Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

18 thg 6, 2010

Đâu có nhất quán


Sinh thời, cụ Hồ từng đánh giá vai trò nhân dân bằng câu nói” Khó trăm lần không dân cũng chịu/ Khó vạn lần dân liệu cũng xong”.
Bấy giờ nhân dân cán bộ tâm đắc lắm, cụ Hồ rất trọng thị, lời cụ chỉ có đúng.
Sau này có người chỉ trích rằng, câu nói đó là mị dân. Có lẽ đó là khi niềm tin vào chính phủ đã bị phôi pha do có những quyết sách không nghe tiếng lòng của người dân.
Sự đổ vỡ đó nếu có thì chính là lãnh đạo tự làm hỏng mình, để mất niềm tin của dân chứ chẳng phải ai nói xấu. Cái căn bệnh do mình nuôi dưỡng thành ung nhọt, đừng nên đổ vấy vá cho kẻ địch nào.
Vậy dân là ai.Dân là dân chứ là ai.
Dân là số đông, bản thân một ông Chủ tịch nước hay một Bộ trưởng khi không trong công vụ thì lúc đó cũng là một người dân, một công dân mà thôi.
Một bộ trưởng về nhà mình bị vợ mắng nhiếc vì có bồ nhí chẳng hạn thì lúc đó là quan hệ dân sự giữa hai công dân, ông Bộ trưởng không thể cự nự lại vợ rằng cô đang chửi hoặc đánh tát quan chức nhà nước được. Còn một khi mất ngai rồi thì rõ ràng dù là ai cũng trở về vai trò một công dân chứ đâu là là quan mãi.

Dân gian từng có câu:
Cho dù có sống đến già
Quyền cao chức trọng cũng là công toi
Bởi khi pháo đã tịt ngòi
Gia tài còn lại mỗi vòi nước trong!…

Như vậy ngoài hệ thống chức sắc thì dân là rất đông, đó là văn nhân kẻ sĩ , nhà khoa học, người buôn bán, công nhân trong nhà máy, nông dân trên đồng ruộng, là người lao động kiếm ăn nói chung.
Dân là nhân tố số một hình thành và phát triển quốc gia. Ở mỗi vị trí của mình, họ đều có chuyên môn thâm hậu. Xưa, bố tôi là nông dân không biết chữ ở cái thời chưa có dự báo thời tiết vậy mà đêm nhìn sao tua rua sáng hoặc mờ để định ngày gieo mầm thóc, tránh được mưa khỏi hỏng dược mạ. Không thể coi thường dân là thế.

Hôm nay đọc trên tờ báo điện tử thấy dòng tin: “Sau một tuần VnExpress mở đợt quyên góp, đến chiều 14/6, độc giả đã chung tay đóng góp được hơn 1,3 tỷ đồng (nên nhớ là chỉ có sau một tuần thôi nhá). Ước mơ của người dân huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) về cây cầu vượt dòng sông dữ đang ngày càng gần”. Khó vạn lần dân liệu vẫn xong là như vậy.

Còn về dự án đường sắt cao tốc, tôi cuộc rằng bác Phó thủ tướng và bác bộ trưởng Bộ giao thông đầy quyền lực có chăng đèn kết hoa cùng bộ sậu tung hứng vận động tôi chắc không kiếm nổi ai đóng góp lấy vài xu trừ chân gỗ.
Không phải người dân không thích đi tàu đệm khí êm, an toàn, mà nó là câu chuyện xa xỉ trong cảnh đất nước nghèo mà lực lượng tham những lại đông, luôn sẵn sàng xà xẻo.
Dân đã không tin thì không thể kêu gọi được gì kể cả giơ tay suông đồng ý cũng vậy.
Kiến quốc luôn là việc toàn dân ghé vai thông qua đóng góp tiền bạc ( từ thuế) và nhân lực, thông qua bộ máy nhà nước là chính phủ. Dân nuôi bộ máy để làm việc cho đất nước, chứ không phải nuôi bộ máy để làm vương làm tướng đè đầu cưỡi cổ người dân.

Phải lắng nghe dân tức là nghe những ý kiến đóng góp vào các quyết sách. Chính phủ phải lọc trong đó lấy cái hợp lí hợp thời đúng lúc đúng chỗ, để xứng với đồng tiền bát gạo dân nuôi làm cho dân giàu nước mạnh. Đơn giản đó là trách nhiệm chính phủ. Cái lẽ thường ấy đã là người thì ai chẳng hiểu.
Vậy nên cái gì chính phủ làm mà dân từ chối thì chỉ có 2 lí do: Một là việc làm đó không sát thực tế với đời sống người dân, hai là người dân không hiểu. Cả hai cái đó đều không phải lỗi của người dân.


Có lần một cán bộ trong cơ quan tôi cãi lại giám đốc. Ông ấy bực lắm phân bua với tôi (là chủ tịch công đoàn), rằng cán bộ đó láo, thì tôi bảo: anh ấy người có học lại ở vị thế thấp nhất mà dám cãi lại quyết liệt, thế giám đốc có bao giờ nghĩ lỗi của họ có nguyên nhân từ Giám đốc không?. Ông ấy đỏ mặt không chịu.
Cái bệnh quan trường của ta là thế, luôn chỉ vơ cái đúng về mình, còn lỗi thì đổ búa xua cho xung quanh. Bây giờ bệnh ấy không ở trong một cơ quan mà lan ra cả nước. Tiến bộ hơn thì nhận trách nhiệm nhưng không bị lui chức mà tiếp tục ngồi lì ở đó!Cho nên hôm nay thấy nhiều quyết sách dân không yên lòng, nhân tâm li tán thì rõ ràng là lãnh đạo có vấn đề rồi.
Đừng nghĩ dân dốt, đừng khăng khăng đổ cho kẻ địch. Ví như dự án về qui hoạch thủ đô, hoặc đường sắt cao tốc với lí thuyết ngồi đếm cua trong lỗ toàn lợi là lợi, rồi bắt mọi người phải tuân thủ thật là khó quá.

Nhớ lại những lời nói của cụ Hồ:
Nhân dân có quyền đôn đốc và phê bình Chính phủ.Nếu chính phủ làm hại dân thì dân có quyền đuổi chính phủ.
Từ Chủ tịch nước đến giao thông viên cũng vậy, nếu không làm được việc cho dân, thì dân không cần đến nữa.
(HỒ CHÍ MINH)
Thì rõ ràng các quan của chúng ta chẳng có học tập và làm theo gương đạo đức Hồ Chí Minh. Việc học tập hình như dành cho ai đó. Còn mình yên vị ở vị trí cai trị. Ai cãi lạ là bị khừ! Chỉ bao giờ nghĩ được như cụ Hồ thì mới có thể là quan liêm.

Vậy nếu coi thời cụ Hồ là xưa thì xưa và nay đâu có nhất quán, dù tổ chức bao nhiêu cuộc vận động học tập theo tấm gương đạo đức của Người, hầu như chỉ có dân muốn, còn các quan hô to nhưng đâu có chịu học, nhìn sự hành xử thì biết, các quan ơi!


Nguồn : http://dongngandoduc.multiply.com/journal/item/452/452

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét