Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 12, 2009

Quà biếu sẽ bị giao nộp - nếu quá ít.


Hôm qua (22/10/2009) đã khá muộn, tôi mới mở mạng đọc báo. Thấy Vnexpress.net giật tít “Hơn 200 cán bộ nộp lại quà biếu”. Chà, cán bộ của ta nay liêm khiết rồi đây! Trước đây mới thấy một vài người nộp lại quà biếu đã thấy cảm động, nay có tới hơn 200 người nộp lại quà biếu thì vui sướng quá còn gì?!

Đọc chi tiết thì thấy viết cụ thể là 211 người nộp lại quà biếu với giá trị là 66,5 triệu đồng! Tôi dụi mắt vài lần và nghĩ là mắt mình có vấn đề - “Không lẽ, tính bình quân, mỗi cán bộ chỉ nộp lại quà biếu có hơn 300 ngàn đồng thôi à?! Làm gì có ai liều mạng biếu ít thế?”.

Tôi nhớ lại, trước Tết, một người bạn của tôi được một người quen rủ ra một nhà hàng ở phố Ngô Thì Nhậm (Hà Nội) ăn uống. Vì nể mà bạn tôi đi thôi chứ anh bị bệnh gút, chẳng dám ăn thức ăn giàu chất đạm. Trong bàn tiệc hôm đó có một nhân vật nữ là cán bộ có cỡ của Hà Nội, tình cờ, anh lại ngồi bên cạnh. Bữa tiệc đang vui thì có một nữ giám đốc một công ty viễn thông đến “mừng tuổi” cho mọi người. Anh bạn tôi cũng được trao một phong bì, dù không muốn nhưng anh vẫn phải nhận. Anh nhét vào túi và quên bẵng đi. Khi về nhà, thay quần áo, phong bì rơi ra, anh đếm thấy 5 triệu đồng. Bữa tiệc hôm đó có khoảng 13 – 14 người, như vậy, số tiền một nữ giám đốc “mừng tuổi” cho những người có mặt ở bàn nhậu tương đương 211 quan chức giao nộp lại trong gần cả năm 2009.

Tôi dụi mắt thêm lần nữa và đọc. Vẫn vậy, những con số kia không thay đổi. Tôi chuyển sang các báo khác, cũng như thế. Lúc này sao tôi mong các báo “sai lỗi chính tả”, nhầm chữ “tỷ” thành chữ “triệu” đến thế!
Không dám tin vào những gì mình đọc được nên tôi cũng không dám bình luận gì. Hôm nay ngồi với các anh làm ở các viện khoa học tự nhiên (tính toán chính xác và lạnh lùng), thấy các anh cũng nói đến chuyện này. Có anh còn khăng khăng là con số 66,5 triệu đó phải là đô la Mỹ - USD mới đúng, vì nếu đó là “Việt Nam đồng” thì bôi bác quá – bôi bác cả người biếu lẫn người giao nộp!

Trước kia, cái từ “quà biếu” trong tiếng Việt vốn trong sáng và sang trọng. Tuy nhiên, cũng đã từ lâu lắm rồi, An Tiêm đã nói thẳng ra: “Của biếu là của lo”. An Tiêm bị đi đày vì lời nói thẳng, nói thật này, nhưng nhờ thế mà ngày nay chúng ta có món dưa hấu để ăn. Tuy nhiên, nếu An Tiêm sống tới ngày nay thì cũng quá lạc hậu rồi. Quà biếu bây giờ có ý nghĩa khác hẳn.

Có thể nói thẳng, đại đa số cái gọi là quà biếu hiện nay là của đút lót; hay là tiền mua dự án, mua chức, mua quyền, mua chính sách, chạy tội... Những người đưa và những người nhận chẳng thân thiết nhau, chẳng yêu quý, tôn trọng gì nhau; thậm chí chẳng quen biết nhau, nhưng vì một mục đích đen tối nào đấy, mang tiền đến cho nhau.

Số tiền này không ai tính được là bao nhiêu, nhưng phải nói là rất lớn. Nhiều biệt thự sang trọng, xe hơi đắt tiền, chi cho con đi học ở Anh, Mỹ... của các quan chức đều có nguồn gốc từ quà biếu. Điều này ai cũng biết, bởi vì với chế độ tiền lương hiện hành, ngay cả bộ trưởng cũng chỉ đủ xài mà thôi. Ấy thế mà rất nhiều biệt thự ở các khu đô thị mới, xung quanh hồ Tây đều thuộc sở hữu của các quan chức cả đấy. Nhân viên của một cơ quan ở Hà Nội vô cùng kính cẩn biết ơn và thán phục sếp của mình khi sếp kiếm đất ở Mỹ Đình, xây nhà chung cư cho anh em, còn sếp không lấy mét nào! Nhưng sếp cần gì nhà chung cư khi đã có biệt thự trong khuôn viên 400 mét vuông ở hồ Tây?!

Vnexpress.net viết tiếp:
“Tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, đó là đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong báo cáo giám sát về đấu tranh phòng chống tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền trong công tác này (gồm thanh tra, công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Ban chỉ đạo cấp tỉnh về phòng chống tham nhũng tại một số tỉnh).

Thường vụ Quốc hội nhận thấy tham nhũng vẫn xảy ra ở nhiều ngành, nhiều địa phương, nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tính chất, hành vi, thủ đoạn tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp với nhiều phương thức thực hiện, che giấu hành vi phạm tội và có cả yếu tố nước ngoài”.
Đánh giá như vậy là thẳng thắn, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ có quyết tâm chống tham nhũng không? Nếu thực sự muốn, không có gì là quá khó.

Tôi nhớ, vào đầu những năm tám mươi của thế kỷ XX, khi thấy một số người xây nhà to (chỉ là nhà 2 – 3 tầng với mặt bằng dăm chục mét vuông), lập tức bị kiểm tra nguồn gốc tài chính. Lúc bấy giờ, đại đa số những người xây nhà là lái xe, thủy thủ tàu viễn dương... Họ đành phải công nhận là họ buôn lậu mới có tiền xây nhà.

Bây giờ chúng ta áp dụng biện pháp tương tự (nó có vẻ thô thiển, nhưng rất hữu hiệu) thì có thể biết được nguồn tiền của các quan chức có biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng. Nếu họ không có tài sản thừa kế, không có ông chú, bà bác là tỷ phú Việt kiều, không trúng xổ số, không thắng chứng khoán... thì đích thị số tiền đó là do tham nhũng mà có.

Đây là biện pháp đơn giản và dễ làm, chỉ có điều chúng ta có muốn làm hay không mà thôi.

Trở lại cách đưa tin của báo chí. Nhiều người đặt câu hỏi: “Báo chí đưa tin như vậy nhằm mục đích gì? Ý thức chính trị ở đâu mà đưa một cái tin khiến nhiều người, hoặc là ôm bụng cười, hoặc là nhăn mặt nghi ngờ vì số tiền giao nộp là quá ít?!”.

Theo tôi, đừng chất vấn báo chí! Trong trường hợp này, báo chí chỉ căn cứ vào báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội mà đưa tin. Báo chí không có lỗi, còn hiểu như thế nào là tùy mọi người. Bản thân tôi hiểu là: Quà biếu sẽ bị giao nộp, nếu quá ít.

Nguon : batkhuatho's blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét