Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

24 thg 12, 2009

Thưa hai ông Bộ trưởng, cho tôi được hỏi!


Chuyện các DNNN chúng ta hiện nay làm ăn có hiệu quả hay có… hậu quả ra sao tùy nhận xét của mỗi người do lượng thông tin thật mình có được. Tuy nhiên, chuyện hai Bộ trưởng hôm nay lên tiếng tại diễn đàn Quốc hội không phải là để báo cáo về hiệu quả, mà dường như đang lý giải về hậu quả mà các doanh nghiệp mang đến. Nhưng cái cách lý giải của cá hai Bộ trưởng khiến chúng ta cảm thấy giật mình!

Thưa ông Bộ trưởng Tài chính, một người dân bình thường như tôi hiểu đơn giản rằng, đã là một doanh nghiệp, cho dù được khoác trên mình nó mấy chiếc áo, DN vẫn phải thực hiện mục tiêu căn bản duy nhất của nó là tìm kiếm lợi nhuận. Lợi nhuận đó có thể tồn tại dưới nhiều hình thức như: gia tăng tích lũy của cải vật chất, đồng vốn, bảo đảm an ninh kinh tế, thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nghĩa vụ dân sinh… Cho dù lợi nhuận được thể hiện dưới bất kỳ hình thức nào, thì kết quả kinh doanh cuối cùng của DN chỉ được xem là tốt khi tổng các lợi nhuận là dương, tức là sinh lời, không thể có chuyện dù kinh doanh thua lỗ, nhưng nhìn chung là “đạt kết quả rất tốt” thưa ông Bộ trưởng! Không biết suy nghĩ như vậy của tôi có gì không ổn không thưa ông? Rất mong được ông chỉ giáo!

Trong lời giải trình của ông Bộ trưởng Tài chính, tôi thấy ông lý giải nguyên nhân thua lỗ của các DNNN (những DN nắm đầy quyền lực và sự ưu ái của Nhà nước) bởi họ phải thực hiện cùng lúc hai vai trò kinh tế – chính trị do Nhà nước giao. Như vậy có thể “dịch” ý trên ra như sau: đáng lý ra, nếu chỉ làm kinh tế thì các DN này có thể lời, nhưng vì gánh vác thêm nhiệm vụ chính trị nên làm cho DN bị thua lỗ. Do đó, chúng ta cần phải xác định nhiệm vụ chính trị nặng tới mức nào mà khiến cho DNNN bước đi loạng choạng như vậy? Phải tách bạch hai vai trò như lời Bộ trưởng đã nói. Bởi vì chúng ta không thể để cho những DNNN, là thành phần kinh tế chủ lực của Quốc gia và những người điều hành DNNN chịu oan ức được. Việc làm ăn thua lỗ của các DNNN không phải là thứ có thể dùng để quảng bá cho thế giới về hình ảnh của một nước Việt Nam năng động và đầy hứa hẹn được.

Với trách nhiệm là một công dân, tôi xin khẳng định với ông Bộ trưởng rằng, tôi chưa bao giờ có ý dựa dẫm vào các DNNN để mong được hưởng giá ưu đãi nào để đến nỗi họ phải mang nợ vì lý do trợ giá cho người dân chúng tôi. Và đây:

Với EVN, người dân Việt Nam chưa bao giờ “dám” mặc cả với họ dù chỉ một lần để xin được giảm giá thành điện sử dụng. Chúng tôi chỉ được một cái quyền lựa chọn duy nhất là xài hay không xài điện của EVN với cái giá do họ ấn định. Khi EVN tuyên bố thua lỗ do giá thành bán điện quá thấp và yêu cầu tăng giá điện để bù lỗ, thì ai cũng chờ đợi một sự giải trình minh bạch, nhưng họ lại không chứng minh được với giá đang bán vì sao họ lại bị lỗ. Nếu tôi nhớ không nhầm thì hình như đề nghị tăng giá điện của họ đã bị Chính phủ bác bỏ với lý do thiếu hợp lý. Tuy vậy, dường như ai cũng nhận ra rằng, hóa đơn tiền điện của gia đình hằng tháng đều tăng ít hoặc nhiều bởi cách tính giá mới của EVN.

Nhiệm vụ chính trị xã hội ư? Có lẽ không người dân Việt Nam chân chính nào lại hẹp hòi với những người dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những vùng biển đảo của Tổ quốc. Chúng tôi sẵn sàng chịu tăng tiền thuế thêm nữa để có thể có nhiều hơn con số 100 tỉ nhiều lần để thắp sáng cho cho các vùng biển đảo của Tổ quốc nếu cần. Tất nhiên, tôi đề nghị EVN hãy tách bạch hai nhiệm vụ này ra một cách rành mạch! EVN là người làm thuê và được nhân dân trả chi phí để bán điện đến những nơi người dân cần, EVN không phải là kẻ ban phát ân huệ!

Với Tập đoàn Xăng dầu, cũng tương tự EVN, có lẽ họ đang tự hào là người ban phát ân huệ cho nhân dân khi bán xăng dầu với giá rẻ!? Thật lạ, người dân đã – đang và tiếp tục móc túi chi trả tiền xăng dầu – gas với những giá cả nhảy múa chóng mặt mà các công ty xăng dầu tại Việt Nam ấn định, đâu có sự lựa chọn nào khác?! Các chuyên gia vẫn tính toán ra được rằng, các công ty kinh doanh dầu đang lãi với những con số không ngờ đó thôi. Đề nghị ông Bộ trưởng Tài chính hãy yêu cầu Tập đoàn Xăng dầu tính toán chính xác, với giá bán xăng dầu bao nhiêu thì họ không thua lỗ?

Tổng Công ty Lương thực cũng là ân nhân của nhân dân? Nghe thấy lạ! Thời gian vừa qua không ít những kêu ca phàn nàn về cách điều hành xuất khẩu lúa gạo của Công ty này. Những người nông dân không biết có ai cảm nhận được cái ơn mưa móc của công ty này chưa, ngược lại chỉ thấy những lời than vãn về cách thu mua lúa gạo đầy ngịch lý của tập đoàn này. Đã từng có lần đích thân Thủ tướng phải chỉ đạo họ phải mua lúa cho dân vì dường như họ không muốn mua?! Nếu quả thực họ mua lúa để giữ giá cho dân thì họ đã làm được mấy lần? Chi phí này là bao nhiêu so với lợi nhuận độc quyền điều hành xuất khẩu của họ?

Đây là lần đầu tiên tôi cảm thấy ngạc nhiên ghê gớm khi ông Bộ trưởng Tài chính cho rằng: “nếu không phải Tập đoàn Dầu khí, không ai đầu tư cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất, đầu tư ra Biển đông, hải đảo”. Ô hay, nhà máy lọc dầu Dung Quất là một dự án tầm cỡ đã được toàn Đảng và Chính phủ quan tâm chỉ đạo sâu sát qua suốt bao nhiệm kỳ, là niềm hy vọng to lớn của đất nước, cho khu vực kinh tế Miền Trung, cho người dân Quảng Ngãi, là giấc mơ có xăng dầu “made in Vietnam”… Như vậy, Tổng Công ty Dầu khí được đầu tư vào đây thì đó là cơ hội và vinh dự, chứ tại sao lại có vẻ gượng ép và khó khăn như ông Bộ trưởng vừa nói nhỉ?! Rất mong ông Bộ Trưởng giải thích rõ ràng về trường hợp này để những người dân không may thiếu tầm hiểu biết như tôi bớt lo lắng và cảm thấy có gì không ổn!

Tôi hoàn toàn đồng ý với kiến nghị của ông Bộ trưởng là tách bạch hai nhiệm vụ kinh tế và chính trị khi đánh giá thành quả hoạt động của một doanh nghiệp. Tuy nhiên, tôi rất ngạc nhiên khi Bộ trưởng nói rằng “bản thân các tập đoàn này không tách được”. Vì sao? Đây là nhiệm vụ bất khả thi? Tôi nghĩ Bộ trưởng hoàn toàn nhìn được tính khả thi của nó khi ra chỉ thị này. Vậy tại sao các tập đoàn “không tách được”? Họ yếu kém đến nổi không làm được, cơ chế hiện nay quá khó khăn, hay vì mộ lý do nào đó mà nếu cởi lớp áo chính trị, mọi thứ yếu kém của họ sẽ phơi bày ra lập tức? Thiết nghĩ Bộ trưởng hoàn toàn có đủ thẩm quyền, khả năng và thiện chí để giải đáp giúp tôi câu hỏi này.

Thưa ông Bộ trưởng KHĐT, có lẽ ông cũng đồng ý với ông Bộ trưởng Tài chính rằng, các DNNN của ta hiện thực hiện song hành vai trò kinh tế và chính trị? Các DNNN đang được hưởng nhiều ưu đãi về vốn, tài nguyên so với các thành phần kinh tế khác là điều không có bàn cãi. Họ được Đảng – Chính phủ cho phép hoạt động đa ngành – đa nghề – đa sở hữu như các tập đoàn nước ngoài cũng là điều rất đúng. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có quyền dùng tiền thuế của nhân dân, thậm chí tiền được Chính phủ bảo lãnh vay tín dụng từ nước ngoài rồi đem kinh doanh một cách tắc trách, để rồi khi thua lỗ thì đổ lỗi là do… cơ chế, do tình hình thế giới biến động, do chủ quan… Hậu quả là không ai phải chịu trách nhiệm trả nợ, nhân dân là đối tượng phải móc tiền để Chính phủ bù lỗ hay trả nợ thay cho họ!

Dòng vốn mà các công ty, tập đoàn thuộc DNNN đang sử dụng là tiền thuế của dân và nợ nước ngoài mà người dân phải trả trong tương lai. Họ có thể làm như lời ông Bộ trưởng nói nếu tài sản đó là của họ, hoặc các tập đoàn này phải chịu trách nhiệm cụ thể trong việc hoàn trả vốn mà họ vay mượn từ ông chủ là nhân dân, hoặc ông chủ là các tổ chức tín dụng quốc tế thưa ông Bộ trưởng!

Tôi cũng thấy hoang mang khó hiểu với cách lý giải của Bộ trưởng về dòng vốn đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản vốn bị xem là thủ phạm gây ra một số vấn đề. Thực tế, chỉ rất là con số “nhỏ” khoảng 5% tổng số vốn đầu tư của các tập đoàn đã đổ vào đây? Vấn đề không phải là 5%, 10% hay 90%, vấn đề là tổng số vốn đã đổ vào hai thị trường này có khiến cho nó trở nên bị bội thực mà sinh ra lắm chuyện hay không mà thôi. Về mặt số học, con số 5% của hàng trăm ngàn tỉ có ý nghĩa nghê gớm hơn nhiều so với con số 90% của vài tỉ đồng, thưa ông Bộ trưởng! Tất nhiên, nếu sử dụng đúng mục đích đầu tư thì không phải 5%, mà thậm chí là 50% hay 500% đều là những con số đáng khuyến khích và đáng tự hào. Bằng ngược lại, 1 đồng vốn bị thất thoát cũng đã là vấn đề nghiêm trọng cần cân nhắc!

Một doanh nghiệp hoạt động kinh doanh thì họ có quyền được tự do hoạt động trong khuôn khổ luật pháp Việt Nam và luật pháp Quốc tế mà chúng ta cam kết thực hiện. Từ đó, họ tìm kiếm lợi nhuận hợp pháp cho các cá nhân, cho tập đoàn và đóng góp cho quốc gia. Cũng sẽ rất công bằng, nếu họ phải chịu trách nhiệm đối với những thiệt hại về người và tài sản do họ gây ra với những đối tượng có liên quan, với an ninh của Tổ quốc. Những người lãnh nhận sứ mạng điều hành các DNNN hãy ký cam kết điều này trước khi họ ngồi vào các chức vụ đó!

Khoan vội kết luận các DNNN thua lỗ, hoạt động có hiệu quả hay gây hậu quả. Hãy bóc tách và phân tích một cách khách quan trước đã. Rất mong sau khi tách bạch rõ ràng, bức tranh về hoạt động kinh doanh của các DNNN sáng sủa hơn chăng? Mong lắm thay!

Cuối cùng, tôi suy nghĩ rằng, các tập đoàn không phải là ông chủ của nhân dân, nhân dân là ông chủ của các tập đoàn gọi chung là DNNN, có phải vậy không thưa hai vị Bộ trưởng?

Hoài Nam

Link tham khao : http://vietnamnet.vn/chinhtri/200911/Nghe-hai-bo-truong-giai-trinh-cho-tap-doan-877939/

Nguồn : bauxitvietnam.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét