Trước phiên bấm nút thông qua chủ trương thực hiện dự án đường sắt cao tốc (diễn ra ngày 19-6), một lần nữa thủ pháp kỹ thuật “Phiếu lấy ý kiến đại biểu QH” được sử dụng.
Hai năm trước, thủ pháp này đã được tiến hành trước khi QH bấm nút mở rộng địa giới hành chính Hà Nội…
Chỉ có điều ở lần thăm dò này, khá nhiều người ngạc nhiên vì hình thức thể hiện: Phiếu gồm hai câu hỏi với chín ý thì gần như tất cả đều yêu cầu đại biểu xác nhận là CÓ làm đường sắt cao tốc, chỉ khác ở chỗ là thông qua ngay tại kỳ họp này hay dời lại kỳ họp sau; hoặc làm từng đoạn, từng phần theo lộ trình. Những đại biểu nói KHÔNG chỉ có cách tự viết vào phần “Ý kiến khác” chứ không có vị trí để đánh dấu. Vì thế nhiều người có cảm giác bị áp đặt trước một việc “đã rồi” chứ chưa phải là việc đại biểu chọn lựa, ra quyết định trong thẩm quyền của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Nhìn rộng hơn, có thể ghi nhận: Trong tất cả các loại văn bản pháp quy liên quan đến hoạt động QH và đại biểu chưa có quy định nào về việc này, đoàn thư ký chỉ xem đó là thủ pháp kỹ thuật. Tuy vậy, từ kết quả thăm dò lại có thể dẫn đến nhiều quyết định quan trọng nên nhiều ý kiến cho rằng cần làm rõ: Khi nào thì thăm dò ý kiến, hình thức thể hiện ra sao, ai có thể khởi xướng việc thăm dò, kết quả thăm dò được sử dụng thế nào v.v…
Ở góc nhìn khác, việc thăm dò ý kiến trước khi quyết định lại là sáng kiến cần được nhân rộng. Bởi lẽ nó thể hiện rằng lãnh đạo cấp cao rất thận trọng, dân chủ và khoa học trước những quyết định liên quan đến lợi ích số đông. Ở kỳ họp này, đại biểu Nguyễn Đình Xuân đã mạnh dạn đề xuất đo chỉ số tín nhiệm với Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát bởi lý do vị này không nắm được mảng công việc được giao, thậm chí có chủ trương cho thay thế rừng tự nhiên bằng rừng cao su, ngang với việc đồng ý cho phá rừng.
Đề xuất của đại biểu Xuân sẽ được QH phản ứng thế nào, đồng tình hay không… rất cần được thăm dò bằng “Phiếu lấy ý kiến đại biểu QH”. Đây cũng là cách để quy định bỏ phiếu tín nhiệm trong Luật Giám sát có cơ hội thực thi!
Và trên cùng bình diện, có thể thấy rằng dự án Luật Trưng cầu dân ý chính là việc luật hóa “thủ pháp kỹ thuật” khoa học và dân chủ nói trên để quyết định của các nhà lãnh đạo đất nước đưa ra thật chính xác.
Tiếc thay nó đã bị lùi vô thời hạn.
Sáng kiến nói trên vì thế rất cần được nhân rộng.
Nguồn :http://butlong.multiply.com/journal/item/603/603
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét