Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

18 thg 5, 2010

Câu chuyện về 15.000 đồng…bạc!


Mười lăm ngàn ở đây là 15.000 đồng Việt Nam, nghĩa là 15.000 tiền thật chứ không phải là tiền giả hoặc tiền âm phủ. Nhưng câu chuyện tôi kể dưới đây phải dùng tên gọi 15.000 đồng ấy là 15.000 đồng… bạc mới đúng. Bởi vì, cũng là tiền nhưng nhiều khi đi liền với bạc. Cung cách ứng xử của những người giữ tiền trong câu chuyện liên quan đến số tiền nhỏ nhoi này phải nói là…bạc mới đúng!

Vừa qua, trong khi dọn dẹp nhà cửa, bà lão Đầu Gối, vợ tôi tìm được một tờ Công trái mua cách đây gần 30 năm, từ trước khi đổi tiền, vào năm 1985 của thế kỷ trước thì phải. Số tiền mua Công trái lúc đó là 100 đồng (một trăm đồng), thời hạn mười năm.


Sáng ngày 12-5-2010, bà lão Đầu Gối giục tôi mang tờ Công trái này đến Kho bạc Hà Nội để hỏi xem còn giá trị thanh toán hay không? Tôi đến trụ sở của Kho bạc trên đường Trần Quang Khải được mấy cô nhân viên ở đây cho biết tờ Công trái đó vẫn còn giá trị thanh toán, được 15.000 đồng (nười lăm nghìn đồng) nhưng yêu cầu tôi phải ghi tên, địa chỉ và ký xác nhận theo quy định mới được thanh toán.

Tôi thật sự bất ngờ và bất bình trước yêu cầu trên đây của Kho bạc Nhà nước Hà Nội về việc này. 100 đồng khi mua Công trái vào những năm đầu 1980 còn có giá trị tương đối (khi đó 1kg gạo giá 4 hào (0,4 đồng); 100 đồng có thể mua được 250 kg gạo). Sau gần 30 năm số tiền mua Công trái đó, từ 100 đồng đã lên thành 15.000 đồng, nghĩa là gấp 150 lần con số khi mua. Song chỉ có điều số tiền 15.000 đồng ấy bây giờ chỉ mua nổi hơn 1kg gạo bình thường và không mua nổi một bát phở ăn sáng!
Thế mà muốn nhận được số tiền ấy, mấy cô nhân viên Kho bạc bắt tôi phải ghi tên, địa chỉ và ký tên trên tờ Công trái theo quy định vì sợ rằng… “nếu không làm thế thì nhỡ xảy ra chuyện tranh chấp Kho bạc chúng tôi biết lấy bằng chứng đâu để giải quyết!”.

Tôi nghe xong câu không phải chỉ của một mà tới mấy cô nhân viên Kho bạc Hà Nội nói với tôi mà nóng bừng cả mặt vì bị xúc phạm. Không có lẽ bằng này tuổi đầu tôi lại còn đi tranh chấp với vợ tôi, con cháu tôi hay một ai đó tờ Công trái mua cách đây gần 30 năm, nay được thanh toán 15.000 đồng?

Tôi không còn kìm chế để nhẹ lời được nữa, yêu cầu mấy cô nhân viên cho xem văn bản nào đã quy định việc phải ghi tên, địa chỉ và ký tên trên tờ Công trái đã mua mới được thanh toán. Không một ai đưa ra văn bản quy định nào. Và, tất nhiên tôi đã không làm cái việc kỳ quái ghi tên, địa chỉ và ký xác nhận trên tờ Công trái đó. Tôi yêu cầu Kho bạc phải thanh toán 15.000 đồng tờ Công trái trên cho người mua.

Với tôi, 15.000 đồng không lớn, không đủ mua một bát phở ăn sáng, song dù số tiền có nhỏ bao nhiêu đi chăng nữa một khi dân đã mua Công trái thi ngành Tài chính, Kho bạc không những phải thanh toán sòng phẳng cho dân, mà còn phải biết ơn dân đã bỏ tiền ra giúp mình trong những lúc ngân sách còn khó khăn, thiếu thốn. Vì thế việc đẻ ra các quy định, thủ tục thanh toán hành dân như trên là không thể chấp nhận được. Đó là cách hành xử cửa quyền, vô lối, thậm chí là bạc tình bạc nghĩa với những người đã giúp mình trong lúc khó khăn.

Tôi đã viết một bức thư gửi ông Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính để kể lại câu chuyện 15.000 đồng …bạc này, với mong muốn ông Bộ trưởng cho kiểm tra xem có đúng Kho bạc Nhà nước đã có quy định trên đây hay không và nhân đó rà soát các quy định khác hiện vẫn còn hành dân của Bộ Tài chính. Bởi, từ hàng chục năm nay Chính phủ đã yêu cầu các ngành, các cấp, các điạ phương cải tiến thủ tục hành chính, giảm các quy định phiền hà đối với dân mà đến hôm nay vẫn còn cái quy định hành dân, xúc phạm đến dân như thế. Nhất là cung cách ứng xử của những người giữ tiền...bạc với dân như trong câu chuyện này ở Kho bạc Nhà nước Hà Nội thì thật không thể hiểu nổi!


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/dd_quang1945/article?mid=681&prev=683&next=675

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét