Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

24 thg 12, 2009

Trên cả sự vô cảm


Tình trạng xả lũ ở nhiều công trình thủy điện miền Trung như: thủy điện A Vương, thủy điện sông Ba Hạ… đang được nhiều người cho là căn nguyên gây trầm trọng thêm lũ ở nhiều vùng thuộc các tỉnh: Phú Yên, Quảng Nam… Việc xả lũ vô lối ấy có lúc được giải thích là do “thiếu nhạc trưởng” cho hoạt động xả lũ của nhiều công trình thủy điện trên cùng một dòng sông; có lúc giải thích do công trình thủy điện đó chưa được chú trọng về nhiệm vụ cắt lũ… Để làm rõ tất cả những vấn đề này, và đi đến một giải pháp xử lý tổng thể, khoa học, theo ông Nguyễn Đình Xuân, ủy viên Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội, cần phải thành lập một ủy ban điều tra về các việc vận hành, phát triển các công trình thủy điện, việc bảo tồn, phát triển rừng… ở miền Trung. Trong thời gian điều tra, theo ông Xuân, cần tạm dừng việc triển khai các công trình thủy điện mới.
Phát biểu của đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Xuân đã nhận được rất nhiều ý kiến ủng hộ. Nhưng, đáng buồn thay, cũng đúng vào thời điểm này, dường như, người ta vẫn say sưa với việc phát triển các công trình thủy điện mới. Bằng chứng là ngày 29.10 vừa rồi, Bộ Công thương vẫn nhận được một công văn của UBND tỉnh Quảng Nam (CV 3960/UBND-KTN) đề nghị bổ sung một công trình thủy điện mới có tên “thủy điện Nước Xa” vào quy hoạch thủy điện nhỏ của tỉnh Quảng Nam. Dự kiến nhà máy sẽ đặt tại xã Trà Mai, huyện Nam Trà My của tỉnh này.

Việc đề xuất xây thêm nhà máy thủy điện trong khi những hậu quả to lớn, thấy rõ được sau những cơn bão lũ vừa qua, do việc phát triển ồ ạt các công trình thủy điện trên đất Quảng Nam nói riêng và nhiều tỉnh, thành phố miền Trung nói chung quả là rất không đúng lúc, nếu không muốn nói là quá vô cảm. Thậm chí, nó có thể gây nên sự giận dữ nơi người dân đã và đang gánh chịu những hậu quả ghê gớm của các đợt xả lũ tùy tiện ở các công trình thủy điện như A Vương, Ba Hạ mới đây.

Dường như, đối với một số nhà quản lý ở các tỉnh miền Trung, những lợi ích kinh tế từ việc phát triển các công trình thủy điện vẫn làm cho họ quan tâm hơn là các vấn đề: bảo vệ môi trường, cắt lũ, đảm bảo nước sinh hoạt… trong các vùng triển khai dự án. Trong mấy năm qua, ở các tỉnh Quảng Nam, Phú Yên, Bình Định… các công trình thủy điện đã mọc lên như nấm nhưng đi cùng với nó là tình trạng tàn phá về môi trường, môi sinh. Tại Phú Yên, trên sông Ba, ngoài công trình thủy điện Ba Hạ đã có tới chín dự án thủy điện và năm trong số đó đã chính thức hoạt động. Nhưng, như lời ông Võ Văn Tri, giám đốc công ty cổ phần thủy điện sông Ba Hạ, công trình này đã “không thể làm được nhiệm vụ cắt lũ, điều tiết lũ ở hạ lưu”. “Chưa bao giờ chúng tôi nhận được kế hoạch xả lũ của các công trình phía trên trong khi hồ chứa của nhà máy chúng tôi, nằm cuối, dung tích lại quá nhỏ”, ông này cho biết. Cho nên, với ông Giám đốc thủy điện Ba Hạ, không còn cách nào khác là phải xả lũ dù “buộc phải nhìn bà con bị ngập lụt”.

Còn tại Bình Định, đến hết năm 2008, đã có bảy công trình thủy điện được cấp phép và hiện còn khoảng 20 dự án thủy điện lớn, nhỏ khác đang chờ phê duyệt. Theo hồ sơ các dự án thì hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn sẽ phải biến mất để lấy chỗ cho các công trình thủy điện này. Ví dụ, công trình thủy điện Trà Xom sẽ làm mất 633,7 ha rừng đầu nguồn huyện Vĩnh Thạnh; để làm các công trình Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3, người ta sẽ phải phá 669 ha rừng của huyện An Lão, Vĩnh Thạnh. Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5; thủy điện Nước Lương sẽ “ăn mất” 380ha, cũng là rừng phòng hộ đầu nguồn…

Trên hệ thống sông Vu Gia ở miền Trung cũng đã có bảy nhà máy thủy điện lớn được xây dựng ở vùng thượng lưu sông Vu Gia: thủy điện Boung 2, 4 và 5, thủy điện A Vương 1, Dăk Min 1 và 4, thuỷ điện Sông Côn 2. Nhưng vừa qua, việc công trình thủy điện Dăk Min 4 chuyển nước khỏi lưu vực sông Vu Gia về sông Thu Bồn để phát điện đã làm khoảng 40 ngàn hộ dân vùng hạ lưu con sông này bị thiếu nước sinh hoạt (thống kê của UBND thành phố Đà Nẵng), hàng chục ngàn hecta đất nơi đây trở nên khô cằn…

Theo khuyến cáo của Liên hiệp quốc thì trong cơ cấu hệ thống điện Việt Nam không nên quá 30% dành cho thủy điện. Nhưng hiện nay, số dự án thủy điện đã chiếm tới khoảng 40% (số liệu Bộ Công thương) và sẽ còn tăng mạnh, theo quy hoạch, sẽ tăng tới 62% vào năm 2010. Về cơ bản, các dự án thủy điện lớn đã tiến đến giới hạn nên người ta đang chú ý phát triển mạnh các công trình thủy điện vừa và nhỏ. Đáng lo thay cho miền Trung là các công trình thủy điện nhỏ đang tập trung ở đây: Kon Tum hiện có khoảng 80 dự án, Quảng Nam có khoảng 57, Dăk Nông có 64…

Nếu cứ tiếp tục cho xây dựng thêm nhà máy thủy điện, phá vỡ quy hoạch chung, xem nhẹ sự phát triển bền vững… những người hoạch định chính sách cho phát triển thủy điện ở miền Trung, những người có trách nhiệm ở các bộ, ngành liên quan chính là đang tạo ra những hiểm họa cho môi trường, sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong tương lai, thậm chí có thể còn tệ hại hơn cả hậu quả những cơn lũ, lụt sau những trận bão lớn vừa rồi.

Mạnh Quân

Nguồn: http://www.sgtt.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét