Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

17 thg 6, 2010

21 ĐBQH CÓ VI PHẠM LUẬT PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG ?


- Cá nhân, cơ quan tham gia ban hành văn bản luật có vi phạm luật ?
- Chỉ số IQ, quyết tâm chính trị làm đường cao tốc của 21 đại biểu Quốc hội có bị lung lạc bởi được bao đi thăm, khảo sát Trung Quốc ?

Báo Tiền Phong vừa đưa tin: Tổng Công ty Đường sắt là cơ quan chủ đầu tư của Dự án tàu cao tốc Bắc-Nam đã mời 21 đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh thành đi tham quan đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

Hiện báo Tiền Phong chưa xác minh làm rõ việc đi thăm này được sử dụng bằng nguồn kinh phí nào? Nếu 21 đại biểu Quốc hội này đi thăm Trung Quốc bằng kinh phí do Tổng Công ty Đường sắt đài thọ thì đây là hành vi vi phạm Mục 6 của Điều 3 Luật phòng chống tham nhũng số 55/2005/QH11 đã được Quốc hội ban hành ngày 29/11/2005 ( LPCTN ).


Điều 3 của Luật đã quy định về các hành vi tham nhũng; tại Mục 6 của điều này xác định: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi... được xếp vào 1/12 hành vi tham nhũng !
Như vậy việc đi thăm này có liên quan tới việc xem xét, quyết định thông qua chủ trương đầu tư của Quốc hội mà 21 vị này là thành viên có chức trách thẩm định, bỏ phiếu tán thành hay không tán thành việc đầu tư cho Dự án đường cao tốc mà Tổng Công ty Đướng sắt là chủ đầu tư.

Khi một cá nhân đã có các hành vi được xếp loại hành vi tham nhũng thì các cá nhân này sẽ tiếp tục bị điều chỉnh bởi các điều sau đây của Luật. Thứ nhất, 21 vị sẽ được xem xét xử lý theo Điều 4 của LPCTN, Điều 4, Điều 54 và Điều 55 của LPCTT.

Điều 4 của LPCTN quy định các nguyên tắc xử lý đối với các hành vi được xếp vào loại tham nhũng:
1. Mọi hành vi tham nhũng đều phải được phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, nghiêm minh.
2. Người có hành vi tham nhũng ở bất kỳ cương vị, chức vụ nào phải bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
a) Chỉ đạo việc thực hiện các quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Gương mẫu, liêm khiết; định kỳ kiểm điểm việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ và trách nhiệm của mình trong việc phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng;
c) Chịu trách nhiệm khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Điều 54. Trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách
1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách.
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng của người do mình trực tiếp quản lý, giao nhiệm vụ.

Điều 55. Xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách
1.Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi phải chịu trách nhiệm trực tiếp về việc để xảy ra hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Căn cứ vào các Điều luật này, căn cứ vào Luật Công chức, 21 vị này nếu sử dụng tiền của Tổng Công ty đường sắt để đi thăm và khảo sát đường cao tốc Trung Quốc cần được yêu cầu làm kiểm điểm để báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thanh tra Chính phủ và Ban phòng chống tham nhũng Trung ương, Ban Kiểm tra Trung ương Đảng...


Uỷ ban Thường vụ Quốc hội có trách nhiệm thanh lọc những phát biểu của một số đại biểu Quốc hội vừa qua ủng hộ việc xây dựng đường sắt cao tốc này như đại biểu Trần Tiến Cảnh, Nguyễn Ngọc Đào, Nguyễn Đăng Trừng... có nằm trong 21 vị từng đi thăm theo lời mời của Tổng Công ty Đường sắt không? Sự ủng hộ này, và về cái gọi là "quyết tâm chính trị" mạnh mẽ mà các vị nêu ra xuất phát từ nhận thức chủ quan của cá nhân họ hay do bởi được bao đi thăm nước ngoài nên dẫn tới cái quyết tâm chính trị kể trên.

Cũng theo LPCTT thì những vị như Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt, Bộ trưởng Bộ Giao thông, Chủ tịch Quốc hội đều nằm trong diện phải bị điều chỉnh bới các điều khoản trên của LPCTN.

Đề nghị Văn phòng Quốc sớm hồi âm nội dung bài báo đã đăng trên báo Tiền phong:
Nếu 21 đại biểu Quốc hội đi thăm quan, khảo sát đường sắt cao tốc Trung Quốc bằng tiền của Quốc hội thì cần phải được công bố trên báo Tiền phong, nói lại cho rõ theo quy định của Luật Báo chí.
Nếu không đăng tin cải chính sẽ làm cho dư luận hiểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng không trong sáng, minh bạch ?
Nếu 21 đại biểu Quốc hội đã đi thăm Trung Quốc bằng tiền của Tổng Công ty Đường sắt thì Văn phòng và Chủ tịch Quốc hội phải có hình thức xử lý theo luật định hành vi vi phạm Luật Phòng chống tham nhũng đối với 21 vị đại biểu Quốc hội !

Phạm Viết Đào


ĐỌC THÊM : VẬN ĐỘNG HÀNG LANG ?
Nguyễn Quang A


TP - Về dự án đường sắt cao tốc, qua báo chí tường thuật thảo luận ở Quốc hội, được biết: Tổng Công ty Đường sắt là cơ quan chủ đầu tư đã mời 21 đại biểu Quốc hội của 21 tỉnh thành đi tham quan đường sắt cao tốc của Trung Quốc. Không rõ kinh phí tham quan do Quốc hội hay do doanh nghiệp chi? Liệu đây có là vận động hành lang? Liệu việc ấy có hợp pháp?

Nếu 21 vị này chủ động đi tham quan theo quyết định của Quốc hội và bằng kinh phí của Quốc hội để thu thập thông tin, để tìm hiểu rõ vấn đề, nhằm giúp cho việc quyết định, thì không thể gọi là đi tham quan mà là đi công tác, làm công vụ và, khi về, họ phải có báo cáo và như vậy là hợp pháp.

Nhưng họ đi tham quan theo lời mời của doanh nghiệp chứ không phải đi công tác? Việc doanh nghiệp làm rõ ràng là hành vi vânh động hành lang (tức là tìm cách ảnh hưởng đến những người có quyền quyết định).

Tại nhiều nước, việc vận động hành lang (lobby) là hợp pháp và khá phổ biến. Họ có luật về lobby, nhưng việc lobby nhiều khi rất gần với hối lộ, tham nhũng và mỗi khi có những vụ lớn gây tai tiếng như vậy trong dư luận thì người ta lại hoàn thiện luật pháp về lobby theo hướng minh bạch hơn.
Thí dụ, Luật về Đạo đức của Quốc hội Mỹ cấm dân biểu nhận bất cứ món quà nào trên 50 USD (vé coi thể thao, đi chơi, tham quan,...) từ chính phủ liên bang hay tiểu bang, thành phố, hay đại học, hay từ những người lobby (lobbyist) của doanh nghiệp (doanh nghiệp muốn lobby phải qua các tổ chức lobby thứ ba được đăng ký).
Việt Nam chưa có luật về vận động hành lang, vì thế khó có thể xác định hành vi nào là hợp pháp hay không hợp pháp.
Thế từ phía các đại biểu Quốc hội đã đi tham quan theo lời mời (và chắc là bằng kinh phí) của doanh nghiệp thì sao? Luật Tổ chức Quốc hội không có quy định đại biểu Quốc hội không được làm những việc gì. Không rõ quy chế nội bộ của Quốc hội quy định thế nào. Có lẽ các luật liên quan là Luật Cán bộ Công chức, và Luật Phòng chống tham nhũng.

Rất nên tránh
Vấn đề là liệu các đại biểu Quốc hội có là đối tượng của các luật này hay không? Các đại biểu chuyên trách có thể được coi là cán bộ (theo quy định của Điều 4 của Luật Cán bộ, Công chức, “Cán bộ là công dân Việt Nam, được bầu cử, phê chuẩn, bổ nhiệm giữ chức vụ, chức danh theo nhiệm kỳ trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước...”; các đại biểu không chuyên trách có thể là cán bộ hay công chức (theo tiêu chí ở nơi làm việc ngoài Quốc hội của họ) nhưng cũng có thể là công dân bình thường (không là cán bộ, cũng chẳng là công chức nhưng là đại biểu Quốc hội).

Chính vì thế, để minh bạch, nên công khai họ tên và chức vụ của 21 vị đại biểu đã đi tham quan và làm rõ họ là đại biểu chuyên trách (khi đó họ là cán bộ) hay là đại biểu không chuyên (khi đó cũng phải làm rõ họ có là cán bộ công chức hay chỉ là công dân), cũng như kinh phí tham quan là do Quốc hội hay doanh nghiệp cấp, thì mới có thể đánh giá về hành vi của họ chấp nhận dịch vụ (tham quan) mà doanh nghiệp chào mời.

Nếu họ được coi là cán bộ hay công chức thì trong số nhiều việc họ không được làm có những việc “lợi dụng, lạm dụng nhiệm vụ, quyền hạn; sử dụng thông tin liên quan đến công vụ để vụ lợi” (Điều 18 Luật Cán bộ, Công chức; hay “không được nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình” (Điều 40 Luật Phòng, Chống tham nhũng).

Luật cũng quy định thế nào là vụ lợi: Vụ lợi là lợi ích vật chất, tinh thần mà người có chức vụ, quyền hạn đạt được hoặc có thể đạt được thông qua hành vi tham nhũng (Điều 2, Luật Phòng, Chống tham nhũng).
Hãy xem việc “đi tham quan” có thuộc các quy định cấm nêu trên hay không. Trong mọi trường hợp, việc đi tham quan theo lời mời (và có lẽ bằng kinh phí) của doanh nghiệp chắc chắn nêu ra những vấn đề xung đột lợi ích nghiêm trọng mà các đại biểu Quốc hội của chúng ta rất nên tránh

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/phamvietdaonv/article?mid=5488&prev=5505&next=5477

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét