Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

18 thg 12, 2009

Dốt và dát


Cái hại của việc dùng cấp dưới dốt và dát

Một chính phủ, một bộ, một công ty, một cơ quan … được tổ chức rất chặt chẽ: có cấp trưởng, cấp phó, cấp trên, cấp dưới. Về nguyên tắc, tổ chức như vậy để cấp phó giúp cấp trưởng, cấp dưới giúp cấp trên phát hiện vấn đề và đề xuất cách giải quyết. Nhưng trên thực tế ở Việt Nam , cách tổ chức này ít phát huy hiệu quả.

Quan sát thấy, đại đa số cấp phó không giúp việc cấp trưởng mà chỉ rình rập xem cấp trưởng có sai phạm gì không để lật đổ. Vì thế cấp trưởng không những không được giúp đỡ gì, mà còn phải tốn thời gian, sức lực, trí tuệ để đề phòng.

Do vậy các thủ trưởng chủ yếu chỉ hy vọng vào thư ký, trợ lý và người phụ trách các đầu mối dưới quyền. Để đạt được hiệu quả trong công việc, đáng ra các thủ trưởng phải tìm những người giúp việc cho mình giỏi và trung thực, nhưng trên thực tế, gần như chỉ có hai loại người “ăn cánh” với thủ trưởng. Đó là những người dốt (hơn thủ trưởng)và những người dát (giỏi hơn nhưng không dám thể hiện tri thức và bản lĩnh của mình).

Hai loại người như vậy chủ yếu chỉ nịnh thủ trưởng là chính chứ có dám bày tỏ chính kiến của mình đâu!

Chuyện cấp dưới nịnh cấp trên, thời nào cũng có, ở đâu cũng có, nhưng “đạm đặc” và khéo léo đến mức có thể nâng lên thành “nghệ thuật” thì có lẽ chỉ ở những chế độ xã hội được tổ chức theo cơ chế tập trung, quan liêu, “bao cấp” về tư tưởng.

Ngày xưa khi còn Liên Xô, chuyện nình nọt thể hiện rất rõ. Các nhà văn, nhà báo Liên Xô đấu tranh với vấn đề này rất quyết liệt. Tôi nhớ một chuyện rất hay đăng trên Tạp chí “Cá Sấu”. Chuyện có nội dung thế này.
Một ông sếp to luôn luôn bị mất mặt vì nghe lời tay trợ lý “ba phải”. Ông để ý và nhận ra rằng, tay trợ lý này chuyên nịnh bợ ông, luôn tìm cách để ông hài lòng chứ không hề đưa ra ý kiến gì sáng suốt. Chán ngán, và cũng để tránh lời nịnh bợ nên ông quyết định một mình vào rừng chơi mấy ngày. Vừa đặt chân đến cửa rừng, ông bỗng nghe tiếng con chim kukuska gáy. (Theo quan niệm của người Nga, nếu ai vào rừng mà được chào đón bằng tiếng gáy của chim kukuska thì sẽ gặp may; tiếng gáy càng nhiều, sự may mắn càng lớn). Ông sếp dừng lại nghe, đếm và nhảy cẫng lên sung sướng vì chim gáy những 9 tiếng (số tiếng nhiều nhất kukuska gáy trong một lần). Ông vừa đi vừa nhảy chân sáo vào rừng.
Trong lúc đó, ở phía đằng sau, tay trợ lý chui ra khỏi bụi rậm, vừa gãi, vừa đập, vừa nói: “Mẹ kiếp, mình chọn phải cái bụi nhiều kiến quá!”
Nịnh sếp như vậy kể cũng kỳ công, nhưng một số vị ở Việt Nam hiện nay còn trên tài tay trợ lý người Nga đó. Nhiều người cho rằng, nịnh sếp gần như vô hại, hoặc cái hại không lớn lắm. Tôi không nghĩ thế.

Tôi chỉ kể một câu chuyện nhỏ thế này. Vì khủng hoảng kinh tế, cơ quan làm ăn kém hiệu quả, thu nhập của công nhân giảm. Ấy thế mà ông giám đốc công ty đó vẫn đều đặn bỏ tiền vào phong bì lên thăm sếp lớn, khi thì con ông ta sinh nhật, lúc thì bố ông ta thượng thọ… Trong khi công nhân bàn nhau là ăn trưa suất 15 hay 12 ngàn đồng thì số tiền triệu trong phong bì ấy kể là lớn. Nhưng nhận phong bì xong, ông sếp hờ hững ném ở góc tủ, không thèm đếm, sau đó cho cậu con trai mang đi nhậu với bạn bè.
Sống và ứng xử như vậy thì lấy đâu ra cái gọi là “phấn khởi và tin tưởng vào sự lãnh đạo…”

Báo chí được xem là lĩnh vực của những người thông minh và có dũng khí. Quả tình, ở đây tôi thấy ít người dốt, nhưng lại nhiều người dát. Tôi có một đồng nghiệp vào loại rất thông minh. Một lần anh đặt tôi viết bài về dân số cho tạp chí của anh. Tôi đọc hết tiếng Nga, đến tiếng Tàu, viết một bài rất công phu, nhưng không được đăng. Hỏi vì sao? Được trả lời: Vì tổng biên tập nói bài của anh còn bao quát và sâu sắc hơn của lãnh đạo Tổng cục dân số!

Lần khác, tôi viết cho anh bài “Kinh doanh giáo dục rất béo bở” vẫn không được đăng. Hỏi tại sao? Trả lời: Tổng biên tạp bảo anh “sắc lưỡi” quá, sợ mang vạ. Lần này thì tôi gửi bài sang báo Tiền Phong, họ in ngay, hầu như không bỏ đi chữ nào.

Cấp dưới dốt và dát là tiềm ẩn những hiểm hoạ cho xã hội và đất nước. Ấy thế nhưng các thủ trưởng của ta vẫn thích nịnh, vẫn không đủ dũng khí để dùng người tài hơn, tốt hơn. Không biết khi nào thì hiểm hoạ này được triệt tiêu?


Nguon :Hồ Bất Khuất 's Blog

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét