Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

4 thg 1, 2010

Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam’

Lá thư tâm huyết (Thông báo) ghi ngày 20.11.2009 của Nhà văn Phạm Đình Trọng nói về quyết định xin ra khỏi Đảng Cộng sản Việt Nam của ông là một trong những bài giảng lịch sử hay nhất mà tôi được biết. Tôi đã luôn tự động viên mình rằng, mình là một trong những người giỏi nhất! Thật khôi hài cho cái vị kỷ kém cỏi của tôi, khi chính một nhà văn đã nói cho một người dạy sử như tôi thật nhiều kiến thức, giúp tôi nhìn rõ những điều sau đây, những điều mà lâu nay tuy tôi có hiểu mù mờ nhưng không thể chỉ mặt, đặt tên…

1. Đã đến lúc phải phanh phui sự thật, từng chút một, tất cả. Nếu có một người láng giềng lấn đất của quý vị (dù là đảng viên hay không), chỉ vài đề-xi-mét, quý vị có coi đó là “láng giềng tốt, đồng chí tốt” không? Chắc chắn là không. Vậy, tại sao từ trung ương đến địa phương, ta cứ tự ru nhau bài ca hữu nghị Việt Trung – khi mà Trung Quốc đã chiếm của ta ít nhất 900km2 trên đất liền và cả triệu km2 trên biển? Lấn đất còn có thể bào chữa, chứ cướp không; và tiếp tục cướp nữa là điều không thể tư nghị, không thể hoà giải – trừ phi, ta cúi đầu làm theo cách mà một ai đó đã viết trên tờ Hoàn Cầu (một cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc): “Đưa Việt Nam về lại với Giao Chỉ” (!).

2. Dân tộc ta cứ mãi mơ một giấc mơ đui mù về một ngày mai tốt đẹp hơn để cam tâm làm trâu ngựa cho những kẻ dốt nát, tham lam. Bằng chứng lịch sử có nhiều lắm. Mà, tôi chỉ chợt nghĩ ra sau khi đọc bức thư của nhà văn Phạm Đình Trọng. Nếu Liên Xô muốn ta thắng Mỹ thật nhanh thì tại sao năm 1967 họ “cho” ta MIG 17, trong khi lại viện trợ cho Ai Cập MIG 21? Dùng MIG 17 chọi nhau với F4H thì chẳng khác gì đem Honda 78 rượt @! Nếu “tinh thần quốc tế vô sản” là có thực tại sao hàng chục năm trời Liên Xô không làm cho ta nhà máy lọc dầu, để đến nỗi cho đến tận bây giờ ta vẫn cứ phải bù lỗ mỗi năm ít nhất là 12.000 tỷ đồng vì không có nhà máy lọc dầu? Đó là chưa nói chuyện Hiệp ước Hữu nghị Việt – Xô ký đầu tháng 11.1978 đã bị Trung Quốc biến thành một trò hề đẫm máu và nước mắt mấy tháng sau đó (17.2.1979). Đó cũng là ngày tôi căm thù Liên Xô – cho dù rất nhiều đồng nghiệp của tôi học ở Liên Xô về, suốt ngày hát Kachiusa. Tức đến nỗi tôi phịa chuyện (in trên Kiến thức Ngày nay cách đây chừng 6 năm), về chuyện dân Nghệ Tĩnh xây cầu Bến Thuỷ, mừng quá, hát theo Kachiusa: Cầu mà ta xây, thì ta sẽ gọi là xây cầu. Cầu mà ta đi, thì ta sẽ gọi là đi cầu. Này, em ơi! Hãy đến đây mà mau đi cầu. Đi cầu xong, thì ta sẽ gọi là qua cầu.

3. Tại sao dạy sử hàng chục năm mà tôi lại không thể ngộ được rằng đặt một giai cấp lên trên một dân tộc là điều không thể chấp nhận được? Nhà văn Phạm Đình Trọng đã mở mắt cho tôi. Trời ạ! Tôi đã đọc Hồ Chí Minh toàn tập hàng trăm lần (một lần đọc hết; còn lại, đọc theo chủ đề hoặc theo ý tưởng), nhưng chỉ đến khi nghe bác Phạm Đình Trọng nói tôi mới vỡ ra điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói cách đây 65 năm: “Tôi chỉ có một đảng, đảng Việt Nam”. Đó là tuyên ngôn hàm súc và đầy đủ nghĩa nhất về cách Bác Hồ muốn nói với ai đó rằng đưa một giai cấp lên để tôn thờ, ngồi trên dân tộc là điều không thể chấp nhận. Với lại, trên thế giới này, từ cổ chí kim, chẳng có khi nào người lao động nắm giữ quyền hành mà giàu mạnh được. Đó là sự thật. Đau cũng phải công nhận. Bởi vì một lẽ giản đơn: Lao động chân tay làm sao đủ trình độ, trí tuệ để điều hành vận mệnh giang sơn, xã tắc? Học tại chức thì làm sao có kiến thức đủ bằng những người được đào tạo chính quy, nên nói đâu sai đó là chuyện khó tránh.

Trưa nay, đọc bức thư của nhà văn Phạm Đình Trọng, hình như tôi đã muốn khóc. Muốn khóc vì sự ngu dốt của chính mình; đau vì sự bất lực trước việc những điều tâm huyết của hàng ngàn, hàng triệu con người không hề được những người lãnh đạo lắng nghe; xót xa vì tại sao dân tộc Việt Nam tuyệt vời đến thế mà lại u mê, lầm lạc đến cỡ này? Cách đây gần 10 ngày, tôi có viết bài về bà Trần Thị Ngọc Sương với tiêu đề “Xin ở tù thay”. Tôi gửi cho một số tờ báo, chẳng có báo nào in. Sáng nay (27.11), đọc Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, mới biết “nó” liên quan đến cái “đằng sau” về chuyện đất đai mà ngay cả cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng phải có ý kiến! Thì ra, những điều mà nhà văn Phạm Đình Trọng đã nói là những điều không ít người biết nhưng chỉ khác nhau là, đa số ấy cũng như tôi, không diễn đạt nổi, không phân tích đủ mà thôi. Đó là sự thật: Đảng Cộng sản Việt Nam trước và sau năm 1975 có thể hát thành lời
– Một người về đỉnh cao.
Một người về vực sâu.
Để cuộc đời chìm mau.
Như bóng chim cuối đèo… (trích nhạc Trịnh Công Sơn).

Hà Văn Thịnh – Đại học Khoa học Huế
Nguồn :http://bauxitevietnam.info

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét