Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

8 thg 1, 2010

Ai bức tử sông Hồng?

Sông Hồng đoạn thượng lưu cầu Long Biên và Chương Dương chỉ còn những dòng chảy nhỏ.
Cây cỏ mọc um tùm dưới lòng sông.

Nhà của người dân xóm nổi chênh vênh trên đất.
Đất nứt nẻ.

Thuyền mắc cạn ngay sát chân cầu Chương Dương.

Trụ cầu hở cả chân.

Mầm non nảy nở.


Nhiều người chọn bãi giữa làm nơi đạp xe.

Anh Nguyễn An Thiện, người làm nghề chài lưới
đã nghỉ việc 1 tháng rưỡi nay chuyển sang thu
lượm giấy kiếm sống.

Lòng sông khô cạn bỗng dưng trở
thành nơi vui chơi hấp dẫn giới trẻ.

Bài này tôi viết lên trong tâm trạng khẩn trương bức xúc bởi vì tình hình đất nước càng lúc càng đi vào khó khăn phức tạp, mà lãnh đạo Nhà nước thì có vẻ bó tay chịu thua.
Tôi đã nghe phong phanh chuyện sông Hồng bị khô cạn trơ đáy từ lâu. Trong dịp về thăm nhà cuối năm 2007, tôi có cơ hội ra thăm miền Bắc và đáp xe buýt qua cầu Chương Dương để ngắm nhìn con sông thân yêu từng nuôi sống tổ tiên dân tộc Lạc Việt từ nghìn năm trước.
Tháng Ba vừa rồi, tôi vào VNExpress vô tình đọc và giữ được vài hình ảnh con sông Hồng bị cạn kiệt trơ đáy, khúc chảy qua Thủ đô Hà Nội (xem hình ảnh đính kèm). Tôi thắc mắc và lo ngại vô cùng, vào Google tra cứu, tôi biết con sông này bắt nguồn từ cao nguyên Vân Nam bên TQ, chảy qua nhiều thành phố làng mạc TQ rồi vào Việt Nam, nhập chung với nhiều nhánh sông khác như sông Đà, sông Đuống, sông Đáy, chảy xuống hạ lưu qua Thủ đô Hà Nội và thông ra biển Đông. Con sông dài khoảng 1200km, nhưng có 3/4 chiều dài tập trung bên TQ, khúc chảy vào VN chỉ khoảng 400km, nhưng thừa hưởng nhiều phù sa từ thượng lưu nên đã có công bồi đắp cho khu vực hạ lưu thành một vựa lúa phì nhiêu đủ sức nuôi toàn dân miền Bắc nước ta. Tôi cũng biết TQ đã và đang ra sức tập trung mọi nỗ lực xây đắp đập thủy điện khắp nơi để hiện đại hóa nền công nghiệp đất nước họ, trong đó vùng thượng lưu sông Hồng cũng bị khai thác tối đa. Đi đôi với nước bạn, thì Nhà nước ta cũng ban hành chính sách thủy điện hóa đất nước, với những công trình lớn như thủy điện Hòa Bình vắt qua sông Đà. Tất cả mọi công trình thủy điện to nhỏ rải rác khắp nơi đó đã góp phần tạo ảnh hưởng trầm trọng cho khu vực hạ lưu, do đó mới có hiện tượng sông cạn khô trơ đáy.
Và tuần qua, VNExpress lại đăng tiếp hình ảnh con sông cạn kiệt một lần nữa (bản tin đầu tháng 12), không lý nào trong một năm có thể nào xảy ra hai lần hạn hán? Một lần nữa người ta đã tìm cách giải thích hiện tượng bằng một câu trả lời đơn giản: “thiên tai, hạn hán”, chấm dứt! Mặc cho số phận dân chài lưới sống khổ cực ra sao, mặc kệ tàu bè bị mắc cạn chìm dưới lớp cát bồi, mặc cho ruộng đồng, vườn tược bị mất mùa, và một số quận vùng ngoại thành bị thiếu nước sinh hoạt, v.v.
Tôi không phải là một Kỹ sư chuyên môn về thủy lợi, nhưng nhờ kiến thức khoa học căn bản tôi nghi ngờ “nguyên nhân hạn hán” vì những lý lẽ sau:
1)- Nếu cho rằng bị hạn hán, đến không còn một giọt nước trên vùng hạ lưu thì có nghĩa cả con sông dài 1.200km và những vùng đất hàng trăm ngàn cây số vuông xung quanh đó đã bị khô cằn, thiếu mưa suốt cả tháng trời. Chuyện này không hề nghe báo động trên báo chí truyền thông TQ và VN. Lời giải thích này coi như mơ hồ không luận cứ khoa học.
2)- Nếu lý do thiên tai hạn hán không đứng vững, thì chỉ còn một giả thuyết thứ hai, đó là những hồ nước nhân tạo vĩ đại cùng với những đập thủy điện trên thượng lưu đua nhau đóng cửa đập giữ nước lại. Hàng chục con đập và hàng chục cái hồ đó giữ tích trữ nước trong mùa khô, thì chắc chắn vùng đồng bằng sông Hồng sẽ không còn một giọt nước. Lý do này có cơ sở vững hơn, vì nghe nói Liên hiệp quốc đã từng báo động thế giới về khả năng đồng bằng sông Cửu Long sắp bị bức tử bởi những đập thủy điện cao nhất thế giới đang xây bên TQ. Khi một khúc sông dài bị mất nước thì chuyện gì xảy ra: trước hết là dân chài lưới trên sông bị chết đói, thứ là đến nông nghiệp trồng trọt trong vùng bị thiếu nước, hoang tàn, tàu bè bị mắc cạn hay bị nhấn chìm dưới lớp cát dày (xem tin trong báo Công an nhân dân, 08-12-09), dân cư thành phố thiếu nước sinh hoạt, v.v.
3)- Tuy nhiên, song song với sự kiện nước ngọt bị giữ lại trên vùng cao nguyên, thì nảy sinh một nguy cơ trầm trọng khác ảnh hưởng đến môi trường vùng hạ lưu. Đó là lượng phù sa từ thượng nguồn chảy về hạ lưu giảm đi trầm trọng, làm giảm đi nguồn dinh dưỡng quí giá cho cây trồng. Đó còn là nước biển từ biển Đông tràn vào, vì lòng sông thấp hơn mặt nước biển. Tình trạng “nhiễm mặn” này có tính cách trầm trọng hơn, thủy sản nước ngọt (tôm, cua, cá) chết hàng loạt, nước ngầm bị nhiễm mặn, hạ tầng cơ sở (cầu, cống) bị rỉ sét, xi măng bê tông bị phân hóa vữa ra. Toàn bộ hệ thống dẫn thủy nhập điền bị nhiễm mặn, đồng ruộng, vườn tược tan hoang.
4)- Trước tình thế nguy hiểm đó có thể Nhà nước ta bắt buộc phải tìm cách cứu gỡ, bằng cách xây một con đập ngăn nước mặn ở cửa biển. Nhờ vậy chúng ta mới nhìn thấy quang cảnh một khúc sông Hồng bị cạn kiệt khô cằn dưới lòng sông, trong khi cây cỏ hai bên bờ vẫn mọc xanh um tươi tốt.
Tôi chỉ nêu lên đây vài giả thuyết, mong mỏi các nhà nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong nước quan tâm và tìm hiểu cho ra nguồn cơn, ngõ hầu tránh được một đại họa khác có khả năng xảy ra: đó là hiểm hoạ lũ lụt. Khi hàng chục con đập trên thượng nguồn không còn sức giữ nước trong đỉnh cao mùa mưa bão, họ bó buộc phải mở cửa đập, chỉ trong vài giờ ngắn ngủi hàng tỷ tỷ mét khối nước đổ ào ào xuống miền đồng bằng, gây ra một trận Đại Hồng Thuỷ thứ hai ngay tại thủ đô Hà Nội, kinh nghiệm đau đớn tang thương ở các tỉnh miền Trung vừa qua chắc không ai quên. Đến nước này, thì chỉ có Trời cứu!!!
Con sông Hồng từ xưa đến nay thường gây lũ lụt quanh năm, do đó con đê Yên Phụ được xây đắp để ngăn ngừa thiên tai theo tính toán dự phòng hàng năm, ai cũng biết rõ. Nhưng khi xảy ra “thiên tai do nhân họa gây ra” thì thử hỏi con đê Yên Phụ đó có cón khả năng chống đỡ nổi sức nước vĩ đại đó không? Tôi nhớ không lầm trong bài viết “Bao giờ cho hết tháng Mười” của GSTS Nguyễn Thu đăng trên trang mạng BauxiteVietNam, có đoạn:
“3)- TQ cũng đang xây đập trên đầu nguồn sông Đà và sông Hồng trên đất của họ, sau này muốn làm áp lực kinh tế hay chính trị, họ chỉ việc siết nước lại tại
thượng nguồn thì chúng ta chỉ còn cách van lạy!”…
Trời đất! Phải chăng mạng sống người dân Thủ đô Hà Nội đang bị đe doạ từng giờ từng phút sao?
Thuở nhỏ tôi học Việt văn, rất xúc động khi đọc tác phẩm Anh phải sống của nhà văn Khái Hưng trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Chuyện kể về một gia đình anh phó nề Thức nghèo rớt mồng tơi, con đông, sống bằng nghề vớt củi trên sông Hồng, gặp mùa nước lũ kéo về, hai vợ chồng gắng sức chèo xuồng ra vớt củi và bị đắm, hai người gắng sức vật lộn với sóng gió. Đến lúc khốn quẫn, tuyệt vọng, chị Lạc, vợ anh Thức, đành phải nhắm mắt buông tay hy sinh:
…”Bỗng Lạc run run khẽ nói:
- Thằng Bò! Cái Nhớn! Cái Bé!… Không!… Anh phải sống!
Thức bỗng nhẹ hẳn đi. Cái vật nặng không thấy bám vào mình nữa. Thì ra Lạc nghĩ đến con đã lẳng lặng buông tay ra để chìm xuống đáy sông, cho chồng đủ sức bơi vào bờ“…
Tôi sinh trưởng trong Nam, gia đình gốc Bắc, nhưng tôi yêu quý quê cha đất tổ, bên tai tôi hãy còn vẳng lại âm hưởng bản nhạc “Tiếng sông Hồng” tuyệt tác của cố nhạc sĩ Phạm Đình Chương (trong tuyển tập Hội Trùng Dương):
…”Chiều nay, nước xuôi dòng đại dương,
có em tên sông Hồng dâng sóng tuôn trên nguồn.
Vẩn vơ nắng quái vươn trên phù sa
có những cô thôn mờ xa đón bầy dân đánh cá.
Ngày qua trai gái sống vui một miền,
quanh năm anh cuốc em liềm
vun xới ruộng mùa lúa chiêm.
Từ thượng du nước trôi về trung châu,
ấp êm đồng ruộng sâu bên người áo nâu dãi dầu.

Hò ơi… Gối đầu trên Lào Cai Việt Trì,
em nằm tóc xõa bãi cát dài
thả hồn mơ tới Thái Bình qua Sơn Tây.
Hò ơi … Nhớ ngày nao dân chúng lên đường
đem thịt xương ngăn giữ nương đồng
đem vinh quang thắm tô sông Hồng
Nằm mơ, xuân vinh quang,
trở về cho non sông,
và ngày nao
nơi nơi xiết chặt nguồn thương,
là ngày em mơ duyên người lập công…”
Nhân nghe nói về dự án “Mở bể than sông Hồng” tôi xin có vài lời nhắn nhủ với ông TS Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty Năng lượng sông Hồng, vì ông từng lên tiếng bảo vệ dự án đó: “Ông Sơn có bao giờ nghĩ rằng một khi con sông Hồng thân yêu bị bức tử, khô cạn, thì đồng bằng còn đủ lúa gạo nuôi sống dân tộc Việt Nam không, vậy thì hơn 200 tỷ tấn than đá mà ông ra sức cổ vũ có đem lại no ấm cho toàn dân không?”.
Để kết luận, tôi cầu khẩn Trời Phật phù hộ cho dân tộc Việt đừng để thảm họa này xảy ra, các nhà khoa học trí thức VN và Nhà nước nên tìm hiểu và giải thích tường tận hoặc tìm phương án giải quyết vấn đề càng sớm càng tốt.
Kính chào,

Tài liệu tham khảo:
1)- Bản tin “Sông Hồng cạn khô đáy” (VNExpress – Tháng 3, 2009)
2)- Bản tin “Sông Hồng cạn khô đáy” (VNExpress – Tháng 12, 2009)
3)- Bản tin “Tàu bè mắc cạn trên sông Hồng” (báo Công an nhân dân – 08,12,2009)
4)- Bài viết
Bao giờ cho hết tháng Mười (BauxiteVietNam, GSTS Nguyễn Thu)

Lê Quốc Trinh
Nguồn:http://bauxitevietnam.info






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét