Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

25 thg 1, 2010

Từ LỆ làng nghĩ đến LUẬT nước


Hàng năm, vào ngày mồng 5 Tết, làng tôi lại thực hiện lệ khám đàng. Đàng ở đây nghĩa là đường làng. Khi tôi lên năm, lên sáu tuổi, cứ mỗi khi khám đàng là tôi lại lon ton chạy đi xem. Một đoàn khám đàng được thành lập bao gồm một số cụ bô lão, đại diện chính quyền thôn và đại diện thanh niên.

Đi đầu đoàn khám đàng là một bô lão, tay xách một chiếc chiêng đồng, vừa đi vừa đánh ba tiếng một. Sau đó là hai thanh niên đi ở hai mép đường làng bằng đất hoặc được lát gạch và trên tay họ giữ chung một chiếc sào tre. Độ dài của chiếc sào tre này chính là chiều rộng của đường làng cộng với hai phần đất lưu không ở hai bên đường làng. Đi sau hai thanh niên giữ sào để "cầm cân nẩy mực" là một vài cụ bô lão và đại diện của chính quyền thôn. Sau cùng là những thanh niên khoẻ mạnh mang theo cuốc xẻng, búa tạ và dao chặt cây.

Đoàn khám đàng đi chậm rãi từ đầu làng đến cuối làng. Hễ một trong hai đầu cây sào tre chạm vào bất cứ một vật cản nào thì đều bị xử lý như cổng ngõ, tường nhà, chuồng trâu bò, lợn gà, cây cối và những thứ khác. Khi một đầu sào chạm vào những thứ nói trên thì nghĩa là chủ sở hữu của thứ đó đã vi phạm lệ làng. Nghĩa là họ đã chiếm dụng phần đất lưu không của làng để phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Và lệ làng là: hễ một trong hai đầu cây sào chạm vào tường thì phá tường, chạm vào cổng ngõ thì dỡ cổng ngõ, chạm vào chuồng trâu thì dẹp chuồng châu, chạm vào cây thì chặt cây

Lệ khám đàng này có từ bao giờ tôi không biết. Nhưng cho đến bây giờ, giữa những năm của thế kỷ 21, lệ khám đàng vẫn được thực hiện một cách nghiêm minh. Có một hai lần tôi chứng kiến người có cái cổng ngõ hay chuồng trâu bò xây lấn vào phần đất quy định của làng bị phá dỡ đã gây sự, chống đối lại đoàn khám đàng. Nhưng cuối cùng những người đó cũng phải tuân theo lệ làng và phải xin lỗi làng về hành động của mình.
Cây sào tre để đo đường làng và phần đất lưu không hai bên đường cũng có từ lâu lắm rồi. Mỗi năm, sau ngày khám đàng, cây sào tre đó lại được gác dưới mái đình để dùng vào năm tiếp theo.

Có lần tôi định kiếm tìm cái văn bản liên quan đến lệ khám đàng nhưng không tìm được. Những người già làng tôi đã trên dưới 90 tuổi nói trước kia có lẽ cũng có văn bản đó nhưng cả đời họ chưa bao giờ nhìn thấy. Làng cũng không có toà án, không có công an...Thế nhưng, lệ khám đàng cùng với nhiều lệ khác của làng đã ăn sâu vào máu thịt những người làng qua nhiều thế hệ và trở thành một văn hoá sống.

Những người làng cố tình vi phạm hay chống đối những lệ đó sẽ cảm thấy xấu hổ và không được cộng đồng chấp nhận. Một cộng đồng sống có luật, có lệ vì những lợi ích của cộng đồng đó giống như một môi trường trong sạch làm cho những vi khuẩn gây bệnh ít có khả năng phát triển.

Từ lệ khám đàng của làng mình, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến luật của đất nước. Chúng ta đã và đang chứng kiến một đời sống thiếu luật pháp một cách trầm trọng. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ đơn giản về việc người ta ngang nhiên lần chiếm đất công và tìm mọi cách sở hữu hoá tài sản của nhân dân, của nhà nước. Có những công trình quốc gia quan trọng như mở một con đường chẳng hạn mà chỉ cần một gia đình không chịu di dời, chúng ta cũng chịu bó tay đến cả vài năm.
Ngay mấy năm trở lại đây, nạn lấn chiếm hồ nước ở Hà Nội một cách trắng trợn mà báo chí lên tiếng bao nhiêu năm bây giờ mới có một vài hành động ngăn cản việc lấn chiếm đó.

Tại sao chúng ta có một lực lượng hùng hậu để giám sát và bắt buộc người dân thực hiện luật pháp của đất nước như công an, kiểm sát, toà án và nhiều tổ chức nhà nước và xã hội khác mà người dân vẫn cứ coi thường pháp luật như vậy. Điều hổ thẹn và đầy nguy cơ đối với việc xây dựng một xã hội văn minh và văn hoá là những người vi phạm luật pháp không hề cảm thấy xấu hổ và ân hận về hành vi phạm pháp của mình.
Cách đây mấy năm, qua truyền hình, người dân chứng kiến một cán bộ mắc tội tham nhũng sau khi bị tuyên án thì nhìn những người đến dự phiên toà và nhìn các nhà báo và nhoẻn miệng cười. Cái cười ấy là cái cười vô lương tâm và vô học.

Và tại sao trong khi đó những người nông dân ở một làng đang sống một cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và ít được học hành lại có thể sống một cuộc sống đầy ý thức, trách nhiệm và tôn trọng luật lệ của cộng đồng như vậy?
Tôi thiết nghĩ, hầu hết mỗi chúng ta đều đã có câu trả lời chính xác.


Nguyễn Quang Thiều

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét