Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

21 thg 1, 2010

Game over



Tươi tỉnh, áo là phẳng phiu, không còng tay, lần lượt Thức Trung Long Định được dẫn vào. Ngay phần xét hỏi, Định Trung nhận ngay việc tham gia đảng phái chính trị nhằm hoạt động lật đổ bất bạo động. Định giải thích do nhận định sai về tình hình trong nước và bị các tổ chức cá nhân lôi kéo. Trung khẳng định chắc chắn sẽ từ bỏ các hoạt động chống phá nhà nước. Coi như là xong. Xong về mọi phương diện. Và án chắc chắn sẽ tương đối nhẹ so với tội danh.

Lê Thăng Long bị thẩm vấn sau cùng trong phiên sáng nay. Trôi chảy, gãy gọn pha chút hài khi khen hội đồng xét xử hỏi cây này rất hay ạ. Điểm danh lúc đầu Long có rõ to khiến chú công an dẫn giải bụm miệng cười.
Khi Định cố tránh từ đa đảng bằng đảng tập hợp nhiều thành phần thì Long ra sức phản bác HĐXX khi dùng từ tổ chức hay nhóm đối với Long. Phản bác lại các cáo buộc, quên khi tòa hỏi các chứng cớ nhạy cảm liên quan đến tập hợp lực lượng chống đối và chỉ nhận khi bằng chứng được trưng ra.

Sáng qua, Long bất ngờ từ chối luật sư bào chữa.
Thức cho thấy dấu hiệu phản cung, hy vọng phiên tòa chiều đỡ buồn ngủ.

Ngọc Khánh xuống sắc thấy rõ, có lẽ vì cách ăn mặc trang điểm hơn là vì buồn. Nó bảo cứ cho là tại số cho nó nhẹ nhàng.
Thèm nhìn mưa nghe mưa quá, thèm càphê vỉa hè nữa.

II .Game over

16 năm bóc lịch cho Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung 7, Lê thăng Long Long và Lê Công Định 5. Thức tăng 3 năm so với đề nghị của viện kiểm sát( nặng quá so với suy nghĩ của Beo), 3 nhân vật kia nhận mức nhẹ nhất. Thậm chí Định và Trung còn nhận án mức dưới cả tội danh xa.

Phiên xét hỏi chiều không hề sôi nổi hơn như Beo dự đoán, có lúc Beo sém ngủ gật. Trần Huỳnh DuyThức diễn đạt lộn xộn dài dòng để chứng minh mình không hề muốn thay đổi điều 4 hiến pháp( tức là cũng yêu 1 Đảng cật lực chứ không muốn đa), không hề muốn lật đổ chế độ mà mong muốn nó trường tồn.

Thẩm phán và chủ tọa nhầm lẫn hoài web, blog và email nên bị dân công nghệ thông tin cãi, ví như web chỉ đăng có duy nhất một bài thơ của Thức, còn các hiệu triệu lật đổ sau đó là trên email và trên blog là các bình luận.
Ngay từ sáng, Thức biểu lộ sự bối rối. Sau khi viện kiểm sát đề nghị mức án(12/13 năm), Thức giọng hụt hơi xin ngưng trả lời vì mệt quá cộng thêm 2 đêm mất ngủ trước đó lo... học thuộc kết luận điều tra.

Một buổi chiều xui cho Thức khi chọn bác luật sư...21 năm nay chưa hề đi bào chữa Triệu Quốc Mạnh. Vểnh tất cả các giác quan Beo cũng chỉ nghe được bập bõm giọng nói như người xỉn quắc cần câu của bác.
Đại để khúc mở đầu bác ấy lên án các bị cáo và thân chủ của mình Bị cáo không thấy máu đổ thây rơi, bị cáo đều được chế độ cho ăn học tử tế, bị cáo đều là gia đình cách mạng...Beo chờ đợi hay là bác ấy dùng phương pháp luận đòn bẩy ở khúc giữa. Nhưng không, bác ấy lùi lại đại hội 6 của Đảng, ngoặt sang chuyện mua tàu ngầm, tạo giống lúa mới và gần kết luận sau khi chủ tọa ngắt mấy lần nên quan tâm đến quyền lợi bị cáo, bằng cách bảo thân chủ mình là người yêu mến xã hội, muốn tăng cường mọi nguồn lực cho đất nước và không chống đầu tư nước ngoài, phạm tội do ảnh hưởng từ các tác phẩm nổi tiếng ( còn tác phầm nào thì Beo chịu không nghe được, hình như là tiếng tây).
Gần kết luận là bởi bác ấy dỗi không nói nữa khi hội đồng xét xử ngắt lời hoài, không thèm kết luận. Thức giơ tay xin nói và ...kết luận thay cho luật sư.
Lời cuối Định và Trung xin được khoan hồng. Long nói cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã sai phạm trong trường hợp mình. Thức chỉ muốn đóng góp cho lãnh đạo đảng và nhà nước chứ không phải là phản động.

Game over!

Nguồn :http://vn.myblog.yahoo.com/thuhong_1960/article?mid=1204

III .Báo chí nước ngoài quan tâm

REUTERS
Hãng này nhận định phiên xử gây sự chú ý ở nước ngoài một phần bởi trong số bị cáo có ông Lê Công Định và ông Nguyễn Tiến Trung.
Luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ và cũng từng bảo vệ cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản trong khi Nguyễn Tiến Trung từng gặp Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush cũng như Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Hãng thông tấn này đưa tin nói tường thuật truyền hình của BBC World đưa tin phiên xử đã bị chặn ở Việt Nam.
Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt nói với các phóng viên rằng "Có những quan ngại nghiêm trọng về toàn bộ quá trình xét xử này".
Ông là một trong số ít các nhà ngoại giao được cho phép theo dõi phiên xử qua màn hình tivi đặt ở phòng cách biệt với phòng xử. "Chúng tôi sẽ thúc giục mạnh chính phủ Việt Nam ân xá cho cả bốn người này". Đại sứ Đan Mạch được Reuters trích dẫn.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh, Kenneth Fairfax nói Hoa Kỳ "hết sức quan ngại" về việc bắt và kết tội người chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và Hoa Kỳ kêu gọi thả ngay và vô điều kiện những người này.


AP
Hãng AP ghi nhận người đầu tiên ra tòa là ông Lê Công Định, người thừa nhận vi phạm điều 79 Luật Hình sự khi gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói: "Mục đích của đảng là kêu gọi hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị và một nhà nước mới."

"Trong thời gian tôi học ở nước ngoài, tôi chịu ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài về dân chủ, tự do và nhân quyền."
Tuy nhiên ông Định nói "Trong thâm tâm, bản thân tôi và các bị cáo khác không có ý định lật đổ chính phủ".
Theo AP, ông Định nói đã nhận một phác thảo hiến pháp mới từ lãnh đạo đảng Dân chủ, và dự khóa học ba ngày tại Thái Lan do Việt Tân tổ chức về thay đổi chính trị bất bạo động.
Chính phủ Việt Nam xem Việt Tân là tổ chức khủng bố, nhưng giới chức Mỹ nói không có bằng chứng cho việc này.
Người thứ hai ra tòa là Nguyễn Tiến Trung, nói đã gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam và thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, nhưng nói anh hối hận đã làm vậy.
"Hành động của tôi vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi nông nổi và phạm sai lầm."

Bị cáo thứ ba, Lê Thăng Long, bác bỏ ông đã làm gì sai trái. Ông nói "Tôi vô tội" và nói trước tòa rằng trước đó ông đã bị an ninh "khủng bố tâm lý" để ép cung.
Còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thừa nhận lập ra "Nhóm Nghiên cứu Chấn", tổ chức mà Viện Kiểm sát nói là muốn gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính phủ. Nhưng ông Thức nói nhóm này đơn giản chi tiến hành nghiên cứu và đưa ra các đề nghị về chính sách cho lãnh đạo Việt Nam.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc cuối giờ chiều nay, AP trích dẫn lời ông Kenneth Fairfax, lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, thất vọng vì các bản án.
Ông này nói: "Chúng tôi muốn nhắc lại lo ngại sâu sắc về vụ chính phủ Việt Nam bắt giữ và kết án những người này vì sự biểu lộ trong hòa bình niềm tin của họ, dù là chính trị hay không."


AFP
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận đây là vụ án "nổi bật nhất trong một loạt các vụ bắt giữ và kết tội giới bất đồng chính kiến và blogger tại đất nước cộng sản một năm qua".
Phóng viên AFP nói ông Định thừa nhận muốn thành lập hệ thống đa đảng và kêu gọi đa nguyên.
Ông được dẫn lời: "Những gì tôi làm đã vi phạm pháp luật."
Anh Tiến Trung cũng nói anh đã vi phạm pháp luật và "nông nổi".

Cáo trạng nói ông Thức dự đoán Đảng Cộng sản tiêu vong trước năm 2020, ông Định đã soạn một hiến pháp mới, còn Trung, cùng với các sinh viên ở Pháp, thành lập "phong trào dân chủ thanh niên".
Ông Long thì nói ông và Thức thuộc nhóm thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội để "phát triển đất nước".
Ông nói: "Thảo luận là tự nhiên và thuộc quyền công dân của tôi."
AFP cho biết thân nhân, cũng như giới báo chí nước ngoài và ngoại giao không được vào chính phiên xử, mà theo dõi qua truyền hình ở phòng bên cạnh.
AFP dẫn lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Kenneth Fairfax, nói vụ án "liên quan việc thực thi tự do ngôn luận" và kêu gọi trả tự do cho những người này.


DPA
Hãng tin Đức DPA ghi nhận chi tiết ông Lê Thăng Long nói với tòa rằng ông viết lời nhận tội và xin khoan hồng hồi tháng Sáu chỉ sau khi ông "bị an ninh khủng bố tinh thần".
Theo DPA, ba người còn lại hầu như xác nhận những gì họ đã khai và được truyền hình Việt Nam chiếu đi hồi tháng Sáu.
Cũng theo hãng tin Đức, phóng viên dự phiên xử không được dùng phương tiện ghi âm hay chụp ảnh, và mỗi lần ông Long lên tiếng cáo buộc công an, thì hệ thống loa trong phòng của phóng viên và giới ngoại giao lại bị làm nhiễu.
Một nhà ngoại giao dự phiên tòa từ chối nêu tên, nói: "Điểm mấu chốt với chúng tôi là tất cả những điều này [hoạt động của những bị can] không phải là điều phi pháp."

Radio Australia
Phát biểu trên đài phát thanh Úc, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, GS. Carlyle Thayer, nhận xét bốn bị can đã đưa hoạt động đòi dân chủ đi xa thêm một bước khi thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói họ "đề ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức Đảng Cộng sản vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nhắm tới giới bất đồng chính kiến bên trong Đảng với hy vọng có sự ủng hộ của họ".
Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện của đảng Việt Tân ở Úc, nói các phiên xử thế này sẽ không bao giờ công bằng.
Ông nói Việt Tân "kêu gọi cộng đồng quốc tế gây thêm sức ép cho chính phủ Việt Nam để họ tôn trọng tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng tích cực làm việc với người dân trong nước để ủng hộ họ và mở rộng ảnh hưởng của chúng tôi bằng việc giúp nhân dân bộc lộ mình, tham gia nhiều hơn vào thảo luận chính trị và can dự dân sự."

Giáo sư Thayer đoán rằng phiên tòa được phe bảo thủ trong Đảng dùng để chặn trước khả năng bất đồng tại Đại hội Đảng lần thứ 11.
"Trong quá khứ, những người tự do hay cấp tiến trong Đảng đã dùng Đại hội và các tài liệu chính sách để thúc đẩy cải tổ. Những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ ngoài đảng cũng dùng cơ hội đó để góp ý và thúc giục thay đổi."

Nguồn :http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_dissidenttrialpressreview.shtml

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét