Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 12, 2009

Vụ bà T. K Thanh Thủy ..dấu hiệu “bẫy người khác phạm tội”


Từ mấy ngày nay, nhiều báo đăng tin về vụ bà Trần Khải Thanh Thủy, một người viết văn tự do, bị Công an quận Đống Đa, Hà Nội, bắt và bị khởi tố bị can về “Tội cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ Luật hình sự do đã đánh người vào tối 8/10 vừa qua.

Theo báo
Công an nhân dân ngày 10/10, khoảng 20h30′ ngày 8/10, Đỗ Bá Tân (chồng bà Thủy, giáo viên) để xe máy cản lối đi lại tại ngõ 178 phố Chợ Khâm Thiên. Lúc này, anh Nguyễn Mạnh Điệp, 41 tuổi, trú tại số 15 ngõ 138 phường Trung Phụng đi qua đã góp ý và yêu cầu anh Tân dẹp xe để lấy lối đi. Hai bên lời qua tiếng lại. Tân đã dùng mũ bảo hiểm đập vào mặt anh Điệp.

Thấy chồng đánh anh Điệp trước cửa nhà, Trần Khải Thanh Thủy đã cầm 2 viên gạch trên 2 tay xông ra. Thủy dùng tay phải ném viên gạch trúng đầu anh Điệp gây thương tích phía sau gáy, chảy nhiều máu. Anh Nguyễn Văn Thịnh đi qua, vào can ngăn cũng bị Thủy dùng gạch ném trúng tay phải gây thương tích. Không dừng ở đó, Thủy vào nhà lấy một cây gậy gỗ dài 102cm, quay ra đập vào người và tay anh Điệp, vào tay và lưng anh Thịnh.
Anh Điệp bị chảy nhiều máu, ngất đi, được nhân dân và Công an phường Trung Phụng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa. Qua xác định ban đầu tại bệnh viện, được biết, anh Điệp bị chấn động não và khâu nhiều mũi ở đầu, trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chưa thể tỉnh táo làm việc với cơ quan Công an được.

Sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Công an phường Trung Phụng bảo vệ hiện trường, lập biên bản bắt người phạm tội quả tang, thu thập tài liệu và lấy lời khai các nhân chứng. Ngày 9/10, qua khám xét nhà ở của Thủy, cơ quan điều tra đã thu giữ 1 cây gậy gỗ dài 102cm và 1 mũ bảo hiểm Tân dùng để đánh anh Điệp. Tại cơ quan Công an, về cơ bản, vợ chồng Trần Khải Thanh Thủy nhận đã cầm gậy, gạch tấn công bị hại, nhưng vẫn quanh co trong khai báo một số vấn đề liên quan. Tuy nhiên, vụ việc đã rất rõ ràng vì có nhiều người có mặt tại hiện trường và chứng kiến hành vi đánh người của vợ chồng Thủy.
Cùng với nội dung trên, báo Công an nhân dân đăng ảnh của vợ chồng bà Thủy như một “cặp vợ chồng tội phạm”.

Thế nhưng, việc bắt vợ chồng bà Trần Khải Thanh Thủy cũng như việc khởi tố bị can đối với bà Thủy là trái pháp luật.Bắt trái pháp luật: Công an bắt vợ chồng bà Thủy theo cách thức “bắt người phạm tội quả tang” thực hiện đối với “người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm thì bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt” quy định tại Điều 82 Bộ Luật tố tụng hình sự. Thế nhưng theo An ninh thủ đô thì phải gần 1 giờ sau khi sự việc xảy ra (khoảng 21 giờ 30) Công an phường Trung Phụng mới mời được vợ chồng bà Thủy đến trụ sở Công an phường “để giải quyết vụ việc” rồi bắt luôn tại đó, nghĩa là khi họ không ở trong tình trạng “đang thực hiện tội phạm”. Như vậy, công an đã bắt vợ chồng bà Thủy trái pháp luật.Khởi tố bị can trái pháp luật: Điều 126 Bộ Luật tố tụng hình sự quy định: “Khi có đủ chứng cứ một người đã thực hiện hành vi phạm tội thì Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố bị can”. Để đủ chứng cứ một người phạm tội “Cố ý gây thương tích” quy định tại Điều 104 Bộ Luật Hình sự thì tỷ lệ thương tật của người bị hại phải từ 11% trở lên, đồng nghĩa phải có kết quả giám định thương tật người bị hại. Thế nhưng chí ít cho đến hết ngày 9/10 anh Điệp vẫn chưa được đưa đi giám định thương tật thì việc Công an khởi tố bị can đối với bà Thủy vào ngày 9/10 là trái pháp luật.

Phải khẳng định rằng những oan sai bắt nguồn từ nhận thức không đầy đủ hoặc không đúng của những người tiến hành tố tụng về áp dụng pháp luật đã là rất nghiêm trọng. Vậy nên những oan sai do cố ý chỉ có thể là tội ác và đáng tiếc trong vụ việc này đã có dấu hiệu như thế qua những mô tả định hướng “tội phạm” quá lộ liễu đối với bà Thủy và những tình tiết “giấu đầu hở đuôi” của một vụ bắt người đã được “chương trình hóa”.

Một là, “Trần Khải Thanh Thủy đã cầm 2 viên gạch trên 2 tay” và “sau khi sự việc xảy ra, Công an quận Đống Đa đã phối hợp với Công an phường Trung Phụng bảo vệ hiện trường”. Vậy mà với hiện trường được bảo vệ, Công an chỉ thu được mỗi một viên gạch. Không lẽ viên kia biết “độn thổ”?

Hai là, “Thấy chồng đánh anh Điệp trước cửa nhà, Trần Khải Thanh Thủy đã cầm 2 viên gạch trên 2 tay xông ra”. Điều này hoàn toàn ngược với logíc thông thường là người vợ chỉ tấn công kẻ khác khi thấy tính mạng chồng bị kẻ này đe dọa, tóm lại không nhằm mục đích nào khác ngoài cứu chồng. Tóm lại, họa cả chồng lẫn vợ chuyên nghề ăn cướp hoặc đâm thuê chém mướn thì mới “tiếp ứng” nhau kiểu côn đồ như thế!

Ba là, “Thủy dùng tay phải ném viên gạch trúng đầu anh Điệp gây thương tích phía sau gáy” đã là nực cười vì đầu là đầu và gáy là gáy chứ đầu đâu phải là gáy! Cụ thể thì bức ảnh do Công an cung cấp đăng trên báo
Dân trí ngày 9/10 cho thấy “vết thương” của nhân vật Điệp không ở vùng đầu mà là vùng cổ dưới mang tai. Vậy là rõ, có nói nhân vật Điệp bị ném “trúng đầu” thì mới có thể nói tiếp “anh Điệp bị chấn động não và khâu nhiều mũi ở đầu, trong tình trạng đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi, chưa thể tỉnh táo làm việc với cơ quan Công an được”. Tóm lại, có “nghiêm trọng hóa” vết thương của nhân vật Điệp thì mới có cơ khép tội bà Thủy vì không nói ai cũng biết thương tích ở đầu bao giờ cũng nặng, thậm chí nặng hơn rất nhiều thương tích ở cổ.

Bốn là, “Anh Điệp bị chảy nhiều máu, ngất đi, được nhân dân và Công an phường Trung Phụng đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa”. Thế nhưng bức ảnh đăng trên báo
An ninh Thủ đô ngày 10/10 lại cho thấy nhân vật Điệp ngồi để được băng bó. Không lẽ lại có kiểu “ngất ngồi”?!

Năm là, “có nhiều người có mặt tại hiện trường và chứng kiến hành vi đánh người của vợ chồng Thủy”. Vậy câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều người này lại không một ai can ngăn nếu không phải là có mặt chỉ để làm chứng cho “hành vi đánh người của vợ chồng Thủy” trước cơ quan Công an?

Sáu là, việc Công an lấy lời khai của các nhân chứng nhưng không một lần lấy lời khai của cháu Khuê, con gái 13 tuổi của vợ chồng bà Thủy, người đã chứng kiến “sát sàn sạt” sự việc từ đầu chí cuối.
Cũng như vậy, bà Thủy bị nhân vật Điệp đánh vào đỉnh đầu gây chảy máu (cháu Khuê đã chụp ảnh và trong nhà bà Thủy hiện còn nhiều vết máu) nhưng Công an lại không cho bà Thủy đi bênh viện và trên thực tế không báo nào đả động đến việc bà Thủy bị đả thương.

Để nói Công an hoàn toàn làm trái pháp luật khi chỉ thu thập chứng cứ chống lại vợ chồng bà Thủy và cố tình để lọt tội phạm bằng cách không đưa nhân vật Điệp vào vòng tố tụng.
Bảy là, Tại sao Công an xác định cả ông Tân và bà Thủy đánh nhân vật Điệp mà lại chỉ khởi tố một mình bà Thủy? Nếu chỉ khởi tố bà Thủy đồng nghĩa ông Tân được xác định không phạm tội thì tại sao Công an lại không chấm dứt ngay viêc tạm giữ đối với ông Tân mà còn “tiếp tục điều tra” như lời ông Vũ Công Long, trưởng Công an quận Đống Đa, để làm cái gì? Hay do báo Công an nhân dân đã trương ảnh ông Tân hoành tráng như “tội phạm” nên giờ mà thả ông Tân thì có khác nào xúi ông này kiện “báo nhà” đòi bồi thường danh dự?

Tám là, được đưa đi “cấp cứu” tại Bệnh viện Đống Đa ngay sau khi bị đánh, tức chậm lắm khoảng 9 giờ tối ngày 8/10 mà mãi đến ngày hôm sau nhân vật Điệp vẫn chưa được nhân viên y tế lau chùi vết thương và băng bó như tấm ảnh do Công an cung cấp in rõ ngày chụp 9/10/2009 đăng trên báo Dân trí ngày 9/10 cho thấy.
Chỉ riêng tình tiết kỳ quái này cũng đủ làm cho toàn bộ câu chuyện bà Trần Khải Thanh Thủy “cố ý gây thương tích” trở nên hoàn toàn đáng ngờ!Tóm lại, mới chỉ qua nguồn tin “một bề” do Công an quận Đống Đa cung cấp cho báo chí Nhà nước, vụ bà Trần Khải Thanh Thủy “cố ý gây thương tích” đã có dấu hiệu rõ rệt của một vụ khiêu khích hay “bẫy người khác phạm tội” thực hiện bởi chính cơ quan trấn áp tội phạm, một hành vi đảo lộn pháp luật và vì vậy mang tính hủy diệt đối với toàn bộ hệ thống chính trị hiện hành.

Do đó, rất cần Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và các cơ quan bảo vệ pháp luật khác khẩn trương vào cuộc để làm rõ có hay không có hành vi này và nếu có thì ngoài việc xử lý nghiêm các đối tượng có liên quan, đề nghị Quốc hội bổ sung hành vi “bẫy người khác phạm tội” vào Các tội xâm phạm hoạt động tư pháp quy định tại Chương XXII Bộ Luật hình sự nhằm tránh cho đất nước hiểm họa như trên vừa đề cập.

CHHV
Nguồn Bauxitvietnam.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét