Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

4 thg 5, 2010

Yêu nước là nghĩa vụ của riêng dân chúng


Ấn tượng của Tại hạ nhân xem online lễ mít tinh kỷ niệm 30-4 có thể gói trong hai chữ: Quá dài và quá cũ.

Cái sự cũ là ở chỗ nó không mới từ những nhân vật trên lễ đài, đến bài diễn văn, đến kịch bản chương trình văn nghệ…Cái cũ quan trọng nhất là đã không có thông điệp gì mới được đưa ra trong bài diễn văn ước dài tối thiểu 7 ngàn chữ của Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ TP HCM, ông Lê Thanh Hải.

Có cảm giác, nếu không có phần trao huy chương Sao vàng thì cả kịch bản chương trình lẫn bài diễn văn đều đã lấy từ kịp kỷ niệm 30 năm, thậm chí 20 năm ngày thống nhất đất nước. Và phải nói thêm là chương trình này, với bài diễn văn đó hoàn toàn có thể sẽ lại tái lập trong lễ kỷ niệm 40 năm-50 năm hoặc hơn.

Con trai Be của Tại hạ hôm đó đã thức dậy lúc 7h háo hức chờ đón vì nghe tin rằng sẽ có duyệt binh, sẽ có xe tăng, máy bay, có các chú lính thuỷ…
Nhưng không chỉ con trai, cả vợ và chính bản thân Tại hạ cũng hoàn toàn không đủ kiên nhận đến độ dài mất lịch sự này.
Riêng cho việc giới thiệu các vị đại biểu, mất đứt 17 phút. Những vị này chả xa lạ gì vì dường như dịp mít tinh kỷ niệm nào cũng có mặt.
Sau đó, bài phát biểu của “bác Hải” mới thực sự là đoạ đầy, là thử thách lòng kiên nhẫn phi thường của cử toạ.

Tại hạ còn nhớ như in lễ khai mạc Olympic Atlanta 1996. Trước sự hiện diện của nguyên thủ hàng chục quốc gia, 14.744 VDV và 85 ngàn khán giả trực tiếp theo dõi, chưa kể hơn 3,5 tỷ khán giả khắp hành tinh xem lễ khai mạc trực tiếp trên truyền hình, Tổng thống nước chủ nhà Bill Clinton đã đọc bài diễn văn dài đúng 15 từ: Tôi tuyên bố khai mạc thế vận hội Atlanta, Olympic hiện đại lần thứ XXVI”.

Nguyên tắc của các bài phát biểu, đặc biệt trên truyền hình, là chúng không được phép lặp lại và không nên quá dài. Người ta có thể kiên nhẫn đến 2 phút để nghe, bởi phút thứ 3 sẽ là phút “chỉ nghe và cười ngơ ngác”, và không thể nghe một vài thông điệp được lặp đi lặp lại trong suốt 30 phút.
Nhà đài cũng đã cố chen vào đó một vài hình ảnh lịch sử, quang cảnh buổi lễ và các đại biểu quần chúng vung tay quạt phe phẩy. Trong 30 phút đó, 2 cử toạ trong gia đình Tại hạ đã liu riu ngủ lại.

Nếu được phép biên tập, Tại hạ sẽ chỉ cho bác Hải nói thế này:
Thứ nhất, chúng ta khẳng định 30-4 vẫn còn ý nghĩa như một sự thống nhất đất nước.
Thứ hai, chúng ta “kiên quyết, quyết tâm, nhất định, kiên định” với chủ nghĩa “Mác xít Lê nin nít”.
Thứ 3, TP HCM là TP HCM phát triển chứ không còn tàn dư gì của “Viên ngọc Viễn Đông”.

Cái sự dài còn thể hiện ở việc các diễn giả cảm ơn quá nhiều. Chẳng hạn vị Phó Chủ tịch thường trực TP hai lần cảm ơn “đồng chí” Hà đã thay mặt Hội đồng thi đua khen thưởng trao huy chương Sao vàng cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP, trong khi đồng chí Hà chỉ là người thực hiện việc trao chứ chả có công ơn gì với nhân dân để đến nỗi cái sự cảm, sự mừng như một sự hàm ơn đến như vậy.

Nhưng ấn tượng sâu đậm nhất của Tại hạ đến ngay từ phút đầu tiên của buổi lễ khi quốc ca bắt đầu vang lên.
Tại hạ đã không ít lần “như có một luồng điện chạy dọc sống lưng”, xúc động xen lẫn tự hào khi hoà cùng 30 ngàn cổ động viên trên sân Mỹ Đình, hát vang bản Tiến quân ca. Đó là khi dân chúng bên cạnh Tại hạ, trong đó có vợ và con trai có thể rớt nước mắt không cần che dấu để hát bằng cả tấm lòng những câu hát “tiến mau ra sa trường”

Nhưng khi nghi thức hát quốc ca hôm 30-4 bắt đầu, Tại hạ quả thực ngạc nhiên, rồi sửng sốt, rồi bất bình. Trong tất cả các quan chức đứng dậy làm lễ chào cờ hôm đó, chỉ có duy nhất Tướng Phùng Thanh Quang hát quốc ca.
“Các bác Triết”, tất nhiên là cả bác Triết, đã không hề hé miệng.
Có người nói yêu nước không cứ là phải hát quốc ca. Điều đó đúng. Có người cũng nói đôi khi lòng mình hát, có khi còn chân thành hơn những cái miệng lẩm bẩm. Điều này cũng đúng. Nhưng có một đòi hỏi còn đúng hơn. Đó là “các bác Triết” không thể không hát quốc ca.

Còn nhớ trong cuộc họp với MTTQ Việt Nam hôm 27-1, bên cạnh việc đề nghị Mặt trận mở cuộc vận động hoả thiêu thì bác Triết cũng đề nghị phát động phong trào hát quốc ca trong cả nước. Theo Tuổi trẻ thì ông còn nhấn mạnh “mà phải hát thật sự bằng cả tấm lòng”.

Nhưng với việc bác đã không hát, hoặc "chỉ hát trong lòng" tại một buổi lễ quan trọng, long trọng và được truyền hình trực tiếp, vì có thể bác không thuộc, hoặc vì bác nghĩ mình không cần phải hát thì phải chăng hát quốc ca, chí ít là một biểu hiện bề ngoài của lòng yêu nước, của sự tự hào dân tộc, chỉ là nghĩa vụ của riêng dân chúng?


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=2305

Xem thêm http://tinblog-entrychonloc.blogspot.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét