Trong tất cả các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm thì hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất, được áp dụng phổ biến và có tính lịch sử lâu đời. Tính nghiêm khắc của nó thể hiện ở chỗ, nó có thể tước bỏ các quyền và lợi ích của người bị kết án, thậm chí cả quyền sống. Có thể nói trừng trị là một trong những thuộc tính của hình phạt.
Ngoài sự tác động trực tiếp đến người bị kết án, hình phạt còn tác động đến các thành viên trong toàn xã hội. Sự tác động gián tiếp này giúp xã hội hình thành một ý thức chung về sự tôn trọng pháp luật. Con người có thể sợ hình phạt, đó là tâm lý chung, nhưng để con người có ý thức tôn trọng pháp luật thì hình phạt phải phản ánh được sự cần thiết và tính công bằng của nó. Khi hình phạt không phản ánh được sự công bằng thì niềm tin vào công lý không có, và do đó khó có thể giáo dục một ý thức chung cho toàn xã hội về sự tôn trọng pháp luật.
Điểm lại một số vụ án được dư luận chú ý như: Lương quốc Dũng (tội giao cấu với trẻ em), Bùi Tiến Dũng (tội tham ô, đánh bạc) Huỳnh Ngọc Sỹ (tội cố ý làm trái..) v.v.v. Đa số dư luận cho rằng đây là những vụ án “đầu voi, đuôi chuột”, phản ứng này cho thấy có gì đó không công bằng trong quyết định hình phạt của Tòa án. Hay đúng hơn hình phạt mà những người này nhận được không tương xứng với hành vi nguy hiểm mà họ đã gây ra. Dư luận không cần hiểu nhiều về luật pháp nhưng bằng cách so sánh với các vụ án khác, họ dễ dàng nhận ra sự thiếu công bằng. Ví dụ như trộm một chiếc xe, hoặc tài sản đôi ba triệu cũng có thể bị phạt hai ba năm tù, hoặc cướp giật một chiếc điện thoại cũng bị năm sáu năm tù. Có người còn đưa ra những sự kiện có thật để so sánh: một người cướp hai con vịt bị mấy năm tù giam trong khi đó Bí thư của một tỉnh nọ đi xe tông chết hai người chỉ bị ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Phải chăng sinh mạng hai con người không bằng hai con vịt, hay vì một người là quan chức còn người kia là dân thường?
Mới đây vụ án Lê Công Định, ở đây tôi không bàn về khía cạnh họ có tội hay không có tội, mà chỉ muốn phân tích vài khía cạnh của hình phạt để nhận định về lẽ công bằng. Giới truyền thông đưa tin: “Lê Công Định nhận tội và xin Nhà Nước khoan hồng nên tòa xem xét và tuyên án 5 năm tù giam, riêng Trần Huỳnh Duy Thức quanh co chối tội và bị tuyên mức án 16 năm tù”. Thoạt nghe có vẻ công bằng. Cách xét xử và đưa tin như vậy làm cho dư luận, cho các thành viên còn lại trong xã hội nghĩ rằng: nhận tội thì xử nhẹ, không nhận tội thì bị xử nặng. Đó là sai lầm trong cách tuyên truyền và giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật. Hay đúng hơn ở đây chỉ có tính đe dọa chứ không có tính giáo dục. Cần lưu ý rằng “quanh co chối tội’ hay ‘không nhận tội” không phải là tình tiết tăng nặng hình phạt, mà đó là quyền của bị can. Việc không nhận tội là điều hết sức bình thường tại chốn pháp đình. Việc thường xuyên không nhận tội, bác bỏ các cáo buộc của bị can sẽ nâng chất lượng tranh tụng tại tòa, nâng trình độ của Kiểm sát viên và nâng chất lượng xét xử của Tòa án. Lẽ ra Nhà nước nên tuyên truyền và giáo dục công dân của mình đừng bao giờ nhận tội và cũng không cần phải chứng minh mình vô tội. Đó là giáo dục về lẽ công bằng và tôn trọng pháp luật. Không thừa nhận mình có tội cũng là một cách thức tôn trọng pháp luật. Người bị 16 năm tù, người bị 5 năm, khoảng cách 11 năm là quá lớn, nó phản ánh sự “cá thể hóa” hình phạt của tòa là thiếu công bằng và cảm tính. Xét tổng thể vai trò hai người này là ngang nhau, có chăng chỉ khác nhau giữa việc nhận tội và không nhận tội. Thật là vô lý nếu chỉ vì sự khác nhau này mà khoàng cách là 11 năm tù.
Một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà Nước Quyền đó là xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật. Người dân có thể vì sự đe dọa của hình phạt mà không dám vi phạm pháp luật, nhưng đó chưa phải là ý thức tôn trọng pháp luật. Muốn giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật thì hình phạt phải bảo đảm sự công bằng. Người dân sẽ không còn tôn trọng pháp luật và sợ sự đe dọa của hình phạt nếu như Tòa án cứ tiếp tục đưa ra những bản án oan sai, đưa ra những hình phạt nhạo báng công lý.
Lê Trần Luật
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét