc dựng 5 cổng chào như thế là "cố đấm ăn xôi", là bảo thủ, là thiếu tư duy... Chúng ta cứ nói thẳng với nhau như thế cho mau tiến bộ. Chính vì tư duy về 5 cái cổng chào như thế mà chúng ta tốn phí bao nhiêu công sức và thời gian để... dừng nó lại.

Bây giờ thì người dân thở phào và cúi đầu chào tạm biệt 5 cổng chào. Tạm biệt thôi, vì biết đâu ngày mai lại nghe nói có quyết định phải dựng 5 cổng chào này thì... ngượng lắm nếu bây giờ chúng ta vội chào vĩnh biệt. Nhưng cho dù ngượng đến đâu thì cá nhân tôi cũng rất muốn cất lời: Xin vĩnh biệt 5 cổng chào. Đấy chỉ là chuyện của cá nhân tôi đấy nhé.

Sẽ có cảnh Rồng... bơi trong đại lễ 1000 năm ???
Tháng 10 năm 2008, hai năm về trước, Hà Nội và Hà Đông (thuộc Hà Tây cũ) ngập chìm trong nước như một cơn tiểu hồng thủy.

Có hàng trăm bài báo viết về những ngày lụt ấy. Có biết bao cuộc họp rút kinh nghiệm về hệ thống thoát nước của thủ đô yêu dấu. Những tưởng những cơn mưa như thế chẳng bao giờ thống trị nổi Hà Nội của chúng ta. Nhưng chỉ mới gần 2 tiếng đồng hồ của một trận mưa chưa nói là quá lớn đã nhấn chìm bao đường phố thủ đô.
Cảnh Hà Nội trong trận lụt tháng 10 năm 2008, Ảnh Lê Anh Dũng
Cơn mưa ngày 13 tháng 7 vừa qua làm cho đợt nóng kinh khủng dịu đi nhiều. Nhưng sự bức bối và lo lắng của người dân lại tăng lên trên 50 độ C. Lo lắng mất điện, lại lo lắng bị điện giật chết, lo lắng bệnh tật sinh ra do úng lụt, lo lắng nhiều sinh hoạt và công việc bị ngưng trệ...Trong sự lo lắng ấy có một nỗi lo về những ngày Đại lễ 1000 năm Thăng Long.

Hầu hết người dân mấy ngày nay bàn tán rằng liệu tháng Mười năm nay, khi mà Đại lễ 1000 năm bắt đầu mà có cơn nữa đổ xuống thì sự thể sẽ như thế nào? Chắc chắn là có một Đại lễ 1000 năm trên nước bởi vì cả hai năm rồi mà hệ thống thoát nước của Hà Nội hình như chẳng được cải thiện chút nào.

Bạn tôi là một nghệ sỹ rối nước liền tưởng tượng ra một sân khấu rối nước khổng lồ và những người dân cùng ô tô, xe máy, xe đạp, xe đẩy, xe nôi... sẽ biến thành các nhân vật và các đạo cụ của rối nước.
Trong sân khấu rối nước truyền thống của Việt Nam không có những tích buồn. Mọi chuyện đều vui vầy, trâu húc nhau cũng vui, cáo bắt vịt cũng vui, người bắt cá cũng vui... Nhưng trong vở rối nước thời hiện đại mà người dân thủ đô là những diễn viên thì tích diễn lại buồn.

Có người hài hước nói cứ với hệ thống thoát nước như thế này mà tháng Mười tới có mưa thì lễ khai mạc Đại lễ 1000 năm Thăng Long sẽ có cảnh Rồng bơi... trên phố thay cho cảnh Rồng bay. Câu chuyện đùa mà là lời cảnh báo thật.

Một số người có trách nhiệm trong cái việc thoát nước phát biểu là cứ yên tâm không sợ gì mưa. Nhưng yên tâm là yên tâm thế nào? Hai năm trước người dân đã được nghe chữ "yên tâm" nhiều lắm rồi mà đến bây giờ khi mưa xuống chẳng thấy "yên tâm" đâu mà chỉ thấy... "loạn tâm".

Bồ tát hiện hình ở Đà Nẵng
Một cụ già 78 tuổi bán sổ số. Ta nhắc lại là bán sổ số chứ không làm to như ông Tô ở Hà Giang hay bà Cúc ở Tiền Giang hoặc ông Bình Vinashin. Cụ có tên là Hoàng Thị Hồng sống ở thành phố Đà Nẵng.
Trong suốt 5 năm nay, cụ bỏ tiền của mình ra để lo chỗ ăn, chỗ ở cho những thí sinh nghèo về Đà Nẵng dự thi. Nguyên nhân gì đã khiến cụ làm như vậy? Ta xin trả lời ngắn gọn: Vì cụ có một tấm lòng nhân ái bao la.

Cụ Hoàng Thị Hồng, Ảnh danang.gov.vn

Có lẽ chưa một người nào sống cạnh cụ nghe được cụ giảng giải đạo đức cho người khác. Nhưng trái tim cụ lại chứa đầy tình thương yêu con người bởi chính những hành động cụ thể vì con người của cụ. Hơn nữa, nếu cụ là một người quá nhiều tiền thì chuyện này lại khác. Cụ chẳng có tài sản gì trong tay ngoài những đồng tiền mồ hôi nước mắt. Cụ đâu có đất này, đất khác, cụ đâu có nhà này, nhà nọ, cụ chẳng được ai hối lộ hay đút lót bao giờ. Nhưng nhân cách cụ đứng trên đầu bao kẻ tên tuổi.

Xã hội xúc động về cụ bao nhiêu lại đau đớn bấy nhiều về những kẻ đã cướp đi hàng nghìn tỉ của nhân dân, của Nhà nước. Xã hội kính trọng nhân cách của cụ bao nhiêu lại khinh bỉ bấy nhiêu những kẻ vô nhân cách khác, những kẻ vì lợi ích của cá nhân mình, của gia đình mình, của phe nhóm mình mà gây ra bao thiệt thòi, bất hạnh cho người lao động. Còn lúc này, từ một nơi rất xa Đà Nẵng, ta cúi đầu trước cụ - cụ Hoàng Thị Hồng. Cụ là hiện thân của đức tính đẹp đẽ của con người Việt Nam, cụ là một Ví Dụ đầy tự hào và cũng đầy cay đắng về nhân cách của một xã hội, cụ quả là một vị Bồ tát hiện hình.
Ta đã dùng những từ ngữ như vậy để nói về cụ. Nhưng những lời lẽ đó đã trở nên thật phù phiếm trước lòng nhân ái và nhân cách sống của một con người như cụ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét