Chúng ta đang sống trong thời kỳ người dân rất quan tâm đến thông tin, hơn nữa họ có thể trao đổi thông tin với nhau quan mạng Internet. Do vậy, những gì xảy ra trong nước cũng như ngoài nước được mọi người biết đến rất nhanh; người ta trao đổi, bàn luận quanh những thông tin đáng chú ý và bày tỏ thái độ. Đây chính là dư luận.
Thời gian gần đây có những sự việc dường như là thách thức dư luận. Đó là việc ông Đào Duy Quát cho đăng tin dịch của nước ngoài về việc Trung Quốc tập trận ở Trường Sa. Sau khi rất nhiều người phản ứng dữ dội, ông Quát bị kỷ luật, bị phạt tiền. Ông chống chế bằng cách đổ lỗi cho “cậu đánh máy” quên hai chữ “ngang ngược”. Nhiều người cho rằng, trong trường hợp này chính ông Quát ngang ngược, không coi dư luận ra gì mới nói là thêm chữ ngang ngược vào bản tin dịch của nước ngoài.
Nhưng sự việc chưa dừng ở đó. Mấy hôm sau ông Quát còn đi trao giải cho những người làm bài xuất sắc trong cuộc thi tìm hiểu về biển và đảo! Một người vừa bị kỷ luật do cho đăng tin Trung Quốc tập trận trên vùng biển đảo của ta, bị dư luận lên án dữ dội, lại là người đi trao giải thưởng cho cuộc thi về biển đảo! Mỉa mai và đau đớn làm sao?! Nhưng có vẻ nhiều người vẫn nhẫn nhục chịu đựng.
Đến việc Vedan được vinh danh một lúc 3 sản phẩm vì sức khỏe cộng đồng thì rõ ràng là nhiều người không chịu nổi. Một công ty hủy hoại môi trường, “giết chết” dòng sông Thị Vải đang gây nhức nhối lại được vinh danh! Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã phải thốt lên: “Đùa dai!”. Ai đùa đây? Những người cấp bằng vinh danh cho Vedan đùa cợt tất cả chúng ta? Tôi cho rằng, không chỉ như vậy, họ còn đi xa hơn: Họ thách thức dư luận!
Có những việc nữa góp phần khẳng định điều này. Đó là vụ án ông Huỳnh Ngọc Sĩ và bà Trần Ngọc Sương.
Ban đầu bản chất của sự việc trong vụ án ông Sĩ là do phía Nhật Bản cho biết là ông Sĩ ăn hối lộ. Phía Nhật Bản đã xử lý người của họ. Còn phía Việt Nam chỉ xử ông Sĩ tội “Lợi dụng chức vụ và quyền hạn trong khi thi hành công vụ” và được giải thích là án nhẹ vì thân nhân tốt, công nhiều hơn tội.
Bà Trần Ngọc Sương nguyên là Giám đốc Nông trường sông Hậu, người từng được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới (cha bà cũng là nguyên giám đốc Nông trường Sông Hậu, cũng từng được phong Anh hùng thời kỳ đổi mới) từng là gương mặt tiêu biểu cho phụ nữ châu Á – Thái Bình Dương, sau 28 năm làm việc không ngừng nghỉ, đến lúc nghỉ hưu chỉ là tay không, phải đi ở nhờ và bị xử 8 năm tù vì tội lập quỹ trái phép!
Tội của ông Sĩ thì đã rõ, còn bà Sương đang kháng án, nhưng cứ cho là bà có lập quỹ trái phép thật đi chăng nữa thì mức độ nguy hại làm sao so với việc ông Sĩ ăn tiền trong dự án làm với Nhật Bản?! Còn về công – thân nhân tốt thì ông Sĩ làm sao so với bà Sương được. Ấy thế mà ông Sĩ chỉ bị kết án 3 năm tù, còn bà Sương những 8 năm. Đây không phải là sự thách thức thì là gì?!
Chỉ điểm qua một vài sự việc như thế để thấy rằng, có thể có những ai đó đang thể hiện thái độ ngang ngược, xem thường pháp luật và đạo lý, thách thức dư luận, chà đạp lên niềm tin vào công lý của nhân dân. Đây có lẽ không phải là chuyện đùa nữa rồi.
Tái bút:
Người ta lại tiếp tục đổ lỗi cho nhân viên trong việc vinh danh Vedan có 3 sản phẩm “vì sức khỏe cộng đồng”. Nào là “giấy chứng nhận đã được ký khống”, nào là “từng sản phẩm cụ thể của Vedan là tốt”…
Càng thanh minh, càng lộ rõ việc quan chức của ta hầu như không có kỹ năng làm việc và không hiểu pháp luật. Tại sao ông Phó Cục trưởng Hoàng Thủy Tiến lại ký khi không biết giấy chứng nhận này vinh danh công ty nào? Làm đến chức như vậy, sao ông lại có thể ký khống những giấy tờ quan trọng như vậy?
Ông Bùi Văn Quyền – Vụ trưởng, Trưởng đại diện của Bộ Khoa học – Công nghệ ở thành phố HCM còn nói nếu không có báo chí, ông không biết là Vedan được vinh danh. Quan liêu đến thế là cùng! Ông Quyền lại còn nói rằng, các quan chức chỉ thực hiện những vấn đề theo tính pháp lý, còn những việc chi tiết do đơn vị tổ chức thực hiện. Vậy xin hỏi: Ai có vai trò quan trọng, vai trò quyết định trong việc vinh danh Vedan?
Tất cả đồng loạt cho rằng, chỉ có ban tổ chức sai sót. Vậy xin hỏi: Ai sinh ra ban tổ chức? Các thành viên trong hội đồng xét duyệt đều là người của Bộ Khoa học – Công nghệ và Bộ Y tế, Bộ Công Thương… chứ có phải là người thuê ở chợ lao động vào đâu?!
Tôi xin thử trả lời cho việc Vedan – Kẻ “bức tử” sông Thị Vải được vinh danh là do quan chức của ta vừa dốt, vừa tham, vừa vô trách nhiệm. Còn ai đưa những người có phẩm chất như vậy nắm những chức vụ quan trọng chính là người có lỗi.
Tại sao chúng ta không thẳng thắn công nhận những sai lầm của mình để hy vọng có ngày khá lên?
Nguồn: http://vn.myblog.yahoo.com/batkhuatho
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét