Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

19 thg 1, 2010

Trẻ em, cây roi và kỉ cương quốc gia

Dân chủ là cơ hội lớn nhất cho mỗi thành viên trong xã hội đó được tự do phát huy những năng lực cá nhân mình cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng chứ không phải là nơi cho mỗi cá nhân thoả mãn thói tuỳ tiện.

Cậu bé Mỹ và 6 roi phạt của Singpore
Đến lúc này, quá nhiều các thầy cô đang lo ngại trong việc không được dùng một số hình thức phạt đối với các học sinh có những hành động vi phạm các quy định của nhà trường hoặc những học sinh hư hỏng trong nhà trường. Nhiều thầy cô đang nói đến quy định "tám không" mà họ phải thực hiện với một sự lo lắng thực sự. Với một vài điều trong quy định này, tôi thấy, chúng ta đang có nguy cơ rơi vào một phía khác của tính cực đoan.

Cách đây nhiều năm, báo chí Việt Nam đưa tin một cậu bé người Mỹ 14 tuổi đã xịt sơn lên kính một chiếc xe hơi ở Singapore. Chính quyền Singapore đã quyết định phạt cậu bé người Mỹ kia 6 roi. Đấy là luật của Singapore. Chính quyền Mỹ đã trực tiếp can thiệp để cậu bé người Mỹ không phải bị phạt roi. Nhưng chính quyền Singapore đã không chấp nhận lời đề nghị đó.


Việc không chấp nhận tha cho cậu bé người Mỹ kia 6 roi phạt không phải vì bất cứ lý do trục trặc gì về chính trị hay ngoại giao giữa hai nước. Mà bởi, nếu Chính quyền Singapore tha cho cậu bé người Mỹ kia thì nghĩa là kỷ cương của quốc gia Singapore bắt đầu vết nứt đầu tiên. Khi Chính quyền Singaporre không phạt roi cậu bé người Mỹ mắc lỗi thì sẽ không thể phạt tất cả những cậu bé Singapore mắc lỗi.
Đừng nghĩ việc tha phạt cho một cậu bé là chuyện nhỏ. Mầm loạn sẽ bắt đầu từ đây.

Người đàn ông Việt và cây roi của mẹ
Tôi lại nhớ đến một câu chuyện về chiếc roi trên một tờ báo Việt Nam đã lâu. Câu chuyện kể về một người đàn ông sinh sống và làm ăn ở nước ngoài nhiều năm. Khi mẹ ông ốm nặng, ông bay về nước với mẹ. Ông thấy dưới mái hiên nhà mình ở quê vẫn cài một chiếc roi tre.

Trước kia, ở nông thôn nhà nào cũng có một chiếc roi cài ở đó. Khi một đứa trẻ mắc lỗi, người mẹ hoặc người cha rút roi bắt đứa trẻ nằm sấp và nói: "Tội của con bị phạt 3 roi. Giờ mẹ chỉ đánh một roi. Còn 2 roi mẹ cho nợ để con nhớ mà sửa chữa. Nếu con còn mắc lỗi mẹ sẽ đánh đủ số roi".
Người đàn ông kia cũng đã từng mắc lỗi và được mẹ ông cho nợ 2 roi. Ông về đến quê được mấy ngày thì mẹ ông mất. Khi đặt thi thể mẹ ông vào áo quan, ông lấy chiếc roi cài dưới mái hiên đặt vào áo quan, khóc và nói: "Mẹ ơi, con còn nợ mẹ 2 roi. Con để chiếc roi này theo mẹ, để khi con về với mẹ mà con vẫn hư thì mẹ đánh phạt con đủ số roi mẹ ạ".

Câu chuyện trên thật xúc động và thật sâu sắc. Nó cho thấy kỷ cương của một gia đình hay một quốc gia không được phép xem nhẹ. Nó cũng cho thấy cách giáo dục vừa nghiêm minh vừa đầy tình thương của người lớn hay của xã hội đối với những đứa trẻ mắc lỗi.

Hạnh kiểm của học sinh bây giờ đang được báo động ở cấp cao nhất. Những vụ học sinh đánh thầy cô vừa qua đôi khi được lý giải là vì thầy cô thế này thế nọ với học sinh nên học sinh mới hành xử như thế. Chúng ta phải giã từ ngay cách lý giải này. Tất nhiên, hành động đánh học sinh là hành động không được phép.

Kỷ cương với trẻ tới kỉ cương quốc gia
Trong bài Giáo viên " Tám không" trên Vietnamnet có những cái KHÔNG vô lý mà các thầy cô phải thực hiện. Tôi chỉ đưa ra một trong "Tám không" đối với thầy cô là: Không được đuổi học sinh ra ngoài. Điều này không ổn.

Chúng ta tưởng rằng làm như vậy là biểu hiện tình thương yêu và lòng tôn trọng với học sinh ư? Việc yêu cầu một học sinh phải ra khỏi lớp học khi học sinh đó có những hành động và lời nói vô kỷ luật và vi phạm đạo đức gây ảnh hưởng đến lớp học vẫn được áp dụng ở cả các nước có nền giáo dục tiên tiến nhất trên thế giới.

Thực tế cho thấy, hầu hết những đứa trẻ hư hỏng hoặc phạm tội là những đứa trẻ sinh ra và lớn lên trong những gia đình thiếu kỷ cương. Điều này thì ai cũng hiểu. Những gia đình hoặc bỏ rơi con cái hoặc chiều chuộng con cái quá mức đều là những gia đình không có kỷ cương.
Nhiều giải pháp trong giáo dục đạo đức đối với học sinh của chúng ta hiện nay cho thấy chúng ta vô cùng lúng túng. Học sinh kêu quá thì chúng ta nghiêng về phía học sinh. Phụ huynh kêu quá thì lại nghiêng về phía phụ huynh. Tình trạnh này phát sinh từ nguyên nhân chúng ta không có một nền tảng giáo dục đạo đức cơ bản và khoa học.
Khi chúng ta có những nguyên tắc được xây dựng trên một nền tảng giáo dục đạo đức cơ bản thì nó trở thành luật pháp và mọi người phải làm theo.

Tôi muốn nói lại một số hình thức phạt học sinh trong nhà trưởng ở nước ta trước kia để chúng ta có thể so sánh và suy ngẫm chứ không phải là thói cổ hủ Trước kia, chúng tôi đi học đã từng bị thầy cô phạt cho ra khỏi lớp hoặc đứng ở góc lớp. Nhưng cho đến bây giờ, những thầy cô trực tiếp phạt chúng tôi như thế vẫn đọng lại hình ảnh đẹp và xúc động trong lòng chúng tôi cùng với sự biết ơn của chúng tôi đối với các thầy cô đó.

Ông cha chúng ta đã nói: "Yêu cho vọt, ghét cho chơi" hay "thuốc đắng giã tật..." Những hình phạt như thế là một trong những cách cho những người có lỗi ghi nhớ lỗi của mình và tìm cách sửa chữa để sống tốt hơn và có trách nhiệm hơn với cộng đồng của mình.

Ngay cả đối với người lớn thì kỷ cương của chúng ta cũng không được nghiêm minh cho lắm. Có những cán bộ vi phạm đạo đức hay luật pháp bị kỷ luật bằng hình thức chuyển đến một vị trí quản lý khác tương đương và thậm chí cao hơn. Hình phạt ấy không những không răn đe được những người có lỗi, có tội kia mà ngược lại gián tiếp "khuyến khích" lối sống và cách làm việc vô trách nhiệm và vô kỷ luật của những cán bộ đó và những cán bộ chưa vi phạm.

Trong gốc rễ của những hình phạt là tình thương yêu con người và trách nhiệm với sự phát triển nhân cách của con người. Một trong những mục đích mà chúng ta đang quyết tâm xây dựng là một xã hội dân chủ. Và dân chủ là cơ hội lớn nhất cho mỗi thành viên trong xã hội đó được tự do phát huy những năng lực cá nhân mình cho sự phát triển tốt đẹp của cộng đồng chứ không phải là nơi cho mỗi cá nhân thoả mãn thói tuỳ tiện.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét