Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

24 thg 12, 2009

Siêu dự án và cái bẫy nợ nần


Đi vay để đầu tư là tốt, song nếu không khéo có thể rơi vào cái bẫy nợ nần. Chúng ta còn có quá nhiều các đại dự án dự kiến thực hiện trong 10-15 năm tới. Đã có ai thử cộng tổng dự toán của tất cả các đề án đó chưa? Và lấy đâu ra tiền để làm?

LTS: Tại kỳ họp này Quốc hội sẽ thảo luận và biểu quyết thông qua một số vấn đề trọng điểm quốc gia. Để có cái bấm nút chuẩn xác là cả một nỗi lo lắng lớn về sự đúng – sai. Điều đó đòi hỏi các vị đại biểu Quốc hội phải có đủ thông tin và lý lẽ để phân tích cho thấu đáo. Để rộng đường dư luận, Tuần Việt Nam giới thiệu một góc nhìn riêng của TS Nguyễn Quang A qua bài viết với tựa đề: Siêu dự án và cái bẫy nợ nần để mọi người cùng tham khảo.

Quốc hội đang thảo luận về chủ trương xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. (Tôi chưa gọi là đề án, bởi vì có lẽ chỉ sau khi Quốc hội thông qua chủ trương thì mới thực sự bắt tay vào làm đề án). Các tài liệu chuẩn bị trong thời gian qua và được trình ra Quốc hội có lẽ mới là nghiên cứu tiền khả thi. Chính vì thế vẫn còn thời gian để góp ý, để xây dựng và chỉnh sửa đề án một cách liên tục.

Điều mà GS Phạm Duy Hiển, chuyên gia đầu đàn về điện hạt nhân, một trong số ít người được tiếp cận đến tài liệu nghiên cứu khoảng ngàn trang, bản cô đọng vài trăm trang và bản tóm tắt vài chục trang lo ngại là có lẽ các đại biểu Quốc hội có trong tay bản cô đọng và các dữ liệu (chẳng hạn dự báo nhu cầu về điện) của các bản này cũng được “cập nhật” liên tục theo các phiên bản báo cáo. Và với tâm lý thông thường của người soạn thảo cần nhấn mạnh thông tin có lợi cho mình, các ĐBQH có thể được nhận thông tin không đầy đủ và hầu như chỉ nhấn mạnh các thông tin làm cơ sở cho sự ủng hộ.

Tôi chia sẻ các ý kiến của GS Phạm Duy Hiển, cựu Viện trưởng Viện Hạt nhân Đà Lạt, trong các bài viết của ông về xây dựng nhà máy điện hạt nhân ở Việt Nam.

Mới đây, TS Phùng Liên Đoàn, một cựu nhân viên Viện hạt nhân Đà Lạt, một nhà khoa học, một chuyên gia có uy tín, có rất nhiều kinh nghiệm thực tiễn về hạt nhân và điện hạt nhân ở Mỹ cũng cảnh báo 15 rủi ro liên quan đến các nhà máy hạt nhân, mà tôi cho rằng, các ĐBQH, những người ra quyết định cũng cần lưu tâm.

Chia sẻ với những trăn trở của 2 chuyên gia hàng đầu về hạt nhân và điện hạt nhân, tôi muốn gợi ý để suy ngẫm về rủi ro nợ nần mà các các siêu đề án của nhà nước có thể tạo ra.

Sơ bộ, dự kiến và… thực tế

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, tổng mức đầu tư sơ bộ được dự kiến theo 3 phương án tính toán dựa trên các suất đầu tư 2600, 2800 và 3000 USD/KW công suất. Tương ứng (với công suất dự kiến 4.000MW), thì các mức đầu tư khoảng 10,4 tỷ USD, 11,2 tỷ USD và 12 tỷ USD. Dự kiến, 75% nguồn vốn xây dựng là vốn vay nước ngoài.

Hãy lưu ý các từ “sơ bộ” và “dự kiến” đối với các con số trên. Thông tin của những người trình đề án luôn có thiên hướng nêu nhiều cái hay, cái thuận lợi, có cái dở nhưng đều trong “tầm kiểm soát” và trong “giới hạn cho phép”. Đấy là một hiện tượng không chỉ phổ biến ở Việt Nam mà ít nhiều cũng có ở các nơi khác. Cũng vậy những người phản biện thường nêu ra các khuyết tật, thiếu sót và đôi khi cũng cường điệu không kém các nhà ủng hộ. Vấn đề chỉ là ở mức độ khách quan, không có khách quan tuyệt đối, luôn luôn có thiên kiến. Đấy là chuyện thiên kiến con người mà những người ra quyết định cần lưu ý khi xem xét các ý kiến ủng hộ và ý kiến phản biện.

Chỉ riêng giai đoạn 1, dự án đường Hồ Chí Minh thực tế đã chi gần 3 lần so với dự toán ban đầu. Ảnh cienco5.vn


Chúng ta không ai ngạc nhiên khi con số “sơ bộ”, “dự kiến” khác xa con số thực hiện (có khi gấp rưỡi gấp đôi).

Thí dụ, Nhà máy lọc dầu Dung Quất (Theo Quyết định đầu tư số 514/TTg ngày 10/7/1997 của Thủ tướng Chính phủ) ban đầu dự trù tổng mức đầu tư là 1,5 tỷ USD, thực hiện 1997-2001. Đến cuối năm 2009 mới có thể bàn giao và tổng mức đầu tư thực hiện là 3,054 tỷ USD (gấp 2 so với ban đầu).

Dự án đường Hồ Chí Minh ban đầu dự toán 5.300 tỉ đồng (giai đoạn 1: 2000-2005), đến cuối 2004 Quốc hội điều chỉnh lên 15.468 tỉ (gần 3 lần dự toán ban đầu); đó là chưa nói đến giai đoạn 2 với dự trù kinh phí 18.168 tỉ đồng.

Đấy là các số liệu lấy từ báo chí, tôi chưa có các số liệu của các dự án khác, nhưng tình hình chắc cũng tương tự. Đã có nghiên cứu nào tổng kết đầy đủ các dự án lớn (điện, giao thông, cảng, các nhà máy lớn) do Nhà nước đầu tư chưa? Nếu có họ rút ra những bài học gì? Nếu chưa, rất nên có 1 đề tài nghiên cứu như vậy.

Tất nhiên kinh phí tăng do dự án mở rộng, do giá cả biến động, do công nghệ thay đổi và vì 1001 lý do “rất thuyết phục” khác nữa. Đây là căn bệnh khát đầu tư cũng như các thủ thuật rất quen thuộc của các nhà đầu tư trong hệ thống xã hội chủ nghĩa mà các học giả đã đúc kết trong các công trình kinh điển. Có ai làm những nghiên cứu như vậy ở Việt Nam, tính cả những thiệt hại do chậm tiến độ, và các thiệt hại cơ hội khác? Tôi tin là chưa.

Bẫy nợ nần

Ở đây chỉ muốn nói đến kinh phí dự trù ban đầu và kinh phí thực hiện, nên hãy quay lại vấn đề điện hạt nhân. Kinh phí dự kiến không phải quá lớn do người ta tính mua nhà máy thế hệ II cho rẻ.

Nếu vì an toàn của nhà máy thì suất đầu tư có thể lên đến 4.800-5.000 USD/KW và khi đó mức dự toán đầu tư sơ bộ có thể lên đến 19-20 tỷ USD.

Đó là chưa nói đến việc mở rộng lên 8.000 MW cho đến 2025, khi đó dự toán tổng đầu tư có thể lên đến 38-40 tỷ USD; tôi không dám tính đến con số phát sinh. Nếu lấy kinh nghiệm của Lọc đầu Dung Quất và Đường Hồ Chí Minh mà suy đoán với giá rẻ do Bộ Công thương đưa ra ban đầu thì tổng đầu tư có thể lên tới 30 đến 50 tỷ USD. Hãy tạm giả thiết con số 40 tỷ USD.

Hãy quay lại cái bẫy nợ nần. Nợ nước ngoài của Việt Nam trong thời gian qua ở cỡ 30-33% GDP (theo WB năm 2009 nợ nước ngoài của Việt Nam là 26,8 tỷ USD chiếm 30,2% GDP).

Nếu từ nay đến 2025 Việt Nam đạt mức tăng trưởng trung bình 7,2%/năm (ở mức này GDP tăng gấp đôi sau 10 năm), thì vào năm 2020 GDP bằng 2 lần GDP năm 2010 và năm 2025 gấp 2,805 lần của năm 2010 (tức là GDP vào cỡ 300 tỷ USD năm 2025).

Đi vay để đầu tư là tốt, song nếu không khéo có thể rơi vào cái bẫy nợ nần. Chúng ta còn có quá nhiều các dự án (metro Hồ Chí Minh, sân bay Long Thành, Cảng Container Văn Phong, đường cao tốc, đường sắt cao tốc, đề án tăng tốc phát triển Công nghệ thông tin Viễn thông,…) đều dự kiến thực hiện trong 10-15 năm tới. Đã có ai thử cộng tổng dự toán của tất cả các đề án đó chưa? Và lấy đâu ra tiền để làm?

Theo thông tin từ báo chí, tổng mức đầu tự dự án của metro Hồ Chí Minh giai đoạn đầu là 17.387,655 tỷ VNĐ tương đương 1 tỷ USD, trong đó nguồn vốn vay từ JBIC chiếm 83%. Dự án đường sắt cao tốc được dự trù là 33 tỷ USD (Liên hiệp đường sắt dự trù 56 tỷ USD). Đề án “tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về Công nghệ thông tin” có dự trù kinh phí gần 150 ngàn tỷ đồng (khoảng 8 tỷ USD) chủ yếu từ vốn ngân sách và vốn vay. …

Vốn của hầu hết các siêu dự án này đều nhắm vào tiền vay nước ngoài. Với tình hình như vậy, chưa tính đến dự án điện hạt nhân, thì nợ nước ngoài của Việt Nam cũng không thể dưới 30-33% GDP trong tương lai, nếu không phải là cao hơn nhiều (40-45%). Bây giờ tính thêm 75% vốn vay cho các nhà máy điện hạt nhân (hãy tính với 75% của 40 tỷ USD là 30 tỷ) thì riêng khoản vay nước ngoài (tính đến 2025) sẽ chiếm khoảng 10% GDP!

Và nếu những suy đoán ở trên là có căn cứ thì nợ nước ngoài của Việt Nam khi đó sẽ lên 40-45% GDP (mức khá cao và nếu lên 50-55% thì rất nguy hiểm). Đấy là một khía cạnh mà các nhà quyết định cần tính toán kỹ hơn và cân nhắc.

Nếu không tránh được các rủi ro mà TS Phùng Liên Đoàn và GS Phạm Duy Hiển nêu ra thì rất có thể dự án điện hạt nhân có khả năng góp phần đẩy Việt Nam vào cái bẫy nợ nần.

Cân nhắc các lựa chọn

Theo Bộ Công thương, nếu có được công suất 4.000 MW điện hạt nhân như dự kiến thì nó đóng góp được khoảng 8% nhu cầu khi đó.

Để đáp ứng được 8% này có thể có nhiều cách hiệu quả hơn, thí dụ tăng hiệu quả sử dụng, giảm tổn hao. Một cách là tăng giá điện lên đúng mức thị trường. Hiện chúng ta còn bao cấp giá điện và chính việc bao cấp này khiến cho việc sử dụng chưa hiệu quả (mà bài báo của GS Phạm Duy Hiển đã nêu).

Giả như mức đàn hồi giá của điện là 0,4 (các nghiên cứu của nước ngoài cho con số từ 0,2 đến 0,7) thì tăng giá 10% làm giảm cầu 4%, với mức tăng giá 20% (với mức tăng này có lẽ giá điện của Việt Nam vẫn thấp hơn của khu vực) là có thể bù cho đúng 8% nhu cầu mà 4.000MW điện hạt nhân dự kiến cung cấp. Đấy cũng có thể là một giải pháp cần cân nhắc.

Cần cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro, các chi phí và lợi ích cũng như các phương án khác nhau trước khi quyết định xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Rủi ro rơi vào bẫy nợ nần cũng là một trong nhiều yếu tố cần xem xét.

Nguyễn Quang A

Nguồn: http://tuanvietnam.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét