Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 5, 2010

Khi lãnh đạo chưa xứng tầm

Cho nước ngoài thuê rừng đầu nguồn đang là tâm điểm của dư luận, bởi đàng sau những món lợi mơ hồ là ẩn chứa những hiểm họa khôn lường. Sự kiện này còn được thể hiện bởi thư của hai “nguyên lão công thần” Đồng Sỹ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh.
Sâu xa hơn thế, tầm nhìn của lãnh đạo một số địa phương trước vấn đề lợi ích trước mắt và lâu dài của cả dân tộc đang là chuyện không nhỏ.

Chiếc bánh…. vẽ!
Cách đây dăm năm, trong một lần lên Lạng Sơn công tác, ngồi nói chuyện với một đồng chí lãnh đạo cấp tỉnh, tôi đã được nghe nói đến cái tên InnovGreen, rằng đây là một tập đoàn chuyên về trồng rừng của Hồng Kong, rằng, họ đã có cuộc tiếp xúc với địa phương và đang muốn thuê đất rừng để trồng cây nguyên liệu.

Đã một vài lần đến “xứ sở thuộc địa” Hong Kong, vẫn biết đây là trung tâm tài chính lớn không chỉ của mấy ông Lão Pản người Tàu mà còn là của châu lục, thậm chí còn của cả thế giới. Thế nhưng, lại có đại gia từ xứ này đam mê trồng rừng cũng là chuyện lạ.

Giải đáp sự băn khoăn của tôi, đồng chí này cho rằng, InnovGreen là một tập đoàn xuất phát từ công nghệ thông tin, nhưng do đam mê trồng rừng nên họ đã vào đây. Rằng, nếu cho họ thuê rừng thì xây dựng lại hệ thống hạ tầng, giao thông miền núi, mang lại phồn vinh cho các huyện vùng sâu, vùng xa, họ sẽ giải quyết được tưng đây, tưng đây việc làm…. Rằng, cây rừng ở đây chỉ là những loại cây nguyên liệu ngắn ngày như keo (acacia), bạch đàn (eucalyptus) và tre (bamboo) để làm giấy và bột giấy.
Cụ thể hóa cho những kỳ vọng này là số tiền đầu tư cam kết đến hàng trăm triệu đô Mỹ. Nếu dự án được cấp giấy phép thì không chỉ tăng thu ngân sách mà còn là minh chứng cho môi trường đầu tư của tỉnh...

Không lâu sau đó, trong chương trình “Người đương thời” được phát sóng trên kênh VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam tối chủ nhật, (30/03/2008) tôi lại được xem giới thiệu về doanh nghiệp này. Trong đó InnovGreen được “Người đương thời” thân ái ví như một bông hoa 5 cánh, tượng trưng cho triết lý kinh doanh “ngũ lợi” của InnovGreen. Năm lợi ích cho năm nhóm đối tượng: Nhà đầu tư, Môi trường, Chính phủ, Cộng đồng và Nhân viên InnovGreen có ý nghĩa cùng tồn tại và phát triển không thể tách rời, không thể thiếu hụt như năm cánh của một bông hoa. Nhân vật được mời tham gia trò chuyện là Chủ tịch HĐQT Steve Chang, một doanh nhân người Hoa, có đường dây làm ăn rất mật thiết với Bắc Kinh.


Điều này giải thích vì sao mà các tỉnh lại mê tít chuyện cho thuê rừng đến thế. Sau Lạng Sơn, các tỉnh khác như Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Ninh… đều nô nức tìm kiếm mấy ông Tàu về để cho thuê rừng.

Theo số liệu mà ông tướng họ Đồng thống kê được thì, trong vòng ba năm, từ 2005 đến 2008, InnovGreen đã được cấp giấy phép trồng rừng và khai thác gỗ dài hạn 50 năm trên 6 tỉnh biên giới: Thanh Hóa, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Kontum và Quảng Nam. Tổng số diện tích được khai thác lên đến 349.000 hecta, khoảng 3.500 km2 (gần bằng 1% diện tích cả nước), với tổng số vốn đầu tư cam kết ban đầu là 284,2 triệu USD.

Chuyện không mong đợi đàng sau những chiếc bánh?
Những lời hứa, và những cam kết của “ngũ lợi” của InnovGreen và các nhà đầu tư từ xứ Tàu cho đến thời điểm này vẫn còn nằm trên giấy. Nói theo cách dân gian: Vẫn là những “chiếc bánh vẽ”, nhưng những hiểm họa thì không còn chỉ là trên giấy mà đã thấp thoáng đâu đó.

Hiểm họa đầu tiên là cho các công ty nước ngoài, (chủ yếu là Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc), thuê đất dài hạn khai thác rừng đầu nguồn, nơi xuất phát các dòng sông. “Mất tiền mua mâm, phải đâm cho thủng”, với cái lý ấy, đã thuê được thì họ có quyền chặt phá. Ai dám cam đoan rằng, họ sẽ chặt phá dè chừng? Rừng đầu nguồn bị chặt phá thì hồ thủy lợi sẽ không còn nguồn nước, các nhà máy điện sẽ thiếu nước không còn tác dụng, lũ lụt, lũ quét sẽ rất khủng khiếp.

Đây không còn là chuyện dự đoán nữa mà đang hiện hữu bằng sự suy kiệt nguồn nước của các dòng sông. Bằng cách khai thác cạn kiệt nguồn nước thượng nguồn ở cao nguyên Vân Nam, không chỉ Việt Nam mà các nước khác vùng hạ lưu sông Mê kong và sông Hồng đang chịu cảnh khô kiệt, tài nguyên động thực vật, hệ sinh thái suy giảm nghiêm trọng, trong khi các đồng chí Trung Quốc vẫn không động lòng trắc ẩn.

Hiểm họa thứ hai là trao lợi thế về mặt quân sự ở những điểm quan trọng cho ngoại bang. Cho nước ngoài thuê rừng, vô tình chúng ta mất đi một phần lãnh thổ ở những vị trí quan trọng về chiến lược. Đất đã cho thuê, dẫu có 50 năm cũng là quyền sử dụng của họ, họ có quyền khai thác, có quyền đưa nhân công sang, có quyền làm một số thứ khác ngoài trồng rừng. Ai là người có năng lực giám sát những việc làm của họ khi đất đã cho họ thuê hàng ngàn ha?

Trung tướng Đồng Sĩ Nguyên, với tư duy của một nhà quân sự, trong thư gửi Ban chấp hành Trung ương, ông viết: "Sao không tự hỏi vì sao các doanh nghiệp nước ngoài lại chọn thuê đất chủ yếu ở Lạng Sơn, Cao B ằng, Quảng Ninh, đặc biệt ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, nơi có trục đường 4 sang Trung Qu ốc, đường 7, đường 8 sang Lào, đường lên Tây Nguyên qua Campuchia? Rõ ràng đó là những tỉnh xung yếu biên giới, có những vị trí địa chiến lược mang tính cốt tử"

Hiểm họa thứ ba là làm kiệt quệ đất đai. Việc cho một công ty nước ngoài thuê, lấy gì bảo đảm họ sẽ tuân thủ theo các mục tiêu đa dạng về môi trường, về dân sinh như chúng ta mong muốn. Nhà đầu tư nước ngoài thuê đất rừng chỉ để trồng cây bạch đàn, keo làm nguyên liệu giấy. Đây là loại cây mà nhiều nhà khoa học trước đây đã phản đối vì nó không phải là cây bản địa, chúng phát triển nhanh nhưng không duy trì sự đa dạng sinh học, làm hệ sinh thái trở nên nghèo nàn và có hại cho đất.

Chưa một nhà đầu tư nước ngoài nào thuê đất của ta lại tính đến việc trồng rừng phòng hộ cho ta, bởi chuyện trồng rừng phòng hộ không thể mang lại nguồn thu bằng tiền trong một tương lai gần.
Vậy là, chuyện chiếc bánh thì vẫn còn nằm trên giấy, còn những hiểm họa thì đã rình rập ngay phên dậu quốc gia.

Giá phải trả cho cái tầm
Với một đất nước có 86 triệu dân, nhưng Việt Nam chỉ có hơn 330 ngày cây số vuông lãnh thổ, mật độ dân số lên tới 253 người một cây số vuông, quỹ đất của chúng ta không phải là nhiều. Chính vì đất chật người đông nên với 70% dân số là nông dân, trong số đó có tới 60% thời gian là không có việc làm. Trồng rừng chắc không phải là thuộc dạng lao động kỹ thuật quá phức tạp mà người Việt không làm được buộc phải giao cho người nước ngoài thuê.

Theo kế hoạch của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ 2006 đến 2010 phải trồng thêm 2 triệu ha rừng sản xuất, tập trung vào các khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và đặc biệt là vùng Tây Bắc (có trên 1,35 triệu ha chưa có rừng). Vấn đề được đặt ra là lấy đâu ra đất để trồng rừng? Rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đều muốn bỏ vốn vào ngành lâm nghiệp, đặc biệt là trồng rừng, nhưng không tìm đâu ra đất. Nhiều người còn nói quỹ đất chỉ còn... trên giấy. Thế nhưng, chỉ vì những lời hứa trên giấy, lãnh đạo một số tỉnh đã vội vàng cho nước ngoài thuê đất. Câu hỏi được đặt ra ở đây là: Do tầm nhìn của lãnh đạo hay đằng sau những chiếc bánh vẽ còn có gì khác?

Hai ông Đồng Sĩ Nguyên và Nguyễn Trọng Vĩnh đề nghị "đối với một số tỉnh đã lỡ ký với doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các tỉnh thuộc vùng xung yếu biên giới, cần tìm cách thuyết phục họ khoán lại cho dân cư tại chỗ trồng. Những tỉnh chưa ký thì đình chỉ ngay".

Khi đã trót “giao trứng cho ác”, thì đó là cách duy nhất để gỡ gạc lại vì lợi ích quốc gia. Tuy nhiên, câu chuyện không đơn giản như vậy. Đối tác nước ngoài không phải là những cậu học trò ngoan sẵn sàng vâng lời, nhất là sau lưng có cả một thế lực khác với nhiều tham vọng khác ngoài kinh tế. Đành chờ 50 năm qua đi để thu hồi lại đất. Đó là những cái giá phải trả cho cái tầm của lãnh đạo các tỉnh!

Phan Thế Hải
Nguồn :
http://vn.360plus.yahoo.com/phanthehai2003/article?mid=1303&prev=1304&next=-1

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét