Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

14 thg 1, 2010

'Nghiêm cấm' - Vô duyên!


TP - Lúc mới lên chức, sau Tết, một ông chủ tịch thành phố Hà Nội gương mẫu nộp cả tỷ đồng tiền quà biếu vào công quỹ. Các năm sau chẳng thấy ông tiếp tục gương mẫu nữa


Năm nay, Tết Nguyên đán sắp đến, ông Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đương nhiệm chỉ thị cho các cấp, ngành, cơ quan về việc tổ chức Tết Canh Dần, trong đó có yêu cầu không tổ chức đi chúc tết, tặng hoa lãnh đạo các cấp.


Đấy là việc làm có trách nhiệm của người lãnh đạo nhắc nhở các cấp dưới của mình. Bà con nhớ theo dõi xem các quan nhỏ có đi chúc tết, tặng hoa cho các cấp trên của họ (và kèm cái gì nữa thì chỉ có họ và trời mới biết) hay không, để giúp ông chủ tịch thực thi chỉ thị rất hay này (nhưng cũng cũ như chỉ thị tương tự của bao chủ tịch trước đây).


Tuy nhiên trong chỉ thị đó có một điểm khá vô duyên. Đó là "nghiêm cấm sử dụng tiền, tài sản nhà nước của tập thể, tài sản có nguồn gốc từ ngân sách, từ công quỹ để thưởng, biếu, tặng cho các tổ chức hoặc cá nhân dưới mọi hình thức không đúng chế độ quy định của Nhà nước".
Những hành vi đó là các hành vi phạm pháp, phạm tội phải bị trừng trị nghiêm khắc. Ngay cả lấy tiền của doanh nghiệp (tư nhân hay quốc doanh) hay tiền riêng để biếu xén như vậy cũng phải cấm.
Những ai nhận các khoản tiền biếu trái quy định còn nặng tội gấp nhiều lần kẻ đưa biếu. Có đầy các loại luật của nước ta nghiêm cấm các hành vi đó rồi, ông chủ tịch không cần nghiêm cấm nữa.


Ông chủ tịch không cần làm lại luật. Ông thuộc nhánh hành pháp. Kín kẽ hơn, nếu ông nhắc lại các điều luật và bảo các cấp dưới rằng làm thế thì cơ quan tư pháp sẽ xích tay họ lại và nghiêm trị.
Giá mà các quan chức và các cơ quan nhà nước nghiêm túc chấp hành luật do chính họ đề ra thì ông chủ tịch đã chẳng phải mất công ra chỉ thị nghiêm cấm.


Đâu chỉ có ông chủ tịch đương nhiệm của Hà Nội, trước ông, các vị chủ tịch khác cũng làm thế. Và đâu chỉ có Hà Nội, Tiền Giang, Long An, v.v, cũng có quy định tương tự.
Tưởng rằng nghiêm cấm là đúng trách nhiệm của mình. Nhưng hóa ra đấy là sự hiểu lộn chức năng. Các ông thuộc ngành hành pháp, hãy thi hành, và buộc cấp dưới của mình thi hành nghiêm các quy định pháp luật sẵn có. Chấm hết.


Các ông chủ tịch với tư cách trưởng ban phòng chống tham nhũng địa phương hãy chỉ thị cho bộ máy của mình, nhắc nhở các cơ quan công an, tư pháp làm tốt việc của họ và thẳng tay với những kẻ lấy tiền có nguồn gốc ngân sách đi biếu xén, thẳng tay với các quan nhận tiền.
Họ có dám làm không? E hơi khó. Vì họ cũng là quan, họ cũng là cấp dưới. Tại sao chúng ta hô hào quá nhiều, chỉ thị quá nhiều mà đâu vẫn hoàn đấy? Phải sửa cái lỗi ở đâu để có cơ hội chống tham nhũng mà biếu xén dịp tết chỉ là một phần?


Có ý kiến cho rằng, có chỉ thị, có nhắc nhở, có nghiêm cấm vẫn hơn không. Thực ra không hoàn toàn như vậy. Lẫn lộn chức năng khiến cả quan lẫn dân tư duy không rành mạch, tinh thần thượng tôn pháp luật bị xói mòn (nói chi đến được xây dựng).


Mà tư duy rành mạch, sự thượng tôn pháp luật, gây dựng lòng tin lại là một trong các nhân tố quan trọng nhất để phát triển xã hội.
Ban hành quy định nghiêm cấm có lẽ nó làm cho các vị chủ tịch yên tâm hơn: Đấy, tôi đã nhắc, tôi đã chỉ thị rồi. Vẫn để xảy ra là chuyện của cấp dưới, của người khác. Cái khía cạnh thủ này có thể rất hữu ích, trong năm diễn ra đại hội các cấp này.


Hãy thử để mắt theo dõi trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới và cả năm sau, xem các chỉ thị loại này có kết quả đến đâu. Sự quan tâm, theo dõi của người dân chắc có thể giúp chính quyền cải thiện được tình hình, sẽ giúp xã hội tiến lên và như thế là rất đáng làm.


Nguyễn Quang A

Nguồn :http://vn.uploader.blog.yahoo.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét