13 thg 5, 2010
Xin chính quyền đừng "trót dại" thêm nữa!
Sự độc lập trong việc ra quyết định của chính quyền phải dựa trên cơ sở thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân. Chính quyền phải có cái tâm biết lắng nghe và khối óc biết tư duy độc lập. Độc lập nhưng không thoát ly nhân dân, vì thoát ly nhân dân thì chỉ có thể là độc đoán
Thói quen này không phải chỉ xuất hiện ở các dự án cần làm gấp để kỷ niệm sự kiện trọng đại nào đó. Nhân dân đã thuộc lòng quy trình: bắt đầu dự án bằng một quyết định bất cần dư luận, không tham khảo ý kiến nhân dân, hoặc nếu có cũng chỉ để cho vui vì dự án đã được duyệt rồi. Ảnh ST
Cuối cùng dự án tuyến đường Văn Cao-Hồ Tây cũng tạm thời dừng lại sau một thời gian các vị lão thành cách mạng, các nhà khoa học và báo chí tích cực lên tiếng. Dự án lát đá xanh chung quanh Hồ Gươm cũng tạm ngừng sau một tháng thi công để lấy ý kiến người dân. Vậy là những người yêu Hà Nội tạm thời có thể thở phào nhẹ nhõm vì chính quyền không còn làm ngơ trước dư luận xã hội.
Nhưng tôi băn khoăn tại sao ngay tại thủ đô ngàn năm văn hiến này, chính quyền lại có cách hành xử ngược như vậy. Đâu phải đến khi máy xúc, máy ủi được đưa tới công trường, người dân địa phương mới đột ngột lên tiếng? Đâu phải đến khi lớp đất đá Hoàng thành bị xới tung lên các nhà sử học hô hoán rằng đây là di chỉ khảo cổ?
Nghe thấy, nhìn thấy nhưng vẫn thản nhiên đào bới, chỉ đến khi dư luận quá bức xúc mới mới vội vàng dừng lại để nghiên cứu lịch sử; thi công lát vỉa hè ngổn ngang hơn một tháng mới tạm ngưng để xin ý kiến nhân dân - liệu đây có phải thói quen "tiền trảm hậu tấu" chỉ có riêng ở Việt Nam?
Nhân dân không lạ với quy trình: bắt đầu dự án bằng một quyết định không tham khảo ý kiến nhân dân, hoặc nếu có cũng chỉ để cho vui vì dự án đã được duyệt rồi. Khi dự án không thuận buồm xuôi gió, cũng chỉ cần một quyết định khác để đình chỉ hay xử phạt (quyết định thứ hai này thường được giải thích là "hợp lòng dân").
Dẫn chứng không ở đâu xa: dự án khách sạn trong công viên Thống Nhất và món nợ tính bằng hàng chục triệu đô-la đang lửng trên đầu chờ người dân vét những đồng tiền còm cõi ra trả.
Nếu chính quyền lắng nghe ý kiến của nhân dân từ khi ý tưởng đổ bê tông vào lá phổi xanh của thành phố mới manh nha, mọi chuyện giờ đây đâu đến nông nỗi này!
Vẫn còn những dự án, công trình như thế. Khi khởi công, ít quan tâm đến ý kiến của nhân dân. Nhưng khi buộc phải dừng vì không thể tiếp tục, người ta lại vin vào "lòng dân" để bao biện cho mọi chuyện đã xảy ra. Trong khi thậm chí người ký hai quyết định trái lòng dân và hợp lòng dân thực ra chỉ là một.
Hồ Chủ tịch từng nói: cán bộ phải biết lắng nghe quần chúng nhưng không được theo đuôi quần chúng. Lời dạy của Người cho thấy: chính quyền phải có sự độc lập trong việc ra quyết định và phải biết ra quyết định sáng suốt vì cán bộ là tập hợp những người con ưu tú nhất của đất nước. Nhưng sự độc lập ấy phải dựa trên cơ sở thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của nhân dân, tôn trọng ý kiến đóng góp của nhân dân. Chính quyền phải có cái tâm biết lắng nghe và khối óc biết tư duy độc lập. Độc lập nhưng không thoát ly nhân dân, vì thoát ly nhân dân thì chỉ có thể là độc đoán.
Tôi thấy khó hiểu khi đọc một bài báo đăng trên một trang tin lớn, bên dưới lời tuyên bố của một quan chức Hà Nội: "Thay vỉa hè Hồ Gươm tốn kém nhưng cần làm" là hàng loạt ý kiến cho rằng dự án này quá tốn kém và hoàn toàn không cần thiết. Rõ ràng nhân dân phản đối ngay rằng nhân dân không cần, không muốn có dự án này! Vậy, thử hỏi cái cần làm mà vị cán bộ kia đề cập xuất phát từ nhu cầu của ai hay chỉ là nhu cầu riêng của những ông Táo quy hoạch, luôn thấy phải đào chỗ nọ, đắp chỗ kia mới là hoàn thành trách nhiệm? Sự cần thiết phải xuất phát từ nhu cầu của nhân dân, chứ không thể thoát ly nhu cầu của nhân dân. Đó chính là lời dạy của Bác Hồ.
Có người sẽ nghĩ: những ai hay chỉ trích những dự án xây dựng mở mang của chính quyền chẳng qua là những kẻ không dám nghĩ dám làm, chỉ khư khư giữ lấy mấy di tích lịch sử cũ mèm hay mấy mảnh ruộng nứt nẻ chân chim. Nghĩ như vậy là hoàn toàn không hiểu nhân dân. Nhân dân sẵn sàng hiến đất, hiến vườn để mở đường, xây trường học nếu thấy điều đó là cần thiết, có ích và không tư lợi.
Nhưng nhân dân không thể không lên tiếng khi có những con đường như ở tỉnh Vĩnh Long, phải uốn cong để tránh nhà ông chủ tịch, đã thế còn đổ thừa cho nhà chùa vô tội.
Nhân dân luôn muốn đất nước ngày một đàng hoàng, to đẹp với nhiều công trình lớn lao, hùng vĩ, muốn bộ mặt thủ đô sạch sẽ tươi mới. Nhưng sẽ tốt hơn biết bao nếu trước khi đem vôi vữa đến quét lại tháp cổ, nhà cổ, người dân được tham gia bàn bạc xem có nên làm hay không, nếu làm thì làm như thế nào.
Tôi ám ảnh mãi hình ảnh những người dân khu Phùng Khoang ngậm ngùi nhìn theo những xe đất đá đang lấp dần hồ nước cũ. Cán bộ địa phương dẫu tiếc nuối nhưng không thể làm trái quyết định của cấp trên.
Tôi tin nếu chính quyền tôn trọng và lắng nghe nguyện vọng của người dân, chắc hẳn họ sẽ hiểu lòng dân có muốn hay không và có lẽ dự án lấp hồ xây biệt thự sẽ chẳng bao giờ được nhân dân phê duyệt.
Chính quyền sinh ra từ nhân dân, nhân dân là bậc làm cha, làm mẹ. Không cha mẹ nào không muốn con mình giỏi giang, bản lĩnh, nhưng trước hết con cái phải biết tôn trọng và lắng nghe cha mẹ. Con cái có thể "trót dại" rồi lại sửa sai, cha mẹ vẫn luôn bao dung hết lần này đến lần khác.
Nhưng thêm một lần "trót dại" là thêm một lần con làm cha mẹ đau đớn và cũng thêm một lần niềm tin, niềm hi vọng của cha mẹ vơi đi.
Xin những người con ưu tú của nhân dân hiểu tiền nợ doanh nghiệp nước ngoài do "trót dại" cấp đất rồi lại thu hồi, nhân dân dù muốn dù không vẫn sẽ giúp chính quyền chi trả. Hồ nước lấp đi rồi, một ngày vẫn có thể khơi lại hay đào mới. Nhưng niềm tin mất đi thì sẽ rất khó lấy lại. Đó mới là cái mất lớn nhất và là mối nguy lớn nhất cho đât nước!
Tác giả: Khương Duy
Nguồn :http://community.tuanvietnam.net/2010-05-10-xin-chinh-quyen-dung-trot-dai-them-nua-?comments=1
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét