Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

13 thg 6, 2010

Thầy chùa ra biển


Đại lão hoà thượng 87 tuổi mặt mày khắc khổ Thích Thanh Đàm lần đầu tiên đã xuất hiện tại Trường Sa trong một loạt các đại lễ cầu siêu được tiến hành theo nghi lễ phật giáo “cấp quốc gia” song song với việc khánh thành 3 ngôi chùa mới tại Trường Sa Lớn, Sinh Tồn và Song Tử Tây.

Như vậy là sau các ngư dân, không phải là tàu ngầm kilo và máy bay Sukhoi mà đến lượt các thầy chùa “ra biển”. Dường như một lần nữa, chính sách khổ nhục kế model Câu Tiễn lại được áp dụng dù các “khổ nhục kế”, cũng như Câu Tiễn 100% đều có nguồn gốc Tàu. Dường như trong tình thế “yếu” thì việc đưa các “thầy chùa” ra biển có vẻ là cách “né gió” hữu hiệu hơn nhiều so với “Kilo bắp chuối” và “Su phụt khói”.

Những năm 40, trước tình thế 20 vạn quân Tưởng tràn vào Việt Nam, Hồ chủ tịch đã đưa ra chính sách ngoại giao mềm dẻo tự nhận là “Chính sách của chúng ta hiện nay là chính sách Câu Tiễn”, ông cụ cũng nói thêm “nhưng nhẫn nhục không phải là khuất phục”. Rất có chí khí. Võ công này, trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, chính là “Đẩu chuyển tinh di” của nhà Mộ Dung.

3 ngày trước đây, khi điệp khúc “Trung Quốc- Việt Nam vừa là đồng chí, vừa là anh em” được liên tục nhắc lại, hoà giọng cùng tuyên bố của tướng Phùng Quang Thanh “Biển Đông đang yên tĩnh”, khi báo chí được “nhờ” đăng, và đăng trên trang nhất tin Thủ tướng Dũng tặng 2 tượng phật ngọc cho Giáo hội phật giáo Việt Nam để mang ra đặt tại các đảo Song Tử Tây và Trường Sa Lớn thì một lần nữa, chính sách nhẫn nhục kiểu Câu Tiễn lại được áp dụng.

2 pho tượng mà Thủ tướng Dũng muốn đặt tại Trường Sa một là của Giáo hội phật giáo thế giới một là của Ban trị sự Chùa Vàng (Myanmar) tặng. Thứ này mà được đem đặt ngoài đảo thì quả thực là “cao khét”. Người ta có thể đạp tường, kéo tượng, bắn vào toà nhà quốc hội chứ mấy quốc gia, thể chế, quân đội nào, trừ Taliban, dám bắn vào… phật. Riêng xá lợi Phật, trước mắt được đặt tại Quán Sứ và nếu Biển Đông “yên tĩnh” hơn, không ngoại trừ có thể được đem ra đảo.

Quanh chuyện các ngôi chùa, đã có những tranh cãi khá gay gắt xem nên dùng từ “trùng tu” hay khánh thành đối với 3 ngôi chùa mới xây, nhất là trong trạng huống các cam kết giữ nguyên hiện trạng liên tục được nhắc đi nhắc lại. Rắc rối cũng y hệt như việc ông chủ của Xuân Trường, Doanh nghiệp tạo dựng ra vô số kỷ lục Việt Nam quanh ngôi chùa giả Bái Đính có mặt trong đoàn thầy chùa ra Trường Sa.


Lễ cáo Giang Sơn (cáo Thần linh); lễ Bạch Phật Khai kinh, lễ Bạt vớt Trầm luân (lễ Bắc cầu); lễ cầu siêu anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân, đồng bào tử nạn và chẩn tế âm linh cô hồn… với 15 tiếng liên tục gõ mõ tụng kinh đèn nhang hương khói. Điều đó thực ra còn chưa đủ cho các anh hùng liệt sĩ đã vị quốc vong thân, huống chi những người còn sống, những ngư dân hàng ngày vẫn dong buồm, bơi mạng sống ra Hoàng Sa, ra Trường Sa

Đạo lý cơ bản của Phật giáo nằm cả trong Tứ diệu đế. Tứ diệu đế nằm gọn trong mấy chữ “Sinh là đầu sự khổ, muốn không khổ thì đừng sinh”. Tiêu cực đến như vậy, cho nên trong suốt lịch sử rộng dài của dân tộc, theo thiển ý của người viết, Phật giáo chỉ dùng để an dân, trị nội loạn trong thời bình, chứ đã bao giờ dùng để đối phó với ngoại xâm. (Bởi chủ nghĩa yêu nước kiểu “Cởi áo cà sa khoác chiến bào” thực chất cũng trái với đạo lý nhà phật).
Từ ngày 7-5, hơn 30 ngày qua kể từ sau khi Trung Quốc bắt 3 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi, chưa có thêm vụ ngư dân bị bắt giữ nào nữa ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Chưa, chứ không phải là không. Không, không phải là vì “Biển Đông đang yên tĩnh”. Chưa, cũng không phải bởi Trung Quốc không bắt, biết đâu lại là vì ngư dân không dám ra biển Hoàng Sa nữa khi mà những cam kết “Ngư dân sẽ được bảo vệ” chỉ được đưa ra trên báo, khi mà Biển Đông chỉ yên tĩnh trên miệng các quan chức.

Liệu có nên tin những kẻ trước thì còn lén lút dùng "tàu lạ” đâm vào như dân, sau đó trắng trợn giữa ban ngày ban mặt công khai bắt giữ ngư dân trong vùng biển Hoàng Sa là “đồng chí kiêm anh em”?
A di đà phật!


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=2791

1 nhận xét:

  1. Bạn hiểu "Tứ diệu đế là như thế à? Nếu bạn không hiểu gì về Phật giáo thì đừng đăng lên những bài như thế người đọc cảm thấy khó chịu, hơn nữa mọi người sẽ đánh giá về trình độ hiểu biết của bạn về đạo Phật không chính xác(Bạn là ngoại đạo chăng?)

    Trả lờiXóa