Lâu nay, người dân quê tôi vẫn thường đánh giá về cái “sự bẩn” thế này: Ở bẩn thì bị người ta coi thường; Ăn bẩn (cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen) thì bị rẻ rúng, cười chê. Còn trong quan hệ với nhau mà chơi bẩn, nghĩa là dùng “chiêu” bẩn, “võ ” bẩn, kiểu như một võ sỹ quyền Anh cắn vào tai đối thủ, hay kẻ nào đó chơi kiểu bịt miệng, trùm chăn đánh hội đồng, hoặc vu vạ v.v. để hạ gục đối thủ, thì bị khinh bỉ coi là thứ lưu manh, hèn hạ, mạt hạng.
Khi đọc bài viết “Chuyện ở khu phố” ký dưới tên Nguyễn Anh Duy, tôi rất ngạc nhiên không thể nghĩ rằng, đã qua thập niên đầu tiên của Thế kỷ XXI rồi, mà người ta vẫn dùng cái chiêu cũ mèm, thực chất là thứ “võ” bẩn với mưu đồ bôi nhọ, hạ bệ một trí thức, một nhà khoa học dám phản biện những gì cần phản biện bằng nhận thức và chính kiến của mình. Vì vậy, xin phép các bậc học giả lão thành, hậu sinh tôi xin được có vài ý tản mạn, nếu có gì chưa chuẩn xác, rất mong được các vị chỉ giáo để cái đầu “ngu lâu, khó đào tạo” đã ở tuổi lục tuần của tôi lâu nay vẫn đặc một thứ củ chuối, nhão nhoét một thứ bã đậu, được sáng ra phần nào, đặng bớt đi được những việc làm hại dân, hại nước. Để lúc đi chầu Diêm Vương, trước khi đậy nắp quan tài, người đời không đóng vào cái trán thúi của tôi một cái triện khắc hai chữ “thằng đểu”.
Nếu như thiên chức của người nông dân là làm ra hạt lúa, củ khoai… thì ông Giời lại đặt lên vai người trí thức một nhiệm vụ vô cùng nặng nề, trọng đại, ấy là trong mọi hoàn cảnh, đều phải biết mang trí tuệ, sự hiểu biết của mình để dâng hiến phụng sự con người. Mà cụ thể ngay, trực tiếp ngay là phụng sự Tổ quốc mình, đồng bào mình. Với người trí thức, chân lý là vấn đề sinh tử. Từ các nhà thông thái thời Cổ đại đến bây giờ và mãi mãi sau này đều như vậy. Nếu người nông dân dùng cày, cuốc để làm ra khoai, lúa, thì người trí thức dùng sự phản biện để tiếp cận chân lý. Cho nên, nếu không được phản biện trên tinh thần thực sự khoa học (hiểu biết), nếu chỉ “phản biện” giả vờ kiểu a dua, xuôi chiều, bợ đỡ hướng thượng, thì các bậc trí thức chân chính coi như bị vô hiệu, bị bức tử, bị dồn vào tình cảnh khốn nạn nhất của một đời kẻ sĩ.
Trước khi Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, ngay từ những thập niên 1960;1970; 1980 của thế kỷ XX, trong khi chúng ta đang còn cuồng tín, ấu trĩ, còn ngu ngơ rằng, “trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ”, rồi thì là “đồng hồ Liên Xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sĩ”, thậm chí còn đang say sưa mù quáng thề thốt với thiên hạ rằng “Nếu lịch sử chọn ta làm điểm tựa”, thì sẽ “Vui gì hơn làm người lính đi đầu” để chống bọn tư bản đang “giãy chết”, để được vỗ ngực xưng tên là anh hùng thời đại, đứng ở tuyến đầu đâm nhát gươm quyết định để bè lũ tư bản, đế quốc sài lang hết cựa quậy, để… vân vân và vân vân, thì nhiều trí thức của cả “phe ta”, lẫn “phe địch” trên thế giới đã chỉ ra những bất cập của học thuyết Mác-xít. Như từ thời cổ xưa nhà thông thái Galilê vĩ đại đã chỉ ra những cái không ổn trong lý luận của triết gia lừng danh Aristote.
Ở nước ta, không biết TS Hà Sĩ Phu viết “Dắt tay nhau đi dưới tấm biển chỉ đường của Trí tuệ” vào thời gian nào, nhưng được công bố vào năm 1988, trước khi Liên Xô và một loạt nước thuộc “phe ta” tiêu vong. Nay đã hơn 20 năm, nhiều lần đọc lại tác phẩm này, tôi không thể chỉ ra được “nó” phản động ở dòng nào, chữ nào, mà chỉ thấy toát lên tinh thần phản biện khoa học. Nên nhớ, lúc đó mặc dù cả nước phải ăn bo bo, nhà nhà phải chia nhau từng bát cơm độn củ mì, nhưng nước ta vừa đánh thắng hai đế quốc to kia mà. Và, “chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước chân ta” kia mà. Mạnh lắm! Vậy, với bài viết này của một trí thức thì có gì đâu mà phải sợ? Nếu không đồng ý, tại sao các nhà lý luận của Đảng ta lại không “phản biện” lại bài viết này? Lẽ thường bất cứ ai, cả người mù lẫn người sáng và nói rộng ra là bất cứ một quốc gia nào, một dân tộc nào, một đảng cầm quyền nào, đều mong muốn được dẫn dắt bởi trí tuệ, nếu không muốn đâm đầu vào bụi rậm, vào ngõ cụt. Hoặc như trong câu chuyện “Người dẫn đường thọt chân” của một nhà văn nước ta. Chuyện rằng, người dẫn đường này chân cao, chân thấp như cái com-pa, nên sau cuộc trường chinh, đoàn người được anh ta dẫn đi, lại quay về điểm xuất phát. Vâng! Đã “biết” thì phải nói ra, dám nói ra, quyết nói ra dù phải chết, bất chấp cường quyền và bạo lực, ấy là khí phách, là cái tâm, cái đức của kẻ sĩ, của người trí thức chân chính mọi thời đại.
Ai cũng biết, muốn “phản biện” thì phải đạt một tầm tri thức nhất định và phải tôn trọng một “luật” bất thành văn, ấy là phải công khai, dân chủ, tôn trọng chính kiến của nhau. Tóm lại là phải có văn hóa. “Cãi” không nổi , hoặc có thể không dám “cãi”, lại dùng thứ phản biện nặc danh, dùng chiêu bẩn, võ bẩn để bôi nhọ, chụp mũ, hạ độc bằng được đối thủ, như kiểu bài viết “Chuyện ở khu phố”, với nhân vật được sử dụng là bác T, hay ông xoài, ông mít vớ vẩn nào đó, là lối chơi bẩn, vô văn hóa, mạt hạng, đáng khinh bỉ.
Tôi rất đồng tình với đề dẫn của Bauxite Việt Nam khi đăng bài viết trả lời của TS Hà Sĩ Phu. Tôi thật sự kinh ngạc và xót xa, khi phải hình dung cảnh ông bị đưa ra “đấu tố” ở tổ dân phố. Thời cải cách ruộng đất khốn nạn ở ta đã xa rồi. Cái thời cách mạng văn hóa bên Tàu không kém phần khốn nạn, khi những trí thức chân chính bị đội mũ giấy đi bêu ngoài đường cho đám đông mù quáng xúc phạm, cũng đã qua lâu rồi. Vậy mà…, đúng là ngoài sự hèn hạ không còn từ nào để nói thêm nữa.
Một chế độ xã hội tự nhận là văn minh, dân chủ bậc nhất như ở ta, thì phản biện phải được coi là động lực phát triển của mọi lĩnh vực. Chỉ có như vậy và nhất định chỉ có như vậy đất nước mới mở mày, mở mặt lên được. Với suy nghĩ như thế, xin được nêu thêm vài phản biện ở tầm “xó bếp” của tôi như sau: Từ nhỏ tôi đã bị người lớn thường xuyên đánh đòn vì bướng bỉnh, hay cãi. Và, cái sự bướng bỉnh, hay cãi hình như đã ngấm trong tôi. Có lẽ vì vậy mà trong suốt hành trình cuộc đời sau này, nó đã mang đến cho tôi không ít khốn khổ. Nay đã vào tuổi lục tuần, mà cái “sự hay cãi” ấy tôi vẫn không tài nào bỏ được. Thủa học trò, tôi thuộc rất nhiều thơ Tố Hữu. Không biết có phải vì địa danh Hưng Hóa, thị trấn quê tôi đã được ông nhắc đến trong bài thơ “Ta đi tới”:
Ai qua Phú Thọ, ai xuôi Trung Hà
Ai về Hưng Hóa, ai xuống khu Ba …
Hồi đó, cũng như bao bạn học cùng trang lứa khác, tôi rất hồn nhiên khi thuộc lòng những câu như:
Ta đi giữa ban ngày
Trên đường cái ung dung ta bước
Đường ta rộng thênh thang tám thước
Rồi: Đường ta đó tự do cuồn cuộn…
Nhưng sau này tôi lại thấy phân vân. Vẫn biết, hình tượng con đường mà Nhà thơ nói, chính là con đường đi tới của Dân tộc. Song không thể “thênh thang” trong cái thước đo định lượng, mà không biết có phải vô tình không, ông đã đặt trong cái số đo với nghĩa đen là “tám thước”? Tuy nhiên, đó lại là quan niệm thuộc về nhận thức, của một Nhà thơ lớn của cách mạng, nên tôi nghĩ cần tôn trọng. Nhưng, với “ Đường ta đó tự do cuồn cuộn”, thì tôi thấy thật sự không ổn rồi. Không biết “tự do cuồn cuộn” là tự do kiểu gì? Tự do – nỗi khát khao mà nhân loại ở mọi thời đại, từ mông muội đến văn minh đều phải đổi bằng máu. Cũng không biết là tính từ, trạng từ, hay động từ? Nếu là tính từ, thì hai chữ “cuồn cuộn” trong câu thơ này rất tối nghĩa. Còn nếu là động từ thì,… tôi rùng mình khi thấy trước mắt mình, mọi thứ đều bị cuốn trôi đi theo cái dòng chảy cuồn cuộn, quyết liệt, không chút thương tiếc và vô cảm của một con đường…
Cũng như vậy, tôi không thể đồng tình với ý kiến cho rằng, bài thơ viết về hòn đá của Cụ Hồ là một bài thơ hay. Thậm chí có người còn cho là một tuyệt tác. Trong bài thơ này, người đọc chỉ thấy Cụ Hồ xếp các câu (văn nói) theo một logíc, sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, với dụng ý làm toát lên sức mạnh của việc đoàn kết, đồng tâm, cộng lực, cùng hướng đến một hành động chung là “thấy Tây cứ chém phứa, thấy Nhật cứ chặt nhào…” . Thậm chí, các động từ “chém phứa”, “chặt nhào” là ngôn ngữ rất dân dã, được tác giả sử dụng một cách có chủ ý, theo tôi tuyệt đối không thể là ngôn ngữ thơ được.
Vốn tính hay “cãi”, tôi mang những trăn trở kiểu như trên trao đổi ở chỗ này, chỗ kia, với người này, người khác (trong đó có cả những nhà lý luận rất đáng kính), nhưng hầu như nhận được rất ít sự đồng tình. Đa số là họ im lặng…
Đến tận bây giờ khi đã ở cái tuổi này, tôi vẫn thuộc làu bài hát từ thủa còn thiếu nhi. Hồi ấy, bài hát này thường xuyên được đồng ca trong các buổi sinh hoạt Đội. Lời bài hát là: Đây Liên Xô vĩ đại, đây Liên Xô phú cường sinh trưởng trong tháng Mười. Làm xong cách mạng tràn ngập hết xích xiềng tư bản, phong kiến, v.v. Nên khi Liên Xô vĩ đại, phú cường sụp đổ, các nước trong khối cộng sản Đông Âu tan rã, tôi rất hay nghĩ vẩn vơ, tự mình thấy cần phải nhận thức lại nhiều điều. Tỷ dụ như chiến tranh chẳng hạn. Tôi bắt đầu từ nhận xét rất chí lý của một nhà thơ nổi tiếng ở nước ta, đại ý “Mọi cuộc chiến tranh đều không có kẻ thắng, người thua, chỉ có nhân dân là người thất bại”. Nhận xét có tính tổng kết về chiến tranh như vậy, là quá giỏi. Nhân dân đã là người thất bại trong mấy cuộc chiến tranh vừa qua, với hàng chục ngàn nấm mồ vô danh, hàng triệu gia đình ly tán của cả hai phía. Dấu ấn tàn khốc của chiến tranh hằn sâu trên khắp mọi miền Tổ quốc, mà hậu quả còn kéo dài chưa biết đến tận bao giờ. Nhân dân là người thất bại, với những thế hệ trẻ cũng của cả hai phía, trong đó có biết bao nhiêu người con ưu tú của đất nước đã chôn vùi tuổi trẻ nơi rừng sâu, hay bỏ xác vô ích trên các bãi chiến trường. Còn không có kẻ thắng, người thua ư? Tôi xin được chứng minh bằng thực tiễn.
Cuối năm 2004, trong một chuyến công tác với Tổng Công ty X ra Hà Nội. Đến nơi, đã hơn 9 giờ tối. Ông Tổng Giám đốc bảo tôi “Hôm nay mời cậu về ở khách sạn 4 sao, 5 sao cho cậu biết ”. Quả là khách sạn nhiều sao sang quá. Nhân viên khách sạn phải hướng dẫn tôi cách sử dụng các thiết bị trong phòng. Vốn tính tò mò, sáng ra tôi leo lên tầng thượng để quan sát. Tòa nhà phía đối diện, ngay bên kia đường đã đập ngay vào mắt tôi. Đó là Tòa Đại sứ của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phấp phới lá cờ có rất nhiều sao. Không có kẻ thắng người thua ư?
Sau 1975, trong lịch sử dân tộc, chưa bao giờ và chưa khi nào hàng trăm ngàn con dân nước Việt phải bỏ nước ra đi, thà chấp nhận có thể sẽ làm mồi cho cá giữa đại dương mênh mông, ngàn trùng nguy hiểm. Chiến tranh tàn bạo, vô nghĩa, cực kỳ vô nghĩa, từng được đau đớn khắc họa trong nhạc Trịnh Công Sơn. Chiến tranh chính là kẻ thù của nhân loại trong mọi thời đại. Tôi có người bạn, là cán bộ quản lý của một công ty thuộc Petrolimex. Trước khi nghỉ hưu, anh được cơ quan cho đi một chuyến du lịch Thái Lan. Khi về, anh kể cho tôi mẩu chuyện nhỏ, với giọng thật buồn rằng, hướng dẫn cho đoàn khách của anh là một cô gái nói tiếng Việt rất sõi. Cô gái giải thích là, em đã học ở Việt Nam bảy năm, chỉ cần ở thêm ba năm nữa có lẽ em sẽ thành “sư tử Hà Đông”. Vậy là cô gái này hiểu về Việt Nam rõ lắm. Anh bạn tôi hỏi “Cô thông thạo Việt Nam quá rồi, cô thấy đất nước tôi thế nào ?”. Cô gái trả lời: “ Nước Việt Nam đẹp lắm, anh hùng lắm. Việt Nam có Bác Hồ vĩ đại rất được nhân dân Việt Nam yêu kính. Vì Bác Hồ đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam tiến hành hai cuộc chiến tranh, đánh bại hai đế quốc lớn. Cũng như đất nước Thái Lan tươi đẹp của chúng em, nhân dân Thái Lan rất kính yêu nhà vua Thái Lan. Vì Đức vua Thái Lan đã làm cho đất nước Thái Lan tránh được các cuộc chiến tranh…”. Tôi đã giật mình, khi nghe xong mẩu chuyện nhỏ này. Quả là nhìn lại, thì từ khi người Pháp đặt chân đến Đông Dương tới nay, Vương quốc Thái Lan chẳng thèm tuyên bố theo chủ nghĩa gì, đã uyển chuyển, khôn khéo, để không phải trải qua một cuộc chiến tranh nào, mà vẫn giữ được chủ quyền, giữ được vẹn toàn lãnh thổ.
Quá khứ, hiện tại và tương lai là dòng chảy liên tục. Không một người có văn hóa nào lại muốn phủ định quá khứ, hay “lật đổ thần tượng” như cách quy chụp lộng ngôn của một số kẻ cường quyền. Nhưng, nhận thức lại những giá trị từng một thời ngộ nhận, là việc làm rất cần thiết, tối quan trọng, là phương pháp tư duy biện chứng, hướng thiện. Để muôn đời con cháu chúng ta không mắc lại những sai lầm, ấu trĩ, mù quáng của thế hệ đi trước. Bè lũ Pôn Pốt đã thí nghiệm chủ nghĩa Mao-ít trên cơ thể dân tộc họ. Cả nhân loại bị “sốc” vì cuộc thí nghiệm quá trắng trợn, quá tàn bạo, mất hết nhân tính đối với đồng bào của chúng. Còn chúng ta? Suốt mấy thập kỷ qua, với việc du nhập chủ nghĩa Mác – Lê Nin (chủ nghĩa Cộng sản), chúng ta đã làm gì với nhân dân mình?
Nhân thể, tôi xin nhắc lại một chuyện. Cuối năm 1991, tôi đã tham gia một lớp học ngắn ngày dành cho các phóng viên và cán bộ tuyên giáo địa phương, do giảng viên Trường Nguyễn Ái Quốc từ Hà Nội vào giảng. Khi giảng đến công thức nổi tiếng của Mác, về quá trình bóc lột giá trị thặng dư của Chủ nghĩa Tư bản, vị “thầy đồ” của Trường Đảng cao cấp vẫn đưa ra những lập luận cũ, câu chữ cũ, mà tôi đã từng học ở đại học. Cuối giờ, ông ta hỏi cả lớp “có đồng chí nào có ý kiến và hỏi gì không?”. Tôi thấy nóng gáy, giơ tay. Lẽ ra chỉ cần đứng tại chỗ, nhưng tôi đã đi thẳng lên bục giảng, nhón lấy viên phấn, viết lại công thức C + V + m của Mác lên bảng. Và, tôi đã nói lưu loát dõng dạc:
“Các đại lượng C ; V; và m biểu thị cho cái gì thì chúng ta đều biết rồi. Nhưng, thưa các đồng chí, nếu có Mác ngồi đây tôi cũng xin được mạn phép hỏi Cụ rằng, thế đại lượng chỉ chất xám quản lý của nhà tư bản đâu? Cha ông ta từng có câu “một người lo bằng một kho người làm” để khẳng định giá trị tối quan trọng, có tính quyết định của người quản lý. Rõ ràng, Mác vĩ đại đã quên mất yếu tố hàng đầu, có tính quyết định, là chất xám quản lý của nhà tư bản. Vậy là, công thức này đã sai, rất sai, quá sai…”. Vừa nói, tôi vừa lấy phấn gạch chéo liên tiếp nhiều nhát vào công thức trên bảng, rồi ném mạnh viên phấn ra cửa, bước xuống. Cả lớp học lặng ngắt. Ông “thầy đồ” của Trường Đảng cao cấp cũng không nói gì thêm, tái mặt nhìn đồng hồ …
Cũng lớp học này, trong chương trình còn có mấy tiết về “Bài học sụp đổ của Liên Xô … ”. Giờ thảo luận rất sôi nổi. Người nói dài, người nói ngắn, nhưng tựu trung vẫn chỉ là nói lại những gì đã được nghe giảng. Tôi liền giơ tay, vì lại thấy nóng gáy. Lần này, tôi đứng tại chỗ, tóm gọn có mấy câu: “Về bài học, về nguyên nhân ư? Xin thưa đồng chí giảng viên cao cấp, thưa cả lớp. Đó là kết quả của 70 năm làm láo, nói láo, báo cáo láo”. Tôi ngồi xuống trong tiếng vỗ tay ầm ầm, tán thưởng …
Vừa rồi trên Bauxite Việt Nam có bài viết rất hay “Chấm điểm Thủ tướng” của nhà báo Trương Duy Nhất. Tuy nhiên, tôi rất muốn “phản biện” lại sự nới tay, hào phóng khi hạ bút chấm điểm của ông nhà báo họ Trương. Khi ông Nguyễn Tấn Dũng mới nhậm chức, rất nhiều bạn bè đã trao đổi với tôi, là họ rất kỳ vọng về những điều sẽ thật sự đổi mới ở vị Thủ tướng này. Riêng tôi thì không. Vì theo tôi, ngay từ ở cấp phó ông này đã rất mờ nhạt, không có bất cứ một việc làm đáng chú ý nào. Quả nhiên vừa lên, ông ta đã nghe báo cáo ẩu của cán bộ một tỉnh ở miền Trung, để phủ định luôn ý kiến chỉ đạo của vị tiền nhiệm về sự oan khuất của một công dân ở tỉnh này. Và, một loạt vụ việc xảy ra sau đó đã thể hiện sự yếu kém của người đứng đầu Chính phủ. Đặc biệt là trong việc triển khai dự án bauxite Tây Nguyên, ông ta đã vô lễ không phúc đáp lời mình đã hứa với Cụ Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tiếp đến ông Nguyễn Tấn Dũng đã không sòng phẳng đối với việc công dân Cù Huy Hà Vũ khởi kiện đích danh ông ta. Đồng thời, ông này còn tỏ ra rất kém hiểu biết khi ban hành QĐ 97, dẫn đến 16 đôi vai của 16 NGƯỜI KHỔNG LỒ ở IDS đã không có điều kiện và cơ hội thuận lợi, để cùng những NGƯỜI KHỔNG LỒ KHÁC của đất nước chung vai phụng sự Tổ quốc…
Chỉ bấy nhiêu thôi, thì với tôi ông ta đã bị điểm âm rồi. Với một Thủ tướng như ông Nguyễn Tấn Dũng, thì biết đến bao giờ đất nước mới cất cánh được? Đáng nói là mặc dù nới tay, ông Trương Duy Nhất vẫn kiên quyết “đánh trượt” người đứng đầu Chính phủ với 4,5 điểm (dưới trung bình), nên nể tình đồng nghiệp tôi không “phản biện” gay gắt nữa, mà chỉ xin được “nhắc nhở” nhà báo họ Trương, lần sau “nhớ rút kinh nghiệm”.
Cũng lại vừa rồi ở bến xe đò Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, trong khi đợi xe tôi tranh thủ làm quen và hỏi một bác xem ôm:
- Thật là đầy tự hào và mừng vui, Ninh Thuận quê ta sắp có nhà máy điện nguyên tử ?
- Tự hào, vui mừng nghĩa là sao ? - bác ta hỏi lại.
- Là như Nha Trang, Khánh Hòa có “Hòn ngọc Việt” ấy.
- Thế mà cũng đòi so sánh. Ông ở Nha Trang chứ gì. Chớ vội rung đùi nghe. Sự cố xảy ra thì trong vòng bán kính 300 km là “dính” hết. Các khu du lịch suốt một dải 600 km từ Đồng Nai đến Bình Định sẽ phải “đắp chiếu”, “trùm mền”. Ninh Thuận sát ngay biển, nghe đâu nước biển sẽ dâng cao cả mét vì thay đổi khí hậu trái đất gì đó nữa. Không biết mấy ổng trển đã tính kỹ chưa. Mà nước mình còn nghèo, lại chưa mạnh, lấy đâu ra nhân lực, tài lực?
Tôi liền nói vui: Ai nói bác nước mình không mạnh. Đánh nhau thì mình đánh bại “thằng” Pháp; “thằng” Mỹ. Đá banh thì mình thắng “thằng” Lào; “thằng” Campuchia. Rồi mình còn muốn cùng người anh em chí cốt Cu Ba thay nhau canh giữ hòa bình thế giới nữa. Bác thấy chưa ?
- Này! Tôi nói thẳng với ông nhé. Điện nguyên tử, bom nguyên tử, thấy sự cố xảy ra dài dài ở các nước người ta, nay nghe hai chữ nguyên tử sợ bỏ mẹ. Cứ là thà thắp đèn dầu.
Và, cái câu “thà thắp đèn dầu” của người lái xe ôm cứ vẩn vơ mãi trong đầu tôi suốt đường về. Theo tôi, đó cũng là một “phản biện” rất trực quan ở “tầm xe ôm” của một người dân Ninh Thuận. Sự so sánh giữa được và mất khi làm điện nguyên tử, tuyệt đối không thể tùy tiện, tùy hứng được. Tôi đoan chắc rằng hơn 60% quý vị Đại biểu QH đã tán thành dự án, đều không có những hiểu biết về điện hạt nhân, với lượng kiến thức đủ để cho họ thấy rõ trách nhiệm với đất nước khi “bấm nút” biểu quyết. Câu nói của người lái xe ôm làm tôi nhớ lại câu thơ của Phạm Tiến Duật, mà theo tôi là lãng mạn, nhưng phản thực tế tâm lý, phản nhân văn “Đường ra trận mùa này đẹp lắm…”. Tuy nhiên, khi đã thấy thế nào là chiến tranh rồi, thì chính anh đã “phản biện” lại khi viết “Thà ăn muối suốt đời còn hơn là có giặc”.
Vâng! Nói như một danh nhân “hãy hoài nghi tất cả” để phản biện một cách khoa học, sòng phảng, công khai, vì sự hưng thịnh, tồn vong của đất nước. Tất cả những bài viết kiểu “võ bẩn” chỉ có một tác dụng là làm bẩn trang báo./.
Nguyễn Chính
Nguồn :http://bauxitevietnam.info/c/19545.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét