Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

23 thg 12, 2009

“ĐÁNH” BÃO?


Kinh hoàng. Sau mỗi cơn bão lũ là hàng trăm sinh mạng. Hàng nghìn hàng vạn ngôi nhà sụp trôi, nhiều bản làng chỉ còn là bãi đất hoang… Nhiều khi tổn thất và tang thương hơn cả chiến tranh!
Rồi cứu trợ, giúp dân dựng lại nhà, tiếp tế lương thực thuốc men… Những nghĩa cử cứu giúp, chia sẻ với đồng bào vùng lũ sau chết chóc tang thương là cần kíp. Nhưng đó chỉ là những phương cách và nghĩ cử sau thảm họa nhằm… khắc phục và chữa chạy! Cái vòng luẩn quẩn đó sẽ cứ lặp lại, thậm chí lặp lại ở chu kỳ ngắn hơn nhưng đau thương hơn, tổn thất hơn, tang thương hơn nếu không làm tốt phương cách phòng chống.

Xã hội mỗi ngày một tiến bộ, văn minh. Nhưng thiên tai thảm họa lại ngày một kinh hoàng hơn. Hò reo vui mừng khi nước này nước nọ phóng vệ tinh, ngạc nhiên thán phục quốc gia nọ đưa tàu vũ trụ lên mặt trăng. Rồi hàng loạt vũ khí tối tân, tàu chiến, hạt nhân… Nhưng sao chưa có được loại vũ khí nào đủ sức đánh bão? Tôi cứ mơ ước một ngày nào đó chế tác được con tàu không phải để lao vào vũ trụ, mà dùng để lao thẳng vào cơn bão. Tôi ước có được một loại tên lửa hạt nhân không phải để “phòng thủ” và “đánh chặn” nguy cơ chiến tranh, mà là thứ tên lửa hạt nhân bắn vào tâm bão để chế ngự bão, thậm chí có thể… phá tan bão!

Sự tiến bộ và văn minh đẻ ra hàng loạt vũ khí giết người… hàng loạt, chứ chưa sản sinh ra được loại vũ khí chế ngự và đánh tan bão. Và vì thế, cuộc chiến với bão, dường như vẫn chỉ dùng vào sức người, vẫn chỉ là sự tìm cách tránh né, thoát chạy và khắc phục hậu họa.

Một bài học “đánh” bão… cổ truyền là dựa vào thiên nhiên, dùng thiên nhiên để chế ngự thiên nhiên đã bị xem nhẹ. Khoảng mười năm về trước, dọc dài thăm thẳm các vùng cát ven biển miền Trung đi đâu cũng gặp dương. Những rừng dương phòng hộ với chức năng cản bão. Thoáng chốc, những rừng dương biến mất. Tốc độ phá rừng còn gọn nhanh hơn… cạo râu! Đi đâu, về đâu cũng thấy phá rừng dương lấy đất phân lô, lập resort, dự án. Trớ trêu thay, việc phá rừng phòng hộ ven biển lập resort, dự án luôn được đánh giá phân xét là “chuẩn phát triển” cho các đô thị, chính quyền. Vì thế, thay vì trồng thêm rừng dương để cản bão, hầu khắp các tỉnh thành ven biển miền Trung lại phá sạch những rừng dương để dọn đường đón bão.

Bão không chỉ một năm. Một năm không chỉ vài cơn bão. Trung bình hàng năm có khi hàng chục cơn bão dữ. Vì vậy, những dự án không hiệu quả, những khoảng đất xí phần chưa kịp bán vẫn có thể lấy lại để… trồng lại rừng. Tốc độ trồng rừng và khoảng thời gian cho rừng xanh lại đủ sức cản bão có khi không dài bằng thời gian hoàn thành các dự án. Những khoảng rừng dương ít ỏi, thưa thớt còn sót lại, đang bị chặt phá hoặc chưa kịp đốn chặt phải lập tức bị chặn lại. Lợi ích của vài khu resort có đánh đổi hoặc bù đắp được tính mạng dân chúng vùng bão?

Phía thượng nguồn cũng vậy, rừng bị phá với tốc độ kinh hoàng. Phá đến mức không còn rừng đủ để ngăn lũ. Thủy điện cũng có “tội”. Đồng ý là để có một nhà máy thủy điện, phải đánh đổi quá nhiều rừng. Nhưng đổ hết tội cho thủy điện cũng không hẳn đúng. Vẫn có cách làm thủy điện nhưng giữ được rừng, không phải phá quá nhiều rừng. Thậm chí thủy điện sẽ có công cắt giảm lũ nếu ngay từ khi thiết kế xây dựng mọi trạm thủy điện lớn nhỏ đều phải ôm đủ hai chức phận: sản xuất điện và cắt giảm, điều tiết lũ. Hậu họa lũ vừa qua phơi lộ sự cẩu thả trong qui hoạch khoanh vùng và thiết kế thủy điện. Không ít dự án nhà máy thủy điện được xây dựng chỉ với một mục đích duy nhất là sản xuất điện, mà quên mất mục tiêu cắt giảm, điều tiết, chế ngự lũ!

Phạm Phan Long, một trí thức Việt kiều thuộc Hội sinh thái Việt California (Hoa Kỳ) vừa gửi cho tôi một “kiến nghị thư” quanh vấn đề bão lũ miền Trung và hiện tượng A Vương: “Phải khiêm cung khi lập phương án cho những công trình khai thác đại quy mô. Tai họa A Vương là một tiếng chuông báo động. Sai trái lần đầu có thể tha thứ, nhưng lần sau, lũ sẽ cuốn đi cả lòng tha thứ trong các con tim nạn nhân từ bi nhất”.

Năm nào cũng bão lũ. Có năm hàng chục cơn bão dữ, lũ chồng lên lũ. Mỗi cơn bão lũ là hàng trăm sinh mạng, hàng nghìn hàng vạn ngôi nhà. Làm sao để nhà bớt sập, dân bớt chết? Mô hình nhà cho dân vùng lũ đã xuất hiện không ít. Tuy chưa thuyết phục lắm, nhưng một số mô hình đã chứng tỏ có hiệu quả, giảm thiểu rủi ro. Tiếc thay lại chưa được nhân rộng đến khắp cư dân các vùng bão lũ. Đó là mô hình nhà chống bão của kỹ sư Nguyễn Thanh Bình tại Đà Nẵng với tổn phí chỉ ở mức 25 triệu đồng cho một ngôi nhà chống được bão cấp 12. Đó là mô hình nhà chống bão lũ thuộc dự án phòng chống- giảm nhẹ thiệt hại về nhà ở do bão gây ra ở miền Trung (DW) đang triển khai tại Thừa Thiên- Huế. Mô hình nhà chống bão lũ của dự án này vừa nhận giải thưởng quốc tế về nhà ở năm 2008 của Quỹ xây dựng nhà ở xã hội được bảo trợ bởi Chương trình định cư Liên hiệp quốc. Hoặc mô hình nhà chống bão với hệ thống dây chằng rất tiện nghi và đơn giản của kỹ sư Nguyễn Thanh Tuấn Kiệt…

Kêu gọi các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm quyên góp tiền của cứu trợ cho dân sau bão lũ là cần kíp. Nhưng giá như công việc đó được hướng về… trước bão. Đó là vận động cả chất xám và tiền bạc của doanh nghiệp để xây nhà chống bão-lũ cho dân, để sau bão khỏi phải chạy theo việc vận động xây lại nhà đã sập. Đặt ra cho miền Trung mục tiêu hoàn tất việc này trong vòng vài năm tới có được không? Chính quyền tỉnh thành nào dám xung phong nhận lãnh “chỉ tiêu” này trước tiên? Để dám hứa trước dân rằng họ sẽ được sống bình an trong bão lũ. Việc tìm kiếm một mô hình nhà chống bão- lũ chuẩn áp dụng cho dân miền Trung phải được xem là việc làm ngay, là mục tiêu trước tiên, khẩn tốc của chính quyền, thậm chí là của Chính phủ!

Việc triển khai những mô hình nhà chống bão lũ dạng này không mất quá nhiều thời gian. Và đặc biệt không phí tổn quá nhiều tiền. Rồi ngay tại mỗi vùng bão lũ, việc xây dựng một ngôi nhà tránh bão lũ chung cho dân chúng cũng là điều không quá khó và có thể làm ngay. Chỉ cần mỗi vùng, hoặc mỗi làng một khu tránh bão, sẽ bớt đi những cảnh dân phải ngồi kêu cứu chơi vơi trên nóc nhà hoặc bu bám… ngọn tre.

Không làm được việc này, không tìm được phương cách phòng chống, chế ngự bão lũ, không biết cách “đánh” bão để cứu dân thì mãi mãi vai trò và chức phận của chính quyền cũng chỉ dừng lại ở động thái chạy theo làm công việc cứu trợ, ngồi trên trực thăng ném mì tôm xuống… biển nước, hoặc cái phong bao, vài lời động viên và… thắp nhang chia sẻ trước đau thương tang tóc của đồng bào.

Không làm được việc này, không tìm được phương cách phòng chống và chế ngự bão lũ, thì chính quyền cũng chẳng khác gì một tổ chức từ thiện chuyên đi cứu trợ sau bão!

Nguon : Truong duy Nhat ' s blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét