Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

9 thg 1, 2010

Hai ông Thanh và chuyện chống tham nhũng

Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao, đặt tại Đà Nẵng vừa đưa ông Trần Văn Thanh, Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an và hai đồng phạm, cùng phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, ra xử phúc thẩm.

Sau phiên xử này, chỉ có ông Thanh được giảm hình phạt từ 18 tháng tù xuống còn 12 tháng tù và án này vẫn được giữ là án treo.
Về nguyên tắc, án phúc thẩm là chung thẩm, song với dư luận, hình như vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” này chưa chấm dứt.

Đang hấp hối cũng xử
Theo báo chí Việt Nam, vụ án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” mà tướng Trần Văn Thanh bị xem là chủ mưu, bắt đầu từ việc một số người dân Đà Nẵng, trong đó có hai cụ bà từng được trao tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”, gửi đơn tố cáo đến nhiều nơi, rồi ra Hà Nội biểu tình, rải truyền đơn tố cáo ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy thành phố Đà Nẵng tham nhũng, kèm theo nhiều sai phạm khác trong quản lý đô thị, đất đai.
Việc tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn đó, diễn ra trước kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 12 hồi năm 2007 và Hội đồng bầu cử đã buộc phải tổ chức xác minh tư cách của ứng cử viên Nguyễn Bá Thanh. Giờ chót, các cơ quan có thẩm quyền loan báo, ông Nguyễn Bá Thanh không có sai phạm nào. Ông Thanh tái đắc cử, trở thành đại biểu Quốc hội từ đó đến nay.

Sau khi cuộc bầu cử Quốc hội khóa 12 kết thúc, Công an Đà Nẵng đã tổ chức điều tra và phát giác người kích động viết đơn tố cáo, biểu tình, rải truyền đơn là ông Đinh Công Sắt, một thiếu tá cảnh sát giao thông đã bị Công an Đà Nẵng sa thải. Đứng phía sau, hỗ trợ ông Sắt là ông Dương Tiến, thượng tá, Trưởng Văn phòng Đại diện của báo Công an TP.HCM và ông Nguyễn Phi Duy Linh, một người rất thân thiết với tướng Trần Văn Thanh.
Cuối năm 2007, ông Đinh Công Sắt bị khởi tố. Năm 2008, tới lượt ông Nguyễn Phi Duy Linh và ông Dương Tiến bị khởi tố. Từ ba người này, các cơ quan bảo vệ pháp luật ở Đà Nẵng, xác định kẻ chủ mưu chính là thiếu tướng Trần Văn Thanh, người mà trước khi trở thành Chánh Thanh tra Bộ Công an, đã từng là Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng.
Có thể những lá đơn tố cáo, những tờ truyền đơn và các cuộc biểu tình đã gây tác hại nghiêm trọng đến uy tín của ông Nguyễn Bá Thanh, nên khi đưa ông Trần Văn Thanh và ba đồng phạm ra xét xử, thay vì tổ chức xét xử bốn bị cáo trong vụ án vừa kể, tại trụ sở Tòa án như tất cả các vụ án khác, Tòa án Đà Nẵng đã quyết định biến Nhà hát Trưng Vương – nơi thường được dùng để tổ chức các sự kiện quan trọng nhất của thành phố Đà Nẵng – làm phòng xử án.

Hôm 20 tháng 7, hàng ngàn người hiếu kỳ, đổ đến Nhà hát Trưng Vương để nghe tội trạng của các bị cáo, xem các cơ quan bảo vệ pháp luật thực thi công lý, đã cùng được chứng kiến một sự kiện, có lẽ chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử tư pháp của cả Việt Nam lẫn thế giới: Bị cáo Trần Văn Thanh đến phòng xử bằng xe cứu thương. Ông ta nằm bất động trên băng ca, phải thở bằng bình dưỡng khí và tay đang được truyền dịch...
Báo chí Việt Nam cho biết, cho dù đã từng có đến hai bệnh viện của ngành Công an cùng xác nhận, ông Thanh bị tai biến, xuất huyết não, không đủ sức khỏe để hầu Tòa nhưng Tòa án Đà Nẵng không chấp nhận. Hội đồng xét xử vụ án Trần Văn Thanh chỉ đồng ý hoãn xử, sau khi một Hội đồng giám định y khoa đột xuất, tiến hành giám định sức khỏe ông Trần Văn Thanh ngay tại Nhà hát Trưng Vương, xét thấy, đúng là ông đang trong tình trạng “thập tử, nhất sinh”.

Cả công luận, lẫn dư luận cùng cho rằng phiên xử ấy không chỉ vi phạm pháp luật mà còn man rợ! Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do, Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ, làm việc ở Văn phòng Luật sư cùng tên, nhận xét: “Việc khởi tố và xét xử tướng Thanh một cách man rợ là chưa từng thấy trong thế giới ngày nay. Việc Chánh án Tòa Đà Nẵng Nguyễn Văn Quận buộc đưa ông Thanh ra địa điểm xét xử, dẫu ông đang trong tình trạng hôn mê, có dấu hiệu rất rõ rệt của một cuộc thanh toán, một cuộc trả thù, một kiểu hành xử theo “luật rừng”, không hơn, không kém...”
Khoảng hai tuần sau, Tòa án Đà Nẵng vẫn tổ chức xử vắng mặt ông Trần Văn Thanh theo trình tự sơ thẩm.

Ông Thanh bị phạt 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Ông Nguyễn Phi Duy Linh bị phạt 36 tháng tù. Ông Dương Tiến, cựu thượng tá công an, Trưởng Văn phòng Đại diện của báo Công an TP.HCM tại Hà Nội, bị phạt 17 tháng 5 ngày tù, ngang với thời gian bị tạm giam nên được trả tự do ngay tại Tòa, ông Đinh Công Sắt, cựu thiếu tá công an, bị phạt 12 tháng tù và cũng được hưởng án treo như ông Thanh.
Công tố bảo vô tội nhưng Tòa cho là: Có!

Sau phiên xử sơ thẩm, ông Trần Văn Thanh, ông Nguyễn Phi Duy Linh, ông Dương Tiến cùng kháng cáo và không chỉ có thế! Bản án sơ thẩm còn bị Viện Thực hành Quyền công tố và xét xử phúc thẩm tại Đà Nẵng (quen gọi là Viện Phúc thẩm 2), thuộc Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị. Viện này đã đề nghị Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao tại Đà Nẵng, hủy một phần bản án sơ thẩm, tuyên bố bị cáo Trần Văn Thanh không phạm tội và đình chỉ vụ án đối với bị cáo Trần Văn Thanh.

Báo chí Việt Nam tường thuật, ở phiên xử phúc thẩm diễn ra hồi đầu tuần này, Tòa Phúc thẩm của Tòa án Tối cao, đặt tại Đà Nẵng, không chỉ bác kháng cáo của ba bị cáo mà còn bác luôn cả kháng nghị của Viện Phúc thẩm 2, cho dù đại diện của Viện Phúc thẩm 2 đã dựa vào hồ sơ vụ án và các tình tiết trong phiên xử sơ thẩm, diễn ra hôm 7 tháng 8, chứng minh rằng, không đủ căn cứ kết tội các bị cáo. Đặc biệt là theo Viện Phúc thẩm 2, việc kết tội bị cáo Trần Văn Thanh không đúng quy định pháp luật.
Cũng theo báo chí Việt Nam, những luật sư bào chữa cho ba bị cáo Trần Văn Thanh, Nguyễn Phi Duy Linh, Dương Tiến cùng lập luận, thân chủ của họ vô tội vì hành vi của các bị cáo không gây thiệt hại cho xã hội, không xác định được ai là bị hại, không ảnh hưởng uy tín của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, …

Thế nhưng hội đồng phúc thẩm vụ án không chấp nhận vì: “Dưới chiêu bài chống tham nhũng, Trần Văn Thanh và các đồng phạm bất chấp kết luận của các cơ quan trung ương có thẩm quyền, dùng các thủ đoạn xảo quyệt, giả mạo tên người khác đứng đơn thư tố cáo, tự mạo nhận đại diện nhân dân Đà Nẵng để phát tán tài liệu và nội dung tố cáo sai sự thật đến nhiều nơi, với mưu đồ bôi nhọ danh dự của lãnh đạo thành phố, làm giảm ý nghĩa đối với thành quả của địa phương trong công cuộc đổi mới. Các bị cáo không từ thủ đoạn nào, kể cả việc lợi dụng tâm lý cả tin của Đinh Công Sắt để đưa hai Bà mẹ Việt Nam Anh hùng ra Hà Nội khiếu kiện nhằm gây áp lực với các cơ quan trung ương”.
Ông Trần Văn Thanh, ông Nguyễn Phi Duy Linh, ông Dương Tiến, ông Đinh Công Sắt đã tố cáo ai, về chuyện gì? Vì sao họ không đồng tình với kết luận của các cơ quan trung ương mà tiếp tục gây áp lực với các cơ quan này? Đặc biệt là dựa vào đâu mà cả bốn quyết định khai thác yếu tố chống tham nhũng? Đó sẽ là nội dung của bài tường thuật lần tới. Mời quý vị đón nghe.

Trong phần trước, Trân Văn đã trình bày về vụ án liên quan tới ông Trần Văn Thanh, cựu Thiếu tướng, Chánh Thanh tra Bộ Công an và ba đồng phạm. Ở phiên sơ thẩm, cả bốn đều đã bị kết án. Sau đó, Viện Kiểm sát Tối cao kháng nghị bản án sơ thẩm vì cho rằng, không đủ căn cứ kết tội các bị cáo, đặc biệt là việc kết tội bị cáo Trần Văn Thanh không đúng quy định pháp luật.
Tuy nhiên Tòa án cấp phúc thẩm đã bác kháng nghị, bời cho rằng, cả bốn đã dùng “chiêu bài chống tham nhũng, bôi nhọ danh dự của lãnh đạo thành phố, làm giảm ý nghĩa đối với thành quả của địa phương trong công cuộc đổi mới”.
Vì sao chuyện chống tham nhũng bị xem là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”?

Tái ngộ công luận và dư luận
Trong hai năm qua, từ lúc Công an Đà Nẵng phát lệnh truy nã ông Đinh Công Sắt vì “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, cho đến trước phiên phúc thẩm vụ án này hôm 7 tháng 12, khi đề cập đến những vấn đề có liên quan đến các ông: Trần Văn Thanh - Thiếu tướng, Chánh tra Bộ Công an, Dương Tiến - Thượng tá, Trưởng Văn phòng đại diện báo Công an TP.HCM tại Hà Nội, Đinh Công Sắt - cựu Thiếu tá Công an bị sa thải, ông Nguyễn Phi Duy Linh - một người được cho là rất thân thiết với ông Trần Văn Thanh, cả hệ thống truyền thông lẫn hệ thống bảo vệ pháp luật ở Việt Nam chỉ tường thuật chung chung rằng, họ bị khởi tố, bị truy tố, bị kết án vì đã mượn chuyện chống tham nhũng, xúc phạm danh dự của lãnh đạo thành phố Đà Nẵng.

Cũng vì vậy, công chúng không biết những cán bộ lãnh đạo nào của thành phố Đà Nẵng đã bị xúc phạm danh dự và cả bốn bị can, sau đó là bị cáo, rồi thành bị án đã “lợi dụng các quyền tự do, dân chủ” ra sao?
Trước đây, trong một lần trả lời phỏng vấn Đài Á Châu Tự Do về vụ án này, ông Cù Huy Hà Vũ, một Tiến sĩ Luật, nêu nhận xét: Các cơ quan tiến hành tố tụng ở Đà Nẵng kết luận, tướng Thanh “xâm phạm lợi ích của Nhà nước, xâm phạm lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” nhưng lại không chỉ ra nổi ai là đối tượng bị hại và điều này dẫn đến một sự phi lý cùng cực là tại phiên toà sơ thẩm, đối tượng bị quy là có hành vi “xâm phạm” thì có nhưng đối tượng bị “xâm phạm” hay “bị hại”, mặt mũi méo tròn ra sao thì không ai thấy.

Thắc mắc vừa kể vẫn là một câu hỏi lớn không được giải đáp thỏa đáng, cho đến khi vụ án liên quan đến ông Trần Văn Thanh được đưa ra xử phúc thẩm. Tới lần này, hệ thống truyền thông Việt Nam mới nhắc tới nhân vật, tuy có dấu hiệu bị xâm hại uy tín song không được xác định là nạn nhân: Ông Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, đồng thời là người đại diện cho dân chúng Đà Nẵng tại Quốc hội!
Hệ thống truyền thông Việt Nam, từng mô tả ông Nguyễn Bá Thanh như một nhân vật “dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm”, người khởi xướng phong trào “tìm và diệt tiêu cực”. Ông Nguyễn Bá Thanh cũng được xem là nhân vật có công lớn trong việc phát triển thành phố Đà Nẵng.

Tuy nhiên cũng theo hệ thống truyền thông Việt Nam, Đà Nẵng là một trong những địa phương dẫn đầu về các vụ khiếu nại tập thể, do chính quyền có nhiều sai phạm trong quản lý đô thị, đất đai. Đáng lưu ý là tên tuổi của ông Nguyễn Bá Thanh còn gắn liền với một scandal liên quan tới ông Phạm Minh Thông, giám đốc Công ty hợp doanh Xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng.

Câu chuyện 10 năm nhưng chưa cũ
Khoảng đầu thập niên 2000, hệ thống truyền thông Việt Nam bắt đầu đề cập đến hàng loạt sai phạm xảy ra ở Công ty hợp doanh Xây lắp và kinh doanh nhà Quảng Nam – Đà Nẵng. Sau đó, ông Phạm Minh Thông, giám đốc công ty này bị khởi tố.
Vụ án liên quan đến ông Phạm Minh Thông từng được xem là vụ tham nhũng lớn nhất miền Trung. Ông Thông bị đưa ra xử hai lần, một lần vào năm 2001 và một lần vào năm 2004, về hai tội khác nhau. Hình phạt tổng hợp cho cả hai tội là 16 năm 4 tháng tù.
Khi điều tra vụ án liên quan đến ông Phạm Minh Thông, các cơ quan bảo vệ pháp luật của Đà Nẵng phát giác, ông Nguyễn Bá Thanh – lúc đó đang là Chủ tịch thành phố Đà Nẵng - có trách nhiệm liên đới.

Trong hai công văn mang số 73 viết hồi tháng 10 năm 2000 và mang số 77 viết hồi tháng 11 năm 2000, Viện Kiểm sát Đà Nẵng báo cáo với Viện Kiểm sát Tối cao, đại ý, ông Phạm Minh Thông đã khai là phải đưa cho ông Nguyễn Bá Thanh 4,4 tỷ để được duyệt thanh toán vốn. Do vậy, Viện Kiểm sát Đà Nẵng nhận định: Ông Phạm Minh Thông phạm tội đưa hối lộ. Ông Nguyễn Bá Thanh phạm tội nhận hối lộ. Viện này cho rằng, nếu chỉ xử lý Phạm Minh Thông, không điều tra, xử lý Nguyễn Bá Thanh thì nhân dân không đồng tình, vụ án không được giải quyết triệt để và thỏa đáng...

Không chỉ có Viện Kiểm sát Đà Nẵng nhận định như thế. Trong các báo cáo gửi Thủ tướng và Ban Bí thư Trung ương Đảng, hồi tháng 10 năm 2007 và tháng 4 năm 2008, Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng nhận định rằng, tố cáo của một số công dân ở Đà Nẵng, trong đó có ông Đinh Công Sắt là có cơ sở, cần xử lý theo quy định pháp luật. Đến tháng 6 năm 2008, Thanh tra Bộ Công an có thêm kết luận, việc không khởi tố ông Nguyễn Bá Thanh, không khởi tố vụ án nhận hối lộ là vi phạm pháp luật.
Thế nhưng, ngoài những văn bản vừa kể, còn có một số văn bản với nội dung ngược lại. Tháng 5 năm 2007, Thanh tra Chính phủ gửi Thủ tướng kết luận về việc giải quyết tố cáo của công dân ở Đà Nẵng, theo đó, ông Nguyễn Bá Thanh không có liên quan.

Ít ngày sau, Ủy ban Kiểm tra của Trung ương Đảng đưa ra kết luận tương tự. Tòa án cả hai cấp đã dựa vào các văn bản này, để xác định, bốn người có liên quan tới việc đòi xem xét trách nhiệm, xử lý ông Nguyễn Bá Thanh đã phạm tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”, bất kể Viện Kiểm sát Tối cao – cơ quan thực hành quyền công tố - cho rằng, ông Trần Văn Thanh – cựu Giám đốc Công an Đà Nẵng, người từng chỉ đạo điều tra vụ án Phạm Minh Thông - không phạm tội, kết án ông Thanh là vi phạm pháp luật. Đồng thời hồ sơ còn cho thấy không đủ căn cứ kết tội ba bị cáo còn lại.
Theo dõi vụ án liên quan đến ông Trần Văn Thanh, nhiều người bày tỏ sự ngạc nhiên khi Tòa án cả hai cấp, xem việc phổ biến những công văn số 73, số 77 cũng như các báo cáo của Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, mà chúng tôi vừa đề cập là một trong những “thủ đoạn xảo quyệt”.

Cũng với cách nhìn vấn đề như thế, ông Dương Tiến, một nhà báo mang quân hàm Thượng tá, giữ chức vụ Trưởng Văn phòng đại diện báo Công an TP.HCM tại Hà Nội, tác giả bài viết “Nguyên nhân nào một số công dân khiếu kiện gay gắt?” - thuật lại những sai phạm trong giải tỏa nhà, thu hồi đất, đền bù thiệt hại, thực hiện dự án tại Đà Nẵng, đăng trên tờ Công an TP.HCM, ngày 10 tháng 5 năm 2007 - trở thành một trong bốn bị án “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân”.
Dân Đà Nẵng nghĩ gì trước vụ án vừa kể? Trả lời Đài Á Châu Tự Do, ông Đỗ Xuân Hiền, cựu cán bộ của Thành ủy Đà Nẵng, cho biết: Người ta hiểu đây là vụ án bảo vệ tham nhũng, bao che cho tham nhũng. Cũng theo ông Đỗ Xuân Hiền: Theo tôi, phải đưa vấn đề ra, đưa ông Nguyễn Bá Thanh ra, phải trị tội, phải đứng trước vành móng ngựa, phải trả nợ cho dân. Ai là kẻ đứng đằng sau bảo vệ cho Nguyễn Bá Thanh đó mới là vấn đề quan trọng.

Phải học mới biết chống đúng cách?
Theo báo chí Việt Nam Thủ tướng Việt Nam vừa phê duyệt đề án “Đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng”.
Hôm 9 tháng 12, trả lời phỏng vấn của tờ Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Gia Thư, Vụ trưởng Vụ Pháp chế thuộc Thanh tra Chính phủ, cho biết, đầu năm tới, Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, rà soát lại chương trình giáo dục học sinh, sinh viên để đầu năm 2011 dạy học sinh, sinh viên phòng, chống tham nhũng.
Khi học sinh, sinh viên biết cách phòng, chống tham nhũng, có thể sẽ không còn ai lạm dụng “chiêu bài chống tham nhũng”, “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” như Tòa Tối cao nhận định, lúc kết án các ông Trần Văn Thanh, Dương Tiến, Đinh Công Sắt, Nguyễn Phi Duy Linh nữa?

Trân Văn, phóng viên đài RFAN
guồn : www.viet-studies.info
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Two-men-of-the-same-name-and-stories-about-anti-corruption-part2-12142009132117.html
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Two-men-of-the-same-name-and-stories-about-anti-corruption-part2-12142009132117.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét