Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

22 thg 6, 2010

Quốc hội "bác" Dự án "cao tốc": Xin chúc mừng Chính phủ!



Ngày 19/6/2010, Quốc hội đã không thông qua dự án xây tàu Shinkansen Bắc Nam mà Chính phủ đề xuất. Nhìn từ sự kiện này, nhiều người đã muốn bảy tỏ lời chúc mừng, trước tiên, đến Chính phủ, và sau đó là, Quốc hội.


Một bên đề xuất, một bên khước từ. Tại sao lại chúc mừng cả 2? Thắc mắc như vậy là biểu hiện của cái nhìn nông cạn. Bởi lẽ, sự khước từ này phản ánh sự trưởng thành của cả hai, Quốc hội và Chính phủ.

Xin chúc mừng Chính phủ
Quốc hội "bác" đề xuất của Chính phủ, chính là biểu hiện của sự trưởng thành của Chính phủ vậy.
Cốt tử của dân chủ là đối thoại. Trong đối thoại, đề xuất và bác bỏ là chuyện bình thường. Bình thường với cả người bác bỏ và người bị bác bỏ.
Tiếp nhận và vui vẻ chờ đợi sự bác bỏ của phía người đối thoại là sự trưởng thành của một năng lực văn hóa.
Một chàng trai tuổi 20 có thể chẳng thèm chào thầy giáo cũ chỉ để khẳng định bản lĩnh cá nhân. Nhưng khi chàng trai đó trở thành một người đàn ông trung niên, người ấy có thể cúi đầu thi lễ một đứa trẻ.

Ở tầm quốc gia, bản lĩnh này đặc biệt hơn thế nhiều. Trên thế giới, những nước mà Chính phủ có khả năng lắng nghe sự bác bỏ của Quốc hội thì không nhiều. Chủ yếu tập trung ở những nước đã phát triển, những nước thuộc "thế giới hạng nhất".
Điều đó cho thấy Việt Nam đã tiến một bước tiến dài.

Ta thử nhìn sang Trung Quốc, một cường quốc kinh tế, Chính phủ đã bao giờ để Quốc hội bác một kế hoạch của mình? Đập Tam Hiệp khổng lồ xúc phạm đến Bà mẹ Trái Đất, hôm nay, đã bắt đầu gây họa, điều này các nhà khoa học Trung Quốc đâu phải không thấy trước?


Hoặc, hãy thử nhìn sang một số nước Châu Phi, ở đó chính phủ có bao giờ biết xin phép Quốc hội một lời, ngay cả khi phát động một cuộc chiến? Đó là những quốc gia "trẻ con" vậy.

Không phải đợi đến khi Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, người Việt Nam mới nhìn thấy sự bản lĩnh già dặn của Chính phủ. Đọc "Hồ Chí Minh toàn tập", chúng ta nhìn thấy ở đó tư tưởng dân chủ được triển khai thành một hệ thống, thông qua những bài viết riêng lẻ. Nước Việt Nam hiện đại được khai sinh và kiến thiết từ những dòng chữ ấy. Mối quan hệ giữa hai điều này không phải là ngẫu nhiên.

Xin chúc mừng Quốc hội
Ở Quốc hội nước ta, đối thoại và tranh luận tự do giữa Nghị trường đã là một điều hiển nhiên, ngay sau ngày thành lập. Hiến pháp 1946 có một điều quy định: Đại biểu Quốc hội không bị truy tố vì lời nói của mình ở Quốc hội!
Nhưng đáng tiếc thay, cuộc chiến kháng Pháp vệ quốc nổ ra, rồi chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước kéo dài, đã làm cho tinh thần đối thoại và tranh luận không được phép phát triển thành một nét văn hóa chủ đạo.
Bởi lẽ, trong thời chiến, không ai có thể đem kế hoạch Chiến dịch Điện Biên hay chiến dịch Hồ Chí Minh ra trình Quốc hội, rồi mời toàn dân tranh luận sôi nổi trên báo chí. Trong chiến tranh, dân tộc buộc phải trao sinh mệnh của mình cho những nhà hoạch định chiến lược, mà giờ đây đã được thừa nhận là những anh hùng.

Thế nhưng, đó là thời chiến. Bước vào thời bình, Việt Nam cần khắc phục cái quán tính của thời chiến. Và sự kiện dự án đường sắt cao tốc vừa qua, cho thấy Quốc hội đã khắc phục được quán tính tất yếu do hoàn cảnh éo le của lịch sử tạo ra.

Điều này rất có ý nghĩa. Lịch sử nhân loại có một điều đặc biệt sau đây. Có vô số lãnh tụ thiên tài trong các cuộc chiến. Nhưng trên con đường đến "hiện đại" của các dân tộc, dù là ở Phương Tây hay Phương Đông, chưa từng có ai được coi là "lãnh tụ thiên tài", theo cái nghĩa là người đóng vai trò quyết định đối với dòng chảy lịch sử đó.

Nhật Bản từng tiến hóa từ một quốc gia phong kiến thành một quốc gia hiện đại trong 30 năm mà không hề có vị "lãnh tụ thiên tài" nào hết. Minh Trị không phải là bậc "thánh" như nhiều người lầm tưởng. Ông này lên ngôi khi mới 14 tuổi, cả bản lĩnh và trí tuệ đều chưa kịp lớn. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông là "lãnh tụ thiên tài" trong thời chiến, nhưng khi ông tiếp tục đóng vai trò ấy trong lĩnh vực kinh tế, dân tộc Trung Hoa phải nếm trải một giai đoạn lịch sử khó quên


Trong sự nghiệp kiến thiết quốc gia, sự đối thoại, cùng tất cả các hiện tượng của nó như "đề xuất" và "bác bỏ", "phê phán" và "biện bộ", "chứng minh" và "phản biện", trở thành động lực của mọi động lực cho sự phát triển của quốc gia.

Ở tầm vĩ mô này, người "bị" bác bỏ không phải là người thua, mà chính là người thắng. Bởi qua đối thoại, người ta hạnh phúc khi tiếp thụ được một trường nhìn mới, và vì thế, con đường cần đi càng trở nên sáng tỏ.
Đó là lí do vì sao, bà Hillary Clinton dù cho bị B. Obama đánh bại trong những cuộc tranh luận nảy lửa khi Đảng Dân chủ cần chọn ứng viên tổng thống, sau đó vẫn vui vẻ trở thành trợ thủ đắc lực cho "đối thủ" trong bộ máy vận hành nước Mỹ.

Chỉ có kẻ tầm thường mới dám "coi thường" người mình "đánh bại". Khi Obama mời "người cũ" làm cánh tay phải của mình, ông đâu dám tư duy bằng hai chữ "thắng, bại" như là hai trạng thái đối lập. Trong chiến tranh, chỉ có kẻ sống sót là chiến thắng, nhưng trong tranh luận, tất cả đều thắng.

Và vì vậy, ở Quốc hội của đất nước chúng ta, trong sự kiện "cao tốc" này, không có chuyện "Quốc hội bị chia rẽ" như một tờ báo nước ngoài nói vớ vẩn, bởi không có ai thua ai thắng, dù là người tán thành hay người bác bỏ, mà tất cả đã cùng thắng cho một góc nhìn mới được mở ra đối với mỗi con người.

Và cuối cùng, xin chúc mừng Báo chí và tinh thần công dân
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời chúc mừng đến các Nhà báo, nhân đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bởi như Chủ tịch nhận định, Báo chí đã góp phần rất lớn trong việc truyền tải ý kiến của xã hội đến với Quốc hội và Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối. Không ý kiến nào bị loại bỏ. Và qua các cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, Quốc hội và Chính phủ đã được cung cấp thêm nhiều góc nhìn mới để ra quyết định.

Như vậy, cấu trúc của tiến trình ra quyết sách của Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể. Đã khắc phục quán tính của kiểu ra quyết định thời chiến, mà tiến hóa hơn một bước, nhiều thành phần xã hội cùng tham gia vào quyết định, trong trường hợp này là quyết định phủ quyết.
Điều này không thể có được ở những quốc gia mà tinh thần công dân còn chưa nảy nở. Khi những con người mang tinh thần công dân, tinh thần coi trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội như là sứ mệnh của chính mình, đã lên tiếng "trăm hoa đua nở", với vô số xu hướng khác nhau, thì rõ ràng, Việt Nam đã hội tụ khá đầy đủ các yếu tố tinh thần cho sự phát triển bứt phá.

Điều còn lại cần phải cải cách là, làm cho quá trình đánh giá, tán thành, phản biện... diễn ra trước khi chính sách được trình lên Quốc hội, chứ không phải ngược lại. Khi chất lượng chính sách được nâng cao, không gì có thể cản trở Việt Nam tiến lên phía trước



Nguồn :http://www.tuanvietnam.net/2010-06-20-quoc-hoi-bac-du-an-cao-toc-xin-chuc-mung-chinh-phu-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét