Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 12, 2009

Thuong nguoi tham nhung!


Cách đây hơn một năm, tình cờ tôi ngồi với một người ăn nói có vẻ rất hiểu biết, tự tin. Chắc chắn đây là một người có học thức và có quyền lực. Được bạn bè làm quen với nhau, anh giới thiệu :“Là người đi học về luật pháp và an ninh ở nước ngoài về; trước làm việc tại Văn phòng Trung ương Đảng; nay chuyển sang làm tại Ban phòng chống tham nhũng trung ương”.

Vừa rồi mới gặp lại, thấy anh vẫn sang trọng, tự tay lái chiếc xe cũng sang trọng nốt, đưa chúng tôi đi uống bia hơi. Khi đã khá thân quen, tôi mới hỏi anh:
- Anh là quan chức phòng chống tham nhũng, cứ cho là lương cao đi, nhưng cũng chỉ có 7 – 8 triệu đồng/tháng chứ mấy! Lấy đâu ra tiền mà uống rượu bia, mua nhà, sắm xe?
- Muốn chống được tham nhũng, trước hết tôi phải biết tham nhũng chứ!
Một câu trả lời nửa đùa, nửa thật, nhưng rất thẳng thắn. Tôi thích sự thẳng thắn này. Và điều tôi thích nhất là anh không nói dối.
Không bù cho một số quan chức khác, khi “lâm nạn”, bị chất vấn, trả lời rất quanh co và buồn cười; thậm chí là ngờ nghệch. Các quan chức nói dối rất dở!

Có ông quan thanh tra, khi công bố bản kết luận, trong đó nói thất thoát chỉ mấy chục triệu. Sau đó người ta kiểm tra lại, phát hiện thất thoát mấy chục tỷ đồng, ông ta chống chế: “Thì chỉ sai có cái lỗi chính tả chứ có gì lớn đâu?!”. Chữ “tỷ” nếu sai chính tả, nó thường thành “tý” hoặc “ty” chứ sao nó lại thành triệu được nhỉ?

Rồi cái vụ một ông Phó văn phòng Chính phủ quên cặp ở sân bay, trong đó có rất nhiều tiền. Hỏi tiền ở đâu ra, ông ta lí nhí trả lời: “Tiền đó do anh em, bạn bè góp lại để mua sừng tê giác”. Thật là không khảo mà ông ta xưng ra chuyện tham gia buôn bán hàng “quốc tế cấm”!

Nhưng buồn cười nhất có lẽ là một ông rất “cốp”, vì biến nhà công vụ thành nhà riêng nên bị thanh tra và bị báo chí phê phán. Nói một cách công bằng, lỗi của ông trong vụ vệc này là không lớn, vì cán bị cấp dưới muốn nịnh ông nên mới làm như vậy. Ông sẵn sàng trả lại nhà, nhưng ông đã trót xây sang trọng, cao tầng, có thang máy… Số tiền lên tới nhiều tỷ. Hỏi: “Tiền ở đâu ra vậy?”. Ông trả lời: “À, tiền đó là do làm đại ký bán mật gụ (gấu) cho anh ở trong quê mà có”. Nghe câu trả lời, có người suýt ngất vì cười. Nói dối dở như thế thì đáng thương thật!
Nói thật khi nào cũng “ đáng yêu”, kể cả khi họ tham nhũng. Một vị cục trưởng thẳng thắn công nhận là mỗi năm anh có khoản thu từ “phong bì” khoảng 500 triệu đồng.
Anh nói thêm:
- Người ta quý mình người ta biếu, chứ mình có bắt người ta biếu đâu! Như thế không thể gọi là tham nhũng được.
- Tất cả các khoản thu nhập bất hợp pháp đều là tham nhũng. Nếu anh không làm Cục trưởng, ai biếu anh? – Tôi nhẹ nhàng nhưng cương quyết nói. Anh hiền lành công nhận:
- Đúng vậy, nhưng như thế là bình thường, thậm chí phải làm như vậy mới tồn tại trên cái ghế ấy lâu được. Cứ thử không nhận phong bì hay đưa tiền phong bì vào quỹ cơ quan xem?! Không tồn tại quá 2 năm!
Điều này thì tôi công nhận. Đã có gương của Bí thư tỉnh uỷ Cà Mau và Chủ tịch tỉnh Cao Bằng rồi. Thêm nữa, trước đây có những vị nhậm chức năm đầu, sau một vụ Tết, nhập công quỹ tiền tỷ. Nhưng chỉ được một năm thôi, những năm sau không thấy nữa…

Vậy là có nhiều người buộc phải tham nhũng, bị xô đẩy vào con đường tham nhũng, vì không tham nhũng thì trở nên lạc lõng và có thể mất chức. Tôi đi uống bia nhưng cứ ái ngại nhìn anh bạn mới ở Ban phòng chống tham nhũng Trung ương; tuy anh đã có kinh nghiệm tham nhũng, nhưng liệu anh làm được gì trong hoàn cảnh hiện nay?!

Nguồn: Hobatkhuat' s blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét