Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 12, 2009

Văn Miếu sống, Văn Miếu chết



Có một nghịch lý là khi nhà nước càng coi trọng bằng cấp, thì bằng cấp ấy càng mất đi giá trị. Nếu bằng cấp là thứ tiêu chuẩn dùng để cân đong đo đếm tài năng, thậm chí làm thước đo để cất nhắc, nghiêm trọng hơn nữa là để thoả mãn nhu cầu phổ cập bằng cấp, thì nó đã biến tấm bằng từ mục đích chứng nhận trình độ học thuật, nghiên cứu khoa học của một cá nhân trở thành một công cụ để đạt tới những mục đích nằm ngoài học thuật.

Tấm bằng là kết quả của một quá trình học tập và nghiên cứu lâu dài, nghiêm túc. Trong đó ít nhất một người phải mất 4 năm cho đại học, 2 năm cho Thạc sĩ, 3 năm cho Tiến sĩ, xen giữa là vài năm làm cán bộ công chức. Nếu học nghiêm túc thì sau một thập kỷ liệu xã hội và công việc, chức vụ đó có còn chờ anh không? Tấm bằng Thật của anh liệu hữu dụng tới đâu? Bằng Thật mà không đắc dụng thì khác nào Giả? Chưa nói tới tệ nạn bằng giả, bằng thật học giả.

Mang một chứng chỉ học thuật để đong đếm tư duy nhà quản lý xã hội và quan chức trong chính quyền, tôi không rõ Viện nghiên cứu hoặc trường đại học nào cấp được cái chứng chỉ Trách Nhiệm Với Xã Hội cho các tiến sĩ quan chức?

Có những ý tưởng hoặc mục tiêu của chính quyền đã đẩy lùi lịch sử lại hàng vài trăm năm, xã hội như thể quay lại thời lều chõng, ai bút nghiên khéo, thi đỗ tiến sĩ tất sẽ có cửa làm quan. Tất nhiên không phải tất cả mọi tiến sĩ đều thành quan lại, có những tiến sĩ thời xưa đã đi ở ẩn, đã từ quan, đã thành thầy dạy học, nhưng vẫn có một tiêu chuẩn ngầm định rằng quan lại không thoát được cửa thi cử.

Bi kịch của một xã hội chạy theo bằng cấp không phải chỉ xảy ra ở Việt Nam. Theo thống kê mới nhất tôi tìm thấy trên mạng Internet, Hàn Quốc đang phải kêu gọi chính phủ kiểm tra lại văn bằng chứng chỉ của 63.000 nhân viên chính phủ và quan chức địa phương.
Nga từ tháng 3/2009 đã tiến hành kiểm định triệt để toàn bộ số bằng tốt nghiệp của quan chức chính phủ. Trung Quốc trong cuộc tổng điều tra dân số vừa qua đã phát hiện số lượng người có bằng tốt nghiệp trên đại học tại Trung Quốc cao hơn tổng số người tốt nghiệp của các trường đại học Trung Quốc tới năm mươi nghìn thạc sĩ tiến sĩ. Tức là có khoảng năm mươi nghìn công chức TQ dùng bằng giả “made in China”, chưa tính lượng bằng giả mà quan chức Trung Quốc “lấy” từ nước ngoài về.
Có một sự trùng hợp là vào ngày 11/8/2009, chính quyền thành phố Trùng Khánh (Trung Quốc) vừa công bố mục tiêu trong vòng ba năm tới, tất cả những cán bộ chính quyền của họ nếu dưới 35 tuổi đều phải trình ra được tấm bằng đại học và sau đại học, thì chỉ sau đó hai tuần lễ, Hà Nội cũng công bố chỉ tiêu phấn đấu tương tự, có điều lộ trình dài hơi hơn, cho đến tận hết 2020.

Ai cũng biết Văn Miếu – Quốc Tử Giám hiện có 83 bia đá, ghi danh những tiến sĩ đã đỗ khoa bảng suốt từ năm trăm năm qua. Trong Văn Miếu chỉ toàn tiến sĩ đã chết. Biết đâu tới năm 2020, chính quyền Hà Nội biến thành một toà Văn Miếu sống, bởi trong đó ngồi toàn các tiến sĩ còn sống, biết nói tiếng Anh.

Tàng Khắc Gia ngày xưa khóc Lỗ Tấn thế này: “Có những người đã chết, nhưng họ vẫn sống. Có những người còn đang sống, mà họ đã chết rồi!”.

Theo tôi, thực chất chiến lược ấy của Hà Nội chỉ là một cách tán thưởng Phó thủ tướng, tán thưởng một cách quá đà.

Nguồn : Blog Trang Hạ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét