Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

30 thg 6, 2010

KHI ĐỘC QUYỀN KINH DOANH LÀ MỘT SỰ TỰ NHIÊN

PHẦN I

Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thị trường có sự tham gia của chính trị để điều tiết toàn bộ nền kinh tế quốc dân, trong đó vai trò các tập đoàn tư bản nhà nước dưới sự chỉ đạo của chính phủ được phép độc quyền kinh doanh những mặt hàng thiết yếu quan trọng đến đời sống toàn dân và chia sẻ trách nhiệm cộng đồng.
Rõ ràng đây là một ý tưởng tốt khi mọi sự minh bạch được thực hiện trong một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh theo đúng nghĩa của tuyên ngôn độc lập mà cụ Hồ đã đọc ở ngày độc lập 02/9/1945.

Như
một bài viết của tôi trước đây để thử tìm hiểu kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là như thế nào? Rõ ràng bài viết cũ của tôi, hôm nay đã trở thành lạc hậu, khi một nhà nước đi theo định hướng xã hội chủ nghĩa đã bị lạm dụng và chức năng độc quyền của các tập đoàn tư bản tài chính nhà nước đã thao túng thị trường trong nước một cách không minh bạch, thiếu công bằng.
Tôi nói lên yếu tố thiếu minh bạch và không công bằng khi tôi đã tính giá xăng dầu trong nước quá cao so với Mỹ trong bài nước Việt hằng tuần 6. Nếu so với nước Mỹ, nơi giá cả đắt đỏ hơn ta nhiều lần, và mỗi lít xăng nhà nước Mỹ đã lấy lời 12cents. Chỉ 12cents thôi, nhưng chính phủ Mỹ đã làm nên một hệ thống giao thông có hệ thống đường bộ hàng đầu thế giới.

Thế nhưng, ở Việt Nam hiện nay giá xăng đã cao hơn Mỹ đến khoảng 2.570 đồng mỗi lít. Nếu tính theo thời giá hối đối thì cộng thêm với 12cents tương đương với 2.280 đồng mỗi lít xăng. Vì chi mỗi lít xăng hiện nay người dân phải trả thêm cho nhà nước là 4.850 đồng. Tức mỗi ngày ít nhất chỉ tính tiền lãi về xăng thôi - chưa tính dầu - doanh nghiệp xăng độc quyền kinh doanh đã lãi 387,6 tỷ đồng.

Lại thế nhưng, hôm nay trên
VNE có thông tin rằng bộ giao thông vận tải sẽ đệ trình dự án thu thêm ở người dân mỗi lít xăng dầu từ 800-1.000 đồng nữa để duy tu bảo trì đường bộ. Ba trăm tám mươi bảy tỷ sáu trăm triệu mỗi ngày, người dân còm cỏi đóng cho sự tháo túng giá cả do sự độc quyền kinh doanh xăng dầu của tập đoàn dầu khí quốc gia, nó chưa đủ để chia phần gánh vác bộ giao thông vận tải lo cho cải trang đường bộ hay sao? Hôm nay bộ giao thông vận tải lại muốn kiếm thêm phần mỗi ngày từ 64-80 tỷ đồng nửa để làm gì? Như vậy thì số tiền dư ra kia đã đi về đâu, làm việc gì thì không ai biết được?

Có phải chăng khi sự độc quyền kinh doanh được sự dung dưỡng dưới một hình thái xã hội thiếu công bằng và không minh bạch thì hậu quả là tất cả người dân gánh chịu? Mọi sự tắc trách như cầu treo Pô Kô là hậu quả của các dự án Thủy điện mà chính phủ duyệt phê gây ra cho người dân, thì cũng
dùng báo chí để quyên góp tiền dân xây lại cầu?

Có phải chăng khi sự độc quyền được dung dưỡng như là một sự tự nhiên thì không còn ai lo cho dân giàu nước mạnh, mà dân là con bò sữa thiếu cỏ, nhưng để cho những chiếc vòi bạch tuộc liên tục hút máu? Hay là đất nước này, nhân dân này là miếng bánh chia phần cho một hình thái xã hội lỗi thời với dân tộc, nhưng lại hợp thời với quyền lợi nhóm?

Các đồng chí quốc hội trả lời dùm, và các phương tiện truyền thông đưa câu hỏi này của tôi đến quốc hội đang điễn ra nóng bỏng từng ngày dùm. Xin cảm ơn trước với các bên có liên quan mà tôi đưa lên trong bài viết ngắn này.


PHẦN II

Khi bắt đầu cởi trói kinh tế để cứu sự sụp đổ mô hình kinh tế bao cấp thì các nhà lý luận, tư tưởng của ta đã copy và paste một cách "thông minh" từ mô hình tập đoàn kinh tế tư nhân của Hàn Quốc thời Park Chung Hee, nhưng dưới hình thái của nhà nước, và chúng được quản lý theo cách bao cấp theo trường phái xã hội chủ nghĩa: độc quyền kinh doanh và được sự hỗ trợ từ thuế của người dân khi cần tiêu xây. Và họ đặt một cái tên rất mỹ miều là mô hình "kinh tế thị trường định hướng XHCN".

Thế giới chia khoa học ra làm 2 ngành: tự nhiên (natural science) và xã hội (social science). Người Mỹ lại nhìn cái nhìn thực dụng hơn khi đặt các ngành khoa học xã hội thuộc về ngành nghệ thuật (art). Chỉ cần nhìn cách người Mỹ đặt để cho khoa học xã hội sẽ thấy hết về mặt bản chất, một cách triết học là các ngành xã hội học rất cảm tính và thay đổi theo suy nghĩ chủ quan của con người nhiều hơn là sự logic và khách quan của khoa học chứng cứ. Vì thế cho nên từ ngày loài người có mặt trên trái đất đã có nhiều hình thái xã hội thay nhau để phù hợp với đà phát triển của xã hội.

Trong khi khoa học tự nhiên phát triển theo nhu cầu cuộc sống chính đáng của xã hội loài người, thì khoa học xã hội phát triển để ngăn chặn những đòi hỏi tha hóa của loài người. Nói nôm na cho dễ hiểu thì khoa học xã hội phát triển nhằm bịt các lổ hổng luật pháp, tư duy và hành động đưa đến xấu xa của loài người. Ví dụ như những cải tổ của chính quyền ông Obama cho nước Mỹ hiện nay gồm y tế, giáo dục và tài chính là nhắm bịt các kẽ hở về luật để giảm thiểu tham nhũng, tiêu xây hoang phí của chính sách công nước Mỹ đã làm cho nguy cơ nước Mỹ sẽ mất vị trí siêu cường số 1 thế giới.

Bằng chứng của xã hội loài người đã minh chứng kinh tế thị trường tự do là bản chất của kinh tế loài người. Vì nó theo quy luật cung cầu. Nhưng mở toang cánh cửa như người Mỹ trong nhiều thập niên qua có cái đúng là kích thích sự phát triển vượt bậc. Nhưng cũng có cái hại là tạo ra kẽ hở luật pháp cho những tham nhũng tinh vi như tôi đã có một loạt
3 bài viết về cải cách bảo hiểm y tế của người Mỹ. Nhưng khi sự cỡi trói còn nữa vời như mô hình kinh tế định hướng XHCN như Việt Nam, nó vẫn còn tạo sự độc quyền kinh doanh cho các tập đoàn kinh tế tư bản nhà nước dưới sự bảo hộ chính trị, kinh tế của chính quyền thì cũng lắm chuyện để bàn.

Hôm nay tôi xin nói về sự thiệt hại của tập đoàn tư bản năng lượng Việt Nam đã gây ra trong gần 3 tháng qua, khi họ liên tục cúp điện với nhiều lý do, trong đó lý do cơ bản là tại ông trời! Dù quốc hội Việt Nam đã từng họp chất vấn từ 3 năm qua vấn đề thiếu điện của Việt Nam là do tập đoàn EVN hám lợi hơn là vì dân tộc và đất nước.

Trong một bài viết của tôi
nói chuyện triết học về tham nhũng và tha hóa hồi cuối tháng 12/2009, tha hóa và tham nhũng về mặt phân tâm học nó là bản chất và là bản năng của động vật nói chung và của loài người nói riêng. Ở đâu có đâu có con người, ở đó có tha hóa và tham nhũng. Mọi luật lệ của một chính quyền đặt ra là để giảm thiểu tha hóa và tham nhũng. Trong đó kẽ hở lớn nhất của luật lệ xã hội là độc quyền.
Dù là độc quyền ở dưới hình thức nào cũng là nền tảng cho sự phát triển tha hóa và tham nhũng sinh sôi nẩy nở. Thế nhưng mô hình kinh tế định hướng XHCN hiện nay do các nhà tư tưởng "thông minh" đã đưa sự độc quyền kinh doanh và để vận hành kinh tế đất nước. Đó là thảm họa cho dân tộc và cho đất nước ngắn hạn và lâu dài. Một khi khác tôi sẽ bàn thảm họa khác, hôm nay tôi đã nhờ một bạn blogger của tôi tính dùm thiệt hại mang đến cho kinh tế đất nước và cho doanh nghiệp.

Dưới con mắt nhìn của một doanh nghiệp, để đơn giản, đất nước ta có 90 triệu dân (làm tròn vì cũng đã sấp sỉ rồi). Trong đó, có 30 triệu lao động đang làm việc. Thu nhập bình quân đầu người là 1.000USD/năm. GDP bình quân 90tỷ Obama/năm. Như vậy lương bình quân mỗi lao động đang làm việc là 90.000.000.000USD/30.000.000/12 tháng = 250USD/tháng, tương đượng với 4.750.000tiền cụ Hồ mỗi tháng.
Do tỷ trọng tiền lương trên tổng doanh thu ở Việt nam thuộc loại thấp, nên tính tròn số thì trung bình lương ngày của người Việt là 100.000 tiền cụ Hồ. Quỹ lương lại chiếm 40% lãi gộp của doanh nghiệp.

Như vậy nếu mỗi tuần cúp điện 8h vàng ngọc làm việc thì doanh nghiệp phải đóng cửa. Khi đóng cửa doanh nghiệp vẫn phải trả lương là 50.000 tiền cụ Hồ, còn làm việc thì chủ trả 100.000. Nhưng khi làm việc thì sẽ tạo ra cho sản phẩm xã hội một giá trị là 250.000 đồng cụ Hồ (lấy 100.000 chia cho 40% lãi gộp thì ra sản phẩm mỗi người làm công làm ra mỗi ngày là 250.000).

Khi cúp điện, doanh nghiệp phải nghĩ thì 250.000 làm ra sản phẩm của người làm công đã mất, nhưng doanh nghiệp phải trả lương 50% cho người làm công. Vị chi xã hội mất đi 300.000 tiền cụ Hồ làm ra từ doanh nghiệp cho mỗi nhân công lao động. Cả nước có 30.000.000 người làm, như vậy mỗi ngày cúp điện 8h làm việc cả nước mất đi 9.000 tỷ tiền cụ Hồ. Đó là chưa tính những thiệt hại khác như mất ngủ làm giảm năng suất lao động, đau bệnh, etc...

Suốt gần 3 tháng nay, có chỗ cúp điện 3 ngày 1 tuần như quê tôi. Có chỗ không cúp như khu ở của các quan lớn, có chỗ cúp 1 ngày 1 tuần, có chỗ cúp 2 ngày cúp điện như Thành phố mang tên cụ Hồ. Cứ tính trung bình mỗi tuần cúp điện 2 ngày, mỗi ngày 8 tiếng làm việc cho nó đơn giản và giảm bớt thiệt hai. Vậy mỗi tuần cả nước mất đi 18.000 tỷ tiền cụ Hồ. Xem như mỗi tuần mất đi 1 tỷ tiền Obama.

Mỗi năm cứ cho cúp điện tối thiểu là 3 tháng. Ba tháng có 13 tuần, vì mổi tháng gồm 4 tuần và 2-3 ngày. Vậy cả nước bị thiệt hại do cách làm ăn độc quyền là sự tự nhiên của tập đoàn năng lượng quốc gia có sự bảo hộ của chính quyền là khoảng 13 tỷ Obama. Tức tập đoàn EVN là mất đi của đất nước bằng 14,44% tổng GDP đất nước.

Tôi xin phép so sánh một con số nhỏ là chính quyền chỉ dành cho việc chi tiêu ngành của tôi mỗi năm trung bình 5% GDP vì sự nghiệp sức khỏe người Việt tương lai. Nhưng EVN đã làm mất của đất nước một con số tương đương gấp 3 lần như thế.

Thế thì EVN có công hay có tội với quốc gia dân tộc? Mô hình tập đoàn tư bản nhà nước trong hình thái xã hội kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa có nên tồn tại nữa hay không? Và có nên có một mô hình xã hội khác đi cái mô hình mà các nhà lý luận đã "thông minh" copy và paste của nước khác về có sửa chữa cho nó lạc hậu với tình hình xã hội Việt nam hiện nay hay không?

Cứ xem đây là những câu hỏi của một công dân có trách nhiệm góp ý cho văn kiện đại hội đảng XI sắp diễn ra đầu năm 2011. Xin cảm ơn.

Nguồn :Bacsihohai's blog

29 thg 6, 2010

Đại biểu kiêm nhiệm gặp cử tri chuyên trách


Trong khi chờ tới lượt phát biểu, ông Đoàn Phú Quang (cử tri quận Ba Đình - Hà Nội) tranh thủ trò chuyện với những người bạn ngồi xung quanh. Họ đều biết nhau cả do vẫn gặp nhau ở các cuộc tiếp xúc cử tri. Ông Quang thường xuyên nhận được giấy mời đến các buổi này từ thời Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh.
Người ta gọi tôi là cử tri chuyên nghiệp", ông Quang chia sẻ. Hầu hết cử tri hai quận ngồi trong phòng họp hôm nay cũng vậy. Đến nỗi, chỉ cần một người được mời phát biểu là ông Quang nhận xét được ngay vị này sẽ nói dài hay ngắn
Tham gia tiếp xúc cử tri đa phần là cán bộ nghỉ hưu đầu bạc. Ảnh: Lê Nhung

Là bộ đội xuất ngũ, ông Quang luôn được tín nhiệm mời đến tất cả các buổi tiếp xúc của Quốc hội với dân, chính quyền với dân, hội đồng nhân dân các cấp...

"Họ mời những người thuộc thành phần cơ bản và những người già như chúng tôi cho yên tâm", ông Quang nói. Thực tế, thành phần tham gia các buổi tiếp xúc cử tri lâu nay hầu hết là những người đã nghỉ hưu.
Trưởng Ban Dân nguyện Trần Thế Vượng từng nói có một điều tréo ngoe trong công tác tiếp xúc cử tri hiện nay là ĐBQH thì phần nhiều kiêm nhiệm, còn cử tri lại “chuyên trách”.

Thậm chí, để đảm bảo mời đúng "đại cử tri", không ít người phải qua các vòng "soát giấy mời" cực kỳ nghiêm ngặt.

Nói như ông Hoàng Ngọc Khôi (quận Cầu Giấy) trong buổi tiếp xúc với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng mới đây, thì từ lúc gửi xe vào đến Hội trường, ông phải qua ba vòng soát giấy mời.

"Đại biểu QH nên nghe được nhiều tiếng nói của nhiều giai tầng xã hội, nhiều lứa tuổi, nhiều đối tượng... Phải nghe được nhiều hơn những tiếng nói hờn giận oán sầu trong dân gian", ông Khôi góp ý.

Hiến pháp năm 1992 ghi rõ: “Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, không chỉ đại diện cho nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình mà còn đại diện cho nhân dân cả nước. Đại biểu Quốc hội phải liên hệ chặt chẽ với cử tri, chịu sự giám sát của cử tri; thu thập và phản ánh trung thực ý kiến và nguyện vọng của cử tri với Quốc hội và các cơ quan nhà nước; thực hiện chế độ tiếp xúc và báo cáo với cử tri về hoạt động của mình và Quốc hội, trả lời những yêu cầu và kiến nghị của cử tri…”.

Để thực hiện nhiệm vụ đã được hiến định, đại biểu phải thường xuyên liên lạc với cử tri mới có thể trở thành cầu nối giữa chính quyền với nhân dân.
Theo quy định, đại biểu có thể chọn lựa nhiều hình thức tiếp xúc khác nhau. Chẳng hạn, tổ chức Hội nghị tiếp xúc cử tri (định kỳ trước và sau kỳ họp; theo nơi cư trú, nơi làm việc; theo chuyên đề, lĩnh vực mà đại biểu quan tâm) hoặc gặp gỡ, tiếp xúc cá nhân hoặc nhóm cử tri.
Như vậy, tối thiểu mỗi năm đại biểu tiếp xúc cử tri bốn lần, trước và sau mỗi kỳ họp.

Thực tế, đa số đại biểu chỉ thực hiện "tối thiểu" nghĩa vụ của mình, đó là đến gặp các "đại cử tri" ở hội nghị.


Theo một nữ cán bộ ở Mặt trận Tổ quốc quận Ba Đình, giấy mời được phát cho cả các bạn trẻ nhưng ai cũng bận đi làm. Ảnh: Lê Nhung

Thậm chí, như chia sẻ của nhiều đại biểu sống một nơi nhưng được bầu ở nơi khác thì nhiều khi, do bận bịu, họ không thể "bay" từ Hà Nội về các tỉnh thành khác để tiếp xúc theo lịch, đành phó thác cho địa phương. Vậy là ngoại trừ số ít ỏi các vị chuyên trách, hầu hết đại biểu đi tiếp xúc "chiếu lệ".

Trong cuộc tiếp xúc với Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng sau kỳ họp thứ bảy vừa qua, có vị "đại cử tri" đề xuất mỗi đại biểu phải "vi hành" nhiều hơn. Họ nên chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình, nội dung tiếp xúc cử tri và công bố rộng rãi cho cử tri khu vực mình ứng cử biết. Hơn nữa, tùy vấn đề quan tâm, đại biểu có thể tiếp xúc với các cử tri là nhà khoa học, với thanh niên...

"Đừng ngồi đó chờ cử tri đến với mình mà phải biết đến với cử tri khi cần thiết. Ví dụ khi báo chí phản ánh một vấn đề bức xúc của địa phương hoặc một hoàn cảnh cụ thể nào đó thì đại biểu nên tới đó gặp gỡ người ta coi sao. Như thế vừa chia sẻ được vừa có thể với tư cách đại biểu làm gì đó giúp họ", trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám nói.
Còn đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Danh Út lại tâm sự, sau mỗi phiên chất vấn họ luôn nhận được nhiều cuộc điện thoại, nhiều tin nhắn của người dân chia sẻ, tán thành.

Rõ ràng, không thiếu "kênh" để đại biểu đến với dân, vấn đề là đại biểu có muốn?

Lê Nhung

28 thg 6, 2010

Lỗ hổng luật pháp


Công luận đang xôn xao, bàn luận việc thỏa thuận "hợp tác" giữa Petrovietnam thông qua Tổng cục Thuế sẽ có tác động đến các cơ quan nhà nước để sao cho có lợi cho Petrovietnam


Trong thuật ngữ quản trị học có nguyên tắc "không được phép song trùng vai trò quản lý và bị quản lý ở 1 người thuộc 2 cấp phụ thuộc trực tiếp" . Nguyên tắc tối cao của luật pháp là có thể thỏa mãn tối đa lợi ích của cá nhân, nhóm lợi ích này nhưng không được làm hại đến cá nhân và nhóm lợi ích khác. Bởi vậy, công luận đang xôn xao, bàn luận việc thỏa thuận "hợp tác" giữa Petrovietnam thông qua Tổng cục Thuế sẽ có tác động đến các cơ quan nhà nước để sao cho có lợi cho Petrovietnam.

Nếu tôi nhớ không nhầm, đây không phải là lần đầu có sự "bắt tay" dạng này. PetroVietnam từng hợp tác với Bộ Tư pháp và một số đơn vị khác về cơ chế quản lý và giáo dục chính trị tư tưởng... Cái khác của lần này là hình như, sự bắt tay này có vẻ lộ liễu như thách thức dư luận xã hội và thể chế nhà nước?

Nước ta còn nghèo, ngân sách hiện nay còn dựa vào nguồn thu lớn là tiền bán dầu khí. Khi biết chuyện, một số người mới có cảm giác: Tổng cục Thuế phải có trách nhiệm đặc biệt quan tâm "chăm sóc" đại gia dầu khí để tận thu cho nguồn ngân sách của nhà nước. Hành động bắt tay khiến dư luận đặt câu hỏi, phải chăng có người đang tính chuyện "chung chi" trên lưng những người dân nghèo.

Một khi hai "nhà" ôm hôn thắm thiết trước khi ngồi vào bàn thảo luận, ai dám chắc họ không thông đồng với nhau để bớt xén nguồn thu lớn của ngân sách nhà nước với các khoản thuế đã được ưu ái xem xét.

Ở các nước, các nhóm lợi ích có quyền thông qua các hiệp hội ngành nghề, tập đoàn, doanh nghiệp để tác động với các chính sách, quyết sách cụ thể nhưng phải trong khuôn khổ của luật pháp, thể chế, có hành lang pháp lý để sự tác động vào chính sách được minh bạch, không bị lạm dụng.
Các thành viên Chính phủ, đặc biệt là các vị dân biểu luôn tiếp cận, lắng nghe các kênh thông tin đa chiều, tỉnh táo, phân tích đánh giá quyền lợi chung của đất nước và tiếng nói của người dân trong quá trình xây dựng các văn bản pháp quy cũng như khi ban hành văn bản pháp luật để đạt được sự đồng thuận cao trong xã hội.

Ở Việt Nam, một số lần chúng ta dường như đã buộc phải quen hơn với các quy trình ngược. Không ít các Thông tư, Nghị định trái ngược với Luật; Xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước thường rất chậm và đi sau quy hoạch của các ngành, các địa phương; Quy hoạch tổng thể đi sau quy hoạch chi tiết....

Trước đây, Tổng Công ty cao su Việt Nam (nay gọi là Tập đoàn công nghiệp cao su) thỏa thuận riêng với Bộ Tài chính nguyên tắc tính lương theo tỷ lệ doanh số. Đây là việc làm chưa đúng về khoa học quản lý kinh tế vì tiền lương là chi phí bỏ ra để có doanh số cho nên khi doanh số âm thì vẫn phải trả tiền lương. May cho ngành cao su là gặp thuận lợi được mùa, được giá nên lương cao ngất ngưởng so với các doanh nghiệp nông nghiệp khác đang hưởng thang lương theo quy định của Bộ Thương binh xã hội và Bộ Tài chính ban hành.
Bởi thế, đây đó người ta mới có cảm giác, dường như một số chủ trương, chính sách đang bị các nhóm lợi ích chi phối, tác động. Đơn cử là các sắc thuế nhập khẩu rất "cảm tính" dẫn đến sự bảo hộ cho sản xuất (ERP- Bảo hộ hữu hiệu) gần như sụp đổ
[1].

Nhiều chuyên gia phản bác về tính "hợp pháp" các câu chuyện lobby của Hiệp hội ô tô Việt Nam, Hiệp hội thép và ngay cả Hiệp hội doanh nghiệp trẻ tiến hành dự án các tập đoàn tư nhân!

Lobby - Vận động hành lang cần thiết trong sinh hoạt vận động nghị trường nhưng phải công khai, minh bạch trong khuôn khổ của pháp luật. Ngay các nước tư bản lobby cũng có nhiều cái dở, nhưng bù lại họ có hệ thống báo chí, công luận và cả cơ quan chuyên môn luôn "săm soi" vạch ra những cái sai để những người đề xuất, người thẩm định, và người ra quyết định có nhiều cơ sở xem xét, đánh giá vì quyền lợi chung của cả cộng đồng. Đấy là lobby hoạt động trong khuôn khổ Nhà nước pháp quyền. Nó hoàn toàn khác với cái gọi là lobby theo mối quan hệ "móc ngoặc", phạm pháp, có vẻ như đang thịnh hành ở Việt Nam.


Đất nước muốn ổn định và phát triển bền vững theo dòng chảy của thời đại, cần phải gấp rút tu chỉnh lại Hiến pháp 1992. Bài trả lời phỏng vấn Tuần Việt Nam của cựu Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An ngày 24/6/2010 về vai trò của nhân dân trong việc phúc quyết và sửa đổi Hiến pháp được đông đảo nhân dân tán thành, ủng hộ rất đáng suy ngẫm.

Để các chính sách luôn vì lợi ích của nhân dân, không bị chi phối, tác động vì lợi ích cục bộ của các nhóm lợi ích, phải nâng cao chất lượng "đầu vào" của Ban chấp hành Trung ương, các đại biểu Quốc hội và các thành viên của Chính phủ. Luật Lobby (vận động hành lang), Luật trưng cầu dân ý và Luật tiếp cận thông tin... rất cần thiết.

Cần phải cảnh giác trước những ý kiến tham mưu hoặc "những sáng kiến mang lại nhiều lợi ích" do những nhóm lợi ích cục bộ đưa ra nhưng đổi lại là sự hy sinh quyền lợi của đất nước ngày hôm nay và để lại gánh nặng nợ nần cho con cháu chúng ta.


Nguồn :http://www.tuanvietnam.net/2010-06-26-lo-hong-luat-phap

Phúc thống phục nhân sâm …



Hôm qua đọc báo bỗng giật mình: chẩn đoán bệnh “tham nhũng” đúng nhưng phác đồ điều trị “thưởng cho người tố cáo tham nhũng” thì sai bét rồi, không khéo người tố cáo tham nhũng vừa bị mang tiếng “tham tiền thưởng” vừa có nguy cơ lãnh đủ hậu quả tác dụng phụ của phương thuốc này.
Đúng ra nên tập trung “IQ” để hoàn thiện qui trình xử lý thông tin tố cáo tham nhũng sao cho dễ dàng tố cáo-nhanh chóng xử lý-hiệu quả tận gốc và biện pháp bảo vệ vô điều kiện người tố cáo tham nhũng khi bản thân Họ có yêu cầu chứ không phải đợi lệnh từ đâu đó ban xuống, bởi biết đâu tham nhũng dây dưa rễ má đến tận trển thì sao ?

Nhớ hồi hoang sơ xứ Cao Bồi, cảnh sát trưởng thường dán cáo thị “thưởng 10.000 đô-la cho ai bắt được anh em Dalton chuyên cướp nhà băng, dù sống hay chết” nhằm khuyến khích một số người hùng “nhanh tay-bá phát” chuyên “bắt cướp săn tiền thưởng”. Nhưng đó là khi mặt mũi tên cướp rõ ràng, khi mà bọn cướp cũng chỉ là số ít, và nhất là khi xứ sở ấy vẫn còn sống-hành xử theo Luật…Cao Bồi


Không biết có bao nhiêu người tố cáo tham nhũng vì “tiền thưởng đến 10 triệu đồng hoặc cao hơn” kia, chứ theo Học trò cảm nhận rất chủ quan rằng hầu như người ta chống tham nhũng vì mong muốn sự công bằng đối với tất cả mọi người và vì tin tưởng vào sự công minh của pháp luật
Mặt khác, Ban chỉ đạo chống tham nhũng cần phải hiểu rằng chỉ cần một người có chức có quyền tham nhũng thì hậu quả nếu qui ra bằng tiền sẽ gấp trăm gấp vạn lần con số “thưởng đến 10 triệu đồng hoặc cao hơn” kia

Mấy ai tự hào bước lên đài vinh quang nhận lấy giải thưởng qui thành tiền ấy, khi mà trước đó đã bị bầm dập bởi tham nhũng, trù dập và đủ kiểu hăm dọa đến sự sống an lành cho cá nhân cùng gia đình
Họa chăng tặng thưởng Huy Chương “CÓ CÔNG VỚI ĐẤT NƯỚC" nếu vẫn sống sót sau tố cáo tham nhũng hoặc Bằng Khen “TỔ QUỐC GHI CÔNG” nếu chẳng may …

Rõ ràng Ban chỉ đạo chống tham nhũng Sài thành không hiểu mục tiêu lý tưởng cao cả của những người chống tham nhũng. Hay biết đâu vì quá hiểu thành ra … toa thuốc “phúc thống phục nhân sâm …”
XEM THÊM
Bản tin trên Dân Trí :
Khen thưởng đến 10 triệu đồng cho người tố cáo tham nhũng
(Dân trí) - Ngoài bằng khen, giấy khen, tiền thưởng cố định, người tố cáo tham nhũng còn có thể được thưởng tới 10 triệu đồng hoặc cao hơn nữa, tùy thuộc vào tính chất vụ tham nhũng được phát hiện.

Người phát hiện và cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ liên quan đến hành vi tham nhũng xảy ra ở các địa phương, cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh và được cơ quan thụ lý xác định tính chính xác của thông tin về hành vi tham nhũng sẽ được nhận bằng khen, giấy khen và tiền thưởng từ Hội đồng thi đua khen thưởng thành phố, quận - huyện và sở - ban - ngành thành phố, theo đúng chế độ quy định của Nghị định số 42/2010/NĐ-CP của Chính phủ.

Ngoài hình thức khen thưởng trên, tùy theo thành tích, người phát hiện còn được khen thưởng đột xuất đối với cá nhân, tập thể từ 1 triệu - 10 triệu đồng, hoặc có thể cao hơn do Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng quyết định. Ngoài ra, tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc phát hiện tham nhũng, có tầm ảnh hưởng rộng, tài sản thu hồi có giá trị lớn còn được đề nghị Thủ tướng Chính phủ có hình thức khen thưởng cao hơn.

Đây là nội dung của Quy chế về bảo vệ và khen thưởng người phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng, được Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Lê Hoàng Quân ký quyết định ban hành ngày 22/6 và chính thức có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký. Thời gian thực hiện việc khen thưởng người phát hiện, tố cáo tham nhũng được quy định không quá 20 ngày sau khi cơ quan thụ lý xác định được giá trị của thông tin.

Quy chế vừa ban hành cũng quy định rõ chế độ bảo vệ người phát hiện, tố cáo tham nhũng. Theo đó, khi người phát hiện có yêu cầu được bảo vệ thì người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền trong phạm vị trách nhiệm, quyền hạn của mình phải áp dụng kịp thời các biện pháp cần thiết để bảo vệ theo quy định pháp luật.

Trong thời gian 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin phản ánh hoặc theo yêu cầu của người phát hiện, cơ quan có thẩm quyền phải có văn bản gửi Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng. Trong thời gian 8 giờ kể từ khi nhận được văn bản trên, Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng có trách nhiệm yêu cầu Chủ tịch UBND quận - huyện, Trưởng Ban chỉ đạo quận - huyện về phòng, chống tham nhũng, cơ quan công an và các cơ quan, tổ chức có liên quan thực hiện các biện pháp bảo vệ, hoặc bảo vệ khẩn cấp.

Bản tin của phóng viên Hoàng Liên Sơn

27 thg 6, 2010

Khúc kha khúc khích


I . NÓI MÃI MỎI MỒM
Chúng tôi thương lắm bà Nga *
Đại diện Chính phủ nước ta đàng hoàng
Thay mặt Nhà nước Việt Nam
Nói lên tiếng nói trước toàn năm Châu

Lời Bà ngắn gọn mà...sâu
Rõ ràng, mạch lạc từ đầu đến đuôi
Rằng : Quan điểm Việt Nam chúng tôi
“ Cực lực phản đối ” các người Bắc Kinh
Không được độc đoán một mình
Làm mưa, làm gió khắp vùng biển Đông...........

Việt Nam từ thuở cha, ông
Chủ quyền đã rõ khắp vùng đảo xa
Từ Trường Sa đến Hoàng sa
Chủ quyền đích thực phải là Việt Nam

Bắc Kinh không được làm càn
Vi phạm lãnh hải Việt Nam hiện thời
Luật Quốc tế đã ban rồi
Cớ sao các ngưòi vẫn cứ làm ngơ ?”...........

Bao nhiêu lý lẽ nêu ra
Bắc Kinh vờ vĩnh như là điếc,câm
Lời Bà bay chin tầng không
Nó ngồi trên nóc biển Đông nó...cười !
Nói mãi chỉ mỏi mồm thôi ...
Chắc rằng chúng đã có người...khom lưng !?...

TG :Dưa Lê

II .GỬI BỘ TRƯỞNG “ĐIÊN NẶNG” (ĐIỆN)
Bộ trưởng “Điên nặng” Nguyễn Huy
Hoàng bảo thiếu điện chung quy tại Trời,
Thôi thì tất cả mọi người
Cùng nhau chia sẻ cho đời ấm êm!...

Làng ta mất điện triền miên
Người, bò, gà, lợn phát điên cả rồi:
Người chửi Đất, kẻ rủa Trời,
Nắng thiêu, điện cắt ai người không điên!

Trẻ, già, trai, gái ngày đêm
Cởi quần, cởi áo như điên cả làng!
Mau mau Bộ trưởng về xem
Sẻ chia cùng cởi, cùng điên với làng

Bà con chắc cảm thông hơn
Khi thấy Bộ trưởng béo lờn mồ hôi…
May ra họ có bớt lời
Không thì chửi tuốt tuồn tuôn hết rồi

TG :Bút Tre mới

III . “ HẬU CAO TỐC”?
( Gửi Nguyễn Nhật Tân nhân chuyện cổng chào )
Việc Ô. Nghị “ hoãn” (xây) cổng chào
Nghe ra cũng thấy “lao xao tâm hồn”...
Phải chăng ông ấy tỉnh... “đòn”
Hay “Hậu cao tốc” vẫn còn... tái tê ? .

Thế thì mừng lắm, xin thưa
Nhân dân còn chút phận nhờ tí ti...
Hay là còn lý do gì
Tỷ như vét túi... tỷ như bán bầu ....

Mặt hoa thoáng nét rầu rầu
Bởi chưa thấy bóng con tầu vu vi
Lại thêm giấc mộng Ba Vì...
Giật mình tỉnh giấc đã kề nghìn năm ! .

Cổng chào tính toán chưa xong
Trong khi vốn liếng ăn đong từng ngày
Thôi thì ta tính kiểu này
Cổng chào... “ Lắp ráp “ - Mặt mày...vênh vênh !


TG :Dưa Lê

Nguồn :trannhuong.com

Đơn xin việc


Tên: Ha Vu
Ngày sinh: 30 tháng 4 năm 1975
Nơi Sinh: thành phố Hồ Chí Minh
Học vị: Tiến sĩ tại gia
Nơi cấp bằng: Đại học Nam Thái Bình Dương

Thành tích:

Đất nước tôi có một lịch sử lâu dài và hào hùng nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều anh hùng nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều cô gái anh hùng nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều em bé anh hùng nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều bà mẹ anh hùng nhất thế giới.
Nói chung, đất nước tôi anh hùng
(đuơng nhiên, tôi sẽ là một nhân viên anh hùng)

Đất nước tôi có ba dòng thác cách mạng vũ bão nhất thế giới.
Đất nước tôi có một cha già dân tộc vĩ đại nhất thế giới
(rất tiếc đất nước chúng tôi không có được một mẹ già dân tộc
nhưng đó cũng đã nói thêm được tính vĩ đại của người)
Đất nước tôi có một đảng lãnh đạo tài ba nhất thế giới
(vì thế chúng tôi không có lý do gì để có nhiều đảng).
Đất nước tôi có một nhà nước do dân, vì dân, của dân, tận tụy như đầy tớ của nhân dân nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều Đại biểu Quốc hội có IQ cao nhất của thế giới.
Lãnh đạo nước tôi có nhiều văn bằng tiến sĩ nhất thế giới.
Đất nước tôi chỉ cần làm ít nhưng có rất nhiều siêu thành quả trên cả tuyệt vời nhất
(cho nên tôi sẽ là một nhân viên đầy tính cách mạng, một lãnh đạo tài giỏi nhưng khiêm tốn, một nhân viên do công ty, vì công ty, tận tụy và mang lại nhiều siêu thành quả cho công ty).

Đất nước tôi có một nền dân chủ 99% nhân dân đi bầu tiến bộ nhất thế giới.
Đất nước tôi có một xã hội ổn định nhất thế giới.
Đất nước tôi có một nền báo chí khuôn khổ nhất thế giới.
Đất nước tôi có những con người sáng tạo nhất, cây viết cong vẫn có thể viết chữ thẳng, màu trắng vẫn vẽ thành đỏ tươi, có khả năng chui qua mọi hàng rào thấp ngang mắt cá.
(và bên cạnh đó)
Đất nước tôi có một lực lượng công an còn đảng còn mình triệt để nhất thế giới.
(vì thế tôi sẽ là một nhân viên biết nghe lời nhất)

Đất nước tôi có một đồng chí anh em to nhất thế giới.
Đất nước tôi có những quặng mỏ bô xít, những dự án khai thác rừng lớn nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều tàu lạ nhất thế giới.
Thế nhưng đất nước tôi là một nước hòa bình và độc lập nhất thế giới
(suy ra tôi sẽ là nhân viên khéo léo, mềm mỏng, và biết chịu nhục giỏi nhất)

Đất nước tôi có nhiều lễ hội nhất thế giới.
Đất nước tôi có kỷ niệm 1000 năm hoành tráng nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều tiệm nhậu nhất thế giới.
Đất nước tôi có nhiều quán ôm nhất thế giới.
(một dân tộc vui vẻ, hạnh phúc nhất thế giới sẽ sản sinh ra một nhân viên luôn luôn vui vẻ và hạnh phúc cho quý ngài).

Đất nước tôi có nhiều phụ nữ được đàn ông nước ngoài say mê và cưới về làm vợ nhất.
Đất nước tôi có nhiều công nhân tài giỏi được các công ty nước ngoài tuyển mộ nhất thế giới.
Đất nước tôi không thích những cuộc đình công tự phát của công nhân.
Đất nước tôi không ưa những công nhân hay phàn nàn với chủ.
Nói chung đất nước tôi có những người quen thói phục tùng nhất.
(vì thế tôi sẽ là một nhân viên giỏi phục vụ và không đòi hỏi)

Đất nước tôi có một nền giáo dục với thành tích đỗ đạt cao nhất thế giới.
Đất nước tôi đào tạo những sinh viên có trí nhớ và khả năng thuộc lòng giỏi nhất.
Đất nước tôi sản xuất những nhân tài khuôn mẫu giống nhau nhất.
Tôi là một thành quả tuyệt vời của nền giáo dục có một không hai đó.

Nay tôi gửi đơn xin việc này đến công ty của quý ngài và mong quý ngài cứu xét. Tôi tin rằng với những thành tích nêu trên tôi xứng đáng để trở thành một nhân viên tuyệt vời cho công ty của ngài.

Thư trả lời
Dear Mr. Vu

Trong một thời gian ngắn, chúng tôi đã nhận được hàng nghìn resume tương tự như của anh.

Đúng là anh có nhiều thứ nhất trên thế giới.

Điểm đặc biệt nhất là sự giống nhau, đồng nhất trong các resume chúng tôi nhận được từ các anh.

Nhờ thế mà chúng tôi đã có thể tiết kiệm thời giờ và ngân sách của công ty bằng cách chỉ phỏng vấn 1 người thay vì hàng nghìn người nộp đơn.

Chúng tôi rất tiếc phải thông báo với anh là chúng tôi đã quyết định nhanh chóng để mướn một nhân viên người Thái Lan.

Người này không có những cái nhất như anh có. Anh ta chỉ có ba đức tính mà công ty chúng tôi cần: độc lập, sáng tạo, và dám đặt vấn đề.


Nguon: Danluan's blog

26 thg 6, 2010

ĐỒNG CHÍ TRƯƠNG TẤN SANG ĐẾN THĂM TÔI


Sáng ngày 13 tháng 06 năm 2010, đồng chí Trương Tấn Sang đến thăm tôi tại nhà riêng ở phường Kim Liên.
Tôi chỉ nói cho đồng chí Đồng Sỹ Nguyên biết và chính đồng chí Trương Tấn Sang cũng thông báo cho đồng chí Đồng Sỹ Nguyên về cuộc gặp giữa đồng chí ấy với tôi. Không biết người ta lấy tin từ đâu mà đưa lên mạng không đúng với tinh thần và nội dung cuộc nói chuyện hôm ấy, nên tôi phải nói lại cho đúng:

Đồng chí Trương Tấn Sang có hỏi tôi [một số điều] về 4 vị mà lão thành cách mạng chúng tôi đề nghị kiểm điểm trong bản Kiến nghị ngày 22/04/2010 và đề nghị với tôi 2 điều. Thái độ đồng chí Tư Sang rất nhã nhặn từ tốn chứ không có vẻ gì là cấp trên chất vấn Đảng viên "Tại sao?... Tại sao?" Như bài trên mạng mà ai đó đưa tin.

Về Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và các Ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Tấn Dũng, Tô Huy Rứa, tôi đã nêu lại những sai sót và bất cập như trong bản kiến nghị. Tất cả đều là sự thật mà những người quan tâm theo dõi ai cũng biết.
Đồng chí Trương Tấn Sang nói: "Hoan nghênh các bác có ý kiến gì đóng góp thì gửi cho chúng tôi, đừng lan truyền rộng như tỉnh phản ảnh lên cho chúng tôi". Tôi nói chúng tôi gửi Bộ chính trị, Ban Bí thư và các Ủy viên Trung ương là các thành viên trong ban lãnh đạo Đảng chứ không gửi ra ngoài, còn rò rỉ từ đâu tôi đâu có biết.

Đồng chí Tư Sang đề nghị với tôi: "Có ý kiến gì mỗi bác cứ gửi cho chúng tôi, không nên ký tập thể".
Tôi nói: “Từng cá nhân gửi! Đến như Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi bao nhiêu kiến nghị cá nhân mà các vị lãnh đạo còn không chú ý đến, không hồi âm, mỗi chúng tôi gửi riêng lẻ thì có nghĩa lý gì. Chúng tôi bức xúc, phải ký tập thể may ra các vị còn chú ý đến". Đồng chí Tư Sang không nói gì.

Nhân dịp tôi hỏi đồng chí Trương Tấn Sang về bản Kiến nghị mà đồng chí Đồng Sỹ Nguyên và tôi gửi BCT là khi Đại tướng [Võ Nguyên Giáp] qua đời phải làm Quốc tang đối với đồng chí ấy, không biết BCT c ó bàn không? Đồng chí Tư Sang nói: "Người hãy còn sống bàn không tiện, cũng có thể tiến hành Quốc tang đối với một vị khai quốc công thần".

Tôi cũng nêu, lâu nay mất dân chủ, đề nghị quá trình chuẩn bị và tiến hành Đại hội XI cần thực hiện dân chủ. Đồng chí nói sẽ thực hiện dân chủ, Nguyễn Chí Vịnh lộng hành, mình đầy tội lỗi, đất đai, nhà cửa quá nhiều không thể đưa vào Trung ương được. Nếu đưa vào là tai hại cho đất nước và không còn gì là Đảng Cộng sản nữa. Đồng chí Tư Sang không nói gì.

Tôi tiễn đồng chí ấy ra về, đồng chí cúi chào rất lễ độ./.

Nguyễn Trọng Vĩnh
Nguồn :http://boxitvn.blogspot.com/2010/06/ong-chi-truong-tan-sang-en-tham-toi.html#more



Thư gửi: Bộ Chính trị - Ban Bí thư Trung Ương


Hà Nội, ngày 22 tháng 4 năm 2010

Một trong những nhiệm vụ cơ bản nhất của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng sắp đến (Đại hội 11) là bầu cử được Ban chấp hành T.W. gồm những đại biểu ưu tú nhất của Đảng, những người gương mẫu về phẩm chất đạo đức cách mạng, có bản lĩnh chính trị vững vàng nhất, kiên định mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền chủ nghĩa xã hội, có ý chí đấu tranh kiên cường bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, có tầm nhìn chiến lược và năng lực tổ chức chỉ đạo thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội.


Tổng bí thư và các uỷ viên Bộ chính trị phải là những người ưu tú nhất trong BCH.T.W. Dứt khoát không để những người có dính đến tham nhũng và những người Việt gốc nước ngoài vào BCH.T.W.

Để có được một BCH T.W có đầy đủ các tiêu chí nói trên, công tác nhân sự đại hội cần được tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, trong sáng và với trách nhiệm cao của mỗi đại biểu.

Nhận thức rõ, đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ người đảng viên ghi trong điều lệ Đảng, chúng tôi những cán bộ cao cấp đã nghỉ các chức danh công tác trong biên chế nhà nước, đã 80, 90 tuổi đời; 60-70 tuổi Đảng, đã đem cả tâm trí và sức lực của đời mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc, xin được đóng góp một số ý kiến về công tác nhân sự đại hội:

1. Phải đảm bảo các đại biểu về dự đại hội có đầy đủ các tiêu chí cần thiết, phải là những người ưu tú nhất về phẩm chất, đạo đức, năng lực. Bộ chính trị, Ban Bí thư T.W. khoá 10 và Ban thẩm tra tư cách đại biểu cần đề cao trách nhiệm, rà soát kỹ lưỡng, kể cả với những đại biểu là uỷ viên T.W khoá 10 để phát hiện và trình đại hội xem xét tư cách những đại biểu vừa qua có vi phạm kỷ luật và những và có dấu hiệu vi phạm kỷ luật, những người có dính đến tham nhũng, những đại biểu là người Việt gốc nước ngoài.

2. Danh sách để bầu BCH T.W. phải tổng hợp từ 3 nguồn:
- Một phần do BCH.T.W cũ đề cử (khoảng 60%). - Một phần không nhỏ nên để các Đảng bộ, các đảng viên, đoàn đại biểu đề cử. - Một phần nên khuyến khích đại biểu tự ứng cử.
Danh sách để bầu (tính cả chính thức và dự khuyết) nên có số dư ít nhất 25% so với số cần bầu.
Danh sách bầu B.C.T, Ban bí thư, UBKT T.W cần có số dư ít nhất 25%.
Danh sách bầu chức danh cụ thể nên có từ 2 người trở lên.
- Nên để đại hội trực tiếp bầu Tổng bí thư. Vì lẽ đó việc thông qua điều lệ sửa đổi nên làm trước lúc bầu cử.

3. BCH T.W. khoá 11 không nên vượt số lượng 150, không nên cơ cấu rải đều Bộ, ngành, tỉnh, thành nào cũng có uỷ viên T.W., quan trọng là chất lượng.
Trẻ hoá là cần, nhưng không quá cứng nhắc về tuổi tác, mà cần một sự kế thừa, hài hoà giữa các độ tuổi. Cũng cần có ngoại lệ vể tuổi tác với chức danh Tổng bí thư. Nếu có đồng chí ưu tú nổi trội hơn cả trong các đảng viên ưu tú, phẩm chất đạo đức gương mẫu, tuyệt đối trung thành với lý tưởng, với dân, với nước, có năng lực, có tầm nhìn xa, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có ý chí tự cường tự chủ, có tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập chủ quyền và lợi ích quốc gia, tác phong dân chủ, có uy tín trong Đảng trong dân, có khả năng đoàn kết toàn Đảng, toàn dân tộc thì vấn đề tuổi không đặt ra, miễn là còn đủ sức khoẻ đảm đương trọng trách.

4. Đại hội toàn quốc của Đảng lần thứ 11, phải thực sự dân chủ, phải thể hiện tốt tinh thần phê bình, tự phê bình, phải có tính chiến đấu, phải tranh luận để tìm ra cái đúng cái sai, không nên phát biểu theo đơn đặt hàng. Bỏ lối tham luận tràng giang đại hải, nói vài câu “nhất trí với báo cáo” rồi kể lể thành tích của tỉnh mình, ngành mình một cách vô bổ.
Các vấn đề chung của đại hội cần được tiến hành trong các phiên họp công khai, hết sức hạn chế những cuộc họp riêng tại các đoàn đại biểu, không nên quá lạm dụng các phiên họp trù bị. Cần dành tối đa thời gian đại hội cho việc thảo luận tranh luận tại hội trường.

5. Hiện tại số đảng viên trong đội ngũ cán bộ hưu trí các chức danh trong biên chế nhà nước và theo luật lao động chiếm già một nửa trong tổng số trên 3,1 triệu đảng viên. Đảng viên không hưu trí về Đảng, họ vẫn có đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi trong Đảng, họ phải được đối xử bình đẳng như những đảng viên đương chức, đương quyền. Vì lẽ đó trong đại hội Đảng các cấp cho đến đại hội toàn quốc của Đảng, họ cần có một tỷ lệ thích đáng trong thành phần đại biểu đại hội các cấp. Nếu đủ tiêu chuẩn và sức khoẻ họ có quyền ứng cử vào các cấp uỷ Đảng từ cơ sở quận, huyện, tỉnh thành đến T.W.

6. Để giúp các đồng chí trong Bộ chính trị, Ban bí thư T.W Đảng kiểm điểm trách nhiệm của mình trước BCH.T.W và trước đại hội, rút ra được những bài học cần thiết không những cho bản thân mà còn cho những đồng chí giữ các trọng trách trong Bộ chính trị - Ban Bí thư T.W. khoá 11, chúng tôi sẽ lần lượt tham gia ý kiến, trước mắt trong phạm vi bức thư này, xin được góp ý với 4 đồng chí:

l. Với Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, nói thực là cả bản thân chúng tôi cũng như dư luận đông đảo cán bộ, đảng viên thất vọng về những gì mình mong đợi và hy vọng ở 2 nhiệm kỳ Tổng bí thư của đồng chí.
Dư luận chê nhiều hơn khen bản lĩnh chính trị của đồng chí trong ứng xử với nhiều sự kiện, nhiều công việc cả đối nội và đối ngoại.
Người ta không lý giải được đó là do năng lực hay do sức ép nào đó? Dư luận nhiều cán bộ đảng viên cho rằng trong lúc đồng chí chưa thực hiện đầy đủ chức năng Tổng bí thư (việc chính của mình) trong xây dựng Đảng lại lấn sân sang việc của Chủ tịch nước và Thủ tướng (thoả thuận, ký kết với các chính phủ nước ngoài một số nội dung thuộc chức năng nhà nước).
Có dư luận cho rằng đồng chí đã vi phạm nguyên tắc trong quan hệ với nước ngoài ở những vấn đề mà Bộ chính trị chưa bàn bạc.
Là Tổng bí thư song ít thấy đồng chí chủ động phát hiện và đề xuất những vấn đề cần bàn, những vấn đề bức xúc của Đảng, của đất nước để Bộ chính trị bàn bạc thảo luận.
Chẳng hạn như phá bỏ hội trường Ba Đình sau khi có phản ứng quyết liệt của lão thành cách mạng, của các nhà khoa học, của đa số nhân dân; cho nước ngoài đầu tư khai thác Bô-xít Tây nguyên; vấn đề chủ quyền trên biển đảo; vấn đề công nghiệp quốc phòng, hiện đại hoá quân đội; các vấn đề nổi cộm về sai phạm của Tổng cục II, và Nguyễn Chí Vịnh. Nguyễn Chí Vịnh phẩm chất xấu xa, làm nhiều sai trái, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi thư cho T.B.T không nên đề bạt Trung tướng, đ/c Nông Đức Mạnh trả lời Đại tướng là “không thăng Trung tướng, còn chưa biết đưa đi đâu để rèn… luyện”, nhưng rồi vẫn đề bạt Trung tướng và Thứ trưởng quốc phòng, còn tặng huân chương cao nữa (mà đ/c lại là Bí thư Đảng uỷ quân sự), để một số nơi cấp uỷ can thiệp sâu vào việc truy tố xét xử; các vụ án mà BCH T.W. khoá 8, bàn giao cho T.W khoá 9.
Là người đứng đầu Bộ chính trị, với trách nhiệm chủ yếu trong việc xây dựng Đảng, đã để những vấn đề cốt lõi trong Đảng như dân chủ nội bộ không thực hiện, xây dựng đội ngũ cán bộ đảng viên làm quá ít. Tệ quan liêu chuyên quyền độc đoán phát triển mạnh; phê bình tự phê bình dần dần vắng bóng trong sinh hoạt của các tổ chức Đảng, từ cơ sở đến T.W., đến Bộ chính trị. Hai nhiệm kỳ rồi mà cái gọi là một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên có chức có quyền tiêu cực chẳng những không được thu hẹp mà lại lớn dần lên. Mất dân chủ và cán bộ hư hỏng đã làm cho Đảng mất tín nhiệm quá lớn. Nhiều dư luận cho rằng Tổng bí thư đã lợi dụng chức quyền để gò ép nơi này nơi kia đưa con trai, con gái, con rể vào các chức danh mà năng lực, phẩm chất, đạo đức không tương xứng.

2. Đồng chí (đ/c) uỷ viên B.C.T Nguyễn Phú Trọng: Qua hai nhiệm kỳ tham gia Bộ chính trị, với vai trò là Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng lý luận T.W., Chủ tịch Quốc hội, tuy có làm được một số việc, nhưng so với trọng trách thì còn nhiều hạn chế. Cả một thời gian dài là Bí thư Thành uỷ Hà Nội để thành phố quá trì trệ; để nhiều cán bộ dính đến tiêu cực về tài sản, tài chính, nhà đất, có cả Chủ tịch và một số Phó chủ tịch thành phố.
Nghiêm trọng là để cho Chủ tịch lợi dụng chức quyền làm giầu, dùng tiền công quỹ mua ô tô quá đắt, quá sang để dùng (người ta bảo rằng 3000 con trâu của nông dân). Lên T.W. với cương vị Chủ tịch Hội đồng lý luận chưa thấy phát hiện được vấn đề gì mới về lý luận, nhiều dư luận cho đồng chí giáo điều, sao chép.
Là Chủ tịch Quốc hội chưa phát huy dân chủ, trí tuệ của các đại biểu và quyền lực cao nhất của quốc hội chỉ xin nêu một vài việc điển hình:
- Việc phá bỏ hội trường Ba Đình, một di tích lịch sử cách mạng tiêu biểu của thời kỳ đầu xây dựng CNXH ở miền Bắc, gắn với nhiều hoạt động của Bác Hồ; gắn với 10 nhiệm kỳ Quốc hội với nhiều đại hội Đảng toàn quốc vậy mà bất chấp các kiến nghị tâm huyết của đông đảo các nhà lão thành cách mạng, các nhân sĩ tri thức, các nhà khoa học, nhà quản lý và tuyệt đại đa số nhân dân, đồng chí đã thuyết phục bằng được Quốc hội biểu quyết thông qua.
- Việc mở rộng thủ đô Hà Nội, xoá đi hẳn một tỉnh để nhập vào một đơn vị khác vậy mà Chủ tịch Quốc hội không chủ động đưa vấn đề trọng đại đó ra Quốc hội bàn bạc thấu đáo, đưa Quốc hội vào tình thế “việc đã rồi”, chẳng làm thế nào khác được!
- Vấn đề đầu tư khai thác Bô-xít ở Tây Nguyên, một việc liên quan đến an ninh - quốc phòng không những ở Tây Nguyên mà với cả nước; liên quan đến môi trường không những ở Tây Nguyên mà với nhiều tỉnh thành Nam bộ; liên quan đến lợi ích đồng bào thiểu số Tây Nguyên; liên quan đến vấn đề dự trữ tài nguyên lâu dài của đất nước, vậy mà khi đi thăm Tiệp Khắc, kiều bào hỏi, đ/c nói là vấn đề nhỏ Quốc hội không cần bàn.
- Khi họp Quốc hội, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nói đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Khi một số đại biểu quốc hội đề nghị bàn thảo, thì Chủ tịch Quốc hội cắt không cho bàn, nói rằng vấn đề đã được quyết định.

3. Đồng chí Nguyễn Tấn Dũng: Qua một nhiệm kỳ làm Phó thủ tướng thường trực và một nhiệm kỳ làm Thủ tướng, đ/c đã làm được một số việc như xây dựng cơ sở vật chất, mở mang đường sá, xây nhiều cầu, có những cầu hiện đại, sân bay, bến cảng, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, kinh tế có phát triển (nhưng không vững chắc) có góp phần nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế v.v…
Nhưng có nhiều việc yếu kém, không tốt:
- Không làm tròn trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước.
Để lâm tặc phá rừng rất nhiều, rừng cháy nhiều, lại bán rừng mất rừng nhiều quá, chứng tỏ Thủ tướng không quản lý được rừng.
Nhiều nơi, than, khoáng sản các loại “bị thổ phỉ” và khai thác bừa bãi.
Tài chính thất thoát nhiều, do tham nhũng, lãng phí. Ban đầu Thủ tướng nói rất hăng, nhưng không ngăn chặn được, cứ phát triển, tiền đầu tư vào chính phủ điện tử coi như mất không, không được việc gì, do Văn phòng chính phủ phải chịu trách nhiệm nhưng rồi cũng trôi.
- Thiên về thu hút đầu tư địa ốc, nước nhỏ mà để phát triển hơn trăm sân gôn, để cho bán đất trái phép nhiều nên mất ruộng, đất rất nhiều nhất, nông dân thất nghiệp.
- Hàng hoá nước ngoài tràn ngập thị trường, nhập siêu liên miên, số tiền lớn.
- Lạm phát không hạn chế được, tiền mất giá, mọi thứ nhu cầu của dân giá cả tăng vọt, có thứ 100%.
- Vay nợ nước ngoài nhiều nhất, cho cả dự án không cần gấp.
- Ngoài ra khá nhiều dư luận các tỉnh miền Nam, kể cả ở Kiên Giang cho rằng đồng chí và gia đình có những biểu hiện về tài sản không minh bạch, xây nhà thờ họ quá lớn, quá qui mô hoành tráng tốn đến 40 tỷ (trong khi đó thì Hội trường Ba Đình lịch sử quan trọng bậc nhất lại phá đi).

4. Đồng chí Tô Huy Rứa UV BCT Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa T.W., có khá nhiều dư luận từ Đồ Sơn, từ Hải Phòng cho rằng thời kỳ ở Thành uỷ Hải Phòng đồng chí đã để xảy ra nhiều vụ việc tiêu cực về nhà đất, kéo dài không được xử lý nghiêm minh. Lên T.W. với vai trò Chủ tịch Hội đồng lý luận, đồng chí làm được quá ít, nhược điểm lớn là thiếu thực tế do vậy không phát hiện được vấn đề nào mang tính sáng tạo, dễ giáo điều, sao chép.
Với chức danh Trưởng ban Tư tưởng Văn hoá T.W., dư luận cho rằng cả về mặt lý luận, tư duy quá nghèo nàn, mà năng lực hoạt động thực tiễn cũng rất hạn chế, để quá nhiều tiêu cực phát sinh trên mặt trận tư tưởng – văn hóa tới cấp độ báo động, dẫn đến bị động, đối phó lúng túng, đi tới sử dụng nhiều các biện pháp hành chính, mệnh lệnh, cấm đoán làm cho tình hình đã rối càng rối rắm thêm. Phát động học tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, tưởng rằng để chỉnh đốn tư tưởng, nhưng những người nắm quyền ở các cấp là đối tượng cần học là chính thì không mấy ai học, những cán bộ tham nhũng, quan liêu, hách dịch thì không có biểu hiện gì chuyển biến thành ra tốn tiền vô ích. Tuyên truyền chỉ một chiêu tô hồng, ai nói lên sự thật thì phạm cấm, coi là kẻ xấu.

Cả 4 đồng chí đều đã tham gia 2 đến 3 nhiệm kỳ BCH T.W. và những bất cập và khuyết nhược điểm của các đồng chí, tín nhiệm của các đ/c trong đảng viên và nhân dân giảm sút, mong rằng nhiệm kỳ tới đây (Đại hội 11) các đồng chí nên thôi ứng cử, nhường chỗ cho các đồng chí khác để cho lòng tin đối với Đảng được nâng lên, Tổ quốc, dân tộc phát triển nhanh và các đ/c cũng không mang tiếng tham quyền, cố vị.

Xin gửi đến Bộ chính trị - Ban Bí thư T.W. lời chào kính trọng và chúc các đồng chí cùng với BCH T.W. chuẩn bị tốt nhất cho Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng cả về văn kiện và nhân sự đại hội.

Danh sách đồng ký tên:
Lê Hữu Đức – Trung Tướng F.650 87 tuổi đời – 64 tuổi Đảng tham gia mặt trận Việt Minh từ tháng 10 năm 1943: Tôi nhất trí hoàn toàn, xin cho bổ sung 2 điểm:
1. Với đồng chí Nông Đức Mạnh - Khuyết điểm trầm trọng nhất là ngả hẳn vào bọn Trung Quốc, không thấy được âm mưu muôn đời của Trung Quốc là muốn nuốt chửng nước ta, không thấy qua 4000 năm dựng nước và giữ nước, chỉ Vương triều nào nhu nhược chạy theo bọn Trung Quốc là mất nước hay sao? Cần kiểm điểm nghiêm khắc trước khi nghỉ việc để làm gương cho những đồng chí khác tránh vết xe đổ nát của đồng chí Nông Đức Mạnh.

2. Với đồng chí Nguyễn Tấn Dũng tôi cũng nhất trí như bản trình bày. Tôi thấy gần đây đồng chí Dũng có một chủ động đáng hoan nghênh là đã nhất trí với Bộ Quốc Phòng qua Nga mua tàu săm ngầm và máy bay Mic 29 về trang bị. Vũ khí tối tân mới giữ được Trường Sa và chống lại được mọi kẻ xâm lược từ phía đông Tổ Quốc. Đề nghị đồng chí Dũng tiếp tục ủng hộ Bộ Quốc Phòng nên để Nga vào lại căn cứ Cam Ranh, có như vậy thì mới đập tan mọi âm mưu bành trướng muốn chiếm nước ta trước hết là bọn “Ác bá – Trung Quốc”

Nguyễn Trọng Vĩnh – Nguyên UVTW Đảng – Lão thành cách mạng.
Huỳnh Đắc Hương – Thiếu Tướng, Chính uỷ Quân khu, Tư lệnh kiêm Chính Uỷ quân tình nguyện và chuyên gia quân sự tại Lào, Thứ Trưởng Bộ Lao Động - Thương Binh Xã Hội.
Nguyễn Huy Văn (Kim Sơn) – Lão thành cách mạng – 50 tuổi Đảng.
Nguyễn Thị Cương – Cán bộ tiền khởi nghĩa, 64 tuổi Đảng, Huân chương Độc lập hạng 3.
Trần Đức Quế – Lão thành cách mạng, Chuyên Viên đã nghỉ hưu.
Hữu Anh – Thiếu Tướng, Lão thành cách mạng, nguyên cục trưởng …Bộ Quốc Phòng.
Trần Bá – Cựu chiến binh Nam tiến, 85 tuổi đời, 46 tuổi quân, 64 tuổi đảng.
Lê Hữu Hà – Lão thành cách mạng, Trưởng ban tổ chức liên khu uỷ IV, chuyên viên tư vấn của các ông Huỳnh Tấn Phát, Đỗ Mười.
Lê Mai Anh – Lão thành cách mạng, cựu chiến binh , gần 50 tuổi đảng.
Nguyễn Nam – Lão thành cách mạng, cựu cán bộ các Ban TW Đảng, cựu cán bộ TW Đoàn TNLĐ.
Phạm Văn Hiện – Đại Tá, Lão thành cách mạng.
Trần Nguyên – Lão thành cách mạng, 86 tuổi đời, 60 tuổi đảng, 40 tuổi quân.
Nguyễn Bá Bảo – Cán bộ viện nghiên cứu Bộ công nghiệp, 75 tuổi đời, 45 tuổi đảng.
Nguyễn Văn Tuyên – Đại Tá QĐND Việt Nam, Lão thành cách mạng, 85 tuổi đời, 63 tuổi đảng.
Vũ Thuận – Lão thành cách mạng, 85 tuổi đời, 60 tuổi đảng, Huân chương độc lập.
Lê Minh Châu – Lão thành cách mạng, 50 tuổi đảng.
Nguyễn Văn Bé – Lão thành cách mạng tiền khởi nghĩa, 86 tuổi đời.
Nguyễn Văn Mậu – Trung Tướng, Lão thành cách mạng, 90 tuổi đời, gần 70 tuổi đảng

Nguồn :http://www.viet-studies.info/kinhte/Thu_NguyenTrongVinh.htm

25 thg 6, 2010

Gặp Chí Phèo thế kỉ 21


Dongngan:Thưa ông, dự án một năm nay kéo dài ba năm chưa xong , ông thấy thế nào?
Chủ dự án:Thì vui chứ sao, có thế mà phải hỏi.

Dong ngan: Thưa ông, vui sao được, khi mà lô cốt chiếm lòng đường, giao thông tắc nghẽn, đô thị bẩn thỉu kéo dài.
Chủ dự án: ồ, anh chỉ biết một mà không biết hai. Chúng tôi đang giải quyết bao nhiêu vấn đề nhức nhối xã hội, đó là công ăn việc làm cho người lao động. Xong sớm thì đám công nhân chúng tôi lấy đâu ra việc làm, ai chi trả lương...Việc kéo dài với chúng tôi có ý nghĩa tích cực với xã hội. Tôi còn đang đề nghị chính phủ thưởng Huân chương về việc tạo công ăn việc làm cho bao nhiêu lao động, thế là thành tíchchẳng đáng vui sao?

Dong ngan: Vậy thưa ông, dự án này bao giờ kết thúc?
Chủ đầu tư: Cái này thì chưa rõ, Cái này hữu tiền vô hậu , càng lâu càng tốt.

Dongngan: Vậy ông không thấy kéo dài thì ách tắc giao thông triền miên tại hại như thế nào à?
Chủ đầu tư: Có sao đâu, sớm muộn ai chẳng về đến nhà, có ai vì ách tắc mà nằm đường đâu?

Dongngan: Thế còn mĩ quan đô thị?
Chủ đầu tư: Thế bộ mặt đô thị đẹp với cảnh hết việc làm của công nhân chúng tôi, cái nào quan trọng hơn. Đô thị xấu thì không sao nhưng con người đói có thể làm loạn. Chúng tôi làm thế này là để ổn định cuộc sống, giữ vũng trật tự an ninh xã hội.

Dongngan; Kéo dài dự án, phát sinh dự toán ông tính thế nào.
Chủ dự án :( ôm bụng cười sằng sặc) Ôi , Dongngan thật ngây thơ, cái đó có ODA lo, sợ gì. Nếu không chúng tôi cứ để cho bung bét. Tôi xin hỏi, xin ODA để làm gì?

Dong ngan: nhưng vượt dự toán thì ai chịu vào đây?
Chủ đầu tư: Tôi không biết, có lẽ trước mắt là chính phủ, sau đó là nhân dân. Đây là cơ sở hạn tầng của quốc gia mà. Sau một lúc lâu chủ đầu tư thì thầm vào tai tôi; dong ngan đã đọc "Cuốn theo chiều gió" của Macgarit Mi sen chưa, có để ý đến câu nói của Bất-lơ chưa?
Anh ta bảo sự ra đi của một chính thể và lúc hình thành một chính thể mới đó là cơ hội kiếm chác ngon nhất. Tôi là thằng đi kiếm chứ không phải người xây dựng nên tôi phải tận dụng triệt để cơ hội này. Khi mọi sự yên ổn luật pháp được thực thi những người như tôi sẽ không còn dễ dàng kiếm chác nữa, thì lúc ấy tôi đã xơi đủ, đã thừa...xiền để đi xa nghỉ ngơi, thây kệ sự ổn định của các người!

Nguồn : Dongngan' s Blog

24 thg 6, 2010

ODA, Nhật Bản, và những giấc mơ...


Nguyễn Lương Hải Khôitrả lời những câu hỏi của Lê Ngọc Sơn

KHI ODA TRỞ THÀNH “BINH PHÁP”:
1. Theo anh, về phương diện lý thuyết, bản chất của ODA là gì? Anh thấy ODA đóng vai trò thế nào đối với sự phát triển của một quốc gia, như Việt Nam?

Về mặt “lý thuyết”, ODA là “sự ưu ái” của nước giàu đối với nước chưa giàu. Trên thực tế thì không chỉ như vậy. Nhiều học giả Nhật đã chỉ ra rằng, ODA là một vũ khí kinh tế của nước họ.
Về vai trò của ODA đối với Việt Nam, ODA là cây anh túc, biến nó thành ma túy hay thành thuốc chữa bệnh là do con người.

2. Nhiều người xem việc vay được nhiều vốn ODA là vui, nhưng anh thì nghĩ thế nào?

“Vui” là một cảm xúc. ODA là câu chuyện của kinh tế, của tư duy chiến lược, của cuộc tranh đua về mặt trí tuệ giữa nước giàu và nước chưa giàu. Đó không phải là nơi con người ta nên hành xử bằng cảm xúc. Chỉ có thể nhìn nó bằng đôi mắt lạnh lùng của lý trí. Được cũng không vui, không được cũng không buồn.

3. Có người viện dẫn, sở dĩ Nhật Bản cho các nước đang phát triển vay thoải mái là vì “tình cảm”. Theo anh, liệu trong chuyện ODA này, có chuyện “tình cho không, biếu không”?

Để tránh chủ quan, trong bài viết “
ODA – “Sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?” trên trang Viet-studies của Gs. Trần Hữu Dũng (Tạp chí Tia Sáng Online của Bộ Khoa học Công nghệ đã đăng lại toàn văn), người viết đã giới thiệu nghiên cứu của chính các học giả Nhật.
Theo các học giả Nhật này, chính sách ODA hiện nay của Nhật vốn được ra đời trong giai đoạn Nhật phục hồi kinh tế sau thế chiến II, với mục đích là tìm kiếm thị phần và bảo hộ lợi nhuận cho các doanh nghiệp Nhật. Đó là một vũ khí kinh tế.

4. Là người đang sống ở Nhật, xin hỏi anh, người Nhật thực sự suy nghĩ gì về ODA?

Thái độ của người dân trong xã hội Nhật thì tôi không thể biết chính xác. Thái độ của các học giả thì tôi tạm chia làm 3 nhóm.
- Nhóm “phê phán”: như trên đã nói.
- Nhóm “biện hộ”: Bài viết “ODA – “sát thủ kinh tế” của Nhật Bản?” cũng có giới thiệu về những quan điểm biện hộ cho chính sách ODA Nhật.
- Nhóm “cải cách”: Đề nghị cải cách ODA theo hướng nhân văn hơn. Chẳng hạn, Đại học Hiroshima từng tổ chức một hội thảo ngày 21/8/2001 có chủ đề “ODA của thế kỷ 21 – từ xây dựng vật chất đến kiến tạo con người”. Các học giả tham gia hội thảo đã kêu gọi xây dựng một chính sách ODA theo hướng lấy sự phát triển con người là cái đích cuối cùng mà các dự án ODA đạt tới, thay vì chỉ là “cầu”, “cảng”, “đường”.

CHUYỆN VỀ NHỮNG GIẤC MƠ
5. Anh nghĩ gì về các siêu dự án như “đường sắt cao tốc”, “quy hoạch Hà Nội”, “Thành phố ven sông Hồng”…

Các siêu dự án này đều có chung mấy điểm sau:
- Đều do các nhóm tư vấn nước ngoài thực hiện. Trong các dự án này, những hạng mục quan trọng nhất được đề xuất là những hạng mục đòi hỏi một khả năng tài chính và kỹ thuật mà Việt Nam hiện chưa làm nổi. Nếu phê duyệt dự án, cách duy nhất để thực hiện là vay ODA và trao thị phần cho nước mình vay.
- Chính phủ không lập bất kỳ một Nhóm nghiên cứu chuyên trách nào để đánh giá, phản biện các đề xuất đó của phía tư vấn nước ngoài. Nên nhớ là, các Nhóm tư vấn nước ngoài này không hề độc lập mà chỉ là một mắt xích trong “binh pháp ODA” của các nước phát triển hơn ta.
- Các nhà khoa học Việt Nam chỉ được biết về chúng sau khi người ta đem ra “lấy ý kiến” và “xin phê duyệt”. Những người có lương tâm phải phản biện trong tình trạng cô đơn và chạy theo đuôi tình thế.
- Kết quả tất yếu:
Những khoản “béo bở” nhất của đại dự án thì thuộc về nước ngoài. Người Việt Nam, do ràng buộc của tài chính, kỹ thuật và điều khoản hợp đồng ODA, chỉ có thể làm thuê bên lề. Trong một “thế trận” như vậy, cả một khoản đầu tư khổng lồ được tung ra, nhưng không trở thành động lực vật chất, không trở thành cơ hội cho sự phát triển của các công ty, viện nghiên cứu của Việt Nam.

Việt Nam sẽ có những công trình “to” và “đẹp mắt”. Con số GDP cũng tròn trịa hơn trong các báo cáo cuối năm. Nhưng, miếng cơm manh áo của thế hệ sau thì bị khoét đi vì nợ nần.

6. Phải chăng điều đó thể hiện giấc mơ Việt? (Sau bao nhiêu năm chúng ta thua kém, nay cần phải vươn lên).

Dân tộc Việt Nam chỉ có thể trở thành một dân tộc hiện đại bằng những con người hiện đại của chính nó. Con người này không phải là cái có sẵn, mà phải được tạo ra trong quá trình hiện thực hóa những “tư duy lớn”. Không thể trở thành “hiện đại” nhờ vào những “đồ vật” có được bằng tiền vay và trí tuệ của kẻ khác.

7. Gót chân Achille của những giấc mơ này là gì?

Là cấu trúc của tiến trình ra quyết định.
Lãnh đạo Chính phủ hiện nay không sở hữu trong tay một Nhóm Tư duy chiến lược chuyên nghiệp (think tank) nào. Trong các Bộ trung ương cũng không có các cơ quan hoạch định chiến lược chuyên nghiệp, tập hợp những tài năng thực sự và được đãi ngộ xứng đáng. Các cán bộ ở các Bộ phải kiêm nhiệm nhiều việc một lúc và không được đãi ngộ để thoát khỏi nỗi lo cơm áo. Họ gần như bỏ rơi quản lý chiến lược, sa vào quản lý các dự án cụ thể. Khi họ viết nghiên cứu chiến lược thì hầu như chỉ biết đến Bộ mình mà không thảo luận với chuyên gia ở các Bộ, Ngành liên quan, không tham khảo ý kiến các Viện nghiên cứu, các trường đại học.
Mặt khác, khi tư duy chiến lược, không thể không tham khảo ý kiến các Nhóm xã hội liên quan, đặc biệt là các Hội nghề nghiệp của xã hội dân sự. Nhưng ở nước ta, các Nhóm xã hội này đang gặp vấn đề. Hoặc là bị nước ngoài thao túng như Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô (VAMA), hoặc không được cấu trúc một cách hợp lý như Hiệp hội lương thực (VFA), hoặc còn chưa trưởng thành để có tiếng nói với chính sách như Hội Nông dân... Và hơn hết, các Hội này, chẳng hạn Hội nông dân và Hội lương thực, không có cơ chế nào để đối thoại với nhau mỗi khi xung đột lợi ích. Mạnh được, yếu thua.
Bên cạnh đó, khi mỗi “chiến lược” được viết xong, không có bất kỳ một think tank(s) nào được đặt hàng thẩm định, phản biện. Đơn giản chỉ vì chúng ta không có một think tank nào để làm việc đó.
Như vậy, Việt Nam đã “vỡ trận”. Hầu hết những quyết sách có “tầm nhìn thế kỷ” đều do tư vấn nước ngoài thực hiện, đề xuất. Hậu quả của điều này thì như trên đã nói.
Như vậy, chúng ta cần sắp xếp lại giang sơn. Việc này, nếu không phải là những nhà lãnh đạo đứng trên “những đỉnh cao chỉ huy” (hay là “những cao điểm chiến lược”) của đất nước, với đầy đủ quyền lực trong tay, thì không ai làm được.

8. Nước Nhật đang được coi là mẫu hình của sự bứt phá thành công, và đang được các lãnh đạo, học giả, sinh viên… đưa làm mẫu hình trong mỗi cuộc bàn thảo. Phải chăng mà vì thế, ta quyết theo họ? Theo anh, mấu chốt để họ thành công và hình thành “tinh thần Nhật Bản” là gì?

Cuộc Canh tân của Nhật Bản cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi, mở đầu không phải bằng “mở cửa” và “giao thương” như cuộc Đổi mới năm 1986 của Việt Nam, mà mở đầu bằng giáo dục và khai sáng tinh thần tự do – dân chủ, tinh thần luật pháp, tinh thần duy lý – khoa học, tinh thần công dân… tức những giá trị tinh thần của lịch sử hiện đại, cho toàn dân, trong đó có hệ thống công quyền.

Nếu cuộc Canh tân của Nhật năm 1868 chỉ đơn giản là “mở cửa” và “giao thương” thì kinh tế chỉ phát triển đến một mức nào đó rồi dừng lại, vì một dân tộc nếu còn cắm rễ trong những thiết chế xã hội và tư duy truyền thống, không thể xây dựng được một nền văn minh hiện đại đích thực. Đây là bài học lớn nhất cho Việt Nam hôm nay.
Hơn thế nữa, ngày nay, những điều chúng ta phải làm khó khăn hơn Nhật Bản thời Duy tân Minh trị rất nhiều lần. Nhật canh tân trong thời đại xe lửa chạy bằng than, trước mắt chúng ta hôm nay thời đại của đường sắt siêu tốc, thời đại của những con chip điện tử, thời đại mà sự phát triển đích thực của nền kinh tế của Việt Nam lệ thuộc trực tiếp vào năng lực sáng tạo của con người Việt Nam.

Để hội nhập vào thời đại kỳ diệu này, chúng ta cần được khai sáng không chỉ những giá trị phổ quát của nhân loại hiện đại như Nhật Bản đã làm hơn một thế kỷ trước, mà còn khai sáng tư duy và tinh thần sáng tạo, khai sáng tinh thần “người công dân toàn cầu” – không phải là vong bản để trở thành “thế giới” mà là khát khao xây dựng danh dự cho dân tộc mình thông qua cống hiến những sáng tạo cho sự phát triển của nhân loại chung.

Nhưng vấn đề không chỉ là tinh thần. Một hiện tượng tinh thần nào đó chỉ phát huy được trong một cấu trúc xã hội tương tích.

VAI TRÒ PHẢN BIỆN CỦA BÁO CHÍ
9. Ở Nhật, vai trò của xã hội dân sự thế nào, trước các quyết sách của Chính phủ?

Ở Nhật, xã hội dân sự đã phát triển đến độ “hoàn hảo”. Xã hội dân sự của Nhật Bản không chỉ “phản biện” cách chính sách của chính phủ, mà còn hơn thế nữa, hoạch định các chính sách rồi nói với hệ thống nhà nước: Hãy làm đi.

Các quyết sách lớn, liên quan đến đại đa số nhân dân, hầu như không bị nhân dân phản ứng. Bởi quy trình hình thành chính sách khác hẳn chúng ta. Nói cường điệu một chút, Nhật Bản giờ đây là đất nước “Duy tuệ thị nghiệp” (chỉ lấy trí tuệ làm “nghiệp” của mình), theo cách nói Phật giáo.
Quá trình ra quyết sách của họ giống như một sự hỗn độn vì những cuộc thử thách trí tuệ. Bởi lẽ có nhiều Nhóm xã hội, nhiều chính trị gia quan trọng, những trí thức và các cơ sở nghiên cứu có ảnh hưởng lớn..., nói chung là, tất cả những ai cảm thấy mình có liên quan đến quyết sách, đều được quyền tham gia vào. Không ai bị loại bỏ tiếng nói vì bất cứ lý do gì. Tình trạng này thì rất khác với sự dễ dàng khi tiến hành một quyết định theo lề thói quan liêu trong một xã hội chưa trưởng thành.

10. Tiếng nói của báo chí được lắng nghe thế nào?

Quan chức Nhật Bản, mỗi khi bị báo chí vạch trần cái sai, thì việc xin lỗi nhân dân và từ chức là hiển nhiên. Vì vậy, nhiều quan chức đã thú nhận và xin từ chức trước khi bài báo phanh phui cái xấu của mình được xuất bản, để được dân khen là “trung thực” (tự thú trước khi bị phanh phui).

11. Anh có biết, báo chí Nhật có giám sát được các lợi ích nhóm trong mỗi quyết sách quốc gia?

Giám sát các nhóm lợi ích là việc của Chính phủ, của các cơ sở nghiên cứu chính sách, của chính các… nhóm lợi ích liên quan, và của báo chí. Nếu chỉ có một mình báo chí, có lẽ báo chí cũng bất lực.

Chính phủ Nhật trị các nhóm lợi ích không chỉ bằng chiến lược thuế mà còn bằng đấu pháp “cân bằng lợi ích nhóm”. Các nhóm lợi ích xung đột quyền lợi hoặc có quan hệ về quyền lợi, phải đối thoại với nhau trên tinh thần luật pháp và duy lý theo nguyên tắc “tất cả cùng thắng”. Không nhóm nào, dù “lực” mạnh đến mấy, có đủ “thế” để thao túng Nhà nước, làm hại lợi ích của các nhóm khác.

Để làm được điều này, Nhật Bản có một lực lượng nghiên cứu chiến lược và chính sách chuyên nghiệp, phát triển đến mức đã thành một giai tầng xã hội riêng.

12. Điều mà anh thấy thú vị ở nền báo chí Nhật Bản, là gì?

Báo chí Nhật góp phần giúp ta hiểu thế nào là triết học “Vô vi” của Lão Tử. Nhà báo phương Tây rất thích thể hiện cái Tôi trí tuệ và sắc sảo của mình. Đọc báo của Tây, cảm thấy như bị thách thức về mặt trí tuệ. Nhà báo Việt Nam thích thể hiện một trái tim “nồng nàn” và “cháy bỏng”. Đọc báo Việt Nam, thấy… thương đất nước mình hơn.

Nhà báo Nhật Bản thường trình bày sự vật như nó là thế mà không kèm theo bất kỳ yếu tố chủ quan nào của riêng mình. Đọc báo Nhật, thấy mình được cấp thêm một góc nhìn mà vẫn “tự do” với chính góc nhìn đó. “Tự do”, nhưng thực chất, độc giả sẽ thấm góc nhìn đó một cách tự nhiên. Đó là “làm” mà như “không làm”, và ngược lại, “không làm” mà lại rất “làm” vậy. So sánh với cách tuyên truyền có phần thô thiển ở những nền báo chí quan liêu thì cách “tuyên truyền” của Nhật vượt xa về đẳng cấp.
Cả hai phong cách báo chí trái ngược trên (triển khai tối đa sự sắc sảo của người viết và triệt tiêu tối đa các yếu tố chủ quan), đều có thể đạt tới những kết quả, hiệu quả đặc biệt. Những nền báo chí như vậy là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó có những triết lý giáo dục độc đáo. Những quốc gia mà nền giáo dục... không có triết lý nào cả thì rất dễ tạo sinh những con người quan liêu, tạo ra và vận hành một nền báo chí quan phương.

Nguồn :Viet-studies

Càng nghe thành tích giáo dục càng buồn



Mấy hôm trước dư luận chưa hết xôn xao với phát biểu nổi tiếng của ông ĐBQH Trần Tiến Cảnh về “cơ sở lý luận và thực tiễn” chứng minh cho việc Việt Nam không thể không làm đường sắt cao tốc.
Mấy hôm nay thiên hạ lại bàn tán rôm rả về bài viết “Bốn năm đổi mới giáo dục qua các con số” của Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Trần Quang Quý đăng trên Tuanvietnam.net. 16/6/2010.
Không hiểu sao hai vị họ Trần này phát biểu về hai vấn đề khác nhau mà tư duy, lập luận giống nhau thế!? Có lẽ cả hai cùng có cái “quyết tâm” cố gắng chứng minh bằng được cho cái “quyết tâm của trên” nên mới giống nhau đến vậy.
Hay hai Trần tiên sinh là anh em cùng gien di truyền về chỉ số IQ? Tình hình giáo dục ra sao người dân ai cũng biết, vì ai chẳng có con, cháu đi học. Hơn một triệu cán bộ quản lý ngành từ Bộ đến sở, phòng, trường và các giáo viên đều biết rõ nội tình giáo dục thế nào; gần 20 triệu học sinh, sinh viên đều cảm nhận rõ bốn năm qua chúng phải hứng chịu những “đổi mới” giáo dục thế nào!
Vậy Trần Thứ trưởng đưa ra những con số, những đánh giá tự khen như thế làm gì, để thêm buồn lòng cho những nhà giáo chân chính!
Tuanvietnam.net cũng đã đăng 2 bài: “Siêu thành tích” của tác giả Trần Nam Hà (21/6/2010) và “Nhận diện các địa phương "siêu thành tích" của hai tác giả Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Đình Nguyên (22 và 23/6/2010). Các tác giả đã phân tích sâu về mặt so sánh số liệu thống kê rất khoa học và đưa ra kết luận: “Ngược lại với những gì Phó TT Nguyễn Thiện Nhân và Thứ trưởng Trần Quang Quý nhận xét về tình hình giáo dục theo chiều hướng tích cực, các kết quả phân tích này cho thấy tình hình giáo dục đang tiếp tục biến chuyển theo chiều hướng tiêu cực”.
Là một nhà giáo hưu trí, tôi chỉ muốn nói lên tâm trạng buồn phiền khi thấy một lãnh đạo ngành lại viết một bản “báo cáo thành tích 4 năm” thô thiển đến thế!
Ông khẳng định: “cuộc vận động “hai không” là khâu đột phá để đổi mới giáo dục phổ thông và mầm non giai đoạn 2006-2010”. Ai cũng biết người hùng của khâu “đột phá” bốn năm trước là thầy Đỗ Việt Khoa, được lãnh đạo Bộ (mới) đưa lên làm biểu tượng cho “hai không” (2006), tao ra cú sốc 2007… Nhưng sau đó lãnh đạo Bộ (đương chức) phải … “tạo ra thành tích” trong nhiệm kỳ đến 2010.
Thầy Khoa thật thà cứ tiếp tục đấu tranh cho “hai không” mãi, vì giáo dục vẫn đầy tiêu cực, mà không biết rằng, như thế là cản trở thành tích của ngành! Thầy Khoa xem thống kê tỉ lệ học sinh tốt nghiệp THPT năm nay chắc hiểu ra: à sau 4 năm, lại như ban đầu, nó vẫn là nó!

Tỉ lệ %TN/Năm ----- Toàn quốc
2006 ------------------ 91,97
2007 ------------------ 63,4
2008 ------------------ 73,3
2009 ------------------ 80,4
2010 ------------------ 90,2
Thế mà Thầy Khoa còn tiếp tục “hai không” nên đã … “không còn gì cả”!
Khổ thân các cháu mầm non: ăn phải nhờ cô bón, ị phải có cô đổ bô mà cũng phải “đổi mớí” bằng “đột phá hai không!” của Bộ…
Chắc đây là thành tích về Đức dục:
“Số thí sinh bị đình chỉ thi năm 2007 là 2.612, thì năm 2008 chỉ còn 833, năm 2009 là 299 và năm 2010 chỉ còn 90, giảm gần 97% so với năm 2007;
Số giám thị bị đình chỉ công tác coi thi do vi phạm năm 2007 là 32, năm 2008 là 15, năm 2009 là 3 và năm 2010 là 1, giảm gần 97% so với năm 2007 (trong hơn 120.000 cán bộ coi thi chỉ có 1 người bị đình chỉ);
Số học sinh bị tại nạn giao thông khi đi thi cũng đã giảm: năm 2007 có 85 vụ, năm 2008 là 84 vụ, năm 2009 là 73 vụ và năm 2010 là 54 vụ, chỉ chiếm 0,005% số thí sinh dự thi (100.000 học sinh đi thi có 5 em bị tai nạn)”…
Đây là phấn đấu của thày cô giáo: “Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn Giáo dục Việt Nam đã triển khai cuộc vận động “Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.
Các vụ việc vi phạm đạo đức nhà giáo đã giảm rõ rệt: năm 2007 có 200 vụ, năm 2008 còn 122 vụ, năm 2009 còn 24 vụ, chỉ bằng 12% của năm 2007. Các vụ xâm phạm thân thể học sinh cũng giảm: năm 2008 có 28 vụ, năm 2009 còn 8 vụ, bằng 29% năm trước…”.
Nếu đây là báo cáo thành tích của ngành Công An thì còn tạm nghe được, dù chẳng ai tin vào các con số đó.
Còn đây là “Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” có sức lan tỏa mạnh mẽ”… “
Sau 2 năm triển khai thực hiện, đến nay, toàn ngành đã nhận chăm sóc 2.063 di tích lịch sử cấp quốc gia;
chăm sóc và phụng dưỡng 15.810 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh liệt sỹ;
trồng mới được hơn 2,2 triệu cây…;
chỉ trong vòng 2 năm học đã có hơn 8.000 nhà vệ sinh được xây mới ở các trường học cũ,
số trường có công trình vệ sinh đã tăng thêm 20% so với trước, nâng tổng số trường có công trình vệ sinh là 38.893 trường đạt 96,7% trên tổng số trường trong cả nước, trong đó có 83,9% công trình vệ sinh đạt chuẩn”.
Nghe cứ như các con số của ngành Thương binh - Xã hội hay Vệ sinh - Môi trường, sao lại là thành tích của phong trào “Trường học thân thiện?”
Khổ quá, ai lại đi lấy những con số như thế để cố gán ghép vào thành tích 4 năm phát triển giáo dục phổ thông. Ai cho con đến trường cũng chỉ mong các em phát triển trí tuệ, tâm hồn phong phú, phát triển tư duy, phương pháp học tập thế nào; hình thành nhân cách, đạo đức, ý thức công dân ra sao; phát triển thể chất, lối sống lành mạnh thế nào…
Tóm lại, 4 năm đổi mới giáo dục đem lại những kết quả gì mới về Đức dục, Trí dục, Thể dục, Mỹ dục… cho học sinh, cho nền giáo dục nước nhà để hội nhập “sánh vai cường quốc năm châu” chứ ai lại đi báo cáo những thành tích như thế!
Những “đột phá” về giáo dục Đại học, Chuyên nghiệp và quản lý giáo dục trong 4 năm qua được nêu trong báo cáo còn nhiều thành tích “phi thường” hơn nữa. Nhà giáo già lẩm cẩm này chỉ xin quý vị đừng phổ biến những thành tựu và kinh nghiệm ấy ra thế giới!
Sau khi liệt kê các con số thành tích khá “toàn diện”, Thứ trưởng kết luận: “các giải pháp đổi mới giáo dục và đào tạo đã được triển khai trong gần 4 năm qua là đúng hướng, phù hợp quy luật”…
Mừng quá, giáo dục Việt Nam đã đúng hướng và tìm thấy quy luật rồi! Thế mà Phó TT Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng GD & ĐT còn khiêm tốn: “Chúng tôi không được đào tạo!”Các số liệu và sự kiện rất quan trọng, nhà bác học lớn I.P. Pavlov từng nói: các sự kiện là không khí cho đôi cánh của tư duy… Chắc ông cũng không nghĩ rằng đôi cánh tư duy mà bay lượn mãi trong bầu không khí bị đầu độc, giả tạo thì nó sẽ bệnh hoạn và chết!

23 thg 6, 2010

NẾU & BẮT CHƯỚC NÓI THEO PHÓ THỦ TƯỚNG


NẾU
Tình trạng mất điện liên tục trong nắng nóng gay gắt đã tạo nên hàng loạt bức xúc, đến nỗi chính quyền nhiều nơi đã phải tỏ thái độ.

Đầu tiên là việc Hà Nội ra văn bản khẩn cấp yêu cầu Điện lực Hà Nội phải hoãn ngay lệnh cắt điện luân phiên đến trước ngày 27-6.

Không xa Hà Nội, tại xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình, sự bức xúc về điện của dân đã biến thành vấn đề chính trị-xã hội khi hàng ngàn người dân bắt một số nhân viên điện lực phơi nắng vì cắt điện liên tục. Hôm 21-6, chính quyền huyện đã phải vào cuộc, ra văn bản hành chính kêu cứu khẩn cấp lên tỉnh và ngành điện lực đề nghị xem xét.

Theo dự báo, điện ở miền Bắc sẽ vẫn thiếu 17 triệu kWh/ngày. Kết cục ai cũng biết điện cho sinh hoạt, nông thôn sẽ vẫn bị cắt tới trên 60%.

Vậy tại sao cái vòng luẩn quẩn thiếu-cắt điện cứ kéo dài, năm này qua năm khác gây hậu quả nghiêm trọng mà không có giải pháp căn cơ?

Thực ra người dân cũng cảm thông với ngành điện, song bức xúc là thái độ phục vụ kiểu áp đặt, cửa quyền mà điển hình là việc cắt điện không báo trước khiến người dân và doanh nghiệp thiệt hại vô kể.

Lý do của tình trạng này kéo dài là vì mức phạt quy định tại Nghị định 74/2003 về xử phạt trong lĩnh vực điện lực quá thấp (nhất là hành vi cắt điện sai nội dung thông báo chỉ phạt 100.000-300.000 đồng). Đã thế Bộ Công thương lại chậm trễ soạn thảo văn bản sửa đổi khiến cho khi tình thế rất nóng bỏng, Chính phủ buộc phải ban hành Nghị định 68/2010 thay thế nhưng phải đợi đến ngày 1-8 mới có hiệu lực.

Tuy thế, nhiều ý kiến nói rằng mức phạt dù đã nâng lên nhưng vẫn quá nhỏ so với thiệt hại mà xã hội gánh chịu. Có người ví von nếu phạt 3-4 triệu đồng cho hành vi ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện không đúng nội dung đã thông báo (dù so với mức cũ tăng hơn 10 lần) cũng không làm cho ngành điện nể sợ. Bởi nếu một doanh nghiệp ngừng sản xuất hay bệnh nhân cấp cứu bị ngừng máy do điện mất đột ngột thì hậu quả cực lớn, chưa kể để chứng minh lỗi thuộc về ngành điện là hết sức khó khăn.

Thế thì thật khó chấm dứt việc cúp điện tùy tiện.

Nhìn sang Iraq, hôm 21-6, bộ trưởng điện lực nước này đã phải từ chức do người dân biểu tình rầm rộ phản đối tình trạng thiếu điện mà thèm. Giá như “tư lệnh ngành điện” ở ta cũng tự đề cao trách nhiệm như thế…


Trời nóng, cúp điện, bắt chước… nói theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng chơi

- Nóng như rang. Nóng đến mức dễ nổi khùng. Rồi đâm lo…

- Lo gì?

- Lo dân mình chịu không thấu, xuống đường biểu tình (à quên, tụ tập đông người trái phép) như thằng Iraq thì… bỏ mẹ!

- Dân Việt mình hiền lắm, lập trường tư tưởng vững, chứ không dễ bị dao động, “kích động xúi giục” như mấy anh tư bản. Cúp điện, họ chỉ biết lăn ra… công viên, bờ sông túm tụm tán phét, phe phẩy cái quạt mo tán dóc chuyện nhân sự cho đại hội đảng sắp tới và luận bình World Cup.

- Ừ. Thế mới là dân Việt. Chả trách « thằng » Iraq, cựa tí cúp điện là dân kéo nhau xuống đường biểu tình như chống… Mỹ ! Rõ khổ! Rồi cũng chỉ vì mấy dòng người biểu tình mà cha Bộ trưởng Năng lượng tuyên bố từ chức cái rụp! Nhìn và nghe ổng dõng dạc trên truyền hình "Vì thế tôi tuyên bố với lòng dũng cảm của mình rằng tôi từ chức bộ trưởng năng lượng" mà thấy rất khó hiểu. Khó hiểu nhưng mà nể !

- Cha nớ dại nhỉ, sao nó không đổ lỗi cho ông trời ? Nắng hạn thế này thì thiếu điện là đúng rồi. Lỗi tại trời chứ đâu phải tại chả ?

- Hì hì ! Vì chả không phải là Bộ trưởng… Việt Nam !

- Răng mình nóng kinh thế, cúp điện lia chia mà không ai đòi cha Bộ trưởng “điên nặng” từ chức nhỉ?

- Cựa tí, mất điện vài hôm đã đòi người ta từ chức với cách chức thì… lấy ai mà làm việc, bầu sao kịp? (Hì hì! Câu ni bắt chước… nói nhại theo Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng !)


22 thg 6, 2010

Quốc hội "bác" Dự án "cao tốc": Xin chúc mừng Chính phủ!



Ngày 19/6/2010, Quốc hội đã không thông qua dự án xây tàu Shinkansen Bắc Nam mà Chính phủ đề xuất. Nhìn từ sự kiện này, nhiều người đã muốn bảy tỏ lời chúc mừng, trước tiên, đến Chính phủ, và sau đó là, Quốc hội.


Một bên đề xuất, một bên khước từ. Tại sao lại chúc mừng cả 2? Thắc mắc như vậy là biểu hiện của cái nhìn nông cạn. Bởi lẽ, sự khước từ này phản ánh sự trưởng thành của cả hai, Quốc hội và Chính phủ.

Xin chúc mừng Chính phủ
Quốc hội "bác" đề xuất của Chính phủ, chính là biểu hiện của sự trưởng thành của Chính phủ vậy.
Cốt tử của dân chủ là đối thoại. Trong đối thoại, đề xuất và bác bỏ là chuyện bình thường. Bình thường với cả người bác bỏ và người bị bác bỏ.
Tiếp nhận và vui vẻ chờ đợi sự bác bỏ của phía người đối thoại là sự trưởng thành của một năng lực văn hóa.
Một chàng trai tuổi 20 có thể chẳng thèm chào thầy giáo cũ chỉ để khẳng định bản lĩnh cá nhân. Nhưng khi chàng trai đó trở thành một người đàn ông trung niên, người ấy có thể cúi đầu thi lễ một đứa trẻ.

Ở tầm quốc gia, bản lĩnh này đặc biệt hơn thế nhiều. Trên thế giới, những nước mà Chính phủ có khả năng lắng nghe sự bác bỏ của Quốc hội thì không nhiều. Chủ yếu tập trung ở những nước đã phát triển, những nước thuộc "thế giới hạng nhất".
Điều đó cho thấy Việt Nam đã tiến một bước tiến dài.

Ta thử nhìn sang Trung Quốc, một cường quốc kinh tế, Chính phủ đã bao giờ để Quốc hội bác một kế hoạch của mình? Đập Tam Hiệp khổng lồ xúc phạm đến Bà mẹ Trái Đất, hôm nay, đã bắt đầu gây họa, điều này các nhà khoa học Trung Quốc đâu phải không thấy trước?


Hoặc, hãy thử nhìn sang một số nước Châu Phi, ở đó chính phủ có bao giờ biết xin phép Quốc hội một lời, ngay cả khi phát động một cuộc chiến? Đó là những quốc gia "trẻ con" vậy.

Không phải đợi đến khi Quốc hội bác dự án đường sắt cao tốc, người Việt Nam mới nhìn thấy sự bản lĩnh già dặn của Chính phủ. Đọc "Hồ Chí Minh toàn tập", chúng ta nhìn thấy ở đó tư tưởng dân chủ được triển khai thành một hệ thống, thông qua những bài viết riêng lẻ. Nước Việt Nam hiện đại được khai sinh và kiến thiết từ những dòng chữ ấy. Mối quan hệ giữa hai điều này không phải là ngẫu nhiên.

Xin chúc mừng Quốc hội
Ở Quốc hội nước ta, đối thoại và tranh luận tự do giữa Nghị trường đã là một điều hiển nhiên, ngay sau ngày thành lập. Hiến pháp 1946 có một điều quy định: Đại biểu Quốc hội không bị truy tố vì lời nói của mình ở Quốc hội!
Nhưng đáng tiếc thay, cuộc chiến kháng Pháp vệ quốc nổ ra, rồi chiến tranh chống Mỹ thống nhất đất nước kéo dài, đã làm cho tinh thần đối thoại và tranh luận không được phép phát triển thành một nét văn hóa chủ đạo.
Bởi lẽ, trong thời chiến, không ai có thể đem kế hoạch Chiến dịch Điện Biên hay chiến dịch Hồ Chí Minh ra trình Quốc hội, rồi mời toàn dân tranh luận sôi nổi trên báo chí. Trong chiến tranh, dân tộc buộc phải trao sinh mệnh của mình cho những nhà hoạch định chiến lược, mà giờ đây đã được thừa nhận là những anh hùng.

Thế nhưng, đó là thời chiến. Bước vào thời bình, Việt Nam cần khắc phục cái quán tính của thời chiến. Và sự kiện dự án đường sắt cao tốc vừa qua, cho thấy Quốc hội đã khắc phục được quán tính tất yếu do hoàn cảnh éo le của lịch sử tạo ra.

Điều này rất có ý nghĩa. Lịch sử nhân loại có một điều đặc biệt sau đây. Có vô số lãnh tụ thiên tài trong các cuộc chiến. Nhưng trên con đường đến "hiện đại" của các dân tộc, dù là ở Phương Tây hay Phương Đông, chưa từng có ai được coi là "lãnh tụ thiên tài", theo cái nghĩa là người đóng vai trò quyết định đối với dòng chảy lịch sử đó.

Nhật Bản từng tiến hóa từ một quốc gia phong kiến thành một quốc gia hiện đại trong 30 năm mà không hề có vị "lãnh tụ thiên tài" nào hết. Minh Trị không phải là bậc "thánh" như nhiều người lầm tưởng. Ông này lên ngôi khi mới 14 tuổi, cả bản lĩnh và trí tuệ đều chưa kịp lớn. Ở Trung Quốc, Chủ tịch Mao Trạch Đông là "lãnh tụ thiên tài" trong thời chiến, nhưng khi ông tiếp tục đóng vai trò ấy trong lĩnh vực kinh tế, dân tộc Trung Hoa phải nếm trải một giai đoạn lịch sử khó quên


Trong sự nghiệp kiến thiết quốc gia, sự đối thoại, cùng tất cả các hiện tượng của nó như "đề xuất" và "bác bỏ", "phê phán" và "biện bộ", "chứng minh" và "phản biện", trở thành động lực của mọi động lực cho sự phát triển của quốc gia.

Ở tầm vĩ mô này, người "bị" bác bỏ không phải là người thua, mà chính là người thắng. Bởi qua đối thoại, người ta hạnh phúc khi tiếp thụ được một trường nhìn mới, và vì thế, con đường cần đi càng trở nên sáng tỏ.
Đó là lí do vì sao, bà Hillary Clinton dù cho bị B. Obama đánh bại trong những cuộc tranh luận nảy lửa khi Đảng Dân chủ cần chọn ứng viên tổng thống, sau đó vẫn vui vẻ trở thành trợ thủ đắc lực cho "đối thủ" trong bộ máy vận hành nước Mỹ.

Chỉ có kẻ tầm thường mới dám "coi thường" người mình "đánh bại". Khi Obama mời "người cũ" làm cánh tay phải của mình, ông đâu dám tư duy bằng hai chữ "thắng, bại" như là hai trạng thái đối lập. Trong chiến tranh, chỉ có kẻ sống sót là chiến thắng, nhưng trong tranh luận, tất cả đều thắng.

Và vì vậy, ở Quốc hội của đất nước chúng ta, trong sự kiện "cao tốc" này, không có chuyện "Quốc hội bị chia rẽ" như một tờ báo nước ngoài nói vớ vẩn, bởi không có ai thua ai thắng, dù là người tán thành hay người bác bỏ, mà tất cả đã cùng thắng cho một góc nhìn mới được mở ra đối với mỗi con người.

Và cuối cùng, xin chúc mừng Báo chí và tinh thần công dân
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Quốc hội đã gửi lời chúc mừng đến các Nhà báo, nhân đến ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Bởi như Chủ tịch nhận định, Báo chí đã góp phần rất lớn trong việc truyền tải ý kiến của xã hội đến với Quốc hội và Chính phủ về dự án đường sắt cao tốc. Có ý kiến đồng tình, có ý kiến phản đối. Không ý kiến nào bị loại bỏ. Và qua các cuộc tranh luận sôi nổi trên báo chí, Quốc hội và Chính phủ đã được cung cấp thêm nhiều góc nhìn mới để ra quyết định.

Như vậy, cấu trúc của tiến trình ra quyết sách của Việt Nam đã có một bước tiến đáng kể. Đã khắc phục quán tính của kiểu ra quyết định thời chiến, mà tiến hóa hơn một bước, nhiều thành phần xã hội cùng tham gia vào quyết định, trong trường hợp này là quyết định phủ quyết.
Điều này không thể có được ở những quốc gia mà tinh thần công dân còn chưa nảy nở. Khi những con người mang tinh thần công dân, tinh thần coi trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội như là sứ mệnh của chính mình, đã lên tiếng "trăm hoa đua nở", với vô số xu hướng khác nhau, thì rõ ràng, Việt Nam đã hội tụ khá đầy đủ các yếu tố tinh thần cho sự phát triển bứt phá.

Điều còn lại cần phải cải cách là, làm cho quá trình đánh giá, tán thành, phản biện... diễn ra trước khi chính sách được trình lên Quốc hội, chứ không phải ngược lại. Khi chất lượng chính sách được nâng cao, không gì có thể cản trở Việt Nam tiến lên phía trước



Nguồn :http://www.tuanvietnam.net/2010-06-20-quoc-hoi-bac-du-an-cao-toc-xin-chuc-mung-chinh-phu-