28 thg 6, 2010
Lỗ hổng luật pháp
Công luận đang xôn xao, bàn luận việc thỏa thuận "hợp tác" giữa Petrovietnam thông qua Tổng cục Thuế sẽ có tác động đến các cơ quan nhà nước để sao cho có lợi cho Petrovietnam
Trong thuật ngữ quản trị học có nguyên tắc "không được phép song trùng vai trò quản lý và bị quản lý ở 1 người thuộc 2 cấp phụ thuộc trực tiếp" . Nguyên tắc tối cao của luật pháp là có thể thỏa mãn tối đa lợi ích của cá nhân, nhóm lợi ích này nhưng không được làm hại đến cá nhân và nhóm lợi ích khác. Bởi vậy, công luận đang xôn xao, bàn luận việc thỏa thuận "hợp tác" giữa Petrovietnam thông qua Tổng cục Thuế sẽ có tác động đến các cơ quan nhà nước để sao cho có lợi cho Petrovietnam.
Nếu tôi nhớ không nhầm, đây không phải là lần đầu có sự "bắt tay" dạng này. PetroVietnam từng hợp tác với Bộ Tư pháp và một số đơn vị khác về cơ chế quản lý và giáo dục chính trị tư tưởng... Cái khác của lần này là hình như, sự bắt tay này có vẻ lộ liễu như thách thức dư luận xã hội và thể chế nhà nước?
Nước ta còn nghèo, ngân sách hiện nay còn dựa vào nguồn thu lớn là tiền bán dầu khí. Khi biết chuyện, một số người mới có cảm giác: Tổng cục Thuế phải có trách nhiệm đặc biệt quan tâm "chăm sóc" đại gia dầu khí để tận thu cho nguồn ngân sách của nhà nước. Hành động bắt tay khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có người đang tính chuyện "chung chi" trên lưng những người dân nghèo.
Một khi hai "nhà" ôm hôn thắm thiết trước khi ngồi vào bàn thảo luận, ai dám chắc họ không thông đồng với nhau để bớt xén nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước với các khoản thuế đã được ưu ái xem xét.
Ở các nước, các nhóm lợi ích có quyền thông qua các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp để tác động với các chính sách, quyết sách cụ thể nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp, thể chế, có hành lang pháp lý để sự tác động vào chính sách được minh bạch, không bị lạm dụng.
Các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các vị dân biểu luôn tiếp cận, lắng nghe các kênh thông tin đa chiều, tỉnh táo, phân tích đánh giá quyền lợi chung của đất nước và tiếng nói của người dân trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy cũng như khi ban hành văn bản pháp luật để đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Ở Việt Nam, một số lần chúng ta dường như đã buộc phải quen hơn với các quy trình ngược. Không ít các Thông tư, Nghị định trái ngược với Luật; Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước thường rất chậm và đi sau quy hoạch của các ngành, các địa phương; Quy hoạch tổng thể đi sau quy hoạch chi tiết....
Trước đây, Tổng Công ty cao su Việt Nam (nay gọi là Tập đoàn công nghiệp cao su) thỏa thuận riêng với Bộ Tài chính nguyên tắc tính lương theo tỷ lệ doanh số. Đây là việc làm chưa đúng về khoa học quản lý kinh tế vì tiền lương là chi phí bỏ ra để có doanh số cho nên khi doanh số âm thì vẫn phải trả tiền lương. May cho ngành cao su là gặp thuận lợi được mùa, được giá nên lương cao ngất ngưởng so với các doanh nghiệp nông nghiệp khác đang hưởng thang lương theo quy định của Bộ Thương binh xã hội và Bộ Tài chính ban hành.
Bởi thế, đây đó người ta mới có cảm giác, dường như một số chủ trương, chính sách đang bị các nhóm lợi ích chi phối, tác động. Đơn cử là các sắc thuế nhập khẩu rất "cảm tính" dẫn đến sự bảo hộ cho sản xuất (ERP- Bảo hộ hữu hiệu) gần như sụp đổ[1].
Nhiều chuyên gia phản bác về tính "hợp pháp" các câu chuyện lobby của Hiệp hội ô tô Việt Nam, Hiệp hội thép và ngay cả Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tiến hành dự án các tập đoàn tư nhân!
Lobby - Vận động hành lang cần thiết trong sinh hoạt vận động nghị trường nhưng phải công khai, minh bạch trong khuôn khổ của pháp luật. Ngay các nước tư bản lobby cũng có nhiều cái dở, nhưng bù lại họ có hệ thống báo chí, công luận và cả cơ quan chuyên môn luôn "săm soi" vạch ra những cái sai để những người đề xuất, người thẩm định, và người ra quyết định có nhiều cơ sở xem xét, đánh giá vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Đấy là lobby hoạt động trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền. Nó hoàn toàn khác với cái gọi là lobby theo mối quan hệ "móc ngoặc", phạm pháp, có vẻ như đang thịnh hành ở Việt Nam.
Đất nước muốn ổn định và phát triển bền vững theo dòng chảy của thời đại, cần phải gấp rút tu chỉnh lại Hiến pháp 1992. Bài trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngày 24/6/2010 về vai trò của nhân dân trong việc phúc quyết và sửa đổi Hiến pháp được đông đảo nhân dân tán thành, ủng hộ rất đáng suy ngẫm.
Để các chính sách luôn vì lợi ích của nhân dân, không bị chi phối, tác động vì lợi ích cục bộ của các nhóm lợi ích, phải nâng cao chất lượng "đầu vào" của Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu Quốc hội và các thành viên của Chính phủ. Luật Lobby (vận động hành lang), Luật trưng cầu dân ý và Luật tiếp cận thông tin... rất cần thiết.
Cần phải cảnh giác trước những ý kiến tham mưu hoặc "những sáng kiến mang lại nhiều lợi ích" do những nhóm lợi ích cục bộ đưa ra nhưng đổi lại là sự hy sinh quyền lợi của đất nước ngày hôm nay và để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu chúng ta.
Nguồn :http://www.tuanvietnam.net/2010-06-26-lo-hong-luat-phap
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét