Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

21 thg 5, 2010

TẢN MẠN TỪ ĐỖ VIỆT KHOA


....Về nhà check mail thì nhận được mail của Sở Kiến Hành:”Bọ thân, chiều nay đọc cái tin về Đỗ Việt Khoa thấy buồn buồn, ngồi gõ cái bài này. Bọ xem và biên tập lại giúp em xem có đăng blog bọ được không? Cảm ơn bọ trước.”



Sở Kiến Hành là ai, Mèo Bự, Tú Trinh hay Thầy giáo làng? vĩnh viễn vẫn là câu hỏi nhỏ xíu không lời đáp. Nhưng đọc bài viết dưới đây ta biết chắc đó là một giáo viên “cùng đổ mồ hôi cùng sôi giọt máu” trên cánh đồng giáo dục nước nhà, khi không chịu được nữa chị đã kêu lên những tiếng tiếng kêu uất nghẹn.

Hôm nay mới biết tin thầy Đỗ Việt Khoa làm đơn xin nghỉ việc gửi lên Sở GD-ĐT Hà Nội, tự nhiên những cảm xúc vui buồn lẫn lộn ùa về.

Cách đây 4 năm, thầy Khoa là Người đương thời, ai cũng biết, cũng như chuyện thi cử như một vở bi hài kịch tầm phào, nhưng cưỡng bức mua vé thật đắt, ở xứ ta ai cũng biết, nhưng không một người lên tiếng.

Thầy Khoa là người đầu tiên phản ánh bằng tang chứng vật chứng, những thứ ấy sau này được gọi là “tố cáo” (cứ làm như của hiếm).
May mắn cho thầy Khoa, lúc ấy bác Nhân mới lên, đầy nhiệt huyết và quyết tâm, thầy Khoa trở thành cái dùi để bác ý gióng lên hồi trống Hai không, xáo trộn cả một xã hội đang hưởng thái bình từ những liều thuốc tả pú lì mà bác Hiển liên tục nhét vào mồm những con chuột bạch…

Cùng lúc ấy, có cả thầy Hoàng ở Nghệ An cũng tung những clip “tố cáo” nạn thi đểu lên mạng, nhưng rồi thầy Hoàng bây giờ đã chìm vào quên lãng, vì lí do gì không rõ, nhưng chắc chắn, thầy Hoàng đã trở về với cuộc sống “Sáng cắp ô đi tối cắp về”. Còn thầy Khoa thì không, thầy vẫn tiếp tục “tố cáo” những tiêu cực ở Vân Tảo, nơi thầy đang công tác.

Một thời, tôi cũng sinh hoạt ở diễn đàn edu, cũng đôi lần góp ý với thầy như rất nhiều thành viên khác. Tôi đánh giá rất cao cái tâm của thầy, tôi hiểu sự cô độc của thầy. Tất cả do hoàn cảnh, thầy luôn phải mang máy ảnh, máy ghi âm để không chỉ thu thập chứng cứ mà còn để tự bảo vệ mình, thầy đang sống trong một môi trường phi giáo dục, nhưng thầy trung thực quá, cái gì thầy cũng tung lên mạng cả.

Một người đi săn mà đến đâu cũng nổ súng thì chỉ có những con mồi ngu ngơ mới chịu để thầy nắn nót nhả đạn. Vân Tảo cũng là một mô hình của giáo dục Việt Nam thôi. Ở đâu cũng vậy. Cũng dạy thêm, cũng bè phái trù dập, cũng tìm mọi cách để nã vào hầu bao phụ huynh…

Một ông hiệu trưởng, nay tiếp đoàn này, mai đón đoàn nọ, tiệc tùng chiêu đãi, phong bì lót tay… thử hỏi có thằng điên nào moi tiền túi ra trả không? Thế thì nó phải lấy tiền chùa, và thằng kế toán phải là thằng biết làm toán bằng kế.

Rồi trước Hội đồng, tay Hiệu trưởng sẽ tru tréo chửi bới mấy “thằng” cấp trên như một con mẹ bị mất cắp gà. Lê Xuân Trung cũng như thế phải không? Tôi nghĩ lá đơn xin thôi việc chỉ là tình thế cuối cùng để người ta buộc phải giải quyết việc của thầy, và chắc là nó chỉ có ý nghĩa như một tiếng vang, sau đó mọi thứ lại rơi vào yên lặng.

Đừng quá hoang tưởng về nó. Cái cối xay gió thì gió chiều nào nó cũng quay. Thôi đành nên trách cho số phận. Người như thầy nếu sinh ra sớm hơn, hoặc muộn hơn nữa chắc chắn rất hữu ích.

Bác Nhân lúc này sao không thấy động tĩnh gì cả. Hình như trước đó bác có gọi điện động vien thầy Khoa ? Hồi bác mới lên tôi cũng từng thở ra “có thế chứ”.
Tôi tin bác Nhân định làm một cuộc cách mạng thật sự trong giáo dục. Liên tiếp những kế sách mang tính đột phá được tung ra, nếu thực hiện được thì giáo dục Việt Nam hôm nay đã có diện mạo khác, biết đâu đã có mặt trong top 200 các trường Đại học của Châu Á ?

Nhưng rồi cái gì cũng nửa vời. Năm đầu tiên của Hai không, tỉ lệ thi đậu thụt lùi thảm hại, thế rồi mọc thêm cái đuôi thi vòng 2. Đèn sách 12 năm chưa có gì trong sọ thế mà ôn tập non tháng mà thi đỗ ào ào.
Năm thứ 2 thì mặc dù đã nâng lên Bốn Không nhưng trường thi quay đầu về thời bác Hiển. Bây giờ thì Mèo lại hoàn mèo. Sức ì của ngành giáo dục quá lớn hay sức ép của những thứ vô hình? Tư duy giáo dục bảo thủ hay vừa lạc hậu vừa cẩu thả? Đã thế còn tiền hậu bất nhất.

Muốn nâng cao chất lượng mà đại học mở bát nháo, lại còn chỉ tiêu 2 vạn tiến sĩ. Việt Nam mà thích thì 20 vạn tiến sĩ cũng OK ngay, khó gì?
Sách giáo khoa thì cái gì cũng bắt học mà có ai thử đi thăm dò xem học trò học được cái gì sau 12 năm đèn sách ? Chưa kể đến tính chính xác và chuẩn mực của nó.

Nhớ đến cái hồi edu mở chủ đề góp ý sách giáo khoa, tôi hăm hở lập topic để thắc mắc: Vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sách nâng cao thì ghi rõ là Danh nhân văn hóa thế giới, còn sách chuẩn thì lờ tịt? Topic mới lập được một ngày thì bị móc ngay cái ổ khóa to tướng để rọ mõm lại, huhu.

Thì ra họ chỉ thích nghe những thứ muốn nghe. Có hôm con tôi hỏi: Sao trong Tuyên Ngôn Độc Lập thì dạy là Pháp làm cho 2 triệu người bị chết đói, còn trong Vợ nhặt thì bảo là do Nhật? Tôi đang cố lựa lời giải thích thì ông xã đâm ngang vào: Thế mới là sách giáo khoa ! Ôi trời, nói cứ như là dân viết sách !

Bác Nhân chọn ngày mùng 1 tháng Tư để bỏ dùi. Nghe tin ấy tôi cứ ngậm ngùi, rồi lại thở ra: bác Nhân thôi đã chia rồi….


1 nhận xét:

  1. Bác Nhân mượn cớ để lên phó thủ tướng thôi. Những lời hứa cho ngành giáo dục năm nào giờ đây tan thành mây khói: "đến năm 2010 tất cả giáo viên đều sống bằng lương". Thực chất ko có giáo viên nào chết cả. thật là buồn cười.

    Trả lờiXóa