Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

7 thg 1, 2010

Món phở Bò Tái Chín

Phở là món ăn truyền thống của Việt Nam, cũng có thể xem là món ăn đặc trưng nhất cho ẩm thực nước nhà. Trong các loại phở, bò tái chín là ngon nhất. Những năm cuối 1980, đám chúng tôi đi làm hợp đồng bên Bộ Tài chính (BTC), anh em gọi đùa đây là Bộ “Bò Tái Chín”.

Quả thật, một nơi cầm chìa khóa két quốc gia, nắm quyền sinh sát trong việc định mức lương cho cán bộ cả nước, làm việc ở bộ này như hưởng món “bò tái chín” hàng ngày thời đói kém.
Mấy hôm nay báo TP đưa tin, Kiểm toán Nhà nước Việt Nam vừa phát hiện lương tháng của lãnh đạo Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) lên tới trên 78 triệu đồng (4.500 đôla Mỹ).
Ban lãnh đạo của SCIC bao gồm nhiều quan chức là Bộ trưởng, Thứ trưởng đương quyền. Hội đồng quản trị gồm 7 vị, Chủ tịch HĐQT là Bộ trưởng BTC Vũ Văn Ninh. Ba vị khác là các Thứ trưởng Công thương, Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính.
SCIC có hai chức năng chính là quản lý và đầu tư vốn của Nhà nước. Nguồn vốn của SCIC là số cổ phần của Nhà nước trong các doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cho rằng, SCIC là một thử nghiệm nhằm giải quyết tình trạng chủ sở hữu nhà nước bị phân tán ra các bộ, ngành và các cấp địa phương chịu trách nhiệm bổ nhiệm nhân sự, còn Bộ Tài Chính thì lo quản lý tài sản. Mô hình đó có rất nhiều sơ hở và kém hiệu quả, phân tán vốn nhà nước.
SCIC là công ty tư nhân thì ai bàn lương cao thấp làm gì. Và SCIC với hãng máy bay Jet Star ăn nên làm ra chắc cũng chẳng ai để ý đến lương 5000$/tháng. Ở Việt nam, đầy các đại gia lương cao chục ngàn đô la một tháng trở lên.
Tuy thế, Jet Star thua lỗ nhưng tổng giám đốc hưởng lương trên 2 tỷ đồng một năm. Tướng lương cao kéo theo quân lương cao, chả lẽ ăn một mình. Đó là luật bất thành văn của những nơi lấy “bàn tay chia mật”.
Trong quản lý nhất là quản lý tầm quốc gia, người ta kiêng kỵ nhất là xung đột lợi ích. Một nơi như Bộ Tài chính, nắm chìa khóa két bạc của 86 triệu người dân, càng phải tránh điều cấm kỵ này.
Nhưng lạ thay, người ta hiểu qui luật vàng này nhưng không muốn làm theo. Ai cũng biết tham nhũng phá hoại đất nước, vấn nạn phong bì làm băng hoại đạo đức xã hội, nhưng khi hỏi quan chức lớn, đều được cái lắc đầu “chuyện này tế nhị và khó nói”. Tay đã chấm mút thì làm sao mà mở miệng.
Lại một vụ bê bối về tài chính được báo chí phanh phui. Người ở xa băn khoăn, dạo này nhiều chuyện lên mặt báo thoải mái thế. Na ná thời PMU18 và trước thềm đại hội Đảng.
Lý do gì chăng nữa thì cũng là điều mừng. Minh bạch một chút, kiểm toán độc lập và báo chí thay vì tuyên truyền đang được làm đúng nhiệm vụ phản biện, dân thường biết được khối chuyện hậu trường.
Lương cao chót vót bên SCIC, một quan hưởng mấy lương (không hiểu có đóng thuế thu nhập lũy tiến hay không), người ta tự duyệt thang lương cho chính bản thân, gây ra xung đột lợi ích. Làm ăn thua lỗ nhưng lĩnh đều đều vài tỷ hàng năm. Đó là căn bệnh chung của những công ty nhà nước.
Hàng chục triêu dân nghèo (15% dân số) nai lưng làm lụng với thu nhập 365$/năm, trong khi cựu Thứ trưởng Tài chính Trần Văn Tá, hiện là Tổng giám đốc SCIC nhà nước lại có mức lương trên 52.000 đôla Mỹ/năm.
Hỏi rằng công bằng xã hội ở đâu khi những bát phở “bò tái chín đặc biệt” được người ta “nấu” như thế ở tầm quốc gia tại một nơi như Bộ Tài chính.

Tầm nhìn của SCIC đăng tải trên website của tổng công ty này là: “Trở thành nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ Việt Nam thông qua việc đem lại giá trị tối đa và sự tăng trưởng bền vững cho các khoản đầu tư”.
Không biết SCIC thành nhà đầu tư chiến lược và hoạt động hiệu quả như thế nào trong bối cảnh hiện nay.
Tuy thế, nhìn vào thang lương của các quan chức, ít nhất tầm nhìn SCIC đã “giúp” các vị này đã “đem lại giá trị tối đa” cho chính cái ví của họ.

Hiệu Minh8-12-2009
Nguồn:
http://hieuminh.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét