Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 12, 2009

Chống tham nhũng bằng ...miệng


Sáng 13/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định tình trạng tham nhũng tuy có giảm nhưng vẫn đang tồn tại một số vụ việc gây bức xúc trong dư luận; một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng chưa đạt hiệu quả cao, tính minh bạch tại một số lĩnh vực như thuế, đầu tư, đất đai, chi tiêu công vẫn chưa cao…
Những điều Thủ tướng nói không sai, chẳng lạ và cũng chưa có gì mới vì trên thực tế tại VN vẫn chống tham nhũng, lãng phí bằng khẩu hiệu và tuyên bố nhiều hơn hành động.



Nghị quyết, quyết định, chỉ thị, biện pháp… chống tham nhũng, lãng phí không thiếu nhưng thực hiện thì vô cùng thiếu. Hàng loạt vụ án tham nhũng lớn như PCI, Nguyễn Đức Chi, PMU 18, Điện kế điện tử, Nguyễn Lâm Thái… cuối cùng đã hiện rõ là “đầu voi đuôi chuột”. Nhiều tờ báo và phóng viên bị “chỉ mặt” là thủ phạm “bé xé ra to” làm mất uy tín các cơ quan Đảng và chính quyền, quan chức!?
Sau thời gian ngắn tưởng chừng như “tổ” tham nhũng sẽ bị phá thì đến nay không chỉ báo chí rụt rè mà người dân cũng chán nản khi thấy các quan chức “phản đòn” như vụ PMU 18 hay Nguyễn Đức Chi. Với những gì đã diễn ra thì công luận càng nghi ngờ quyết tâm “cá nhân tham nhũng không được bầu vào cấp ủy Đảng” như những tuyên bố gần đây khi Đại hội Đảng các cấp đến gần.


Còn nhớ cuối 1999 trầy trật mãi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội mới thông qua được quy chế chống lãng phí sau 8, 9 lần dự thảo sửa đi sửa lại. Nhưng 10 năm qua, quy chế này tồn tại trên giấy nhiều hơn hiệu quả thực tế vì phần lớn Bộ, ngành, địa phương đều nói hay hơn làm. Xe công mua quá giá quy định lãng phí đến mức mà thời còn làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Nguyễn Sinh Hùng phải thốt lên “Bãi sông Hồng chứa cũng không đủ”.
Từ địa phương đến trung ương, việc mua xe cho các quan đi lại lố hàng trăm triệu đã thành chuyện bình thường. Trong một cuộc Hội nghị không lớn tại miền Tây, tôi từng chứng kiến hơn 200 xe biển số xanh mổi chiếc chở một vị dù chung tỉnh, chung ngành. Chủ trương gom các văn phòng 2 của Bộ, ngành trung ương tại TP Hồ Chí Minh về một mối cũng nhanh chóng phá sản dù đã đổ hàng chục tỷ xây trụ sở chung vì Bộ nào cũng muốn riêng một cõi hoành tránh.
Ngay tại TP Hồ Chí Minh tấc đất tấc vàng mà có văn phòng Bộ chỉ vỏn vẹn 10 người chiếm luôn biệt thự gần 1000 m2. Làm việc không hết, chia chác nhau vẫn dư thừa, họ đem cho thuê và luôn tìm cách lờ đi nghĩa vụ nộp ngân sách. Hơn ai hết, người đứng đầu địa phương và Bộ, ngành nắm rõ tình trạng này; họ cũng hô hào phải tiết kiệm, không được lãng phí nhưng vì “ nồi cơm nhỏ” của mỗi người, mỗi ngành nên “ nồi cơm chung” của cả nước cứ mãi bị bớt xén.


Chỉ riêng TP Hồ Chí Minh, quỹ đất dôi dư bị sử dụng lãng phí đem bán thu về cho ngân sách 14.913 tỷ đồng, số tiền đủ để xây thêm vài chiếc cầu Mỹ Thuận hay nuôi sống hàng triệu dân trong cả năm trời. Tham nhũng còn có thể vạch mặt chỉ tên trị tội chứ lãng phí thì vẫn vin vào trách nhiệm chung chung và quá nhiều người cảm thấy mình “vô tội” một cách vô cảm. Nếu nhận ra rằng hàng triệu đồng bào đang sống ở mức mà bớt một bữa tiệc rượu bia lai láng có thể nuôi cả gia đình nghèo trong vài tháng thì mới thấy đó là tội ác. Còn việc hô hào rồi vẫn nhắm mắt cho lãng phí vẫn tràn lan như bia rượu chảy đầy trong các lễ mừng công, đón huân chương, xe công vi vu lễ hội, nhà công như món quà biếu nhau thì người lãnh đạo nên xem lại nhân cách mình.


Bộ trưởng dùng vang Đà Lạt tiếp khách chắc quan chức dưới quyền mấy ai dám dùng Hennessy tiếp đãi nhau. Bí thư, Chủ tịch tỉnh đi làm bằng xe máy cũng ít cấp dưới dám dùng xe công đưa con đi học, vợ đi chợ, bản thân đi nhậu. Có gương ắt phải soi, còn ngược lại, phép nước sẽ tiếp tục bị coi thường và tài sản công vẫn là “cha chung không ai khóc”. Xài thoải mái của công không những thỏa được đặc lợi mà còn có mảnh đất màu mỡ để tham nhũng. Hàng trăm vụ tham nhũng lớn cũng bắt nguồn từ “mỡ nhiều quá mèo ăn không hết phải đem về cho vợ con, họ hàng, bạn bè”.
Giờ đây dân chúng đang chờ khẩu hiệu chống lãng phí phải được thực
thi chứ không phải hô hào suông mãi. Họ có quyền đòi hỏi công bộc làm nhiều hơn nói vì suy cho cùng mọi nguồn tài sản của đất nước đều bắt nguồn từ đóng góp, thuế má của hàng chục triệu dân chúng. Hơn nữa, đó còn là lương tri và trách nhiệm của những người thay mặt nhân dân quản lý tài sản công – thứ lương tri và trách nhiệm lâu nay bị không ít quan chức để quên, đánh mất hay phung phí như tài sản công mà họ đã vung vãi suốt hàng chục năm qua.


Tác giả Hà Phan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét