30 thg 12, 2009
Che mắt nhân dân
Chuyện chạy chức, chạy quyền là chuyện “xưa như trái đất”, căn bệnh trầm kha của mọi xã hội từ khi có Nhà nước. Ở ta, cụ Tú Xương đã từng vạch trần chân tướng nghề này: “Đứa thì buôn tước, đứa buôn quan / Phen này ông quyết đi buôn lọng / Vừa bán vừa la cũng đắt hàng”.
Thế nhưng, chẳng phải đợi đến thời cụ Tú (“Ở phố hàng Song thật lắm quan”), mà từ thời Lê mạt, sử đã chép: “Bấy giờ quan chức nhũng lạm, phức tạp, một lúc cất nhắc bổ dụng đến hơn 1.000 người, làm quan cầu may, viên chức thừa thãi.”
Càng lắm quan thì dân càng khổ vì phải sưu cao, thuế nặng nuôi bộ máy quan lại. Cho nên, Đại Việt sử ký toàn thư, Kỷ nhà Trần chép: Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông từng ban tước hơi nhiều cho các quan trong triều, dùng ân huệ để tạo hậu thuẫn, không biết “khoan thư sức dân mới là kế sâu rễ bền gốc”, đã sai lấy sổ xem, rồi ghi vào trong đó rằng: “Sao lại có một nước bé bằng bàn tay mà phong quan tước nhiều như thế”.
Đấy là chuyện xưa, nay thì sao? Việt Nam bây giờ là một nước có dân số đứng thứ 13 trên thế giới, song tiềm lực kinh tế thì có lẽ vẫn có thể nói là “bé bằng bàn tay”, thế mà bộ máy quan chức ăn lương thì cồng kềnh, càng kêu gọi tinh giảm biên chế, bộ máy lại càng phình ra.
Trong dịp góp ý kiến với Đại hội X, ông Nguyễn Đức Tâm – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Trưởng ban Tổ chức T.Ư, đã phải cảnh báo: “Chạy chức, chạy quyền không chỉ ở cơ sở mà trên nữa…, có chức có quyền rồi thì người ta phải thu về. Mà thu về thì phải có lãi. Càng lãi nhiều càng tốt. Mua quan bán chức, chạy chức chạy quyền là một nguyên nhân làm tha hoá cán bộ”.
Ấy thế mà, có lần được hỏi về chuyện này, một vị có trách nhiệm lại nói có nghe, nhưng thiếu bằng chứng (chắc vì không bắt được tận tay, day tận trán và đặc biệt chẳng ai chịu thành khẩn khai báo?) nên chưa trị được.
Mọi người theo dõi sát thời cuộc đã từng được nghe ông Lê Văn Cuông (ĐB Thanh Hoá) ngay từ lần chất vấn cách đây 2 năm đã hỏi ông Bộ trưởng Nội vụ Trần Văn Tuấn về nạn chạy chức, và bị Bộ trưởng Tuấn chất vấn ngược: “Chúng tôi rất muốn biết người bỏ tiền chạy chọt để được thăng chức là ai? Xin Đại biểu cung cấp, chúng tôi sẽ cùng các cấp có trách nhiệm kiên quyết xử lý!”. (Vnexpress – 20/11/2007).
Năm nay đại biểu khắc tinh Lê Văn Cuông chắc có chuẩn bị tinh thần tốt hơn, đã truy đến cùng vị “tư lệnh” Trần Văn Tuấn, người đã từng “làm khó” ngược lại mình lần trước rằng: “Lần thứ 3 tôi đứng dậy chất vấn, Bộ trưởng vẫn nói khó, không làm được. Như thế thì tôi chất vấn làm gì nữa, bó tay rồi. Tôi đã theo vấn đề này từ nhiều năm nay và tôi sẽ vẫn theo.”
Ai cũng biết, chạy chức, chạy quyền là hoạt động ngầm. Kẻ “chạy” thì phải giữ cho kín chuyện, còn người “ăn” cũng phải… lau cho sạch mép.
Sau sự kiện ông Bí thư Cà Mau đặt lên bàn Hội nghị Thường vụ Tỉnh ủy 100 triệu đồng mà thuộc cấp hối lộ ông, thì chuyện chạy chức, chạy quyền không còn là ẩn số nữa. Nhưng, ông Bí thư bày tỏ là trong thời điểm nhạy cảm, ông… chưa tiện công khai danh tính kẻ hối lộ! Ông còn cho biết, nếu ông chịu nhận tiền chạy chức thì số tiền có thể lên đến cả tỷ đồng…
Bàn về hiện tượng cá biệt này, dư luận cũng không khỏi đặt câu hỏi về động cơ chính của việc công khai 100 triệu này? Có phải do giác ngộ hay chỉ là sản phẩm tất yếu của những mâu thuẫn không thể dung hoà được ở bên trong nội bộ tỉnh Cà Mau? Câu trả lời cũng phần nào được trả lời bằng việc, mặc dù đã “thành khẩn” như thế song ông Võ Thanh Bình đã phải nhận mức án “kỷ kuật cảnh cáo về đảng” và sau đó được “thôi giữ chức bí thư Tỉnh uỷ” (Báo TTO-02/08 và 09/08/2008).
Như vậy, tư duy theo đúng lề phải thì ông Võ bí thư đã sai quấy nhiều hơn đúng và tốt.
Dù sao, dư luận cũng phải cám ơn ông Bí thư Võ Thanh Bình. Bởi nạn chạy chức, chạy quyền dù đã được Thủ tướng Phan Văn Khải báo cáo trước Quốc hội từ ngót chục năm trước, vậy mà tới năm ngoái mới có duy nhất một người trong số hơn 80 người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương (tỉnh, thành phố) thẳng thắn “thừa nhận” có nạn chạy chức, chạy quyền tồn tại ở địa phương mình, bằng việc đem nộp 100 triệu đồng mà người ta đã chuyển đến ông để chạy chức.
Khái quát những điều trên, cách đây hơn thế kỷ, nhà xã hội học người Đức Max Weber đã tổng kết thành quy luật: “Quyền lực đẻ ra sở hữu”. Vì thế, nghề buôn giành được “siêu lợi nhuận” là buôn quyền lực. Chẳng thế mà có Lã Bất Vi dốc hết vốn đầu tư cho cái ngai vàng của Tử Sở, tức là Trang Tương vương, trên danh nghĩa là bố của Tần Thuỷ Hoàng! Tác giả của bộ Sử ký bất hủ, Tư Mã Thiên đã thâu tóm thần thái của “siêu lái buôn” như sau: Gặp Tử Sở ở Hàm Đan, Lã nhận định “Món hàng này lạ, có thể buôn được đây”!
Nhắc lại lịch sử để nói rằng chuyện chạy chức, chạy quyền là một căn bệnh trầm kha, một ung nhọt ghê tởm trên cơ thể xã hội mà nếu không có sức mạnh của toàn dân tham gia thì không thể nào chống lại được. Vì quyền lực đẻ ra sở hữu, phát triển luận điểm của Max Weber, Lord Acton (triết gia Anh) bổ sung: “quyền lực có xu hướng tham nhũng, quyền lực tuyệt đối thì tham nhũng cũng tuyệt đối”. Mà lẽ thường, chả có người nắm quyền lực tuyệt đối nào lại tự nguyện tự giác chống lại quyền lợi của chính mình cả.
Vấn nạn chạy chức, chạy quyền và tham nhũng, hối lộ cùng một đồng, một cốt, không trị được cái này thì cũng chẳng trị được cái kia.
Thử nghĩ nếu có kẻ nào đó chạy được vào một vị trí cao, lập tức hình thành bên dưới những đường dây noi theo, chúng phát triển như một thứ bệnh dịch lây lan rất nhanh. Đến lúc này kẻ trước kia đi chạy lại là người ban phát. Phải nói rằng đến lúc nào đó tự nhiên sẽ hình thành một cơ chế bảo vệ thành quả chạy được. Đấy là một sự tự giác ràng buộc ngầm theo hệ thống dọc và ngang rất vững chắc, hiệu quả. Chính vì thế tuy nhiều nhưng rất khó phát hiện, mà nếu có phát hiện không dễ gì xử lý được. Phải thấy rằng tiêu cực có cơ chế tự động tập hợp lại, tạo vỏ bọc và đề kháng rất mạnh.Trong bài viết khá thẳng thắn trên báo Tuổi trẻ hôm thứ bảy 21/11/2009 vừa qua, ông Diệp Văn Sơn – Phó Vụ trưởng Ban tổ chức Cán bộ Chính phủ đã bày tỏ: “Tôi rất đồng tình với ý kiến trước tiên phải “bịt các cửa chạy”. Nhưng nhiều cửa quá, biết bịt cửa nào? Nếu dàn trải thì không đủ lực. Theo tôi, trước tiên phải tập trung sức “bịt cửa chạy chức”. Địa chỉ của cửa này cũng dễ nhận thấy.
Lý do chọn “cửa chạy chức” để bịt trước tiên là vì một quan chức không ngay ngắn do chạy chức ngồi vào vị trí quan trọng sẽ là đầu mối, là các cửa để các cuộc chạy khác tiếp theo như: Chạy chức nhỏ hơn, chạy dự án, chạy học, chạy thi, chạy kinh phí… kể cả chạy tội. Qua trót lọt “cửa chạy chức” sẽ dẫn đến mọi nẻo đường xấu xa, tội lỗi. Cũng có thể tiên liệu rằng bịt “cửa chạy chức” là khó khăn và gay go nhất. Có một sáng kiến đề xuất để bịt “cửa chạy chức” thì phải thực hiện bầu cử hoặc thi tuyển cạnh tranh vào các chức vụ. Đề xuất này rất đúng và cần phải tổ chức làm tốt theo hai hướng này, nhưng cũng không nên chủ quan vì hai “cửa” này cũng có lắm “ngách”…” (TT Thứ Bảy, 21/11/2009).
Ở phần cuối bài viết ông Sơn còn cho biết: “Nói nhiều mà không làm chỉ tổ gây mất lòng tin. Vấn đề là biện pháp và thái độ cương quyết tuyên chiến. Biện pháp đã có nhiều nhưng thái độ cương quyết tuyên chiến thì vẫn còn thiếu”. Vì như đã dẫn, chả ai mặn mà gì kể cả ông Diệp Văn Sơn và cấp trên của ông lại đi cương quyết “bịt” hay “chống” cái thứ “siêu lợi nhuận” do địa vị của mình mang lại.
Chả nhẽ việc bổ nhiệm công chức đã đúng “quy trình tuyển chọn cán bộ”… như có lần ông Bộ Trưởng Trần Văn Tuấn nói. Nhưng trị vấn nạn vẫn “khó, rất khó…” mà đành phải bó tay hay sao?
Để tham gia với câu chuyện “chạy chức quyền” đang sôi nổi, một độc giả của blog Quê choa đã viết như thế này:
Chào các bác,
DT đang sống ở chỗ “các thế lực thù địch” thì thấy các viên chức khi báo chí phát hiện thì đa số “tự xử lý” là từ chức. Ông thống đốc Illinois “cố đấm ăn xôi” cố thủ thì bị quốc hội tiểu bang “impeach” báo chí bên này gọi là “đàn hặc” và bị mất chức. Nói chung DT thấy ở ta thì “nhân dân còn tín nhiệm” thì ta còn “cống hiến”.
Chỗ DT ở cảnh sát làm bậy, bị báo chí khui ra ông cảnh sát trưởng xin lỗi và từ chức.
Hy vọng văn hóa từ chức ở VN sớm có “bước đầu” “nhìn chung tốt”
(Doan Tran ngày 23.11.2009 – lúc 3:54 sáng).
Để bịt được cái “cửa chạy chức” tai hại và “khó” bậc nhất này, Bác Hồ đã có lần dạy rằng: “Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách giản đơn, mau chóng, đầy đủ mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn nghĩ mãi không ra… là vì tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy”.
Nhưng thật trớ trêu, vừa qua, trong kỳ phát động toàn đảng toàn dân học tập tư tưởng và đạo đức Hồ Chí Minh, những lời dạy hay ho xác đáng như thế lại không được thảo luận một cách tới nơi tới chốn. Hay việc phát động cái chiến dịch nghiêm túc và tốn kém cỡ như thế cũng chỉ là hình thức, chiếu lệ để che mắt nhân dân?…
Phạm Gia Văn
Nguồn : bauxitvietnam.info
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét