Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

6 thg 1, 2010

Trông người để ngẫm lại ta

Mở đầu
Sau hơn 80 năm kể từ ngày thành lập, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã và đang lãnh đạo nhân dân Trung Quốc giành được những thắng lợi cực kỳ vĩ đại về nhiều mặt: đánh bại cuộc xâm lược của chủ nghĩa quân phiệt Nhật, giải phóng toàn Trung Quốc, lập nên nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH), xây dựng Trung Quốc thành một cường quốc kinh tế và quân sự, có ảnh hưởng và địa vị quốc tế ngày càng lớn…
Tuy vậy trong gần 60 năm cầm quyền, nhất là trong thời gian Chủ tịch Mao Trạch Đông còn sống (nói như vậy không có nghĩa là những người lãnh đạo sau Mao không có vấn đề gì), ĐCSTQ đã có một số chủ trương, quyết định sai lầm mang lại nhiều tai họa ghê gớm cho nhân dân Trung Quốc.
Bài viết này không đi sâu vào những nguyên nhân dẫn tới sai lầm (vì hoàn cảnh mỗi nước rất khác nhau) mà chỉ nêu lên một số vấn đề, hậu quả của chúng, những biện pháp mà ĐCSTQ đã sử dụng để xử lý, giải quyết và những bài học bổ ích có thể rút ra được qua những việc làm của họ.
II. Những vấn đề lịch sử chủ yếu
Ở đây xin giới thiệu những vấn đề đã giải quyết xong và một số vấn đề còn tồn tại.
Những vấn đề đã giải quyết xong (giới thiệu theo thời gian được bình phản, sửa sai)
- Ngày 7 tháng 4 năm 1976 Bộ Chính trị Trung ương ĐCSTQ căn cứ vào đề nghị của Mao Trạch Đông đã ra quyết nghị “về việc tước bỏ mọi chức vụ trong và ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình, nhưng giữ lại đảng tịch để xem xét sau”.
Sau khi “lũ bốn người bị bắt được gần một năm, ngày 16/7/1977 Hội nghị Ttung ương lần thứ 3 khóa 10, quyết định khôi phục lại mọi chức vụ trong ngoài đảng của Đặng Tiểu Bình.
- Ngày 5/4/1978, Trung ương ĐCSTQ phê chuẩn “Báo cáo thỉnh thị” ngày 4/4/1978 của Ban Mặt trận và Bộ Công an. Báo cáo cho biết: trong cuộc đấu tranh chống phái hữu tiến hành năm 1957, cả nước đã qui sai rất nhiều người là phần tử phái hữu, đã có mấy đợt sửa sai trước Cách mạng Văn hóa (CMVH) nhưng hiện nay vẫn còn khoảng hơn 100.000 người, phải cởi mũ cho số đông trong những người còn lại và kết thúc công việc này trước năm 1980.
- Ngày 19/8/ 1978, Trung ương ĐCSTQ quyết định giải tán tổ chức Hồng Vệ Binh vì đã hoàn thành sứ mạng lịch sử. Đoàn Thanh niên sẽ khôi phục hoạt động.
- Từ 10-11/15-12/1978, Hội nghị công tác Trung ương. Tại hội nghị Trần Vân phát biểu: phải giải quyết một loạt vấn đề trọng đại trong CMVH và vấn đề công tội, đúng sai của một loạt người lãnh đạo quan trọng. Ông khẳng định sự kiện Thiên An Môn (tưởng nhớ Thủ tướng Chu Ân Lai mất, năm 1976) là một phong trào quần chúng vĩ đại, khẳng định cống hiến của Bành Đức Hoài (bị xử lý sai năm 1959), phải bình phản (phân tích nhằm phản bác lại mọi quy kết để giải oan) cho Đào Chú (bị xử lý sai hồi đầu CMVH) cho cái gọi là “tập đoàn phản bội 61 người” (trong đó có Bành Chân, Bạc Nhất Ba), phải phê bình Khang Sinh, v.v.
- Ngày 16/12/1978 Trung ương ĐCSTQ phê chuẩn, đồng ý đề nghị của Ban Tổ chức Trung ương: không tồn tại cái gọi là tập đoàn phản bội 61 người nêu ra trong CMVH, án oan này phải được bình phản.
- Ngày 18-22/12 năm 1978, hội nghị Trung ương ĐCSTQ lần thứ 3 khóa 11, ngoài việc quyết định chuyển trọng tâm công tác sang công tác kinh tế đã phê phán phương châm “hai cáí phàm là” (do Hoa Quốc Phong đề xuất), xóa bỏ cái gọi là “phản kích làn gió hữu khuynh” và “sự kiện Thiên An Môn”, sửa quyết định sai lầm với Đào Chú, Bạc Nhất Ba, Dương Thượng Côn, v.v. Hội nghị nhấn mạnh phải nhận thức một cách lịch sử và khoa học đối với công lao của Mao Trạch Đông, giương cao một cách hoàn chỉnh, chính xác hệ thống tư tưởng Mao Trạch Đông; quyết định không sử dụng mệnh đề “đấu tranh giai cấp là then chốt”, phủ định lý luận “tiếp tục làm cách mạng dưới nền chuyên chính vô sản”. Bầu bổ sung Trần Vân vào Thường Vụ Bộ Chính trị (BCT), Phó Chủ tịch Đảng và Đặng Dĩnh Siêu, Hồ Diệu Bang, v.v. làm ủy viên BCT.
- Ngày 24/12/1978 Lễ truy điệu Bành Đức Hoài, Đào Chú tại Bắc Kinh, xóa bỏ hết những lời lẽ không đúng về hai người, bình phản chiêu tuyết cho họ.
- Ngày 25/12/1978. Uông Đông Hưng không được BCT ĐCSTQ cho kiêm chức Chánh Văn phòng Trung ương Đảng nữa.
Ngày 29/12/1978 Trung ương ĐCSTQ ra quyết định: phải nhận thức rõ ý nghĩa trọng đại của công tác phúc tra các vụ án oan, án sai, án giả và tầm quan trọng của việc quán triệt chính sách sửa sai. Nêu rõ phương châm “có sai thì phải sửa, sai toàn bộ phải bình phản toàn bộ, sai bộ phận bình phản bộ phận, không sai không bình phản” và ranh giới giữa có tội và không có tội (sau quyết định này tổng cộng đã bình phản cho hơn 2,9 triệu người bị mắc vào các vụ án oan, án sai, án giả, động viên được tính tính cực của những người này và thân thích của họ).
- Ngày 4-22/1/1979 Hội nghị Ban kỷ luật Trung ương quyết định thẩm tra Khang Sinh và Tạ Phú Trị.
- Ngày 10/1/1979 Quyết định bình phản, khôi phục danh dự cho Đàm Chấn Lâm, Ủy viên Trung ương, Phó Thủ tướng Chính Phủ (xem thêm tin ngày 10/1/1980).
- Ngày 11/1/1979 Trung ương ĐCSTQ quyết định: các phần tử địa chủ, phú nông qua 20-30 năm lao động cải tạo đã trở thành người lao động, nay cởi mũ thành phần cho họ, họ được đối xử như những xã viên công xã nhân dân, con cháu họ được coi là xuất thân từ gia đình nông dân.
- Ngày 17/1/1979, Trung ương ĐCSTQ ra quyết định quán triệt chính sách với sĩ quan và binh lính Quốc Dân đảng khởi nghĩa, đầu hàng, không được phân biệt đối xử với họ và con cháu họ.
- Ngày 12/2/1979 bình phản cho vụ án gọi Ủy ban Thể dục Thể thao Trung ương là “vương quốc độc lập” và dùng cớ đó để hãm hại Hạ Long (Nguyên soái, Phó Thủ tướng kiêm Chủ nhiệm Ủy ban TDTT) một số người lãnh đạo và vận động viên khác.
- Ngày 17/2/1979 bình phản cho Bành Chân (nguyên Ủy viên BCT, Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), khôi phục lại đảng tịch và phân công công tác mới.
- Ngày 9/3/1979 bình phản cho Ô Lan Phu (người Nội Mông, Ủy viên dự khuyết BCT khoá 8, Bí thư Đảng ủy Khu tự trị Nội Mông), trong CMVH bị vu là “tập đoàn phản đảng”, ngoài ra còn khôi phục danh dự, giải phóng cho một loạt cán bộ người Mông Cổ bị án oan, góp phần ổn định tình hình, củng cố đoàn kết dân tộc ở Khu tự trị Nội Mông.
- Ô Lan Phu chủ trì Hội nghị Ban mặt trận thống nhất, xóa bỏ vu cáo Ban Mặt trận “chấp hành chủ nghĩa đầu hàng, chủ nghĩa xét lại”, kết luận những phê phán Lý Duy Hán trong công tác mặt trận năm 1962-1964 là sai lầm. Bình phản cho toàn Ban và Lý Duy Hán.
- Ngày 21/3/1979 bình phản cho Tổng Cục chính trị Quân giải phóng (trong CMVH bị gọi là “điện Diêm Vương”).
- Ngày 23/8/1979 bình phản cho “sự kiện Dương, Dư, Phó” (tức Dương Thành Vũ – Phó Tổng Tham mưu trưỏng, Phó Sùng Bích và Dư Lập Kim – người phụ trách Quân khu thủ đô Bắc Kinh trong thời gian CMVH).
- Ngày 8/6/1979 bình phản cho Lục Định Nhất (nguyên Ủy viên dự khuyết BCT, phụ trách lĩnh vực tư tưỏng văn hoá) và Bộ Văn hóa.
Từ 4/8/1979 đến 25/2/1980, với phương châm có sai thì sửa…, Trung ương ĐCSTQ ra quyết định về việc xử lý một số vụ án xảy ra trước CMVH. Đã bình phản cho tiểu thuyết Lưu Chí Đan vì tiểu thuyết này không phải là tiểu thuyết chống Đảng, những ý kiến của Tập Trọng Huân về cuốn tiểu thuyết này là chính xác, không phải là hoạt động chống Đảng, không có cái gọi là “tập đoàn chống Đảng Tập Trọng Huân”… do Khang Sinh vu cáo.
- Ngày 14/10/1979 một số cán bộ đảng viên, dân chúng người dân tộc thiểu số, trong phong trào chống phái hữu năm 1957 và sau đó bị qui là chủ nghĩa dân tộc địa phương, được cởi mũ.
- Ngày 12/11/1979 hơn 700.000 ngàn tiểu thương, tiểu chủ bị đối xử như nhà tư bản trong cải tạo công tư hợp doanh được sửa sai, xác định lại thành phần.
- Ngày 31/12/1979 đã phúc tra được 241.000 vụ án oan, án sai, án giả trong 10 năm từ 1967-1976 (chiếm 83% tổng số) sửa được 131.000 vụ(53%). Ngoài ra còn phúc tra 507.000 vụ án hình sự, trong đó sửa được 358.000 vụ án sai. Tuy vậy vẫn còn 46.00 vụ án oan, án giả, án sai và hơn 500.000 vụ án hình sự chưa được phúc tra. Chỉ thị của Trung ương ĐCSTQ tỏ quyết tâm không để cho bất kỳ người nào chịu những án sai về chính trị.
- Ngày 29/2/1980 bình phản và 13/3/1980 tổ chức lễ truy điệu cho Lưu Thiếu Kỳ, xóa bỏ hết những tội lỗi gán ghép cho ông trong CMVH.
- Ngày 20/5/1980 bình phản cho La Thụy Khanh (Đại tướng, Tổng Tham mưu trưởng Quân giải phóng).
- Ngày 19/6/1980 bình phản cho tất cả những cán bộ Trung ương và địa phương cấp cao, cán bộ từ cấp Quân đoàn trở lên trong bộ đội bị điểm tên phê phán trên báo chí trong CMVH.
- Ngày 12/7/1980 bình phản cho An Tử Văn (nguyên Trưởng ban Tổ chức Trung ương) khi ông này vừa mất.
- Ngày 30/7/1980 Trung ương ĐCSTQ ra chỉ thị yêu cầu “ít tuyên truyền cá nhân”.
- Ngày 21/8/1980, trong khi tiếp phóng viên Italia, Đặng Tiểu Bình nói, Mao Trạch Đông có một đoạn thời gian phạm sai lầm, nhưng vẫn là người sáng lập ra ĐCSTQ và nước CHNDTH.
- Ngày 26/8/1980 bình phản cho Lý Đức Sinh bị “lũ bốn người” vu cáo trong thời gian CMVH.<
- Ngày 24/9/1980 bình phản cho cái gọi là “tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong” khôi phục danh dự cho tất cả những người có liên quan.
- Ngày 10/10/1980 bình phản cho diễn viên điện ảnh nổi tiếng Triệu Đan.
- Ngày 16/10/1980 Trung ương ĐCS TQ ra quyết định coi Khang Sinh và Tạ Phú Trị là những kẻ phẩm chất chính trị vô cùng xấu xa, đã trực tiếp cùng bè lũ Lâm Bưu, Giang Thanh âm mưu cướp đảng đoạt quyền, phạm tội ác rất nghiêm trọng, quyết định hủy bỏ diễn văn truy điệu (vì hai người này chết trước lúc CMVH kết thúc) khai trừ ra khỏi đảng, đưa tro xưong của họ ra khỏi Bát Bảo Sơn.
- Ngày 19/10/1980 bình phản cho Cù Thu Bạch, xóa bỏ lời buộc tội ông phản bội khi bị bắt trước khi bị giết trước đây.
- Ngày 23/10/1980 bình phản cho Dương Thượng Côn (là Chánh văn phòng Trung ương Đảng (sau khi được bình phản, có thời gian là Chủ tịch nước) bị vu cáo là đặt máy nghe trộm, tích cực tham gia hoạt động phản cách mạng, bị mất chức từ năm 1965).
- Ngày 6/11/1980 bình phản cho Dương Hiến Trân, nguyên Hiệu trưởng Trường Đảng cao cấp.
- Từ ngày 10-11đến ngày 5/12/1980 BCT ĐCSTQ họp, phê bình Hoa Quốc Phong. Hoa Quốc Phong xin từ chức Chủ tịch đảng và Chủ tịch quân ủy Trung ương. Hội nghị quyết định từ nay đến khi họp hội nghị Trung ương 6, Hoa Quốc Phong không chủ trì công tác Trung ương nữa, Hồ Diệu Bang thay thế làm Chủ tịch đảng và Đặng Tiểu Bình thay thế làm Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
- Ngày 25/11/1980 toà án đặc biệt Trung ương xét xử vụ án bè lũ Lâm Bưu và “lũ bốn người”, tất cả gồm 16 chủ phạm: Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn, Trần Bá Đạt, Tạ Phú Trị, Diệp Quần, Hoàng Vĩnh Thắng, Ngô Pháp Hiến, Lý Tác Bằng, Khưu Hội Tác, Lâm Lập Quả, Chu Vũ Trì, Giang Đằng Giao. Quyết định những người đã chết không kết án.
- Ngày 25/1/1981 Tòa án đặc biệt tuyên án xử tử hình Giang Thanh, Trương Xuân Kiều nhưng cho hoãn chấp hành 2 năm; xử Vương Hồng Văn tù chung thân, Diêu Văn Nguyên 20 năm tù giam, Trần Bá Đạt 18 năm, Hoàng Vĩnh Thắng 18 năm, Ngô Pháp Hiến 17 năm, Lý Tác Bằng 18 năm, Khưu Hội Tác 16 năm, Giang Đằng Giao 18 năm tù giam.
- Ngày 9/3/1981 bình phản cho Đặng Tử Khôi.
- Ngày 27/6/1981, hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa 11 của ĐCSTQ họp ra “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử của đảng từ khi xây dựng nước đến nay”. Nghị quyết sau khi khẳng định những thành tích đã đạt được, đã công khai đánh giá công, tội của Mao Trạch Đông, đánh giá Đại hội 9 và Đại hội 10 của ĐCSTQ, phê phán tội ác của Lâm Bưu và “lũ bốn người”, v.v. (sẽ trình bày ở phần dưới). Tại hội nghị này Hoa Quốc Phong chính thức mất chức Chủ tịch Đảng và Chủ tịch quân ủy Trung ương, sau đó không lâu cũng mất luôn chức Thủ tướng chính phủ, do Triệu Tử Dương thay thế.
- Ngày 9/9/1981 bình phản cho “Đảng Hồng Kỳ” bị Khang Sinh vu cáo từ những năm 1942 ở Diên An.
- Ngày 28/1/1982 thả toàn bộ tù binh Quốc Dân đảng từ cấp Trung đoàn trở xuống.
-Ngày 30/12/1982 Trung ương ĐCSTQ ra quyết định thanh lý “ba loại người” vì sau khi CMVH kết thúc vẫn còn một bộ phận thuộc những loại người này vẫn còn lọt lưới, chui vào các cơ quan chính quyền và đảng ủy các cấp trong cả nước (đến tháng 10/1983 còn có thông tri nhắc nhở: phải coi vấn đề này là nhiệm vụ quan trọng).
“Ba loại người” tức là: những kẻ theo tập đoàn Lâm Bưu, Giang Thanh tạo phản mà nổi đình đám; những người có tư tưởng bè phái nghiêm trọng; những phần tử đánh, đập phá, ăn cướp nghiêm trọng. Trong hơn 3 năm cố gắng đã xử lý được hơn 400.000 “3 loại người” trong đó có 43.070 người phạm sai lầm nghiêm trọng.
Để thấy rõ vấn đề, xin đưa môt vài ví dụ: ngoài Vương Hồng Văn ra còn có Từ Cảnh Hiền, Vương Tú Trân (những cán bộ, nhân viên công tác bình thường) chỉ trong mấy năm “ngồi tên lửa” đã trở thành Trung ương ủy viên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban cách mạng thành phố Thượng Hải, Khoái Đại Phú một trong 4 “tư lệnh hồng vệ binh” nổi tiếng trong thời kỳ đầu CMVH, Nhiếp Nguyên Tử – người viết bài báo chữ lớn đầu tiên, v.v. (số người này nhiều không kể hết và những người phạm tội nặng, sau khi kết thúc CMVH đều bị xử tù giam).
Để thấy hết tội lỗi của “3 loại người” xin nêu một số ví dụ.
Theo thống kê chưa đầy đủ chỉ trong tháng 8 năm 1966 tại Bắc Kinh với lý do khám nhà, bọn đập, cướp phá đã lấy đi 103.131 lạng vàng, 345.212 lạng bạc, 55,5 triệu tiền mặt và 613.688 đồ cổ (Trung Quốc tả họa, Nhà xuất bản Triều Hoa, Bắc Kinh, tháng 2 năm 1993, tr 419). Chỉ trong 66 ngày từ 13/8/ 1967 đến 17/10/1967 trong 10 khu và 36 công xã với 2.780 hộ ở huyện Đạo, tỉnh Hồ Nam đã có 4.519 người bị chết (bị giết 4.193 người, tự sát 326 người) (Trung Quốc tả họa, tr. 444).
Thủ đoạn giết người trong thời gian này là bắn, chém, dìm chết, thiêu đốt, ném xuống vực, chôn sống, treo cổ, quật chết (trẻ em).
Những thủ đoạn hành hạ người bị đấu tố vô cùng tàn nhẫn (qua sách báo, phim ảnh TQ xuất bản và chiếu ở Việt Nam đã thấy được một phần nên không nói nhiều ở đây, điển hình là cách đối xử với Lưu Thiếu Kỳ, Hạ Long, v.v.).
Mặc dù quân đội được coi là đội ngũ đáng tin cậy – bức trường thành trong CMVH – nhưng đã có tới hơn 80.000 quân nhân bị bức hại (trong đó có 8 Nguyên soái, 7 Đại tướng, 18 Thượng tướng), có 1.169 người bị bức hại đến chết.
Có hơn 34.000 người làm trong ngành công an, kiểm sát, tòa án bị bức hại trong đó bị chết hơn 1.100 người, bị đánh đập trở thành tàn tật hơn 3.600 người.
Vân vân.
Chú thích quan trọng:
Trong những vụ án bị kết tội trong thời gian này, có vụ án Lâm Bưu chưa được một số nhà nghiên cứu khoa học và một số người Trung Quốc đồng tình. Ngay sau khi vụ án xảy ra (13 tháng 9 năm 1971) không lâu trong dư luận Trung Quốc đã có người đòi xét lại vấn đề này. Từ đầu thế kỷ 21 đến nay càng có nhiều bài viết đòi hỏi minh oan cho Lâm Bưu. Tin gần đây nhất cho biết nhân dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân Giải phóng Trung Quốc ngày 1/8/2007 tại Bảo tàng quân đội Trung Quốc đã trung bày tượng Lâm Bưu bằng đồng, và nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày chiến thắng “Bình Hình Quan” ngày 24/9/2007 cũng đã dựng tượng Lâm Bưu bằng đồng tại nơi kỷ niệm là Sơn Tây, và nhân dịp 100 năm ngày sinh của Lâm Bưu ngày 12/9/2007 Lâm Lập Hằng con gái và hai mươi thân thích của Lâm Bưu đã tổ chức buổi gặp mặt (có hậu duệ của Trần Vân, Trần Nghị, Hạ Long, Đàm Chính, Đặng Hoa, v.v. tham dự). (Theo
http:// http://www.epochtimes.com/gb/7/12/13/n1940727.htm. Có thể coi vụ án này chưa giải quyết xong.
Mặc dù cho đến năm 1981, ĐCSTQ vẫn kết luận Trần Độc Tú (Tổng Bí thư đầu tiên của ĐCSTQ là theo chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh, nhưng đến năm 2002 ông đã được chiêu tuyết bình phản. Trong lời giới thiệu cuốn Lịch sử ĐCSTQ mới xuất bản đăng trên tạp chí Bách niên trào số 10 tháng năm 2002, Thạch Trọng Tuyền, Phó chủ nhiệm Ban Nghiên cứu lịch sử Trung ương ĐCSTQ đã viết: “Phải khẳng định công lao vĩ đại của Trần Độc Tú từ ngày thành lập đảng cho đến trước thời kỳ phong trào đại cách mạng”, “ông là một trong những người lãnh đạo chủ yếu của đảng ta”, hơn nữa “luôn luôn là lãnh tụ chủ yếu của đảng ta từ đại hội 1 đến đại hội 5 (tức từ năm 1921 đến năm 1928), uy tín của ông lúc đó trùm lên bất kỳ người nào khác”. Còn nói sai lầm của Trần Độc Tú chỉ là phạm “chủ nghĩa cơ hội hữu khuynh” chứ không phải là “chủ nghĩa đầu hàng hữu khuynh”.
Việc sửa sai này được thể hiện rõ khi Hội nghị Chính trị hiệp thương Trung Quốc họp kỳ họp thứ nhất khóa 10 (3/3/2003), người ta thấy trong danh sách những người tham dự có hai con gái Mao Trạch Đông là Lý Mẫn và Lý Nạp; con trai và con gái Đặng Tiểu Bình là Đặng Phác Phương và Đặng Nam và Trần Hồng cháu gọi Trần Độc Tú là ông nội. Qua việc này thấy Trần Độc Tú cuối cùng đã được đường hoàng ngồi vào hàng ngũ những người lãnh đạo ĐCSTQ.
Những vấn đề chưa giải quyết
Sau khi “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử…” ra đờì, nhân dân Trung Quốc hy vọng những vấn đề tương tự sẽ không xảy ra nữa, thế nhưng chỉ mấy năm sau, mấy sự kiện lớn đã xảy ra trong xã hội và ĐCSTQ, đó là:
1. Việc xử lý Hồ Diệu Bang.- Ngày 16/1/1987 Hội nghị BCT ĐCSTQ mở rộng họp, tại hội nghị Hồ Diệu Bang đã kiểm thảo trong thời gian làm Tổng Bí thư đã vi phạm nguyên tắc lãnh đạo tập thể của đảng, phạm một số sai lầm nghiêm trọng trong một số vấn đề trọng đại, và xin từ chức Tổng Bí thư. Những người tham dự đã nghiêm túc phê bình Hồ Diệu Bang, đồng ý chấp nhận đề nghị từ chức của Hồ Diệu Bang. Hội nghị cử Triệu Tử Dương làm Tổng Bí thư.
Cần lưu ý là trước đó từ trung tuần đến hạ tuần tháng 12/1986 một bộ phận sinh viên tại các trường đại học ở Hợp Phì (An Huy), Vũ Hán, Thượng Hải, Nam Kinh, Hàng Châu, Bắc Kinh đã diễu hành thị uy trên đường phố, hô to khẩu hiệu đòi dân chủ, gây ảnh hưởng nhất định dến trật tự giao thông. Đặng Tiểu Bình phát biểu cho rằng: học sinh diễu hành thị uy không thể gây ra việc lớn, nhưng xét về tính chất thì đây là vấn đề nghiêm trọng, nguyên nhân là do chống tự do hóa tư sản chưa đắc lực.
- Ngày 1/1/1987 xảy ra diễu hành thị uy lớn ở Bắc Kinh, tiếp đó ĐCSTQ đã ra quyết định khai trừ một số đảng viên có tên tuổi bị coi là dính líu vào phong trào học sinh như Vương Nhược Vọng, Chủ tịch Hội Nhà văn Thượng Hải, Phương Lệ Chi, Phó Hiệu trưởng Trường đại học Khoa học, Lưu Tân Nhạn, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc.
- Ngày 15/4/1989 Hồ Diệu Bang chết vì bệnh.
2. Việc xử lý Triệu Tử Dương.
- Ngày 16/4/1989, bắt đầu có người đến đặt vòng hoa tại quảng trường Thiên An Môn viếng Hồ Diệu Bang, ngoài ra còn có biểu ngữ, khẩu hiệu, báo chữ lớn chữ nhỏ công kích người lãnh đạo Trung ương và Chính phủ.
- Ngày 17-18/4/1989 diễu hành thị uy của học sinh qui mô lớn.
- Ngày 22/4 sau lễ truy điệu Hồ Diệu Bang, “Hội đoàn kết học sinh” thành lập, số học sinh tham gia phong trào ngày càng đông.
- Ngày 24/4/1989 Lý Bằng chủ trì hội nghị Thường vụ BCT, nhận định đây là cuộc đấu tranh chính trị chống Đảng chống chủ nghĩa xã hội có kế hoạch, có tổ chức, quyết định thành lập Tổ ngăn chặn. Đặng Tiểu Bình tán thành nhận định trên và cách làm.
- Ngày 27/4/1989 hơn 100.000 học sinh diễu hành thị uy trên đường phố.
- Ngày 9 và 10/5/1989 hơn 100 phóng viên của hơn 38 đơn vị tân văn, truyền thông cùng mấy vạn học sinh lại diễu hành thị uy.
- Ngày 13/5/1989 học sinh tổ chức tuyệt thực và ra tuyên ngôn tuyệt thực, trong 7 ngày liền có hơn 3.000 người tham gia tuyệt thực, học sinh chiếm đóng quảng trường Thiên An Môn, được nhiều cơ quan báo chí ủng hộ, số người tham gia biểu tình ngày càng đông, học sinh trong cả nước kéo tới Bắc Kinh tới trên 200.000 người. Bắc Kinh hỗn loạn. Triệu Tử Dương tỏ ra đồng tình với học sinh.
- Ngày 16/5/1989 Triệu Tử Dương lợi dụng cơ hội gặp Gocbachov và báo chí trực tiếp chĩa mũi nhọn vào Đặng Tiểu Bình, tình hình ngày càng xấu. Các thành phố lớn, thậm chí ở một số thành phố nhỏ cũng xuất hiện học sinh diễu hành thị uy, động loạn có xu hướng lan rộng ra cả nước.
- Ngày 19/5/1989 Trung ương ĐCSTQ triệu tập hội nghị các cơ quan dân, chính đảng và quân đội tại Bắc Kinh, tuyên bố dùng biện pháp quyết đoán ngăn chặn động loạn.
- Ngày 20/5/1989 tuyên bố thiết quân luật một phần ở Bắc Kinh.
- Ngày 3/6/1989 bộ đội từ nhiều hướng kéo vào trung tâm thành phố, trên đường đi gặp cản trở của một bộ phận người và chướng ngại vật do quần chúng dựng.
- Ngày 4/6/1989 bộ đội hoàn thành việc thanh lý quảng trường Thiên An Môn.
Chỉ trong mấy ngày động loạn này đã có hơn 1280 ô tô của quân đội, cảnh sát vũ trang… bị phá huỷ, trên 1.000 ôtô quân sự bị đốt cháy. Có hơn 60 xe bọc thép, một số vũ khí bị phá hỏng. Hơn 6.000 sĩ quan, binh sĩ và công an bị thương, bị chết hơn một chục người. Có trên 3.000 nhân viên phi quân nhân bị thương, khoảng 200 người bị chết.
Trên đây là những số liệu chính thức do chính quyền Trung Quốc công bố. Theo Tôn Phượng Minh tác giả cuốn Những câu chuyện của Triệu Tử Dương trong thời gian bị giam lỏng (Nhà xuất bản Khai Phóng, Hồng Công, 2007) thì có tới mấy chục vạn quân đội đã tham gia cuộc đàn áp này, số học sinh và quần chúng chết và bị thương rất nhiều.
Những nguyên nhân xảy ra sự kiện Thiên An Môn nói trên là do nhà đương quyền Trung Quốc đưa ra, để tham khảo sự kiện này cần đọc thêm cuốn sách nói trên của Tôn Phượng Minh (do Dương Danh Dy dịch).
- Ngày 23-24/6/1989 Hội nghị Trung ương ĐCSTQ lần thứ 4 khóa 12 họp nghe báo cáo “về những sai lầm mà đồng chí Triệu Tử Dương đã phạm phải trong cuộc động loạn chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội” đã quyết định cách chức Tổng Bí Thư, Phó Chủ tịch thứ nhất quân ủy Trung ương của Triệu Tử Dương và cử Giang Trạch Dân thay thế.
Chú thích quan trọng:
Một số dư luận và giới nghiên cứu Trung Quốc vẫn chưa đồng tình với những kết luận và xử lý sai lầm đối với Hồ Diệu Bang và Triệu Tử Dương cũng như cách định tính sự kiện Thiên An Môn 4-6-1989. Vào dịp trước khi Đại hội 17 ĐCSTQ họp đã có nhiều người ở trong và ngoài nước lên tiếng đòi bình phản cho hai ngưòi và sự kiện trên.
III. Cách giải quyết và xử lý
Trên đây đã giới thiệu một số vấn đề lịch sử được ĐCSTQ bình phản trong thời gian qua (và cả một số vấn đề chưa giải quyết). Xin trình bày thêm về một số vụ điển hình:
- Phong trào “chống phái hữu”. Nguồn gốc của phong trào này bắt đầu từ cuộc chỉnh phong: chỉnh đốn chủ nghĩa chủ quan, chủ nghĩa bè phái và chủ nghĩa quan liêu nhằm khắc phục hiện tượng Đảng ngày càng thoát ly quần chúng, triển khai tháng 3 năm 1957. Ngày 30 tháng 5 năm 1957, Mao Trạch Đông mời đại biểu các đảng phái dân chủ và nhân sĩ ngoài Đảng dự cuộc tọa đàm, hoan nghênh họ giúp đỡ ĐCSTQ chỉnh phong. Sau đó Ban Mặt trận thống nhất Trung ương ĐCSTQ đã nhiều lần triệu tập hội nghị trưng cầu ý kiến nhân sĩ ngoài Đảng về công tác của đảng. Trước những lời kêu gọi đó, phong trào chỉnh phong được tiến hành vô cùng sôi nổi. Đa số người đã góp nhiều ý kiến và kiến nghị chính xác cho Đảng và Chính phủ, nhưng có một số cực ít người có ý đồ xấu, muốn nhân dịp này công kích và đòi chia xẻ quyền lãnh đạo với ĐCSTQ. Trung tuần tháng 5/1957, Trung ương ĐCSTQ và Mao Trạch Đông đánh giá tình hình và cho rằng tình hình đã thay đổi, ra chỉ thị “Tổ chức lực lượng phản kích sự tấn công điên cuồng của phái hữu”. Ngày 1/7/1957 Mao Trạch Đông viết xã luận Nhân dân nhật báo phê phán Chưng Nãi Khí và La Chương Long, đều là nhân sĩ ngoài Đảng, qua đó chỉ ra phái hữu của giai cấp tư sản là phái phản động chống cộng, chống nhân dân, chống chủ nghĩa xã hội, đẩy phong trào chống hữu lên cao trào, mở rộng diện đấu tranh chụp mũ cho rất nhiều nhân sĩ, phần tử trí thức trong ngoài Đảng. Phong trào này cơ bản kết thúc vào mùa hè năm 1958 (khoảng một năm) mặc dù không kéo dài nhưng đã có tới 552.877 người bị qui là phái hữu (trong đó có những sinh viên vừa tốt nghiệp đại học như cựu Thủ tướng Chu Dung Cơ, hoặc những kỹ thuật viên chưa đến 18 tuổi).
Trung ương ĐCSTQ đã nhanh chóng phát hiện được sai lầm. Từ năm 1959 bắt đầu sửa sai một phần, đến năm 1964 đã sửa sai được 5 đợt. Từ tháng 4/1978 tiếp tục sửa sai, tổng cộng đến tháng 5/1980 đã cởi bỏ mũ phái hữu cho 540.000 người và vẫn còn hơn 10.000 người nữa. Tiếp tục điều tra và sửa sai đến cuối năm đã đưa ra kết luận cuối cùng: Trong số 552.000 người bị qui là phái hữu chỉ có 96 người không được bình phản, xác suất chưa tới hai phần vạn (cứ qui 10.000 người chỉ đúng chưa tới hai người).
Những người bị qui sai đều là những đồng chí tốt, cán bộ tốt, trí thức tốt, vì vậy phong trào đã tạo thành tổn thất nghiêm trọng cho đảng và nhà nước Trung Quốc.
- Vụ Hồ Phong. Hồ Phong là nhà lý luận, phê bình văn học nổi tiếng. Từ năm 1933 đã cùng Lỗ Tấn đấu tranh chống “văn hóa vây quét” của bọn Quốc Dân đảng phản động. Năm 1936 cùng Lỗ Tấn, Phùng Tuyết Phong (người cũng bị xử lý trong phong trào chống phái hữu) nêu khẩu hiệu “Văn học đại chúng”. Từ sau 1949 là Ủy viên thường vụ Hội nghị Chính trị Hiệp thương toàn quốc. Do có lý luận văn nghệ độc đáo và ảnh hưởng cá nhân to lớn nên được mọi người chú ý, được coi là “tư tưởng văn nghệ Hồ Phong” (phải chăng đây chính là lý do khiến ông bị phê phán và đấu tố?). Năm 1954, từ một vấn đề văn nghệ đơn thuần, ông bị nâng lên là “phản cách mạng”. Có hơn 2.000 người (cả trong đảng và ngoài đảng) bị qui kết liên quan tới vụ án, trong đó có 78 người được xếp vào “tập đoàn Hồ Phong”. Ông bị giam 10 năm ở ngục Tần Thành (1955-1965) mới được đưa ra xét xử và bị kết án 14 năm tù giam, và mãi đến tháng 1/1979 mới được thả, tổng cộng sống trong tù 24 năm. Ngày 18/6/1988 ông mới được bình phản toàn diện, nhưng đáng tiếc là ông đã mất ngày 8/6/1985 (Xem thêm bài Vài nét về cái gọi là “Vụ án tập đoàn phản cách mạng Hồ Phong của Dương Danh Dy, đăng trên tạp chí Xưa & Nay số 125 tháng 10/2002).
- Vụ Đinh Linh. Đinh Linh, nữ văn sĩ, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Ủy viên Thường vụ Hội Nhà văn Trung Quốc, tác giả tiểu thuyết Mặt trời chiếu trên sông Tang Càn, được giải thưởng văn học Stalin và đã được dịch ra tiếng Việt, năm 1958 bị qui là “tập đoàn chống Đảng” đưa đi lao động cải tạo ở Bắc Đại Hoang, năm 1970 bị qui là tội phạm quan trọng, bị giam ở nhà ngục Tần Thành, năm 1978 mới được tha, đến ngày 1/8/1984 mới được khôi phục danh dự.
- Vụ “thôn ba nhà”. Tháng 10/1962, Đặng Thác (Tổng biên tập Nhân dân nhật báo, Bí thư thành ủy Bắc Kinh), Ngô Hàm (nhà lịch sử, Phó thị trưởng thành phố Bắc Kinh), Liêu Mạt Sa (nhà thơ) mở mục “Bút ký thôn ba nhà” trên báo Bắc Kinh buổi chiều chuyên đăng các bài tạp văn, tùy bút khôi hài, đả kích các thói hư tật xấu của mọi người – có thể ngầm hiểu là cả người lãnh đạo cao nhất, rất có ảnh hưởng. Ngày 10/5/1966 bị phê phán là “một cuộc tiến công lớn vào chủ nghĩa xã hội có mục đích, có kế hoạch, có tổ chức được dày công sắp đặt” là “ngọn cỏ độc chống Đảng, chống chủ nghĩa xã hội”… Đặng Thác bị truy bức đến mức phải tự sát, Ngô Hàm bị bức hại đến chết năm 1969, Liêu Mạt Sa bị bắt giam. Tháng 7/1979 “vụ án” này được bình phản, ba người được khôi phục hoàn toàn danh dự.
- Cái gọi là ”Cách mạng văn hóa” kéo dài hơn 10 năm, thực chất là một cuộc nội chiến, động loạn lớn, trên 20 triệu người bị đả kích bức hại, chưa rõ số người chết là bao nhiêu (có số liệu nói là trên 20 triệu người bị chết). Từ Chủ tịch nước, Ủy viên Bộ chính trị, Phó Thủ tướng, Nguyên soái, Đại tướng, nhà thơ, nhà văn nổi tiếng (như Lão Xá) cho đến nhiều cán bộ và người dân bình thường đã bị các vụ án oan, án giả, án sai cũng như sự bức hại của “ba loại người” đến mức ngậm oan mà chết hoặc phải tự kết liễu đời mình. Tổn thất về kinh tế lên tới hơn 500 tỷ nhân dân tệ, nền kinh tế Trung Quốc đứng bên bờ vục thẳm của sự sụp đổ. Vết thương do nó tạo ra khiến một số người lãnh đạo Trung Quốc sau khi CMVH vừa kết thúc đã tỏ ý lo lắng rằng phải mấy thế hệ mới giải quyết được (trên thực tế đã có cái gọi là “Văn học vết thương” tồn tại trên mười năm sau CMVH).
Để xử lý, giải quyết những vụ án lịch sử nhiều không kể xiết ấy, trong nội bộ lãnh đạo ĐCSTQ đã có sự đấu tranh quyết liệt. Tiêu biểu cho những người kiên trì giữ nguyên hiện trạng là Hoa Quốc Phong. Ngày 7 tháng 2 năm 1977, xã luận của hai tờ báo, một tạp chí (tức Nhân dân nhật báo, Giải phóng quân báo và tạp chí Hồng kỳ) đã đăng bài xã luận, trích lời nói của Hoa Quốc Phong (lúc đó là Chủ tịch đảng, Chủ tịch quân ủy Trung ương, Thủ tướng Chính phủ) rằng: “phàm là chỉ thị do Mao Chủ tịch đã đưa ra, chúng ta đều kiên quyết ủng hộ; phàm là chỉ thị của Mao Chủ tịch, chúng ta đều trước sau như một tuân theo”. Câu nói đó được coi là một trong những phương châm chỉ đạo trong thời kỳ mới. Sau này, ngày 10/3/1977 trong hội nghị Trung ương, Hoa Quốc Phong còn nói thêm: “phàm là những quyết sách của Mao Chủ tịch đều phải ủng hộ; phàm là những lời nói, hành động tổn hại đến hình tượng của Mao Chủ tịch đều phải ngăn chặn”. Sau khi được phục hồi công tác, Đặng Tiểu Bình và một số người lãnh đạo khác đã kiên quyết ngăn chặn chủ trương trên. Tại hội nghị Trung ương lần thứ 6 khóa 11 họp tháng 6 năm 1981, “hai cái phàm là” là một trong những nguyên nhân khiến Hoa Quốc Phong bị phê phán và mất các chức vụ quan trọng đã đề cập trên, vì phương châm này đã ngăn chặn, làm chậm trễ việc giải quyết các vụ án oan, án giả, án sai trước CMVH cũng như việc xử lý “3 loại người” trong CMVH.
Phương châm sửa sai. Những đánh giá về Mao Trạch Đông
Ngay sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời và “lũ bốn người” bị bắt không lâu, một số cán bộ lão thành cách mạng Trung Quốc đang còn giữ được cương vị lãnh đạo lúc đó đã kịp thời đưa ra chủ trương, nguyên tắc rất kiên quyết, rất được lòng người: “Có sai phải sửa, sai toàn bộ phải bình phản toàn bộ, sai bộ phận phải bình phản bộ phận, không sai không bình phản” và “thành tựu là chủ yếu, nhưng không cho phép xem nhẹ sai lầm” để căn cứ vào đó mà đánh giá đúng, sai, công, tội của các tổ chức và cá nhân, bất kỳ là ai; do đó đã bình phản và khôi phục, đưa được một số người lãnh đạo cũ bị đánh đổ ra công tác, tăng cưòng thêm lực lượng (như trường hợp Đặng Tiểu Bình). Trần Vân là một trong những nhà lãnh đạo đi hàng đầu trong công tác sửa sai. Ông có câu nói bất hủ: “Thế hệ chúng ta phải có trách nhiệm giải quyết xong những vấn đề lịch sử để lại, không được đùn đấy cho thế hệ sau” (Trần Vân văn tuyển).
Khó khăn nhất trong việc giải quyết những vấn đề lịch sử để lại là đánh giá công tội, đúng sai của Mao Trạch Đông, qua các thời kỳ, kể từ ngày thành lập nước CHNDTH, vì ông là người vừa được coi là “cứu tinh” của dân tộc Trung Hoa, từng được đề cao như một ông thánh, một người thầy vĩ đại, một lãnh tụ thiên tài của nhân dân Trung Quốc, nhưng trên thực tế cũng là người gây ra nhiều tai họa, nhiều đau thương nhất cho dân chúng và đất nước Trung Quốc. ĐCSTQ đã giải quyết vấn đề gay cấn này như thế nào? “Nghị quyết về một số vấn đề lịch sử..” viết:
Đánh giá những sai lầm của Mao Trạch Đông trước CMVH- “Năm 1957, Đảng triển khai phong trào chỉnh phong, phát động quần chúng đề xuất phê bình, kiến nghị với Đảng là một bước đi bình thường, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa. Nhưng một số cực ít phần tử phái hữu đã thừa cơ cổ xúy cho cái gọi là “trăm hoa đua nở trăm nhà đua tiếng”, phát động tiến công một cách bừa bãi vào Đảng cà chủ nghĩa xã hội mới ra đời, ý đồ thay thê sự lãnh đạo của Đảng, tiến hành phản kích kiên quyết cuộc tấn công đó là hoàn toàn chính xác và cần thiết. Thế nhưng cuộc đấu tranh chống phái hữu do đồng chí Mao Trạch Đông phát động đã bị mở rộng một cách vô cùng nghiêm trọng, đã qui sai một loạt trí thức, nhân sĩ yêu nước và cán bộ trong Đảng là “phần tử phái hữu” tạo ra hậu quả bất hạnh…”.
“Năm 1958, hội nghị lần thứ hai Đại hội 8 thông qua đường lối chung xây dựng chủ nghĩa xã hội… Thế nhưng do chưa đủ kinh nghiệm xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhận thức không đầy đủ qui luật phát triển kinh tế và do đồng chí Mao Trạch Đông, do không ít đồng chí lãnh đạo Trung ương và địa phương, trước những thắng lợi đã nảy sinh tâm tình kiêu ngạo, tự mãn, muốn thành công gấp, khuếch đại tác dụng của ý chí chủ quan, nỗ lực chủ quan, không trải qua nghiêm túc điều tra, nghiên cứu, làm thử đã khinh suất phát động phong trào “nhảy vọt lớn” và phong trào công xã nhân dân khiến cho sai lầm tả khuynh lấy chỉ tiêu cao, chỉ huy mù quáng, làn gió ba hoa và “làn gió cộng sản” làm tiêu chí chủ yếu đã lan tràn nghiêm trọng… Tại thời kỳ sau của hội nghị Lư Sơn (7/1959) đồng chí Mao Trạch Đông đã phát động một cách sai lầm đợt phê phán đồng chí Bành Đức Hoài tiến tới triển khai một cách sai lầm cuộc đấu tranh “chống phái hữu”. Nghị quyết phê phán cái gọi là “tập đoàn chống đảng Bành Đức Hoài, Hoàng Khắc Thành, Trương Văn Thiên, Chu Tiểu Châu” là hoàn toàn sai lầm. Cuộc đấu tranh này về chính trị đã làm cho sinh hoạt dân chủ trong Đảng từ Trung ương đến cơ sở bị tổn hại nghiêm trọng; về kinh tế làm gián đoạn tiến trình uốn nắn sai lầm tả khuynh, cộng thêm ba năm bị thiên tai nghiêm trọng đã làm rất nhiều người bị chết vì đói và vì bệnh [có tư liệu nói là 20 triệu người]”.
“Mọi thành tựu trong thời gian này đều do sự lãnh đạo tập thể của Trung ương Đảng, đứng đầu là đồng chí Mao Trạch Đông. Những sai lầm cũng vậy, trách nhiệm là ở tập thể, đồng chí Mao Trạch Đông chịu trách nhiệm chủ yếu nhưng không thể qui hết mọi sai lầm vào đồng chí Mao Trạch Đông. Trong thời gian này sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông về lý luận và thực tiễn đấu tranh giai cấp trong xã hội chủ nghĩa đã phát triển ngày càng nghiêm trọng, tác phong độc đoán chuyên quyền cá nhân của đồng chí đã từng bước làm tổn hại chế độ tập trung dân chủ của đảng, hiện tượng sùng bái cá nhân phát triển từng bước, Trung ương Đảng không uốn nắn kịp thời những sai lầm đó. Bọn dã tâm Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh đã dụng tâm lợi dụng và giúp cho những khuyết điểm ấy phát triển lên. Những điều đó đã dẫn tới CMVH”.
Đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông đối với Cách mạng văn hoá- “Nghị quyết…” cho rằng những luận điểm để Mao Trạch Đông phát động CMVH như: “một loạt lớn nhân vật đại biểu của giai cấp tư sản, phần tử xét lại phản cách mạng đã chui vào đảng vào chính quyền vào quân đội và vào các giới lãnh đạo văn hóa; quyền lãnh đạo của đa số tương đối lớn đơn vị đã không còn trong tay những người macxit và nhân dân quần chúng. Phái đương quyền đi con đường tư bản ở Trung ương đã hình thành một Bộ tư lệnh tư sản, nó có dường lối chính trị và đường lối tổ chức của chủ nghĩa xét lại… Các loại đấu tranh trước đây không thể giải quyết vấn đề, chỉ có thực hiện đại CMVH vô sản, phát động quần chúng một cách công khai, toàn diện, từ trên xuống dưới, vạch trần những mặt đen tối nói trên mới có thể cướp lại quyền lực đã bị phái đương quyền cướp đoạt. Thực chất đây là một cuộc cách mạng chính trị, giai cấp này lật đổ giai cấp khác, sau này còn phải tiến hành nhiều lần” là “không phù hợp với chủ nghĩa Mác-Lênin cũng vừa không phù hợp với thực tế Trung Quốc. Những luận điểm này trong đánh giá tình hình giai cấp nước ta lúc đó cũng như tình trạng chính trị của Đảng và nhà nước là hoàn toàn sai lầm.” Cụ thể là:
- Đã tiến hành đấu tranh sai lầm với cái gọi là “tập đoàn phản Đảng Bành Chân, La Thuỵ Khanh, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn” và cái gọi là” Bộ tư lệnh Lưu Thiếu Kỳ, Đặng Tiểu Bình”.- Tiến hành cải tổ sai lầm đối với cơ cấu Trung ương Đảng, thành lập cái gọi là “Tổ Văn cách Trung ương” để cho Tổ này nắm bộ phận quyền lực rất lớn của Trung ương.
- Sự lãnh đạo sai lầm tả khuynh của đồng chí Mao Trạch Đông trên thực tế đã thay thế sự lãnh đạo tập thể của Đảng, sùng bái cá nhân đồng chí Mao Trạch đông đã được cổ xúy đến trình độ cuồng nhiệt. Bọn Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh… đã lợi dụng, thừa cơ kích động “đả đảo tất cả, nội chiến toàn diện”.
- Một số đồng chí như Đàm Chấn Lâm, Trần Nghị, Diệp Kiếm Anh… khi phê bình cách làm sai lầm của CMVH đã bị vu cáo là “dòng nước ngược” bị chèn ép, đả kích.- Sự kiện Lâm Bưu bỏ chạy ngày 13/9/1971 về khách quan đã tuyên bố sự thất bại về lý luận và thực tiễn của CMVH vô sản.
- Trong sự kiện Thiên An Môn (tháng 4/1976), Bộ Chính trị và đồng chí Mao Trạch Đông đã đưa ra phán đoán sai lầm về tính chất của sự kiện, hơn nữa còn sai lầm tước bỏ mọi chức vụ trong và ngoài đảng của đồng chí Đặng Tiểu Bình.
Nghị quyết nhấn mạnh: “Đồng chí Mao Trạch Đông có trách nhiệm chủ yếu về những sai lầm nghiêm trọng, tả khynh, kéo dài có tính toàn cục của CMVH”, “đồng chí luôn luôn kiên trì sai lầm của CMVH”, “đồng chí dần dần kiêu ngạo lên, dần dần thoát ly thực tế và thoát ly quần chúng, chủ nghĩa chủ quan và tác phong chuyên quyền độc đoán ngày càng nghiêm trọng, ngày càng bao trùm lên Trung ương, khiến nguyên tắc lãnh đạo tập thể và chế độ tập trung dân chủ trong sinh hoạt chính trị của đảng không ngừng bị suy yếu rồi đến bị phá hoại”.
Mặc dù đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông là rất nghiêm trọng, nhưng ĐCSTQ đã không phủ định ông, mà cho rằng “thế nhưng sai lầm của đồng chí Mao Trạch Đông rốt cuộc vẫn là sai lầm của một nhà cách mạng vô sản vĩ đại phạm phải”, “trong lúc phạm sai lầm nghiêm trọng đồng chí vẫn nhiều lần yêu cầu toàn đảng nghiêm túc học tập các tác phẩm của Mác-Lênin, vẫn trước sau cho rằng lý luận và thực tiễn của mình là chủ nghĩa Mác”, “đồng chí cũng ngăn chặn và uốn nắn một số sai lầm cụ thể, bảo vệ một số cán bộ lãnh đạo của Đảng và nhân sĩ nổi tiếng ngoài Đảng, làm cho một số cán bộ phụ trách lại dược trở lại cương vị lãnh đạo quan trọng”, “đồng chí đã lãnh đạo cuộc đấu tranh đập tan tập đoàn phản cách mạng Lâm Bưu, ngăn chặn dã tâm cướp quyền của “lũ bốn người”, “đất nước vẫn duy trì được thống nhất và phát huy ảnh hưởng quan trọng trên thế giới.” “ Vì những cái đó, đặc biệt là vì những cống hiến vĩ đại của đồng chí đối với sự nghiệp cách mạng lâu dài, nên nhân dân Trung Quốc mãi mãi coi đồng chí Mao Trạch Đông là lãnh tụ và người thầy vĩ đại, kính yêu của mình”.
Ngoài việc đánh giá sai lầm của Mao Trạch Đông qua các thời kỳ, “Nghị quyết…” đã đánh giá hai Đại hội 9 (tháng 4/1969) và Đại hội 10 (tháng 8/1973) của ĐCSTQ như sau:“Đại hội 9 đã hợp pháp hóa sai lầm lý luận và thực tiễn của CMVH. Tăng cường địa vị cho bọn Lâm Bưu, Giang Thanh, Khang Sinh trong Trung ương Đảng. Phương châm chỉ đạo về tư tưởng, về chính trị, về tổ chức của Đại hội 9 đều sai lầm”.“Đại hội 10 của Đảng vẫn tiếp tục sai lầm tả khuynh của Đại hội 9, hơn nữa còn đưa Vương Hồng Văn lên làm Phó Chủ tịch Đảng; bọn Giang thanh, Trương Xuân Kiều, Diêu Văn Nguyên, Vương Hồng Văn kết thành “lũ bốn người” trong BCT, thế lực tập đoàn phản cách mạng Giang Thanh được tăng cường”.
(Những đánh giá này có thể coi là sự phủ định hoàn toàn hai Đại hội đảng toàn quốc, một sự kiện có một không hai trong lịch sử ĐCSTQ)Một số nhận định
Những sai lầm của ĐCSTQ và người lãnh đạo chủ yếu – Mao Trạch Đông – trong thời gian từ năm 1949 đến năm 1976 rất nghiêm trọng, làm tổn hại đến sinh mệnh và tài sản của hàng trăm triệu nhân dân Trung Quốc (có tư liệu nước ngoài nói: “nhảy vọt lớn” và “đại CMVH” đã làm chết khoảng 40 triệu người và hàng trăm triệu người bị lâm vào cảnh tù đày, đấu tố; cuốn Mao TRạch Đông ngàn năm công tội của Tân Tử Lăng, Nhà xuất bản Thư tác phường, 2007 (tái bản 2008) thống kê con số bị chết trong cả hai cuộc “đại” ấy là 55 triệu 550 nghìn người). Một câu hỏi được đặt ra: vì sao nhân dân, đảng viên ĐCSTQ lại cam chịu, không đứng lên chống lại?
Câu trả lời là: ngoài sự trấn áp dữ dội bằng quân sự sẽ có ngay nếu động loạn xảy ra, những người lãnh đạo Trung Quốc thường phát hiện được sai lầm khá sớm, sau đó họ lặng lẽ sửa sai một phần (xem phần nói về chống phái hữu, hay phần nói Mao Trạch Đông bảo vệ được một số lãnh đạo quan trọng trong CMVH) nên đã làm dịu được lòng người.
Câu hỏi trên không có ý nói tinh thần đấu tranh của nhân dân Trung Quốc không kiên cường mà muốn nhấn mạnh tai họa giáng xuống đầu mỗi người dân Trung Quốc rất lớn nhưng vì đại cục, vì tin tưởng vào Đảng, vào lãnh tụ nên những người cộng sản và đại đa số nhân dân Trung Quốc đành cam chịu, nhưng phần lớn vẫn kiên trì đấu tranh (dù là lâu dài) với phương châm và biện pháp rất kiên quyết nhưng cũng rất linh hoạt như: có sai phải sửa, việc dễ làm trước, việc khó làm sau, giải quyết từng phần tiến tới giải quyết toàn bộ, đời trước chưa xong thì đợi đến đời sau nhưng cuối cùng thì chân lý phải thắng.
Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh rằng, chỉ sau khi Chủ tịch Mao Trạch Đông qua đời, “lũ bốn người” bị bắt thì công việc sửa sai mới có thể tiến hành một cách toàn diện và tương đối triệt để (ngoại trừ vụ Lâm Bưu trước đó và vụ Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương sau này giải quyết còn dở dang).
Vì lợi ích của đất nước, Trung Quốc vẫn duy trì thần tượng Mao Trạch Đông một cách giới hạn và ngày một giảm dần, nhưng việc tiến hành mổ xẻ, phê phán nghiêm khắc những việc làm sai lầm của ông và những tổn thất do ông gây ra cho nhân dân, đất nước (“tội của Mao Chủ tịch một đoàn xe lửa chở cũng không hết” – Báo chữ lớn trong CMVH – Dương Danh Dy ghi) đã khiến nhiều cán bộ đảng viên và người dân bị tai nạn, dịu bớt nỗi đau. Đặc biệt là việc bình phản cho những án oan án sai án giả (có thể nói là “tiếng oan dậy đất”) cho tất cả những người vô tội, dù đông tới hàng chục triệu người (suy ra từ 2,9 triệu người bị liên quan trực tiếp) đã khiến nhiều người mừng rơi nước mắt, quên hết oán giận.
Đặc biệt đã xử lý nghiêm khắc bọn đầu sỏ và những phần tử thuộc “3 loại người” không nhẹ tay với bất kỳ ai, ví dụ như:
- Giang Thanh, dù là vợ Chủ tịch Mao Trạch Đông vẫn bị kết án tử hình (hoãn thi hành hai năm).
- Mao Viễn Tân, dù là cháu gọi Chủ tịch Mao Trạch Đông bằng bác ruột, con liệt sĩ cách mạng cũng bị xử 17 năm tù giam, tước đoạt quyền lợi chính trị 4 năm.
- Khang Sinh một kẻ dã tâm, trước khi chết là Phó Chủ tịch ĐCSTQ nên được hưởng mọi tiêu chuẩn đãi ngộ của chức vụ này, nay bị tước bỏ diễn văn truy điệu (vì ca ngợi công lao của hắn), khai trừ khỏi Đảng và đưa tro xương ra khỏi Bát Bảo Sơn. Tạ Phú Trị, UVBCT, Phó Thủ tuớng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng bị xử lý như vậy.
- Hơn 400.000 phần tử thuộc “3 loại người” bị xử lý, trong đó có 43.074 người phạm sai lầm nghiêm trọng (như Mao Viễn Tân, Khoái Đại Phú, Nhiếp Nguyên Tử… đều bị khai trừ Đảng và bị tù gần hai mươi năm).
V.v.
Cách giải quyêt và xử lý kiên quyết với những kẻ phạm tội đó đã làm cho bao nhiêu nạn nhân và gia đình những người bị hại trong CMVH mát lòng hả dạ, vợi đi những đau thương.
Chính những sửa sai nói chung là chính xác, thỏa tình đạt lý, được quán triệt đến từng người dân, đã khiến cho bao nhiêu oan ức tủi hờn, đau thương mà họ và gia đình họ phải chịu dựng trong thời gian dài (có một số người là rất dài, hết cả đời người hoặc có người không còn sống để thấy ngày bình phản) được giải tỏa, bao nhiêu oán hận được quên đi, tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc hăm hở, phấn chấn bước vào cuộc cải cách, mở cửa vĩ đại do ĐCSTQ phát động năm 1978 nhằm “chấn hưng Trung Quốc”. Họ dường như đã nhanh chóng quên được quá khứ đầy nước mắt để chung lòng chung sức phấn đấu vì mục tiêu chung nhờ đó Trung Quốc đã đạt được những thành tựu to lớn mà ai cũng thấy.
IV. Mấy đề nghị nhỏ
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) đã dẫn dắt nhân dân Việt Nam đạt được những thành tựu vô cùng to lớn. Tuy vậy Đảng ta cũng mắc phải một số thiếu sót, sai lầm.
Theo thiển ý cá nhân, trong tiến trình giải quyết những thiếu sót, sai lầm đó, Đảng ta đã rất thành công trong việc sửa sai Cải cách ruộng đất hồi miền Bắc mới được giải phóng. Do Đảng ta đã thẳng thắn, công khai thừa nhận sai lầm của mình nên những người bị qui sai thành phần thành địa chủ, phú nông, bị xử lý oan trong cải cách ruộng đất và gia đình họ đã rơi nước mắt khi được giải phóng, họ cám ơn Đảng và càng tin tưởng vào Đảng hơn. Tiếc rằng sau đó những sự việc tương tự không diễn ra nữa.
- Vụ “Nhân văn giai phẩm”, xử lý quá nặng, nhưng không dám sửa đến nơi đến chốn, mà chỉ làm một cách nửa vời, như gần đây tặng giải thưởng nhà nước cho tác phẩm của bốn nhân vật chủ yếu của “Nhân Văn, Giai phẩm” hồi đó. Tại sao không dám nhận sai và sửa sai triệt để và nêu tên những người đã xử lý sai?
- Vụ cái gọi là “nhóm chống đảng trong và ngoài quân đội”. Xin hỏi họ mắc tội gì? Sao không dám công khai? Nếu họ không có tội, thì ai là người dựng nên chuyện và xử lý? Người viết bài này từng có quan hệ khá thân thiết với một vài đồng chí trong nhóm này (có người còn sống, có người đã mất) được biết những lý do để xử lý các đồng chí ấy là không thể chấp nhận được, và người đứng ra làm việc đó ai cũng biết cả. Tại sao Đảng ta đến tận bây giờ vẫn im lặng, không dám nhận sai và sửa sai triệt để?
- Nhiều vụ công dân bị lặng lẽ bắt đi cải tạo, giam giữ mà không hề có lệnh của cơ quan có trách nhiệm (không biết là bao nhiêu người), bản thân họ và thân thuộc bị phân biệt đối xử và phải sống trong kỳ thị một thời gian dài. Đảng ta có ý định sửa sai cho những người dân vô tội này không?
- Đã đến lúc phải nghiêm túc, công khai đặt vấn đề và tiến hành đánh giá công tội, đúng sai cho một số nhân vật lịch sử mà trước đây do một số người trong Đảng ta nhận định chưa chính xác, nên đã tạo ra những ngộ nhận về họ như Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Trần Trọng Kim, v.v. Ngay cả một số người trong Chính quyền Sài Gòn trước đây như Trần Văn Hữu, v.v. hoặc sự hy sinh của các sỹ quan và binh lính Sài Gòn trong cuộc chiến đấu tại quần đảo Hoàng Sa năm 1974 cũng nên được xem xét tới.
Tôi trộm nghĩ, so với những sai lầm và tai họa mà ĐCSTQ và Chủ tịch Mao Trạch Đông gây cho các đảng viên ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc thì những sai lầm của Đảng ta không thấm vào đâu. Những vết thương tự gây ra trên mình ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc sưng tấy, đầm đìa máu mủ, tưởng rằng không thể chữa được hoặc phải một thời gian rất dài mới có thể chữa lành. Thế nhưng do dám dũng cảm nhìn thẳng vào sai lầm, thấy được trách nhiệm của mình và cao hơn cả là vì mục tiêu đoàn kết toàn dân, phấn đấu đưa Trung Quốc tiến lên thành một cường quốc, những người lãnh đạo Trung Quốc đã cương quyết tiến hành sửa sai dù phải qua nhiều khó khăn, sức cản, tốn kém rất nhiều công sức và tiền của. Đến nay xem ra họ đã thành công (ngoại trừ mấy tồn tại nêu trên).
Cuối cùng người viết bài này xin mạnh dạn đề nghị: Đảng ta cũng cần phải dũng cảm đánh giá một cách khoa học một số nhân vật trong đảng đã thành lịch sử. Sau khi đọc tập sách viết về một số người lãnh đạo chủ chốt của Đảng ta, tôi có cảm tưởng là đồng chí nào cũng mình đầy công lao, ưu điểm, sáng suốt không hề có một tí khuyết điểm nào. Nếu các đồng chí ấy đều tài đức như vậy thì vì sao đất nước chúng ta phải lâm vào cuộc đối đầu căng thẳng với người láng giềng phương Bắc trong gần hai chục năm (trong đó có cuộc chiến tranh biên giới mà đến bây giờ vì “đại cục” chúng ta không dám công khai nói tới nửa câu?). Vì sao nhân dân ta phải sống cực khổ, đất nước ta bị bao vây cấm vận mười mấy năm ròng sau ngày thống nhất đất nước, tụt hậu một bước dài so với các nước trong khu vực? Vì sao Đảng ta chỉ tổng kết 20 năm cải cách đổi mới mà không tổng kết mười năm trước đó? V.v.
Vô cảm trước những đau thương, chịu đựng của đồng chí, đồng bào, gác vấn đề lại làm như không biết, hoặc chỉ sửa sai nhỏ giọt, hoặc sợ sệt, nhát gan không dám nhìn thẳng vào sự thật…, đều không phải là thái độ của những người macxit chân chính. Hiện nay những người trong cuộc vẫn còn nhiều, đánh giá lại một số sự kiện và nhân vật lịch sử vào lúc này sẽ dễ hơn nhiều nếu như Đảng ta để lại vấn đề đó cho thế hệ sau.
Người viết bài này đã nghiên cứu, chăm chú theo dõi việc ĐCSTQ giải quyết một số vấn đề lịch sử trong đảng họ từ năm 1979 đến nay (2007). Những đề nghị nhỏ nói trên không phải là suy nghĩ nhất thời mà là sự nghiền ngẫm suy nghĩ từ nhiều năm, là tâm huyết của một người nghiên cứu và trên hết là lời nói từ đáy lòng của một đảng viên có trách nhiệm với sự nghiệp của dân tộc. Vì vậy có điều gì chưa thoả đáng, mong được thông cảm và lượng thứ.
(Bắt đầu viết năm 2002, đã đăng một phần trên tạp chí Xưa & Nay năm 2002, hoàn thành ngày 16 tháng 12 năm 2007, có bổ sung thêm một số sự kiện mới nảy sinh năm 2008)

Dương Danh Dy
Nguồn :BauxiteViệtNam.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét