Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 5, 2010

Con đường bất động sản và khu nghỉ dưỡng quốc gia

“…trạch thiên địa khu vực chi trung; đắc long bàn hổ cứ chi thế. Chính Nam Bắc Đông Tây chi vị; tiện giang sơn hướng bối chi nghi. Kỳ địa quảng nhi thản bình, quyết thổ cao nhi sảng khải. Dân cư miệt hôn điếm chi khốn; vạn vật cực phồn phụ chi phong. Biến lãm Việt bang, tư vi thắng địa. Thành tứ phương bức thấu chi yếu hội; vi vạn thế đế vương chi thượng đô” (ở giữa
khu vực trời đất, được thế rồng chầu hổ phục, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời)

Đây là một đoạn trong “Chiếu dời đô” của vua Lý khi chọn thành Đại La, nơi thắng địa, chỗ hội tụ quan yếu bốn phương làm kinh đô nước Việt. Có hai điểm quan trọng nhất trong kinh thành của vua Lý:
Mặt chính của toà thành và các dinh thự hành chính, từ việc quay mặt về hướng Bắc, tức là hướng về nơi Hoàng đế nhà Tuỳ, Đường ngự trị, được đổi sang hướng Nam.
Thứ hai, thành Đại La khi đó có giới hạn đến sông Tô Lịch để lấy cái thế tựa núi
.

Sau này, nhận xét về Thăng Long, sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông nước, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiếm, rộng mà dài, có thể là nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền, hình thể Đại Việt không nơi nào hơn được nơi này”.

Có lẽ cái thế của Thủ đô, tức là cái thế được nói đến trong chiếu dời đô của vua Lý Công Uẩn đã bị phá vỡ ngay sau khi Quốc hội của Thế kỷ 21 quyết định sáp nhập bất chấp sự phản ứng của dân Thăng Long, thậm chí cả dân Sơn Tây, cả dân xứ Đoài, để núi non sông nước, từ chỗ là điểm dựa, thế nhìn của kinh đô, giờ trở thành núi hàng rào- sông rạch nước.
Và đến sau khi quy hoạch Thủ đô được công bố với Trung tâm hành chính quốc gia đặt ở Ba Vì thì hoàn toàn có thể nói rằng con cháu thời nay đã cơ bản phá xong cái thế rồng cuộn hổ ngồi mà cha ông đã định từ gần 1000 năm trước.


Trong sách Dư địa chí, Nguyễn Trãi cũng đã gọi núi Ba Vì là “núi tổ của nước ta đó”. Nhưng từ cái thế núi toả, Thăng Long đời mới đã không còn tựa núi nhìn sông nữa mà là “chui vào núi và rời xa sông”- Nhận xét của TS Nguyễn Xuân Diện- Viện Hán Nôm.

Trên bản đồ quy hoạch Thủ đô, trục tâm linh được vẽ bắt đầu từ dốc Bưởi, xuyên qua làng văn hóa các dân tộc, vượt qua hồ Đồng Mô. Trục này đang tạo ra một cơn sốt bất động sản dọc theo chiều dài 30km này. Phải chăng trục tâm linh chỉ là để giải quyết vấn đề…đóng băng của thị trường BDS Hà Nội? (nói như TS Diện là “gây xáo trộn thị trường BĐS”).

Nếu như 9 cuốn sách của Cao Biền còn lưu ở Viện Hán Nôm tới nay còn chưa từng có người tới đọc thì xin lỗi các vị, đừng có nói gì đến cái gọi là tâm linh”- ông nói. Đây là một trục tâm linh hướng về phương bắc? Đây là con đường hướng về hay đâm đầu vào núi tổ? Hay chỉ thuần tuý là con đường bất động sản?

Và dường như khi nghĩ ra cái Mỹ từ “Trục tâm linh”, các nhà hoạch định đã chỉ đắc ý với sự “hướng tổ”- đang trở thành một trào lưu, để hợp thức, để che dấu cho những âm mưu, những lợi ích, để liên tục phá vỡ các kỷ lục về sự hoang phí trong tiêu tiền và cả tham nhũng, trong việc chạy theo và lập ra các kỷ lục nhân dịp thượng thọ Thăng Long. Đã có ai trả lời là trục tâm linh này đang đâm đầu vào núi, đang xoay hướng kinh thành, thậm chí đang đi vào “cửa tử” (chữ dùng của TS Diện).



Trở lại với Trung tâm hành chính quốc gia. Vấn đề là Trung tâm sẽ gồm những gì, khi mà nhà Quốc hội thì đã ở Ba Đình. Trung tâm hội nghị quốc tế thì đã ở Mỹ Đình.

TS Diện, với tư cách là một người con của làng cổ Đường Lâm cho rằng: Xứ Đoài là vùng đất phía Bắc của tỉnh Hà Tây cũ, là nơi có địa thế kẹp giữa hai dãy núi – Tam Đảo và Tản Viên, bị bao vây bởi sông Hồng và hai dãy núi nên đây là vùng đất tương đối biệt lập và khép kín, ít có giao lưu. Nơi đây, hình thành nên làng mạc khép kín, do đó lưu giữ được tương đối toàn vẹn những nét văn hóa Việt cổ (Việt - Mường) và bảo tồn cảnh quan văn hóa xứ Đoài như đền chùa đình miếu và các nhà ở dân gian.
Đây từng là nơi nhà Lý nhốt giữ tù binh. Kể tên hàng loạt các dòng họ Phan Huy (Thạch Hà, Hà Tĩnh), dòng họ Nguyễn Bá Lân (Từ Hoài Bão, Tiên Du, Kinh Bắc), dòng họ Nguyễn của Tản Đà (từ Kim Lũ, Hà Nội), dòng họ Phạm Công Trấn (từ Gia Lâm)… đã từng đến định cư tại Xứ Đoài, ông nói đây thực chất là “Nơi ẩn cư của các kẻ sĩ lánh đời, quay lưng với thế sự”. Xứ Đoài chưa bao giờ là vùng kinh tế năng động,. Nơi này chỉ thích hợp để bảo tồn văn hóa, làm du lịch văn hóa và du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Vậy khi Trung tâm hành chính quốc gia về đây thì khu vực này sẽ thành khu làm việc hay khu nghỉ dưỡng của các quan chức?

P/S: Ý kiến của TS Diện được phát biểu tại buổi Toạ đàm “Quy hoạch và bảo tồn di sản văn hoá ở Thủ đô Hà Nội” do Báo Đại Đoàn Kết và Văn phòng BCD 1000 năm Thăng Long- Hà Nội phối hợp tổ chức sáng nay 7-5 tại Hà Nội. (Trong giấy mời còn có một cái mở ngoặc đơn là: Trường hợp quy hoạch Thủ đô tầm nhìn đến năm 2030 hay đại loại như thế)

Đây là một toạ đàm mà một diễn giả đã nhận xét: Toạ đàm mà có đến ¾ người dự là báo chí, nửa số còn lại là Ban tổ chức và hầu như không có ai đúng chuyên môn về bảo tồn di sản. Toạ đàm về quy hoạch và bảo tồn di sản nhưng lại không có mặt đại diện của hai nhà tư vấn PPJ và POSCO với tư cách tác giả của Quy hoạch Thủ đô, không có đại diện của Cục Di sản. Ông cho rằng đây là một cuộc họp báo và đặt câu hỏi: Ai sẽ đưa những ý kiến phát biểu tại đây? Đưa đến địa chỉ nào? Hay chỉ nói cho vui?

Nói thêm: Một Toạ đàm mà không có ý kiến phản biện. Một buổi Toạ đàm mà chủ thì lại là khách. Các diễn giả lại chỉ đóng vai trò phóng viên khi chỉ nêu câu hỏi. Và các phóng viên thì vào vai…quần chúng. Thì rõ ràng đó không phải là cuộc toạ đàm.

Trong các cuộc họp báo, các nhà báo đặt câu hỏi và người tổ chức họp báo trả lời. Nhưng cuộc này cũng không thể gọi là cuộc họp báo vì chỉ có người đặt câu hỏi chứ không có người trả lời.

Ấn tượng nhất là phần phát biểu của TS Đỗ Văn Ninh: “Thú thực tôi nghe từ nãy đến giờ mà tôi chả hiểu gì cả”. Sau khi vị TS có chuyên môn là gạch ngói này phát biểu, nhiều người đã vỗ tay bởi họ cũng không biết cái buổi này là nói về quy hoạch, hay bảo tồn, hay cả hai. Tại hạ sau khi nghe TS Ninh nói, xin lỗi, cũng nói thật là chả hiểu ông nói cái mẹ gì cả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét