Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

21 thg 6, 2010

208 phiếu nói “không” cho Dự án “Đường sắt cao tốc”,

Mặc dù đang mải mê xem trận bóng Hà Lan – Nhật Bản trong giải Wolrd Cup 2010, nhưng thấy giờ này ở Việt Nam đã sau 7 giờ tối, nên tôi đành bỏ ngang vào mạng để xem tình hình “bấm nút” tại Quốc hội ra sao?



Đầu tuần, khi phân tích kết quả của cuộc bỏ phiếu thăm dò, tôi đã thấy hé mở tia sáng lạc quan và hy vọng: 148/474 Đại biểu tán thành hoàn toàn với đề xuất của Chính phủ; 271/474 đại biểu (57,17%) đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án này, 192 vị không đồng ý; 3 ý kiến khác, còn lại là phiếu trắng. Những con số này đã phản ảnh sự thiếu vắng đồng thuận lớn. Đề tài “Đường sắt cao tốc” đã gây tranh cãi quyết liệt, không còn mang màu sắc trình diễn như bất kỳ sự kiện nào trước đó trên nghị trường Quốc hội CHXHCN Việt Nam.

Lần đầu tiên tôi muốn hét to lên, vui mừng vì nhận thấy một điều gì đó kỳ diệu đã xảy ra, làm tiền đề thuận lợi cho tiến trình dân chủ hoá đất nước. Tôi muốn biểu lộ lòng biết ơn chân tình của mình đến tất cả bạn bè, thân hữu, đồng nghiệp, những người chia sẻ với tôi suy nghĩ và ưu tư giống nhau. Cám ơn tất cả những người trí thức Việt Nam chân chính. Cám ơn tất cả nhà báo, đặc biệt các nhà báo can trường trong nước. Cám ơn các chuyên gia, học giả. Và cám ơn tất cả những người dân Việt bình thường, mang nặng tâm huyết với tiền đồ của dân tộc và số phận tương lai của thế hệ con cháu.


Tất cả chúng ta đã cùng đồng loạt gióng lên tiếng nói của lòng yêu nước, của tinh thần trách nhiệm, tự chế, biết người, biết ta.
Chính chúng ta đã chuyển lên các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) -“Tập thể các bác sĩ” – như tôi viết trong bài “Bi hài tàu cao tốc của nước Nga và của Việt Nam (nếu có)” – “bộ hồ sơ bệnh án đầy đủ, với những kết luận xác đáng, không những từ những người am hiểu, có trách nhiệm trong ngành, mà còn từ cả các tầng lớp xã hội khác, đi đầu là giới trí thức Việt Nam”.


Và tôi đã mong rằng, “sau vụ thua cuộc bẽ bàng trước dự án “Bauxite Tây Nguyên” cách đây một năm, lựa chọn liệu pháp điều trị nào cho dự án “Tàu cao tốc” sẽ là cơ hội để Quốc hội “rì-xẹt” (reset) lại căn cước của mình. Trong trường hợp Rằng, Quốc hội đại diện cho tiếng nói của nhân dân, là Cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước, đứng về phía lẽ phải, sáng suốt vì lợi ích phát triển lâu dài và bền vững của đất nước, hay chỉ là một định chế “hàng mã”, chỉ được sử dụng vào việc hợp thức hoá các quyết định của lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam, thậm chí của một người trong Bộ Chính trị. này là, một lần nữa, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.

Khi viết những dòng trên, tôi nghĩ rằng, những bạn học cũ của tôi hiện đang là những đại biểu Quốc hội, đang nắm các chức vụ quan trọng trong bộ máy nhà nước và Quốc hội, sẽ đọc và tôi thầm hy vọng, biết đâu ít nhiều họ sẽ khôn ngoan tác động tích cực và khách quan tới chung cuộc.


Tôi cũng “nín thở” (như báo chí trong nước mô tả) cùng bao người khác chờ đợi kết cục trong ngày bế mạc kỳ họp Quốc hội: hôm nay 19/06/2010.

Các Đại biểu QH suy nghĩ trước giờ bấm nút! - Ảnh: VNN

Thì đây, bản tin của
Vietnamnet viết (trích):
Sau một cuộc biểu quyết “nghẹt thở” với kết quả 37,53% tán thành, 42,19% nói “không”, chiều nay (19/6), cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước đã thống nhất sẽ lùi dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam”.
“Điều bất ngờ đã xảy ra, khi có tới 208/427 (42,19%) ĐBQH bấm nút không tán thành thông qua chủ trương đầu tư xây dựng siêu dự án – chủ đề của các phiên thảo luận nóng bỏng ở Hội trường cũng như họp tổ Quốc hội những ngày qua
”.


“Trong tổng số 427 ĐBQ tham gia biểu quyết cho điều khoản tán thành hay phản đối chủ trương xây dựng tuyến đường, chỉ có 185 ĐB (chiếm 37,53%) tán thành. Có tới 34 vị ĐBQH, chiếm 6,9% không biểu quyết”.
“Dự thảo Nghị quyết đưa ra hai phương án đầu tư dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – TP HCM và cả hai đều không nhận được sự đồng thuận cao của đại biểu”.

Tôi xin được tỏ lòng trân trọng và hoan nghênh 208 vị Đại biểu Quốc hội, lần đầu tiên đã chứng tỏ bản lĩnh độc lập, thống nhất cao về quan điểm trước những vấn đề hệ trọng liên quan đến sự phát triển bền vững và lâu dài của đất nước. Xin cám ơn các vị đã lắng nghe ý kiến của nhân dân!
Nói “Không!” không có nghĩa là chúng ta chống lại “giấc mơ Đường sắt cao tốc” cho Việt Nam. Chúng ta sẽ thực hiện nó vào thời điểm thích hợp nhất, khi đủ sức, đủ tài và đề án sẽ được cân nhắc, “xem xét toàn diện, kỹ lưỡng và thận trọng” (lời tổng kết kỳ họp của Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng), cùng với sự đồng tâm và quyết tâm của toàn xã hội.


Theo Hiến pháp hiện hành của CHXHCN Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là Bộ Chính trị, vẫn nắm quyền lãnh đạo tuyệt đối trong mọi chủ trương, chính sách quản trị đất nước. Thế nhưng trong bối cảnh chung hiện nay, ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Việt Nam có thể bất chấp dư luận của dân chúng, của giới trí thức, nhưng không thể nào nhắm mắt làm liều mãi khi bị đa số các Đại biểu Quốc hội phản đối công khai. Mưu tìm phương cách chống lại hàng trăm Đại biểu Quốc hội là đồng nghĩa với việc đếm những ngày ngắn ngủi còn lại của thể chế độc tài đảng trị.
Dân tộc Việt Nam đã quá bất hạnh và khổ đau vì chiến tranh, nên chúng ta không bao giờ cho phép tiến trình dân chủ hoá của đất nước tạo nên bằng con đường “cướp chính quyền” bằng bạo lực, bạo loạn, chia rẽ, hận thù.

Nó phải được tạo ra bằng sự thức tỉnh và cảm nhận của đại đa số nhân dân về giá trị cao quý hơn hẳn của dân chủ và nhân quyền trong một thể chế chính trị dân chủ, đa nguyên.
Những giá trị dân chủ và nhân quyền này hoàn toàn phổ quát, không có loại dân chủ riêng kiểu của phương Tây, mà cũng không có định nghĩa cho kiểu riêng của Việt Nam. Nó đã được ông Hồ Chí Minh xác định ngay trong Tuyên ngôn độc lập ngày 2/09/1945 bằng trích dẫn Tuyên ngôn độc lập của Hoa Kỳ: “Tất cả mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng. Tạo hoá đã tạo ra cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong đó có quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc”. Những giá trị này cũng được nêu rõ trong Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền và Công ước Quốc tế về Nhân quyền mà ngày 24/09/1982 Việt Nam đã long trọng ký và cam kết thực hiện, nhưng chưa bao giờ thực hiện đích thực, đúng với nội dung và ý nghĩa thực sự.

Dư luận và phản ứng của nhân dân nắm vai trò chủ chốt và quan trọng nhất trong tiến trình dân chủ hoá. Dựa trên sức mạnh và hậu thuẫn của quần chúng, các Đại biểu Quốc hội, những người khác trong bộ máy chính quyền, cùng hàng triệu thành viên của Đảng Cộng sản Việt Nam không đánh mất lương tri và trách nhiệm đạo đức trong thời buổi chạy đua theo sức hút của đồng tiền, của chủ nghĩa “Mặc kệ nó” – phải là những nhân tố tiên phong của quá trình thay đổi này.
Điều đó đã bắt đầu xảy ra. Trong kỳ họp Quốc hội lần này. Một tiền lệ đã được khai sinh, mang lại kỳ vọng to lớn.
Chúng ta hãy lên tiếng cổ vũ 208 vị đại biểu Quốc hội đã nói “Không”! 208 Đại biểu Quốc hội này đã làm nên một cuộc “cách mạng màu” trong thay đổi tư duy và thành kiến cũ!

Nguồn :Lê Diễn Đức Weblog 2010


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét