19 thg 5, 2010
Học tập và làm theo….” dập tắt sự sáng tạo
Buổi sáng, mở TV ra, đã nghe nói đến việc ở đâu đó đang tổ chức hội thi “Học tập và làm theo…”
Trên đường đến công sở, mở radio cũng nghe nói đến cơ quan nọ, đoàn thể kia “Học tập và làm theo…”
Điện thoại cho một vài ông bạn, hẹn bàn chuyện công việc, các ông này đều kêu bận vì đang chiến dịch “Học tập và làm theo…”
Cứ như vậy, từ sáng đến tối, từ đông sang tây, từ nông thôn đến thành thị, đâu đâu trên toàn lãnh thổ cũng “Học tập và làm theo…” khiến người ta liên tưởng đến, ở Việt Nam , chỉ có việc “Học tập và làm theo…”.
Một bạn có nick “phanvuthuy64” đã viết trên Blog thế này:
“Học Bác, theo kiểu, ghi ghi, chép chép, ăn theo, nói leo thì dễ ợt. Nhưng làm theo thì quả là khó. Cái khó thứ nhất là mình ra đời sau Bác những hai ba thế hệ. Cái khó thứ hai, Bác là chủ tịch nước, còn mình là thường dân. Cái khó thứ ba, Bác không có vợ, con, mình một vợ hai con. Cái khó thứ tư, Bác thông thạo năm ngoại ngữ, mình mù về ngoại ngữ. Cái khó thứ năm, Bác đã đi hết năm châu, bốn biển, còn mình chưa bước chân ra khỏi lãnh thổ Việt Nam . Cái khó thứ sáu, Bác sống trong ngôi nhà sàn, có mảnh vườn và ao cá…”
Điều này cũng phản ánh một tâm lý khá phổ biến của các bạn trẻ hiện nay, thế nhưng, cả nước vẫn phải “Học tập và làm theo…”. Dẫu không ai công bố chính thức, nhưng chắc chắn rằng, để triển khai chiến dịch này, tính đúng tính đủ, ngân sách nhà nước phải chi tiêu không dưới ngàn tỷ đồng.
Nguyễn Kiều Dung, nghiên cứu sinh Kinh tế hiện đang ở Mỹ mở đầu bài viết "Đi tìm chìa khóa sáng tạo cho giáo dục" với lời dẫn của đại văn hào Tolstoi: “Trong con người vốn có những nguồn sáng tạo vô tận. Nếu khác đi thì đã không thành người”, Cho rằng, người Việt không có tính "sáng tạo kiên trì" đã được giới thiệu trên VietNamNet.
Theo tác giả này: “Sáng tạo là đặc tính cơ bản của mỗi cá nhân. Thế nhưng, có lẽ tất cả chúng ta đều cảm thấy không vui mỗi khi nhìn các bảng thành tích sáng tạo của người Việt. Số ấn phẩm nghiên cứu quốc tế hàng năm thường ít nhất trong khu vực. Năm 2008, cả nước không có một bằng phát minh, sáng chế nào được cấp, trong khi số bằng của Philippines là 76, Malaisia: 147, Thailand: 158, Singapore : 995. Rất ít nhà khoa học, học giả, văn nghệ sỹ, và các chuyên gia đạt thành tích cao trên đấu trường quốc tế.”
Thử suy ngẫm lại sự phồn vinh của các dân tộc trên thế giới, một số nước được coi là thành công trong sự nghiệp vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh…” như Mỹ, Canada, Thụy Điển, Nauy… chắc không phải bằng con đường “Học tập và làm theo… “ Vậy thì việc chi cả ngàn tỷ đồng cho việc “Học tập và làm theo… “ chắc không phải là chìa khóa thành công vì mục tiêu ấy.
Đó là chưa nói đến việc nhồi nhét tư tưởng “Học tập và làm theo… ” sẽ rất khó khích lệ sự sáng tạo, thậm chí là triệt tiêu sự sáng tạo ấy.
Trong lịch sử, Việt Nam không phải là dân tộc thấp kém, thậm chí còn là dân tộc hiếu học. Vậy phải chăng giữa chiến dịch “Học tập và làm theo…” và những thành tích nghèo nàn về sự sáng tạo mà tác giả Nguyễn Kiều Dung vừa nêu ở trên có mối quan hệ nhân quả với nhau?
Ngược về thời gian một chút, Việt Nam nói riêng và các nước XHCN nói chung đều lấy tôn chỉ mục đích là: Chủ nghĩa Marx- Lê làm nền tảng tư tưởng. Thậm chí, lúc cao hứng lên đã nói: Chủ nghĩa này là chân lý, là đỉnh cao trí tuệ, là bất di bất dịch. Theo cách tôn sùng ấy, mọi câu, mọi lời mà hai ông này nói ra ở đâu đó đều được trích dẫn, đều được coi là khuôn vàng thước ngọc để tuân theo.
Cũng chính vì sự sùng tín này, cả hệ thống XHCN đã còi cọc dần rồi tan ra từng mảng. Chính Việt Nam cũng đã đi đến bờ vực của sự sụp đổ rồi mới tím đến sự sống bằng “chính sách đổi mới”, mà thực chất là không kiên định nữa, thừa nhận nền kinh tế thị trường nhiều thành phần, thừa nhận quy luật giá trị. Nói cách khác là thừa nhận quy luật giá trị thặng dư, thừa nhận bóc lột, cái mà mình đã chống quyết liệt trong hàng chục năm trời.
Quan điểm chính trị của nhà cầm quyền chi phối hết mọi ngõ ngách của đời sống. Đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục. Toàn hệ thống, từ phổ thông đến bậc đại học, chuyện học tập chủ nghĩa Marx- Lê là bắt buộc với thời lượng rất lớn. Không những thế, với một số chuyên ngành xã hội hay chính trị thì Marx- Lê là môn chính, nếu không qua nổi hai môn này thì đừng hòng ra trường.
Đã có nhiều cuộc thi đòi hỏi trí thông minh, kiến thức tổng hợp, nhưng còn quá ít các cuộc thi về sáng tạo cho học sinh, sinh viên. Trang web tổng kết 20 năm đào tạo của một trường trung học uy tín như Hà Nội-Amsterdam cũng chỉ có thành tích thi học sinh giỏi chứ không đề cập gì đến các thành tích sáng tạo.
Giá như thế giới có tổ chức một cuộc thi: “Học tập và làm theo…” chắc chắn Việt Nam sẽ đoạt giải cao, còn nếu cuộc thi sáng tạo thì người Việt Nam sẽ đội sổ như số liệu đã dẫn ở trên. Nhưng than ôi, cuộc thi loại thứ nhất chỉ còn sót lại như một loại gen quý hiếm, cùng với VN còn có thêm Bắc Triều tiên và Cu Ba. Phải chăng, chúng ta đang tự hào vì điều này?
Phan Thế Hải
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003/article?mid=1318&prev=1322&next=1309
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét