Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

11 thg 6, 2010

Đường sắt cao tốc với IQ của Quốc hội


Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc.”Tưởng là tựa đề mang tính đùa cợt của phóng viên Vietnamnet, nhưng đọc kĩ thì câu nói đó là phát biểu của một đại biểu Quốc hội.

Lập luận này nghe quen quen. Trước đây, có quan chức y tế nói như đinh đóng cột rằng phần lớn những người bị bệnh tả từng ăn mắm tôm (do đó, mắm tôm là nguyên nhân của bệnh tả). Kiểu lập luận này được nhiều người sử dụng, nhưng họ không biết rằng đó là một sai lầm cơ bản về logic. Thật ra, đó là một ngụy biện. Nhưng sự ngụy biện của ông đại biểu này thì thật là ngớ ngẩn.
Thử trích lại vài câu nói của các đại biểu Quốc hội liên quan đến dự án đường sắt cao tốc:

ĐB Hoàng Văn Toàn

ĐB Hoàng Văn Toàn (Vĩnh Phúc) không nhìn tàu cao tốc chỉ chuyên chở hành khách mà là một biểu tượng: “như biểu tượng của nền kinh tế phát triển, văn minh“. Nói cách khác, ông này chỉ thích bề ngoài, thích lòe thiên hạ rằng ta đây cũng văn minh, cũng hiện đại như ai. Bệnh này cũng giống như bệnh thành tích.
Trong nhà thì dơ bẩn, bệ rạc, nhưng bề ngoài thì cố làm ra vẻ khang trang! Ông này không nhớ câu nói người Việt rằng “Chiếc áo đâu làm nên thầy tu”. Có đường sắt đâu có nghĩa là văn minh. Đế quốc Campuchea ngày xưa xây xong đền Angkor là cả nước bị suy vong cho đến ngày nay.


ĐB Lương Phan Cừ

ĐB tỉnh Đắk Nông Lương Phan Cừ thì thi vị hơn, ví đường sắt cao tốc như là cái gì đó sẽ đánh thức nàng tiên: “Miền Trung có những bãi biển xinh đẹp, như những nàng tiên đang ngủ. Có đường sắt cao tốc, giao thông thuận tiện, các nàng tiên sẽ được đánh thức”. Thiệt tình, tôi không hiểu ông này nói gì. Tôi lại tưởng mấy cái đường sắt sẽ nghiến chết các tiên nữ chứ. Tiên nữ người ta đi chậm, chứ có tiên nữ nào đi nhanh như xe điện cao tốc đâu. Chắc ông nhầm tưởng với nàng tiên nào rồi chăng?

ĐB Trần Tiến Cảnh


Nhưng cụ thể nhất, hài hước nhất, và lịch sử nhất có lẽ là phát biểu của ĐB Trần Tiến Cảnh (Hà Nam): “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc. Ra nước ngoài tôi đi thử rồi. Tốc độ nhanh, an toàn, trẻ em đi học, bà mẹ đi làm … Việt Nam không phải nước nghèo, với quyết tâm chính trị, tôi đề nghị phải xây”.

“Việt Nam không phải nước nghèo”? Tôi e rằng nói như vậy là quá tự tin, chẳng khác gì vỗ ngực tự xưng ta đây là nhà giàu. Cách nói đó đi ngược lại truyền thống khiêm tốn của người Việt. Trong thực tế, Việt Nam vẫn là một trong những nước nghèo nhất thế giới. Không cần đi đâu xa để thấy cái nghèo của người dân; chỉ cần vào các bệnh viện thì thấy rõ thôi. Hay đi ra ngoại thành không đầy 5 cây số sẽ thấy dân mình nghèo như thế nào, sẽ thấy bao nhiêu người phải sống vất vả với thu nhập 1 đôla/ngày.
Nếu chỉ quanh quẩn trong tòa nhà Quốc hội, hay trong các bàn tiệc sang trọng ở Hà Nội, thì làm sao thấy được cái nghèo của người dân. Thử hỏi xem, người dân họ cần cái đường sắt cao tốc không? Tôi chắc là không; cái mà họ ớc mơ là có con đường lót nhựa ở trong làng, con em đến trường mà không đóng gì thêm, có thêm bệnh viện, v.v… chứ có ai mơ ước đi học hay đi làm bằng đường sắt cao tốc. Hợm hĩnh. Vô lí. Mình còn nghèo mà đòi chơi sang, đúng như người Hàn Quốc có lần nhận xét rằng người Việt hay vung tay quá trán.

Dùng lập luận của ông này, tôi cũng có thể nói nước nào có nhiều người ăn chay cũng có lí do để xây đường sắt cao tốc (vì nghiên cứu y khoa cho thấy người ăn chay thường có chỉ số IQ cao hơn người ăn mặn), và do đó các nước như Pháp không nên xây đường sắt cao tốc. Ôi, ngớ ngẩn làm sao! Không nói ra thì ai cũng biết ông ta phạm sai lầm cơ bản về mối liên hệ giữa IQ và đường sắt. (Thật ra, chưa chắc ông ấy hiểu rõ IQ là gì). Nó giống như cách nói “90% những người bị ung thư vú có kết quả xét nghiệm X quang mammography dương tính”, nhưng điều đó không có nghĩa rằng kết quả dương tính là bị ung thư. Câu hỏi người ta cần biết là trong số những người có xét nghiệm dương tính, bao nhiêu người bị ung thư. Tương tự, đáng lẽ ông Trần Tiến Cảnh phải trình bày là trong số những nước có chỉ số IQ cao, bao nhiêu nước có đường sắt cao tốc, nhưng ông lại nói ngược lại!

Thật ra, tôi ngạc nhiên là sao không nói những nước đường sắt cao tốc thường có thu nhập cá nhân trên 10,000 USD/năm? Thu nhập cá nhân và GDP xem ra còn có liên hệ với đường sắt cao tốc, chứ tôi không thấy được mối liên hệ giữa một đặc tính tâm-sinh học như IQ (hay testosterone – hormone nam tính) và đường sắt cao tốc cả. Cũng có thể ông Cảnh biết những gì mà chúng ta không biết? Không rõ sau khi nói ra câu trên và bị công chúng đem ra bêu rếu, ông có hối hận không?

Ở nước ngoài, chẳng hạn như ở Úc này, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy và nghe những phát biểu ngớ ngẩn của các dân biểu liên bang cũng như tiểu bang. Bởi vì một thiểu số dân biểu xuất thân từ thành phần bình dân, học vấn hạn chế (có người làm nghề bán cá, thợ mộc, bán thịt heo, v.v…), cho nên trong những giây phút nông nổi họ có vài phát biểu nông cạn thì mình có thể hiểu và thông cảm được. Nhưng ở Việt Nam thì khác, vì các đại biểu Quốc hội đều có trình độ học vấn tốt và đều là quan chức, chứ không phải “thường dân” như bên này.

Tại sao một số dân biểu Quốc hội lại có những suy nghĩ lạ lùng và nguy hiểm như thế? Tôi thử tìm trong trang web của
Quốc hội (xin cảnh báo trước rằng trang web này rất tồi và nhiều khi không vận hành tốt) thì thấy cả 3 vị Trần Tiến Cảnh (Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội), Lương Phan Cừ, vàHoàng Văn Toàn đều có trình độ học vấn đại học. Tất cả họ đều 50 tuổi trở lên. Tất cả đều là người Kinh. Và, tất cả đều là đảng viên Đảng CSVN.

Nói cho cùng, trên lí thuyết, đại biểu là người đại diện người dân. Người dân bầu cho họ (dù trong thực tế thì lắc léo hơn J) và đóng thuế nuôi họ. Nếu nói theo ngôn ngữ kinh tế, chúng ta phải hỏi đồng tiền bỏ ra có xứng đáng với bát gạo. Những phát biểu của 3 đại biểu và nhiều quan chức trước đó làm cho người dân phải đặt câu hỏi đó.
Xin trích lời của
ĐB Trương Thị Xê (Đắk Lắk): “Nhiều khi tôi thấy xấu hổ với cử tri, nhất là những cử tri về hưu, họ nói “mấy đại biểu này cho ăn cơm uổng”.

Nguồn :http://nguyenvantuan.net/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét