Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

29 thg 1, 2010

Trước 9 giờ và sau 9 giờ


Hôm nay, 28 tháng 01 năm 2010, giáo sư Nguyễn Huệ Chi của chúng ta sẽ "làm việc" nốt một buổi cuối cùng, dứt khoát là cuối cùng đấy nhé, vì chiều hôm qua "các anh ấy" đã hẹn rồi, hẹn hò thân tình, lại còn pha trò cho thân tình thêm, để chuẩn bị cho cuộc hội ngộ cuối cùng sẽ phải thân tình hơn nữa.
Một đồng chí dặn dò Huệ Chi trong nụ cười: "Thôi bác về, chiều mai một giờ ta gặp nhau, sáng mai bác vui vẻ đi, nhưng vui vẻ ở chỗ nào đó không có bác gái ấy nha … " Các đồng chí A B C bây giờ cũng vui tính thật đấy!
Mà tôi đoán định cũng chẳng mấy sai. Cách nay chừng mươi hôm, tôi có bảo Huệ Chi rằng, "trong cái cơ quan to nhất cả nước này, thì bộ phận ấy có học hơn cả, và chắc chắn là nó trong sạch hơn nhiều bộ phận khác".
Huệ Chi liền gân cổ cãi, rất chi là cụ đồ Nho, "thì tôi bao giờ chẳng lịch sự hòa nhã với họ?" Thì vưỡn! Nào tôi có nói gì trách cứ ông!
Chỉ thấy tội nghiệp các đồng chí ấy, cứ phải hoạt động trong cảnh tiến thoái lưỡng nan.

Nhân có câu chuyện thời sự, kể lại một cảnh tiến thoái lưỡng nan mới xảy ra với các đồng chí khác sáng hôm qua 27 tháng 01 năm 2010 đã, thì sẽ hiểu các đồng chí này.
Sáng hôm qua, 9 giờ, mấy "đồng chí khác" hùng hùng hổ hổ kéo tới phá tường rào nhà tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ. Chủ tịch Phường dám gọi bà Dương Hà, vợ luật gia Hà Vũ là "mày", "Mày có mở cửa không? Mày có còn muốn làm luật nữa không hả?" Đó là hồi 9 giờ sáng.
Liền đó là đập là phá là bầy bẩn tanh bành vào ngôi nhà vốn là của hai nhà thơ cách nay gần thế kỷ vẫn tự ví tình bạn của họ như "con tầu say" của Verlaine và Rimbaud, và làm bẩn có bài bản theo đúng tinh thần một quan lệnh gọi tên là "cưỡng chế".

Ấy thế rồi, đến tối thì tình hình khác hẳn. Cứ như có phép lạ từ trên trời rơi xuống. Chỉ vì hồi chiều, lại đã có một đoàn công nhân tới "cưỡng chế" ngược: họ khênh đến một cái hàng rào đã hàn sẵn và sơn sẵn để lắp vào chỗ hồi 9 giờ sáng họ mới phá cái tường ngăn.
Sau đó họ rút đi, và theo lời kể của Cù Huy Hà Vũ qua điện thoại, "bây giờ sạch sẽ quá đi, chúng nó dọn từng mẩu rác, nhà em có lẽ còn lâu mới phải quét sân quét vườn!" Những cảnh ngộ dở khóc dở cười như vậy trong một xã hội đều được gọi là hiện tượng tiến thoái lưỡng nan.

Có điều là nguyên nhân của hiện tượng đó không dễ gì tìm ra. Nó đem lại vênh vang cho những người thừa hành tầm cỡ củ chuối như ông chủ tịch phường loại Một của thủ đô bằng cái lệnh ban ra trước 9 giờ sáng ngỡ đâu có thể ăn sống nuốt tươi con người cương trực có tên Cù Huy Hà Vũ; và nó đem lại cảnh dở khóc dở cười cũng cho ông chủ tịch phường đó khi lệnh ban ra sau 9 giờ lại biến sân vườn nhà Hà Vũ thành … cái vườn hoa bé bé xinh xinh theo hình ảnh cái vườn hoa to to nào đó (mặc cho nó có thể vắng vẻ … như nhà thờ bà Đanh!).

Chuyện với giáo sư Huệ Chi cũng thế thôi. Cũng một phạm trù, may mà được thực thi bằng những con người kiểu khác. Thế thôi. Công việc ở cái bộ phận những con người "có học hơn cả" của tổng thể ấy, vì nó phải đương đầu với những bộ óc chứ không với những hành vi trong cơn say, mà cái bộ phận đó "chắc chắn là trong sạch hơn cả" cũng trong cái tổng thể ấy, vì nó không phải làm công việc bắn tốc độ hoặc khám những bàn tay bẩn của bọn móc túi ở bến xe. Và để mỗi lần có nổi một ý kiến "tham mưu" với những ai ra lệnh cho họ, thì đó là một lần họ phải vật vã vì những cái lập trường khác nhau như trước và sau thời khắc 9 giờ sáng (giờ Cù Huy Hà Vũ ngày 27 tháng 01 năm 2010).

Nhưng xin bạn đọc đừng vội lạc quan: một giờ chiều nay, chưa chắc đã xong xuôi mọi việc với Nguyễn Huệ Chi đâu đấy! Vì cái gốc của vấn đề đã xong đâu?
Huệ Chi đại diện cho những người có học và yêu nước muốn đem lại hạnh phúc, phồn vinh và ổn định thực sự cho đất nước. Bát họ ngừng thở sao được? Mà cũng không tìm đâu ra chứng cứ cho thấy thở là tội phạm.
Một phía bên kia, tội nghiệp những con người thông thái và trong sạch, họ phải chịu áp lực của những mệnh lệnh trái chiều, trước và sau 9 giờ đã có thể khác nhau.

Huệ Chi có thể thông cảm, nhưng chắc là không thỏa hiệp. Muốn xong xuôi hoàn toàn mọi sự, chỉ có một và một giải pháp, đó là hành xử theo quy chế và đạo đức của xã hội dân sự, đó là hành xử theo những quy định của một quốc gia pháp quyền.
Hãy nhìn quanh mà coi: còn ở nơi đâu như Hoa Kỳ trong cơn lúng túng tưởng chừng như sắp chết trong tiến thoái lưỡng nan như hồi một ông Tổng thống đẹp trai và đầy tài năng bị đem ra luận tội? Ấy thế nhưng, vì người ta có pháp chế đàng hoàng và thành nền nếp, nên việc nào đi việc nấy, Công an thì chỉ có việc tìm chứng cứ tội phạm mà kết tội, Tòa án thì cứ y theo chứng cứ mà xử, và bộ phận thứ Ba còn lại cứ mọi việc hàng ngày mà điều hành.

Sự ổn định của một đất nước không nhờ "bàn tay sắt" mà nhờ sự hoạt động nhịp nhàng của nền dân chủ. Không nơi nào chính phủ bị lật đổ nhiều như ở nước Italia, nước Nhật Bản, nhưng thử xem nhân dân các nước đó có phải ngửa tay hành khất mẩu viện trợ không hoàn lại nào không?
Và thử coi một vài quốc gia "ổn định" đến mọc rêu đâu đây, thử coi họ đã khiến cho dân nước họ xứng đáng là cái thân phận gì trong thế giới hiện đại này?
Một xã hội dân sự, một quốc gia pháp quyền sẽ giúp cho con người tránh được cảnh tiến thoái lưỡng nan khi trước 9 giờ sáng và sau 9 giờ sáng là haai chiến lược, là hai đường lối, là hai ý thích … và chẳng có một kẻ nào chịu trách nhiệm hết!

Bài đã dài, tôi phải chấm hết thôi, để còn ra nghe diễn văn đầu năm của ông Obama đây. Và sẽ ngồi nghe thêm cả cái phần ông tổng thống Obama buộc các ông Đảng Cộng Hòa phải trả lời, rõ hay!
(Lưu ý, đảng Cộng Hòa Mỹ có biệt danh rất hoành tráng nhé: Đảng GOP, tức Great Old Party, dịch nịnh là Đảng Tuổi tác cao Công tích lớn). Để xem chàng trai Obama vần con voi Cộng Hòa ra sao…

Hà Nội, 28-01-2010
Phạm Toàn
Nguôn :http://boxitvn.blogspot.com/

28 thg 1, 2010

Vụ chó xé xác người và những hệ lụy

Mấy ngày trước tại vườn cà phê của một công ty tư nhân ở Buôn Mê Thuột, đàn chó bẹc giê đã xâu vào cắn chết một người phụ nữ xấu số, ăn một phần thân thể của bà trước sự chứng kiến của hai người con gái

Ba mẹ con khi ấy rủ nhau đi mót cà phê, và bị chó dồn đuổi. Một số báo cho hay, người trông khu vườn còn dồn thêm năm con chó bẹc giê ra uy hiếp.
Vụ chó phanh thây người đã gây ra phản ứng đầu phẫn nộ tại Việt Nam.

Ông Hà Văn Thịnh, nhà sử học với nhiều bài phê bình đăng báo, bình luận:
Ông Hà Văn Thịnh: Nói chung là đau đớn và buồn. Cái chuyện buồn của đất nước hiện nay buồn lắm. Cái buồn lớn nhất của tôi là có nhiều người bất tài đang nắm cương vị lãnh đạo.

BBC: Thế rồi ông có chia sẻ với người nghèo không, cớ sao lại đến đó kiếm ăn và chết thảm thương như vậy?
Ông Hà Văn Thịnh: Có, nhưng không cụ thể lắm. Bởi vì tôi muốn ủng hộ, tôi sẽ đề nghị báo không đăng tên tôi. Ví dụ tôi có thể viết một bài báo và tôi không lấy nhuận bút chẳng hạn, nhưng không muốn họ nhắc tên, ví dụ như vậy.

BBC: Thế thì ai là người bảo vệ người nghèo ở Việt Nam, thưa ông, có bao giờ ông nghĩ đến điều đó không, vì ‘chính quyền nhân dân’ là phải bảo vệ cho chính những người như thế, đúng không ạ?
Ông Hà Văn Thịnh: Quý vị có biết kết quả của vụ xử dự án 112 của Văn phòng Chính phủ không? Mức án dành cho Phó Chủ nhiệm Văn phòng thấp hơn mức án của thư ký. Có lẽ tôi không cần phải giải thích thêm.
Rồi thêm một ví dụ khác. Ba ông nông dân ở Lâm Đồng ăn cắp, nhưng họ gọi là ‘ăn cướp’ hai con vịt nhậu, bị tổng cộng mức án là 13 năm tù. Còn một ông giám đốc Sở Nông nghiệp của tỉnh Hà Tây cũ (bây giờ là Hà Nội) lái xe đâm chết hai người, ông ta không có bằng lái, sau khi gây tai nạn xong ông bỏ chạy. Bây giờ xử 36 tháng tù treo.
Như vậy ông GĐ Sở Nông nghiệp thì 36 tháng tù treo, với hai mạng người. Còn ba nông dân với hai mạng con vịt thì 13 năm tù giam. Đấy, thế là hiểu rồi cần gì phải hỏi nữa.

BBC: Thưa ông chuyện chó cắn và phanh thây người có làm tái hiện dáng dấp của các hộ địa chủ, cường hào thời Việt Nam thuộc Pháp, với mạng người rẻ như bèo?
Ông Hà Văn Thịnh: Cái đó xa quá, cái đó động đến chính trị nặng quá. Cái đó nói thật là khó nói lắm. Nhưng mà buồn. Hai mạng người nhất định phải có giá hơn hai con vịt. Mà hai mạng người thì 36 tháng tù treo, hai con vịt thì 13 năm tù giam.

BBC: Hàng ngày chúng ta gặp trên báo Việt Nam những chuyện thương tâm như vậy, gây phẫn nộ như vậy nhưng cuộc sống cứ lặng lờ trôi và không có gì thay đổi. Ông có lo lắng và buồn về chuyện đó nữa không?
Ông Hà Văn Thịnh: Buồn nhiều chứ. Cái đó là cái đức tính tôi đã viết trong bài “Chế độ chuyên chế” rồi. Hàng ngàn năm người dân bị sức ép, phải luồn cúi, phải chịu đựng, phải khom lưng lại. Và phải chấp nhận tất cả mọi điều đó. Nó làm cho mệt mỏi chai lỳ. Và cái xã hội bây giờ tôi gọi là xã hội nhiều vô cảm. Vô cảm hầu như trở thành một căn bệnh, căn bệnh kinh niên của xã hội bây giờ. Họ thấy đấy nhưng mà họ kệ họ, mỗi người lo thân mình.

BBC: Thái độ đó liệu có giúp đưa Việt Nam thành ‘tiểu long’ trong tương lai không?
Ông Hà Văn Thịnh: Tương lai phải thay đổi. Phải thay đổi. Nhất định phải thay đổi. Không thể nào nhanh được. Nhưng từ từ nó sẽ phải thay đổi. Bởi vì chẳng ai chấp nhận như vậy cả.

Nguồn :http://anhbasg.multiply.com/journal/item/988

Bochim.com

Tiêu đề bài này là : Ai gây chuyện với gia đình Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ? . Đọc xong rồi mà cứa ngẫm mãi, chọn lại tiêu đề lại cho nó là bochim.com

Hồi 8 giờ 30 phút sáng nay, 27 tháng 01 năm 2010, chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Điện Biên Phủ quận Ba Đình, Hà Nội,) Lê Văn Định hung hổ dẫn đầu một lực lượng gồm cả công an áo xanh, dân phòng áo đen… đến 24 Điện Biên Phủ, nhà ở của gia đình Tiến sĩ Luật Cù Huy Hà Vũ, gọi là để "cưỡng chế" bức tường rào!

Ngày 15-9-2009, trong vườn nhà TS Hà Vũ có hai cây bị bão trốc rễ đè sập tường rào. Ngay sau đó để bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình nên vợ chồng TS Hà Vũ đã khẩn cấp xây lại phần tường rào bị sập. Vậy lẽ thường là nếu không giúp đỡ được khổ chủ thì chính quyền chí ít cũng phải động viên người dân mau chóng khắc phục hậu quả thiên tai mới phải, đằng này...

Bị người nhà TS Hà Vũ phẫn nộ hỏi riết nguyên do, ông Nguyễn Trọng Khanh, phó Chủ tịch UBND phường Điện Biên cực chẳng đã phải toạc móng heo: "Chúng tôi cũng chẳng muốn làm, nhưng đây là chỉ đạo của Thủ tướng !".

À ra thế! Ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “phục thù” TS Cù Huy Hà Vũ do ngày 11 tháng 6 năm ngoái TS đã vác đơn kiện thẳng ông Thủ tướng ra Tòa do đã ra quyết định cho khai thác bauxite tại Tây Nguyên trái Hiến pháp và pháp luật, một sự kiện “vô tiền khoáng hậu” trong thế giới các quốc gia cộng sản!


Dưới đây là một số hình ảnh do phóng viên không chuyên nhưng sinh viên Luật xịn ở Australia Cù Huy Xuân Hiếu, con trai thứ của vợ chồng TS Luật Cù Huy Hà Vũ và Luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, ghi lại. Được biết TS Cù Huy Hà Vũ và em gái là Cù Thị Xuân Bích ngay khi xảy ra sự cố đã “tốc” thẳng tới nơi làm việc của Tổng Bí thư Đảng Nông Đức Mạnh và Chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết để trực tiếp đâm đơn tố cáo đòi nghiêm trị theo pháp luật hành vi “phục thù” bất chấp pháp luật được thực hiện bởi chính quyền phường Điện Biên.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc


Một góc của "công trường"Bàn tay xây dựng đang phá hoại!
Và một bóng đen canh gác.
Đất bằng nổi sóng … và rất đông dân phòng khoanh tay không bảo vệ dân, mà bảo vệ cái gì đó…
Kệ cho phố xá đồng đúc, trước mặt là sứ quan Đan Mạch, mặc kệ, "chúng ông" có quyền, "chúng ông" cứ phá! "Chúng ông " thuộc chính quyền gì đây?
Trong mấy ông này, ai là chủ tịch và ai là phó chủ tich?
Và ai là đại biểu chân chính của dân?
Gia đình LS Cù Huy Hà Vũ đã có đơn gửi Chủ Tịch Nguyễn Minh Triết & Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh ( Nội dung như sau )
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------------------------------------------------
Hà Nội ngày 27/01/2010

ĐƠN TỐ CÁO KHẨN CẤP
V/V CHÍNH QUYỀN PHƯỜNG ĐIỆN BIÊN ĐẬP PHÁ TRÁI PHÁP LUẬT TƯỜNG RÀO NHÀ CỦA CỐ NHÀ THƠ XUÂN DIỆU VÀ
CỐ NHÀ THƠ HUY CẬN TẠI 24 ĐIỆN BIÊN PHỦ - HÀ NỘI

Kính gửi: Chủ tịch Nước CHXHCNVN Nguyễn Minh Triết

Chúng tôi là Cù Huy Hà Vũ và Cù Thị Xuân Bích, con Nhà thơ Huy Cận và cháu ruột Nhà thơ Xuân Diệu, xin gửi tới Chủ tịch lời chào trân trọng và bằng Đơn này tố cáo với Chủ tịch về việc chính quyền phường Điện Biên, quận Ba Đình, Hà Nội đập phá trái pháp luật tường rào nhà chúng tôi và cũng là nhà của Cố Nhà thơ Xuân Diệu và Cố Nhà thơ Huy Cận tại 24 Điện Biên Phủ, Hà Nội như sau:
Vào hồi 23 giờ ngày 15/9/2009, mưa to gió lớn đã làm đổ một cây gió và một cây đùng đình trồng trong sân vườn nhà chúng tôi và hai cây này đã đè sập tường rào nhà chúng tôi và gia đình chúng tôi đã phải nhanh chóng xây lại tường rào (ảnh đính kèm) để không những bảo vệ tài sản và tính mạng của gia đình chúng tôi mà còn bảo vệ di sản văn hoá của Cố Nhà thơ Xuân Diệu và Cố Nhà thơ Huy Cận là hai danh nhân văn hoá được Đảng cộng sản và Nhà nước Việt Nam tôn vinh bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt I).

Vậy mà Chủ tịch UBND phường Điện Biên phối hợp với Công an phường Điện Biên cho người đập phá tường rào của nhà chúng tôi vào sáng nay, 27/01/2010 (đính kèm Thông báo của UBND phường Điện Biên nhét vào cửa nhà chúng tôi chiều hôm qua), phớt lờ cảnh báo bằng văn bản của chúng tôi ngày 31/12/2010 * là nếu họ đập phá tường rào nhà chúng tôi thì họ sẽ phạm “Tội huỷ hoại tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 143 Bộ Luật Hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam và chúng tôi sẽ trực tiếp yêu cầu Chủ tịch Nước nghiêm trị hành vi chà đạp Nhà nước pháp quyền, hại dân, vô văn hoá, phá hoại nỗ lực “ổn định chính trị” của Đảng và Nhà nước của chính quyền phường Điện Biên (văn bản đính kèm).

Kết luận lại:
Xây lại tường rào nhà mình bị thiên tai làm đổ là quyền bất khả xâm phạm của công dân nhằm bảo vệ tính mạng và tài sản của gia đình mình và vì vậy hành vi của chính quyền phường Điện đập phá tường rào nhà chúng tôi là hành vi cố tình hủy hoại tài sản của công dân và bất nhân;

Bằng hành vi cố tình hủy hoại tài sản của công dân và bất nhân nói trên, chính quyền phường Điện Biên đã cố tình bôi nhọ lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cán bộ là đày tớ trung thành của nhân dân” và cuộc vận động rầm rộ “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do chính Đảng phát động, phủ định sạch trơn “Chính quyền của Dân, do Dân, vì Dân” và Nhà nước Pháp quyền do chính Đảng cất công xây dựng;

Để giữ uy tín cho Đảng và Nhà nước cũng như để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chúng tôi, những người giữ gìn di sản văn hóa của Cố Nhà thơ Xuân Diệu và Cố Nhà thơ Huy Cận,chúng tôi trân trọng đề nghị Chủ tịch yêu cầu các cơ quan bảo vệ pháp luật chấm dứt ngay lập tức hành vi đập phá tường rào nhà chúng tôi của chính quyền phường Điện Biên và khởi tố những người thực hiện hành vi này về “Tội huỷ hoại tài sản có tổ chức, gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điểm a và Điểm c Khoản 2 Điều 143 Bộ Luật Hình sự của Nước CHXHCN Việt Nam.
Chúng tôi chân thành cảm ơn và đợi hồi âm của Chủ tịch Nước,

NGƯỜI TỐ CÁO

CÙ HUY HÀ VŨ CÙ THỊ XUÂN BÍCH
ĐT: 0904350187

* Ngày tháng ghi nhầm phải là 31/12/2009

Hình phạt và lẽ công bằng


Trong tất cả các biện pháp đấu tranh phòng chống tội phạm thì hình phạt là biện pháp nghiêm khắc nhất, được áp dụng phổ biến và có tính lịch sử lâu đời. Tính nghiêm khắc của nó thể hiện ở chỗ, nó có thể tước bỏ các quyền và lợi ích của người bị kết án, thậm chí cả quyền sống. Có thể nói trừng trị là một trong những thuộc tính của hình phạt.

Ngoài sự tác động trực tiếp đến người bị kết án, hình phạt còn tác động đến các thành viên trong toàn xã hội. Sự tác động gián tiếp này giúp xã hội hình thành một ý thức chung về sự tôn trọng pháp luật. Con người có thể sợ hình phạt, đó là tâm lý chung, nhưng để con người có ý thức tôn trọng pháp luật thì hình phạt phải phản ánh được sự cần thiết và tính công bằng của nó. Khi hình phạt không phản ánh được sự công bằng thì niềm tin vào công lý không có, và do đó khó có thể giáo dục một ý thức chung cho toàn xã hội về sự tôn trọng pháp luật.

Điểm lại một số vụ án được dư luận chú ý như: Lương quốc Dũng (tội giao cấu với trẻ em), Bùi Tiến Dũng (tội tham ô, đánh bạc) Huỳnh Ngọc Sỹ (tội cố ý làm trái..) v.v.v. Đa số dư luận cho rằng đây là những vụ án “đầu voi, đuôi chuột”, phản ứng này cho thấy có gì đó không công bằng trong quyết định hình phạt của Tòa án. Hay đúng hơn hình phạt mà những người này nhận được không tương xứng với hành vi nguy hiểm mà họ đã gây ra. Dư luận không cần hiểu nhiều về luật pháp nhưng bằng cách so sánh với các vụ án khác, họ dễ dàng nhận ra sự thiếu công bằng. Ví dụ như trộm một chiếc xe, hoặc tài sản đôi ba triệu cũng có thể bị phạt hai ba năm tù, hoặc cướp giật một chiếc điện thoại cũng bị năm sáu năm tù. Có người còn đưa ra những sự kiện có thật để so sánh: một người cướp hai con vịt bị mấy năm tù giam trong khi đó Bí thư của một tỉnh nọ đi xe tông chết hai người chỉ bị ba năm tù nhưng cho hưởng án treo. Phải chăng sinh mạng hai con người không bằng hai con vịt, hay vì một người là quan chức còn người kia là dân thường?

Mới đây vụ án Lê Công Định, ở đây tôi không bàn về khía cạnh họ có tội hay không có tội, mà chỉ muốn phân tích vài khía cạnh của hình phạt để nhận định về lẽ công bằng. Giới truyền thông đưa tin: “Lê Công Định nhận tội và xin Nhà Nước khoan hồng nên tòa xem xét và tuyên án 5 năm tù giam, riêng Trần Huỳnh Duy Thức quanh co chối tội và bị tuyên mức án 16 năm tù”. Thoạt nghe có vẻ công bằng. Cách xét xử và đưa tin như vậy làm cho dư luận, cho các thành viên còn lại trong xã hội nghĩ rằng: nhận tội thì xử nhẹ, không nhận tội thì bị xử nặng. Đó là sai lầm trong cách tuyên truyền và giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật. Hay đúng hơn ở đây chỉ có tính đe dọa chứ không có tính giáo dục. Cần lưu ý rằng “quanh co chối tội’ hay ‘không nhận tội” không phải là tình tiết tăng nặng hình phạt, mà đó là quyền của bị can. Việc không nhận tội là điều hết sức bình thường tại chốn pháp đình. Việc thường xuyên không nhận tội, bác bỏ các cáo buộc của bị can sẽ nâng chất lượng tranh tụng tại tòa, nâng trình độ của Kiểm sát viên và nâng chất lượng xét xử của Tòa án. Lẽ ra Nhà nước nên tuyên truyền và giáo dục công dân của mình đừng bao giờ nhận tội và cũng không cần phải chứng minh mình vô tội. Đó là giáo dục về lẽ công bằng và tôn trọng pháp luật. Không thừa nhận mình có tội cũng là một cách thức tôn trọng pháp luật. Người bị 16 năm tù, người bị 5 năm, khoảng cách 11 năm là quá lớn, nó phản ánh sự “cá thể hóa” hình phạt của tòa là thiếu công bằng và cảm tính. Xét tổng thể vai trò hai người này là ngang nhau, có chăng chỉ khác nhau giữa việc nhận tội và không nhận tội. Thật là vô lý nếu chỉ vì sự khác nhau này mà khoàng cách là 11 năm tù.

Một trong những nội dung lớn để xây dựng Nhà Nước Quyền đó là xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật. Người dân có thể vì sự đe dọa của hình phạt mà không dám vi phạm pháp luật, nhưng đó chưa phải là ý thức tôn trọng pháp luật. Muốn giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật thì hình phạt phải bảo đảm sự công bằng. Người dân sẽ không còn tôn trọng pháp luật và sợ sự đe dọa của hình phạt nếu như Tòa án cứ tiếp tục đưa ra những bản án oan sai, đưa ra những hình phạt nhạo báng công lý.


Lê Trần Luật

27 thg 1, 2010

Chiến tranh mềm - học thuyết mới của Hillary Clinton?

Nước Mỹ đang đi từ chiến tranh cứng (máy bay, tàu chiến) sang chiến tranh mềm (thông tin), rất hợp với tính cách của nữ ngoại trưởng Hillary Clinton

Cách đây 13 năm (1997), ông Mai Liêm Trực từng tín chấp cả chức thứ trưởng của mình trong việc thuyết phục Chính phủ VN cho mở Internet và tạo điều kiện về mặt quản lý nhà nước cho Internet phát triển.
Nhiều nhà lãnh đạo cao cấp lúc đó vẫn sợ rằng, internet vào sẽ làm mất ổn định chính trị, rác rưởi cũng vào theo.

Sau hơn một thập kỷ, người ta tự đặt câu hỏi, nếu Việt Nam tiếp tục như CHDCND Triều Tiên, đóng cửa với thế giới thì điều gì sẽ xảy ra. Liệu GDP bình quân có đạt 1000$/người/năm như hôm nay.
Với xu thế không thể đảo ngược, internet là bánh mì, là cơm gạo, đồ uống hàng ngày của nhân loại. Thiếu internet là thiếu thông tin, và nghèo đói, kém phát triển cũng từ đó mà ra.
Đó là điều cả thế giới văn minh thừa nhận và không phải bàn cãi.

Ngày 21/1/2010, bà Clinton đến Newsum (Viện Bảo tàng Báo chí) nói chuyện và đã đưa ra quan điểm rằng, tự do Internet là tối quan trọng cho mục tiêu lâu dài của Mỹ, cổ vũ cho dân chủ trên thế giới. Tự do mạng là tiêu chí hàng đầu trong đối ngoại của Mỹ.
Người Hà Nội còn nhớ, Hillary trong vai Đệ nhất phu nhân tổng thống Mỹ năm 2000 cùng con gái Chelsea đã đội nón bài thơ của Việt Nam và đi mua sắm như những người đàn bà trên phố cổ.

Lời phát biểu rơi vào thời điểm nhạy cảm. Gần đây, Google tại Trung Quốc kêu ca rằng, tin tặc đã tìm cách xâm nhập vào hệ thống giải mã phần mềm cũng như đọc email của các nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, trong một vụ tấn công "rất tinh vi". Dọa rút lui tại thị trường hơn 350 triệu người dùng internet, Google nói họ chỉ ở lại Trung Quốc nếu chính phủ nới lỏng kiểm duyệt.
Và vài câu chuyện liên quan đến facebook bị chập chờn, yahoo bị hack, tại một số quốc gia lân cận theo xu hướng “không quản được thì cấm”.

Họ giải thích, Google và các công ty nước ngoài phải tuân theo pháp luật và truyền thống của từng quốc gia.Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tiếng bấc tiếng chì về tự do internet. Hoa Kỳ cầm hàng nghìn tỷ đô la trái phiếu của Trung Quốc, trong khi quốc gia này sản xuất từ cái kim sợi chỉ đến máy tính hiện đại cho Mỹ. Họ không thể sống thiếu nhau.Từ 1950 đến cuối 1980, thời đại Kenedy, Johnson, Nixon, Ford, là thuyết domino với chiến tranh ở Việt Nam.

Sau đó là học thuyết chính trị và dầu lửa của Carter và Zbigniew Brzezinski tại Trung Đông. Họ nghiến răng làm thế nào tiêu diệt được Sadam Hussen của Iraq.Và dịp may đã đến khi Iraq tiến công Kuwait, chiến tranh vùng Vịnh xảy ra lần thứ nhất. Sadam suy yếu sau trận bão táp sa mạc của Bush bố.
Như thêm dầu vào lửa, Bin Laden tấn công nước Mỹ. Thời cơ giải phóng và chiếm dầu hỏa đã đến. Với học thuyết đánh phủ đầu, Mỹ đã xâm chiếm Afganistan, Iraq. Chỉ chút nữa là Iran hay CHDCND Triều Tiên đã rơi vào điểm ngắm. Thời đại Bush thích tấn công để bảo vệ Mỹ.

Hình như nước Mỹ chỉ giỏi tấn công, nhưng không giỏi giữ đất. Họ đã sa lầy tại Việt Nam, bây giờ là Afganistan và Iraq.Thấy rằng, tàu chiến, tên lửa, máy bay không mấy hiệu quả nên Clinton dùng chiến tranh ảo internet. Bà đang hy vọng, với việc tự do tiếp cận mạng toàn cầu thì nhân loại sẽ được hiểu thêm về tự do và nhân quyền, đem lại dân chủ và thịnh vượng cho tất cả.
Nước Mỹ đang đi từ chiến tranh cứng (máy bay, tàu chiến) sang chiến tranh mềm (thông tin), rất hợp với tính cách của nữ ngoại trưởng Hillary Clinton.
Đói nghèo có thể do thiếu tiền bạc, do thiên tai, vị trí quốc gia, do lãnh đạo lạc hậu, nhưng cũng có thể do thiếu thông tin. Mà internet là nguồn cung cấp thông tin vô tận của nhân loại.

Mỹ thường dùng pháo đài bay B52 để dọa dẫm, rải thảm bom bao phủ trong chu vi vài km2, tiêu diệt tất cả mọi sinh vật trên mặt đất.
Tuy nhiên, internet đáng sợ hơn. Từng byte, bít thông tin sẽ tới từng người dân và khả năng bao phủ mang tính toàn cầu. Thay vì tiêu diệt, internet lại lôi kéo với sức mạnh gấp hàng tỷ lần. Đó có thể được coi như một học thuyết mới của gia đình Clinton?

Hiệu Minh
Nguồn :
http://vietnamnet.vn/thegioi/201001/Chien-tranh-mem-hoc-thuyet-moi-cua-Hillary-Clinton-891384/

26 thg 1, 2010

Vì sao họ cô đơn & Họ sẽ còn cô đơn

Lịch sử tất cả các cuộc cách mạng binh biến hay ôn hòa Việt Nam mà thành công, chưa bao giờ do trí thức khởi xướng và lãnh đạo. Sử Việt cũng chưa bao giờ thấy ưa ngoại bang. Lý giải thì để các nhà sử nhà xã hội nhà văn hóa, tầm Beo với không tới. Beo chỉ rất hay nghĩ: tại sao những Định những Trung, hứa hẹn mang tới điều tốt đẹp hơn rất nhiều hiện tại, lại bị số đông thờ ơ.

Trước tiên có lẽ do họ liên quan đến Mỹ. Beo nhớ không chắc, hình như trên NYT, có cái tựa đau đớn Tại sao chúng ta bị căm ghét đến thế? trong vụ 11/9. Người Mỹ còn tự thấy thế huống hồ.....

Tấm hình Trung chụp chung với vợ chồng Bush là niềm hãnh diện của một nhóm nhỏ quá nhỏ so với sự gai mắt của số đông mà xương cốt chồng con anh em họ còn vất vưởng đâu đó chưa về được nhà. 17 lần gặp gỡ hết đại sứ đến thứ trưởng ngoại giao Mỹ chỉ khiến Định có giá hơn trong một nhóm cũng nhỏ và quá nhỏ so với số đông nghi ngờ viễn cảnh rước voi giày mả tổ.

Việc truyền thông tiếng Việt ở Hải ngoại tô vẽ thêm cho Định Trung, thông gì truyền đi chưa biết nhưng ác cảm tăng cao vị thế xuống rất thấp khi, Định Trung tự đánh đồng mình( dù là không chủ động) chung hàng ngũ với cờ vàng ba sọc. Người thủ cựu sẽ bật ngược ngay theo quán tính còn người cấp tiến, thật khó thuyết phục khi thấy anh phất lá cờ đã được lịch sử cuộn lại quá lâu.


Thứ đến, cả Định lẫn Trung đều là những người vô danh về tiểu sử. Họ không có fan về một lĩnh vực chí ít nào đó và điểm rộng ra, chưa có bất cứ một người nào được mệnh danh nhà dân chủ ý thức xây dựng cái tối thiểu nhất là hình ảnh mình đẹp. Ấy là chưa kể chưa kịp đấu đã tranh quyền tranh lợi, phơi trần những tệ lậu ra trước khi kịp làm việc lớn.

Định Trung chưa đi đến bước ấy nhưng vô cùng thiếu hiểu biết khi làm chính trị mà lại móc nối với tổ chức bị xếp loại nguy hiểm bậc nhất là khủng bố. Dũng cảm cách mấy thì cũng khó ai dám giao sinh mạng mình cho những người non nớt đến vậy.


Mạnh vì gạo bạo vì tiền, Việt ta giờ không như xưa, nghĩa là cả mạnh lẫn bạo đều ngấp nghé mức trung bình của thế giới thế nên, phản ứng của dăm ông đại sứ vài tổ chức nhân quyền hiệu quả thực tế là con zero to tướng. Chưa kể cái cách lên tiếng lại tạo hiệu ứng ngược.
Người ta mở tòa xử công khai, người trong tòa thừa nhận mình vi phạm, ông lại gào lên phải thả ngay. Ô hay, dễ hệ thống luật của một nước có chủ quyền được UN công nhận, là cuộn giấy toilet nhà ông chắc.
Ông nhân danh ai ông là cái quái gì mà ngồi lên đầu lên cổ cả một nhà nước như thế. Chưa kể tiếp, chính ông xúi trẻ con ăn cứt gà bằng cách hứa hẹn bảo vệ giúp đỡ họ, nay bảo không được giúp không xong, rồi ông cũng sẽ phủi tay nhanh lắm.
Thẩy ra mấy cái hợp đồng mua tên lửa đạn đạo của nhà ông chẳng hạn thì, có mà xây Guantanamo giữa Hồ Gươm ông cũng vỗ tay đôm đốp nhớ gì đến Định đến Trung. Vì tiền, cả các ông và chúng tôi đều bạo ngang nhau, chẳng ai kém miếng.

Quá nhiều lần đèn không hắt bóng như thế, chính các ông tự hạ trọng lượng phát ngôn của mình. Những chiếc phao quăng ra không đủ cứu sinh chính con đẻ các ông, thế thì chờ đợi gì đám đông đang yên ổn sống kia lao xuống sông xuống biển cùng.

Mấy ai không cô đơn trong thế giới thực này. Beo đồ rằng, thế giới ảo có khi được phát minh ra từ sự quá cô đơn của con người. Thế giới nào cũng đầy cạm bẫy.
Thế giới ảo cạm bẫy nguy hiểm hơn bởi họ có thể tự lừa dối chính mình, họ nhầm lẫn giữa hai thế giới. Xử lý những thông tin thông số ảo để hoạch định cho những hành động đời thật. Hàng ngàn bloggers ở đâu nhỉ khi chỉ hơn chục bạn đứng thật trên vỉa hè Paris ủng hô Trung.
Trong dòng người tấp nập ngoài kia, mấy ai ngoái cổ xót thương Định nhợt nhạt leo lên xe tù.
Beo khẳng định blog này mà mở, hàng tá người sẽ comment chắc như bắp rằng không, Trung Định không cô đơn vì có họ, núp sau những cái tên ảo, nhiệt liệt ủng hộ. Hây da, cuộc cách mạng của nhân dân ảo thì chỉ đẻ ra thêm đảng ảo, bất quá thêm đảng nhậu đảng ăn tục đảng nói phét, chấm hết.
Thế cũng là đa đấy chứ.


25 thg 1, 2010

Từ LỆ làng nghĩ đến LUẬT nước


Hàng năm, vào ngày mồng 5 Tết, làng tôi lại thực hiện lệ khám đàng. Đàng ở đây nghĩa là đường làng. Khi tôi lên năm, lên sáu tuổi, cứ mỗi khi khám đàng là tôi lại lon ton chạy đi xem. Một đoàn khám đàng được thành lập bao gồm một số cụ bô lão, đại diện chính quyền thôn và đại diện thanh niên.

Đi đầu đoàn khám đàng là một bô lão, tay xách một chiếc chiêng đồng, vừa đi vừa đánh ba tiếng một. Sau đó là hai thanh niên đi ở hai mép đường làng bằng đất hoặc được lát gạch và trên tay họ giữ chung một chiếc sào tre. Độ dài của chiếc sào tre này chính là chiều rộng của đường làng cộng với hai phần đất lưu không ở hai bên đường làng. Đi sau hai thanh niên giữ sào để "cầm cân nẩy mực" là một vài cụ bô lão và đại diện của chính quyền thôn. Sau cùng là những thanh niên khoẻ mạnh mang theo cuốc xẻng, búa tạ và dao chặt cây.

Đoàn khám đàng đi chậm rãi từ đầu làng đến cuối làng. Hễ một trong hai đầu cây sào tre chạm vào bất cứ một vật cản nào thì đều bị xử lý như cổng ngõ, tường nhà, chuồng trâu bò, lợn gà, cây cối và những thứ khác. Khi một đầu sào chạm vào những thứ nói trên thì nghĩa là chủ sở hữu của thứ đó đã vi phạm lệ làng. Nghĩa là họ đã chiếm dụng phần đất lưu không của làng để phục vụ lợi ích cá nhân của họ. Và lệ làng là: hễ một trong hai đầu cây sào chạm vào tường thì phá tường, chạm vào cổng ngõ thì dỡ cổng ngõ, chạm vào chuồng trâu thì dẹp chuồng châu, chạm vào cây thì chặt cây

Lệ khám đàng này có từ bao giờ tôi không biết. Nhưng cho đến bây giờ, giữa những năm của thế kỷ 21, lệ khám đàng vẫn được thực hiện một cách nghiêm minh. Có một hai lần tôi chứng kiến người có cái cổng ngõ hay chuồng trâu bò xây lấn vào phần đất quy định của làng bị phá dỡ đã gây sự, chống đối lại đoàn khám đàng. Nhưng cuối cùng những người đó cũng phải tuân theo lệ làng và phải xin lỗi làng về hành động của mình.
Cây sào tre để đo đường làng và phần đất lưu không hai bên đường cũng có từ lâu lắm rồi. Mỗi năm, sau ngày khám đàng, cây sào tre đó lại được gác dưới mái đình để dùng vào năm tiếp theo.

Có lần tôi định kiếm tìm cái văn bản liên quan đến lệ khám đàng nhưng không tìm được. Những người già làng tôi đã trên dưới 90 tuổi nói trước kia có lẽ cũng có văn bản đó nhưng cả đời họ chưa bao giờ nhìn thấy. Làng cũng không có toà án, không có công an...Thế nhưng, lệ khám đàng cùng với nhiều lệ khác của làng đã ăn sâu vào máu thịt những người làng qua nhiều thế hệ và trở thành một văn hoá sống.

Những người làng cố tình vi phạm hay chống đối những lệ đó sẽ cảm thấy xấu hổ và không được cộng đồng chấp nhận. Một cộng đồng sống có luật, có lệ vì những lợi ích của cộng đồng đó giống như một môi trường trong sạch làm cho những vi khuẩn gây bệnh ít có khả năng phát triển.

Từ lệ khám đàng của làng mình, tôi lại chạnh lòng nghĩ đến luật của đất nước. Chúng ta đã và đang chứng kiến một đời sống thiếu luật pháp một cách trầm trọng. Tôi chỉ xin lấy một ví dụ đơn giản về việc người ta ngang nhiên lần chiếm đất công và tìm mọi cách sở hữu hoá tài sản của nhân dân, của nhà nước. Có những công trình quốc gia quan trọng như mở một con đường chẳng hạn mà chỉ cần một gia đình không chịu di dời, chúng ta cũng chịu bó tay đến cả vài năm.
Ngay mấy năm trở lại đây, nạn lấn chiếm hồ nước ở Hà Nội một cách trắng trợn mà báo chí lên tiếng bao nhiêu năm bây giờ mới có một vài hành động ngăn cản việc lấn chiếm đó.

Tại sao chúng ta có một lực lượng hùng hậu để giám sát và bắt buộc người dân thực hiện luật pháp của đất nước như công an, kiểm sát, toà án và nhiều tổ chức nhà nước và xã hội khác mà người dân vẫn cứ coi thường pháp luật như vậy. Điều hổ thẹn và đầy nguy cơ đối với việc xây dựng một xã hội văn minh và văn hoá là những người vi phạm luật pháp không hề cảm thấy xấu hổ và ân hận về hành vi phạm pháp của mình.
Cách đây mấy năm, qua truyền hình, người dân chứng kiến một cán bộ mắc tội tham nhũng sau khi bị tuyên án thì nhìn những người đến dự phiên toà và nhìn các nhà báo và nhoẻn miệng cười. Cái cười ấy là cái cười vô lương tâm và vô học.

Và tại sao trong khi đó những người nông dân ở một làng đang sống một cuộc sống còn nhiều thiếu thốn và ít được học hành lại có thể sống một cuộc sống đầy ý thức, trách nhiệm và tôn trọng luật lệ của cộng đồng như vậy?
Tôi thiết nghĩ, hầu hết mỗi chúng ta đều đã có câu trả lời chính xác.


Nguyễn Quang Thiều

Rùng mình khi nghĩ đến bệnh viện

TT - Tôi sống và làm việc ở VN đã tám năm. Niềm vui, nỗi buồn tôi đều trải qua, nhưng điều tôi suy nghĩ và lo lắng nhiều nhất là tình trạng bệnh viện ở đất nước các bạn. Không riêng tôi mà nhiều người bạn nước ngoài khác cũng rất đau đầu về việc này.

Tôi cũng nhận thấy một điều là có nhiều phòng mạch, bác sĩ thích thuyết phục người nước ngoài thanh toán bằng USD thay vì tiền Việt. Tôi nghĩ mãi vẫn không hiểu tại sao họ lại muốn như thế. Tôi thấy ở hầu hết các quốc gia châu Á khác (trừ Campuchia) thì tiền quốc gia vẫn luôn là lựa chọn đầu tiên dẫu bạn là người nước ngoài.

Đầu tiên, một điều nghịch lý mà ai cũng dễ dàng nhận thấy là sự mất vệ sinh ở các bệnh viện. Đáng lý ra bệnh viện phải là nơi sạch sẽ nhất, nhưng sự thật là gì? Vào một số bệnh viện, tôi thấy lớp lớp người nằm ngồi la liệt trên đất, tay họ chống xuống đất, rồi nhà vệ sinh thường không có nước... Điều này thật kinh khủng! Nhất là khi bệnh viện thường tập trung rất nhiều mầm bệnh có thể lây nhiễm dễ dàng trong không khí.

Nên chăng bệnh viện cần làm thêm nhiều ghế đá và bán hay cho thuê những chiếc chiếu với giá rẻ để mọi người có thể mua, thuê dùng, chứ bàn tay người nhà vừa mới chống xuống đất rồi sau đó vuốt má, đút cháo cho bệnh nhân chẳng khác nào tiếp thêm bệnh. Hoặc cũng nên tăng cường giải thích cho người nhà bệnh nhân hiểu rằng việc nằm, ngồi trên đất như vậy rất mất vệ sinh, và đừng quên khuyến cáo không nên để trẻ em vào bệnh viện vì sức đề kháng của trẻ thường rất yếu.
Ngoài ra, bệnh viện ở VN có những giờ nghỉ theo tôi là quá dài và vô cùng nguy hiểm trong trường hợp khẩn cấp. Người bạn của tôi cũng từng phải chờ đợi mòn mỏi tại một bệnh viện khi anh ta bị gãy chân do tai nạn giao thông. Có ai thấu được nỗi đau cả về thể chất lẫn tinh thần của anh ta lúc ấy lớn đến nhường nào? Một giây lúc đó tưởng như dài cả giờ. Ở Hàn Quốc, bệnh viện không có giờ nghỉ mà thường sắp xếp theo ca kíp, người này đi nghỉ hoặc ăn trưa sẽ có người khác thay thế
Các bác sĩ phải làm việc trong môi trường vô cùng căng thẳng nên chúng tôi có thể hiểu được sự kiệm lời của họ, nhưng những người ghi danh (làm thủ tục nhận bệnh) cũng tỏ ra thiếu thiện cảm với bệnh nhân, đặc biệt là khách nước ngoài thì thật là khó hiểu.
Tôi nhớ có lần đến một bệnh viện ở Q.3 (TP.HCM) và chẳng biết mình phải làm gì sau khi mua sổ khám bệnh. Tôi chạy đi hỏi người này người kia nhưng cuối cùng bất lực chấp nhận sự thật là chẳng ai chịu giúp mình. Lúc đó dẫu đã biết chút ít tiếng Việt nhưng tôi vẫn vô cùng khó khăn trong việc giải quyết hồ sơ và cảm thấy tủi thân hơn bao giờ hết. Tôi ngồi thừ ra đó cả giờ, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Tôi chỉ ước mong một điều nhỏ bé là ở mỗi bệnh viện có vài tình nguyện viên hỗ trợ về ngôn ngữ cho người nước ngoài.
Nói về sổ khám bệnh, tôi nghĩ nên chăng các bệnh viện dùng chung một cuốn để theo dõi bệnh nhân. Vì ở nước tôi cũng như nhiều quốc gia khác, mọi người chỉ cần mua một cuốn sổ ban đầu và có thể cầm nó đến bất kỳ bệnh viện nào. Còn ở đây mỗi bệnh viện lại đòi một cuốn, tuy giá không bao nhiêu nhưng nếu phí phạm như vậy sẽ không tốt cả về môi trường lẫn gây khó khăn cho người nghèo.
Điều nghịch lý cuối cùng là chi phí khám bện
h cho người nước ngoài tại VN quá cao. Cụ thể như ở Hàn Quốc nếu muốn khám tổng quát tôi chỉ phải trả 3 USD mỗi lần đến bác sĩ, còn ở VN tôi phải chi ít nhất 100-150 USD. Có lần bị bệnh khá nặng, tôi phải bỏ ra tới 2.000 USD để chữa trị. Một con số khổng lồ và rất cách biệt so với người trong nước, trong khi chi phí này ở hầu hết quốc gia đều ngang bằng, bất kể bạn là người trong nước hay nước ngoài.
Không riêng tôi mà nhiều người bạn nước ngoài khác cũng rất đau đầu về việc này. Và như một luật bất thành văn, chúng tôi thường kháo nhau: “Nếu bị bệnh thì tốt nhất nên bay về nước để khám, vừa rẻ vừa thoải mái. Chớ dại mà lăn đùng ra bệnh tại đây”. Chính vì thế mỗi lần nghĩ đến bệnh viện VN tôi không khỏi rùng mình!
CHOI JUNG EUN (Giám đốc đại diện Myung Ga Food)

23 thg 1, 2010

Thiên thủ thiên nhỡn” và cái két sắt

Lên kế hoạch dẫn cánh Miền Nam lần đầu ra thăm đất Bắc đi các danh lam thắng cảnh, tôi gợi ý nên đến thăm Bút Tháp, ngôi chùa nổi tiếng với kiến trúc độc đáo và pho tượng Phật Bà Nghìn mắt nghìn tay độc nhất vô nhị.

Nghe nói vậy, có anh cãi: “Ủa, sao lại nghìn mắt nghìn tay? Nghìn mắt nghìn tai chứ? Phật bà có nghìn mắt để soi xét thiên hạ, nghìn tai để nghe thấu ý muôn dân rồi chỉ bảo con người làm việc thiện, giữ gìn cỏ cây muôn lòai trường tồn. Sao lại nói nghìn tay?” Thì ra tiếng Nam Bộ chữ tay hay chữ tai nó nghe lớ lớ nên ông bạn hiểu lầm rồi suy luận như ý ông nghĩ dzậy mà không phải là dzậy. Chẳng buồn cãi lại, tôi bảo: “Cứ đến tận nơi khắc biết”.


Lâu lắm không lên thăm chùa, bước qua cổng thấy chỉ lèo tèo dăm chiếc xe máy, xe đạp, hàng quán vắng tanh. Độc mỗi cái ô tô do mấy anh chị chụp ảnh đám cưới dẫn đôi bạn trẻ sắp lên xe hoa vào sân chùa ôm nhau chụp ảnh làm cuốn an bom khổng lồ để trưng trong đám cưới sắp tới.
Buớc qua cổng ngoài, tôi ngỡ ngàng thấy hai hàng cây cọ tây lạ hoắc cao hơn đầu người, chẳng ăn nhập gì với cây cối cổ truyền vốn được trồng trong chùa xưa nay. Qua tam quan, một lư hương và hai cây đèn đá mới toanh to đùng án ngữ ngay giữa chùa chính, chẳng ăn nhập gì với không gian kiến trúc hài hòa vốn có nơi đây. Nghe bảo đấy là đồ hiến tặng, của công đức nên được bầy ở đây. Chạnh nghĩ, công đức sao cứ phải làm cho thật to, nó làm hỏng cả kiến trúc tự nhiên của nơi thờ tự cổ kính

Vào sân chùa, giật mình thấy những gốc cau đã bị đổ gục từ bao giờ bị cưa ngang thân mà chẳng ai trồng thế cây mới. Thiếu tiền tu bổ chăng?
Tôi dẫn anh em vào thăm pho tượng nghìn mắt nghìn tay. Chẳng cần phải giải thích. “Thực tiễn là thước đo của chân lí”. Anh nào anh ấy im thin thít đứng chiêm ngưỡng pho tượng khiêm tốn, bố cục cực hài hòa với nghìn mắt nghìn tay được các nghệ nhân xưa tạc thật tinh xảo, hài hòa. Chẳng ai còn nghĩ đến chuyện nghìn tai hay nghìn tay nữa.



Cùng cả đòan đi hết gian này qua gian khác, vượt qua cây cầu đá xinh xinh qua tòa tháp phía sau để xem chiếc tháp gỗ cao bằng cả gian chùa quay được bốn phương tá hướng rồi tới bàn thờ Bác Hồ ở gian trong cùng…
Một anh trong đoàn nhận ra chuyện lạ hỏi “ Quái! Sao trong chùa này lắm két sắt thế? Có cơ quan tài chính nào về đóng ở đây chăng? Đâu đâu cũng tòan két sắt cả! Nghe câu nói lạ, cả đòan mới chú ý và thấy quả là ở đây lắm két sắt thật! trước các ban bệ thờ, các tượng người ta đều đặt chềnh ềnh một cái két sắt to tướng.

Ngắm nhìn chiếc bệ thờ Tam Bảo với những hoa văn điêu khắc cổ chạm những sóng mây thẳng vút vươn lên điển hình cho trang trí điêu khắc đời Lê đang bị bụi phủ, chẳng ai quét bụi, lau chùi, chiếc mõ lớn bị xếp vô trật tự ngay bên gầm bệ thờ. Hai cái thùng loa điện tử và hai chiếc lọ “Độc bình” to đùng, men xanh đỏ lòe lọet chẳng ăn nhập gì được bê vào đặt hai bên bệ thờ “Tam Bảo”. Chiếc két sắt trơ trẽn đứng chềnh ềnh ngay giữa bệ thờ. Anh bạn tôi súyt xoa. “Trời ơi! Cái bệ thờ qúy vậy sao lại để đây ? Sao lại đặt những đồ vật tầm thường vào chỗ linh thiêng này?”



Nhìn lên những dòng chữ in vi tính dược photocopy hàng loạt dán trên cột hay ngay cạnh các két sắt với dòng chữ to in ngay ngắn “Qúy khách thành tâm tự tay để tiền công đức vào hòm công đức đề phòng kẻ gian lấy cắp”. Chết cha! Ở đây lắm kẻ gian vậy sao? Tôi buộc lòng phải nhắc khéo anh em “ Khi đi thăm chùa, cẩn thận kẻo kẻ gian móc túi” Mọi người phì cười “ Vắng như chùa thế này chứ có phải chợ Đồng Xuân đâu mà có kẻ gian?” Tôi bảo: “Cứ đọc các chỉ dẫn này khắc biết”. Ừ thì ra lắm kẻ gian thật nên người ta mới phải bệ vào đây tới 15 cái két sắt cải biên khoét lỗ nhét tiền trên mặt thành hòm “công đức” đặt rải rác khắp nơi trước mọi bệ thờ, tượng thiêng.

Định tìm vị sư trụ trì để hỏi thực hư ra sao thì chỉ thấy hai vị mặc áo nâu trụ trì ở dây đang ngồi trước chiếc bàn bán hương và ghi tên công đức cạnh một chiếc két sắt cỡ lớn trên có tấm biển ghi mấy dòng chữ song ngữ Việt Anh “Nơi ghi nhận công đức . Place sign donation”. Hóa ra các vị cũng đang ngồi túc trực canh giữ cái két công đức rồi. Chẳng buồn hỏi thêm.

Thắp hương kính cẩn trước bàn thờ Phật Bà Nghìn măt nghìn tay tôi khấn thầm. “Nều quả ngài có trưởng lực “Thiên thủ thiên nhỡn” xin ngài hãy ra tay tiễu trừ gian tặc phù trì cho việc tôn tạo, trùng tu sao cho chốn thờ tự vô giá này của cả dân tộc được trường tồn cùng quế nguyệt”.


22 thg 1, 2010

Ai

Cán bộ hành chính ta là ai
Con sâu mọt đáng đời nguyền rủa
Hành hạ dân đến tột cùng khốn khổ
Vơ vét dân đến cả mớ rau nghèo


Hay ta là người công chức gieo neo
Lương không đủ cho con theo thày học
Dẫu thương dân thì cũng đành bất lực
Cơ chế nào trói chặt sức con người

Hay ta luôn dằn vặt mãi không nguôi
Ngày hai buổi đứng ngồi vô tích sự
Vẹo sườn dưới chồng giấy tờ đồ sộ
Viết những điều cổ hủ đến buồn nôn

Ta giãy giụa trong vòng xoáy sinh tồn
Chỉ mong một môi trường không ô uế
Ta đã từng có một thời trai trẻ
Từng dưới cờ tuyên thệ quyết vì dân

Đời con người dẫu chỉ sống một lần
Khi cả nước hành quân lên hiện đại
Đến cây cằn bỗng nở mùa hoa trái
Đây là lần sống lại của đời ta

Sáng bừng lên những bài học từ xa
Qua ống kính vạn hoa thời đổi mới
Mở tầm mắt nhìn ra ngoài thế giới
Hành chính về trong nguồn cội nhân dân


Đất trời nay đang vào giữa mùa xuân
Nghe trong gió thì thầm lời nhắn nhủ
Thôi giã biệt những lối mòn xưa cũ
Đường ta đi cùng mở với bao người


Giám đốc doanh nghiệp ta là ai
Nửa đời chiến chinh nửa đời bao cấp
Thời đổi mới gian truân hơn đánh giặc
Đã mười năm quần quật mở thị trường

Ta là người tiên phong khai phá đường
Gánh trên vai nỗi đoạn trường cải cách
Hay ta là một con sâu luồn lách
Xoay kiến ăn trong những ngách bùn đen

Ta đọa đầy những điêu đứng triền miên
Trên búa dưới đe bốn bề chèn ép
Hay ta hưởng toàn rượu ngon gái đẹp
Khoét của dân giành hết mọi bùi thơm

Ta chất chứa bao niềm vui nỗi buồn
Bao nhiêu tủi hờn bao nhiêu uất ức
Biển quê hương đêm triều dâng rạo rực
Con sóng nào thao thức gọi bình minh

Ta chỉ là một kẻ tù binh
Cưới đầu hổ rùng mình không dám xuống
Hay ta là nhà thơ giàu mộng tưởng
Luôn vươn lên theo hướng mặt trời

Ta lo toan quanh quẩn cái tôi
Lo giữ ghế lo xu thời nịnh hót
Hay ta muốn dân lên người vị ngọt
Dốc đời ta chi chút trả ân tình

Ta lắng nghe đất nước chuyển mình
Từ sâu thắm lòng dân bao khát vọng
Những cay đắng và ngọt ngào cuộc sống
Đang chờ ta lồng lộng gió lên rồi

Là nhà khoa học ta là ai
Nhập cuộc sâu hay còn ngoài đổi mới
Ta chủ động hay ta là con rối
Được phát huy hay còm cõi góc bàn

Làm Đảng viên hay khệnh khạng làm quan
Sống chiến đấu hay sống mòn công chức
Bao câu hỏi giữa hai bờ hư thực
Ở đâu nguồn tri thức trả lời đây

Những xấu xa trắng trợn tự phơi bày
Những cơ chế trói tay người tâm huyết
Những cấp phát, xin cho và phê duyệt
Bao tiềm năng nằm liệt đến bao giờ

Ta trở về những thôn cũ làng xưa
Ta đến với những bến bờ mới lạ
Ta hỏi người, hỏi cây và hỏi đá
Hỏi núi rừng đồng lúa hỏi lòng dân

Những lực gì đang ngăn cản dòng sông
Vượt ghềnh thác muôn trùng về biển rộng
Những dự định thời thanh niên mơ mộng
Đêm đên còn cháy bỏng đốt tim ta

Sẽ đến ngày đất nước thăng hoa
Còn xa tắp hay đã là gần lắm
Đường thênh thang hay đường còn thăm thắm
Mẹ già ta đăm đắm đợi lâu rồi

Con tàu ta lướt sóng vượt ra khơi
Nào đâu lực nào đâu thời đâu thế
Cùng dân tộc ta hồi sinh sức trẻ
Nắng ban mai đã hé ở chân trời

Việt Phương (1995)
Nguon :
http://www.tuanvietnam.net/2010-01-21-ai-

21 thg 1, 2010

Hoan nghênh ý kiến của nhà thơ – nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo

Vài dòng gửi Nguyễn Trọng Tạo tài hoa (không phải người Kinh Bắc mà nhạc điệu thì duyên dáng hệt người Kinh Bắc quê tôi vậy)

- Hoan nghênh
ý kiến của Nguyễn Trọng Tạo về Gs Huệ Chi, khi anh gợi lên được sự thật này:
Chỉ cần cảm thấy một người, một việc nào đó có thể đe dọa cho “độc quyền, độc lợi” của phe đảng mình là người ta sẵn sàng vô lễ với cả những giá trị đáng kính, phải kính; một cách bất chấp. Từ đáng kính cứ “tiến thẳng” sang đáng hành hạ, bỏ qua “sự thận trọng và trân trọng đối với con người” (như lời Nguyễn Trọng Tạo)!. Khi đã không thận trọng và trân trọng với Con người thì cũng sẽ ứng xử tùy tiện như vậy với Dân tộc và Tổ quốc, chân lý ấy không còn phải bàn cãi.


- Nếu không phải là “người quen” của những phi lý XHCN thì không ai có thể cảm thấy bình thường khi thấy một vị giáo sư có tài năng, tuổi tác và nhân thân như Gs Nguyễn Huệ Chi lại có thể bị những người phi văn học xộc vào giường ngủ (tức khám ổ cứng vi tính, như ví von của Nguyễn Trọng Tạo) và “mời” đi làm việc một cách thô bạo bất xứng như vậy. (Dù tai họa được đưa đón bằng xe con lịch sự và bằng những lời ngon ngọt thì tai họa vẫn tên là tai họa).


- Dù cho trang mạng Bô-xít có vượt qua hàng rào của luật lệ tạm thời ở điều này điều khác, thì trước một trang mạng mang tiếng nói cảnh báo để gìn giữ đất nước , tiếng nói mạnh mẽ gần như duy nhất của giới trí thức trước tình hình đất nước ngàn cân treo sợi tóc hiện nay, và trước con số truy cập trên 17 triệu lượt cũng buộc những người ghét nó phải dừng tay.
Phải biết dừng lại trước nhân cách của một người khác, huống chi nhân cách của hàng triệu con người! Mười bảy triệu lượt người đọc này chắc phải là người Việt Nam, khinh con số 17 triệu ấy khác nào khẳng định đông đảo quần chúng Việt Nam là xấu? Ai làm được điều quá lớn lao ấy thì mọi khúc mắc , nếu có, tất nhiên có, của người ấy đều là nhỏ bé không đáng kể gì.
Chính Nguyễn Huệ xưa cũng nhiều tật lắm, chứ Nguyễn Huệ Chi thời nay đã có tật gì? Liệu có nên đối chiếu với những người chưa có công gì đáng kể mà cái tật đã to bằng năm bảy dãy biệt thự, bằng cái ghế cao ngất nghểu, bằng hàng tỷ đô la gửi ngân hàng Thụy sĩ, và nhất là cái tật chuyên gửi con cho kẻ thù dạy dỗ không?

- Nếu vì yêu nước mà phải vượt chút hàng rào (luật, dưới luật) thì cũng đáng vượt lắm chứ sao? Tình yêu nào không phải một đôi lần vượt rào, một đôi lần “xăm xăm đè nẻo Lam kiều lần sang”? Tình yêu càng lớn càng dễ gặp những hàng rào lớn. Nhưng hàng rào nào, lề phải nào lớn hơn cái lề “phải giữ lấy nước”?.

- Tố Hữu quá yêu chị láng giềng, nên đã vượt biên giới để coi “bên kia biên giới cũng là quê hương” cũng là một ví dụ muốn yêu phải dám vượt rào, nhưng tiếc rằng sự vượt rào này sai lầm, bởi đấy là hàng rào mà người yêu nước và hiểu lẽ đời không ai được phép vượt qua. Lịch sử dạy thế. “Nỏ thần vô ý trao tay giặc, nên nỗi cơ đồ đắm biển sâu”, biển này đang có hình cái lưỡi bò khổng lồ mà vó ngựa của An Dương Vương đã dừng cách đó không xa! Có sự vượt rào đáng khinh, nhưng có sự vượt rào đáng trọng, không thể đánh đồng. Nghĩa cử dám vượt những hàng rào lớn phải rất có ý thức, không bao giờ là vô tình, có quên là quên đi những gai góc của hàng rào cứa vào da thịt.

- Tôi đặc biệt đồng ý với sự phân tích rất sâu của nhà thơ Trọng Tạo về việc thu giữ và lôi từng chi tiết trong chiếc ổ cứng ra để khảo sát là xúc phạm như thế nào. Tôi cảm ứng điều này với “tư cách” một người đã có chút vốn thực tế, chưa có gì đáng khoe: Tôi chỉ viết mấy bài lý luận mà bị khám nhà tới 3 lần, tịch thu 3 dàn vi tính và phải “làm việc” với những “người rất quen” ở mọi cấp, cả thảy trên 400 buổi, ròng rã từ 1991 đến nay, tuy đã thưa dần. Tôi chia sẻ với Gs Huệ Chi về những ngày “làm việc” (không lương!) này của người hưu trí, chỉ vì tấm lòng ưu thời mẫn thế vẫn chưa chịu về hưu.
Té ra yêu nước thì phải “làm việc” ! Đúng quá, cũng như “Yêu nước phải thi đua, nhưng đây lại là sự làm việc không lương (tức vô lương !), chữ của chú Tàu cũng thâm thật. (Xin nói nhỏ: Người Việt yêu nước hay bán nước đều nên học chữ Tàu! Lịch sử lại dạy thế. Ôi, cái “thằng Lịch sử” đã làm nhiều người nổi giận cũng giảng cho ta nhiều bài lý thú lắm).

- Tất nhiên bài của Nguyễn Trọng Tạo chưa nói hết ý, hết nhẽ như cần phải nói. Nhưng hãy xuất phát từ những người khách quan, trọng đạo lý, cận nhân tình, có văn hóa như vậy, không thiên vị như vậy, biết nghĩ đến vận mệnh dân tộc như vậy, chúng ta sẽ tới được chỗ tận cùng phải tới, nơi tận cùng của sự thật.
Tôi không lạ khi căn phòng của cảm hứng thơ-nhạc như cảm hứng Nguyễn Trọng Tạo lại có “cửa khẩu” thông sang cánh đồng chính trị-xã hội bao la. Đây lại là ví dụ về sự “vượt biên” xé rào đáng quý. Thì đấy, Tản Đà là thi sĩ hơn ai hết, mà cũng chính trị hơn ai hết khi để lại câu thơ chính trị muôn đời:
Cũng bởi thằng dân ngu quá lợn
Cho nên chúng nó dễ làm quan!
Câu thơ có phần dung tục đấy, mà đẹp đến phải ngưỡng mộ. Bởi không gì đẹp hơn và trường cửu hơn chính cuộc đời muôn vạn nỗi niềm mà ta có vinh dự một lần góp mặt. Dại dột là những ai lẩn tránh.

Một lần nữa xin cảm ơn bài viết.
Thân mến

Hà Sĩ Phu (19-1-2010

Nguồn :http://boxitvn.wordpress.com/2010/01/20/hoan-nghenh-y-kien/#more-348

Game over



Tươi tỉnh, áo là phẳng phiu, không còng tay, lần lượt Thức Trung Long Định được dẫn vào. Ngay phần xét hỏi, Định Trung nhận ngay việc tham gia đảng phái chính trị nhằm hoạt động lật đổ bất bạo động. Định giải thích do nhận định sai về tình hình trong nước và bị các tổ chức cá nhân lôi kéo. Trung khẳng định chắc chắn sẽ từ bỏ các hoạt động chống phá nhà nước. Coi như là xong. Xong về mọi phương diện. Và án chắc chắn sẽ tương đối nhẹ so với tội danh.

Lê Thăng Long bị thẩm vấn sau cùng trong phiên sáng nay. Trôi chảy, gãy gọn pha chút hài khi khen hội đồng xét xử hỏi cây này rất hay ạ. Điểm danh lúc đầu Long có rõ to khiến chú công an dẫn giải bụm miệng cười.
Khi Định cố tránh từ đa đảng bằng đảng tập hợp nhiều thành phần thì Long ra sức phản bác HĐXX khi dùng từ tổ chức hay nhóm đối với Long. Phản bác lại các cáo buộc, quên khi tòa hỏi các chứng cớ nhạy cảm liên quan đến tập hợp lực lượng chống đối và chỉ nhận khi bằng chứng được trưng ra.

Sáng qua, Long bất ngờ từ chối luật sư bào chữa.
Thức cho thấy dấu hiệu phản cung, hy vọng phiên tòa chiều đỡ buồn ngủ.

Ngọc Khánh xuống sắc thấy rõ, có lẽ vì cách ăn mặc trang điểm hơn là vì buồn. Nó bảo cứ cho là tại số cho nó nhẹ nhàng.
Thèm nhìn mưa nghe mưa quá, thèm càphê vỉa hè nữa.

II .Game over

16 năm bóc lịch cho Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung 7, Lê thăng Long Long và Lê Công Định 5. Thức tăng 3 năm so với đề nghị của viện kiểm sát( nặng quá so với suy nghĩ của Beo), 3 nhân vật kia nhận mức nhẹ nhất. Thậm chí Định và Trung còn nhận án mức dưới cả tội danh xa.

Phiên xét hỏi chiều không hề sôi nổi hơn như Beo dự đoán, có lúc Beo sém ngủ gật. Trần Huỳnh DuyThức diễn đạt lộn xộn dài dòng để chứng minh mình không hề muốn thay đổi điều 4 hiến pháp( tức là cũng yêu 1 Đảng cật lực chứ không muốn đa), không hề muốn lật đổ chế độ mà mong muốn nó trường tồn.

Thẩm phán và chủ tọa nhầm lẫn hoài web, blog và email nên bị dân công nghệ thông tin cãi, ví như web chỉ đăng có duy nhất một bài thơ của Thức, còn các hiệu triệu lật đổ sau đó là trên email và trên blog là các bình luận.
Ngay từ sáng, Thức biểu lộ sự bối rối. Sau khi viện kiểm sát đề nghị mức án(12/13 năm), Thức giọng hụt hơi xin ngưng trả lời vì mệt quá cộng thêm 2 đêm mất ngủ trước đó lo... học thuộc kết luận điều tra.

Một buổi chiều xui cho Thức khi chọn bác luật sư...21 năm nay chưa hề đi bào chữa Triệu Quốc Mạnh. Vểnh tất cả các giác quan Beo cũng chỉ nghe được bập bõm giọng nói như người xỉn quắc cần câu của bác.
Đại để khúc mở đầu bác ấy lên án các bị cáo và thân chủ của mình Bị cáo không thấy máu đổ thây rơi, bị cáo đều được chế độ cho ăn học tử tế, bị cáo đều là gia đình cách mạng...Beo chờ đợi hay là bác ấy dùng phương pháp luận đòn bẩy ở khúc giữa. Nhưng không, bác ấy lùi lại đại hội 6 của Đảng, ngoặt sang chuyện mua tàu ngầm, tạo giống lúa mới và gần kết luận sau khi chủ tọa ngắt mấy lần nên quan tâm đến quyền lợi bị cáo, bằng cách bảo thân chủ mình là người yêu mến xã hội, muốn tăng cường mọi nguồn lực cho đất nước và không chống đầu tư nước ngoài, phạm tội do ảnh hưởng từ các tác phẩm nổi tiếng ( còn tác phầm nào thì Beo chịu không nghe được, hình như là tiếng tây).
Gần kết luận là bởi bác ấy dỗi không nói nữa khi hội đồng xét xử ngắt lời hoài, không thèm kết luận. Thức giơ tay xin nói và ...kết luận thay cho luật sư.
Lời cuối Định và Trung xin được khoan hồng. Long nói cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã sai phạm trong trường hợp mình. Thức chỉ muốn đóng góp cho lãnh đạo đảng và nhà nước chứ không phải là phản động.

Game over!

Nguồn :http://vn.myblog.yahoo.com/thuhong_1960/article?mid=1204

III .Báo chí nước ngoài quan tâm

REUTERS
Hãng này nhận định phiên xử gây sự chú ý ở nước ngoài một phần bởi trong số bị cáo có ông Lê Công Định và ông Nguyễn Tiến Trung.
Luật sư Lê Công Định từng bào chữa cho các nhà hoạt động dân chủ và cũng từng bảo vệ cho Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản trong khi Nguyễn Tiến Trung từng gặp Tổng thống Hoa Kỳ George W Bush cũng như Thủ tướng Canada Stephen Harper.

Hãng thông tấn này đưa tin nói tường thuật truyền hình của BBC World đưa tin phiên xử đã bị chặn ở Việt Nam.
Đại sứ Đan Mạch Peter Lysholt nói với các phóng viên rằng "Có những quan ngại nghiêm trọng về toàn bộ quá trình xét xử này".
Ông là một trong số ít các nhà ngoại giao được cho phép theo dõi phiên xử qua màn hình tivi đặt ở phòng cách biệt với phòng xử. "Chúng tôi sẽ thúc giục mạnh chính phủ Việt Nam ân xá cho cả bốn người này". Đại sứ Đan Mạch được Reuters trích dẫn.
Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Tp Hồ Chí Minh, Kenneth Fairfax nói Hoa Kỳ "hết sức quan ngại" về việc bắt và kết tội người chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận và Hoa Kỳ kêu gọi thả ngay và vô điều kiện những người này.


AP
Hãng AP ghi nhận người đầu tiên ra tòa là ông Lê Công Định, người thừa nhận vi phạm điều 79 Luật Hình sự khi gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói: "Mục đích của đảng là kêu gọi hệ thống đa đảng, đa nguyên chính trị và một nhà nước mới."

"Trong thời gian tôi học ở nước ngoài, tôi chịu ảnh hưởng của tư tưởng nước ngoài về dân chủ, tự do và nhân quyền."
Tuy nhiên ông Định nói "Trong thâm tâm, bản thân tôi và các bị cáo khác không có ý định lật đổ chính phủ".
Theo AP, ông Định nói đã nhận một phác thảo hiến pháp mới từ lãnh đạo đảng Dân chủ, và dự khóa học ba ngày tại Thái Lan do Việt Tân tổ chức về thay đổi chính trị bất bạo động.
Chính phủ Việt Nam xem Việt Tân là tổ chức khủng bố, nhưng giới chức Mỹ nói không có bằng chứng cho việc này.
Người thứ hai ra tòa là Nguyễn Tiến Trung, nói đã gia nhập Đảng Dân chủ Việt Nam và thành lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ, nhưng nói anh hối hận đã làm vậy.
"Hành động của tôi vi phạm luật pháp Việt Nam. Tôi nông nổi và phạm sai lầm."

Bị cáo thứ ba, Lê Thăng Long, bác bỏ ông đã làm gì sai trái. Ông nói "Tôi vô tội" và nói trước tòa rằng trước đó ông đã bị an ninh "khủng bố tâm lý" để ép cung.
Còn ông Trần Huỳnh Duy Thức thừa nhận lập ra "Nhóm Nghiên cứu Chấn", tổ chức mà Viện Kiểm sát nói là muốn gây ảnh hưởng tiêu cực tới chính phủ. Nhưng ông Thức nói nhóm này đơn giản chi tiến hành nghiên cứu và đưa ra các đề nghị về chính sách cho lãnh đạo Việt Nam.
Ngay sau khi phiên tòa kết thúc cuối giờ chiều nay, AP trích dẫn lời ông Kenneth Fairfax, lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, thất vọng vì các bản án.
Ông này nói: "Chúng tôi muốn nhắc lại lo ngại sâu sắc về vụ chính phủ Việt Nam bắt giữ và kết án những người này vì sự biểu lộ trong hòa bình niềm tin của họ, dù là chính trị hay không."


AFP
Hãng tin Pháp AFP ghi nhận đây là vụ án "nổi bật nhất trong một loạt các vụ bắt giữ và kết tội giới bất đồng chính kiến và blogger tại đất nước cộng sản một năm qua".
Phóng viên AFP nói ông Định thừa nhận muốn thành lập hệ thống đa đảng và kêu gọi đa nguyên.
Ông được dẫn lời: "Những gì tôi làm đã vi phạm pháp luật."
Anh Tiến Trung cũng nói anh đã vi phạm pháp luật và "nông nổi".

Cáo trạng nói ông Thức dự đoán Đảng Cộng sản tiêu vong trước năm 2020, ông Định đã soạn một hiến pháp mới, còn Trung, cùng với các sinh viên ở Pháp, thành lập "phong trào dân chủ thanh niên".
Ông Long thì nói ông và Thức thuộc nhóm thảo luận các vấn đề kinh tế xã hội để "phát triển đất nước".
Ông nói: "Thảo luận là tự nhiên và thuộc quyền công dân của tôi."
AFP cho biết thân nhân, cũng như giới báo chí nước ngoài và ngoại giao không được vào chính phiên xử, mà theo dõi qua truyền hình ở phòng bên cạnh.
AFP dẫn lời tổng lãnh sự Hoa Kỳ, Kenneth Fairfax, nói vụ án "liên quan việc thực thi tự do ngôn luận" và kêu gọi trả tự do cho những người này.


DPA
Hãng tin Đức DPA ghi nhận chi tiết ông Lê Thăng Long nói với tòa rằng ông viết lời nhận tội và xin khoan hồng hồi tháng Sáu chỉ sau khi ông "bị an ninh khủng bố tinh thần".
Theo DPA, ba người còn lại hầu như xác nhận những gì họ đã khai và được truyền hình Việt Nam chiếu đi hồi tháng Sáu.
Cũng theo hãng tin Đức, phóng viên dự phiên xử không được dùng phương tiện ghi âm hay chụp ảnh, và mỗi lần ông Long lên tiếng cáo buộc công an, thì hệ thống loa trong phòng của phóng viên và giới ngoại giao lại bị làm nhiễu.
Một nhà ngoại giao dự phiên tòa từ chối nêu tên, nói: "Điểm mấu chốt với chúng tôi là tất cả những điều này [hoạt động của những bị can] không phải là điều phi pháp."

Radio Australia
Phát biểu trên đài phát thanh Úc, chuyên gia lâu năm về Việt Nam, GS. Carlyle Thayer, nhận xét bốn bị can đã đưa hoạt động đòi dân chủ đi xa thêm một bước khi thành lập Đảng Dân chủ Việt Nam.
Ông nói họ "đề ra chiến lược và chiến thuật chính trị hòa bình để thách thức Đảng Cộng sản vào lúc có khủng hoảng tài chính toàn cầu, và nhắm tới giới bất đồng chính kiến bên trong Đảng với hy vọng có sự ủng hộ của họ".
Bác sĩ Nguyễn Đỗ Thanh Phong, đại diện của đảng Việt Tân ở Úc, nói các phiên xử thế này sẽ không bao giờ công bằng.
Ông nói Việt Tân "kêu gọi cộng đồng quốc tế gây thêm sức ép cho chính phủ Việt Nam để họ tôn trọng tự do ngôn luận. Chúng tôi cũng tích cực làm việc với người dân trong nước để ủng hộ họ và mở rộng ảnh hưởng của chúng tôi bằng việc giúp nhân dân bộc lộ mình, tham gia nhiều hơn vào thảo luận chính trị và can dự dân sự."

Giáo sư Thayer đoán rằng phiên tòa được phe bảo thủ trong Đảng dùng để chặn trước khả năng bất đồng tại Đại hội Đảng lần thứ 11.
"Trong quá khứ, những người tự do hay cấp tiến trong Đảng đã dùng Đại hội và các tài liệu chính sách để thúc đẩy cải tổ. Những người bất đồng chính kiến và hoạt động dân chủ ngoài đảng cũng dùng cơ hội đó để góp ý và thúc giục thay đổi."

Nguồn :http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/01/100120_dissidenttrialpressreview.shtml

20 thg 1, 2010

Khủng bố hay đi tìm Sự thật ?

Nguyễn Huệ Chi, Phạm Toàn, Cù Huy Hà Vũ
trong đêm đầu năm mới 2010.


Từ hôm giáo sư Nguyễn Huệ Chi bị khám nhà mà không có lệnh khởi tố bị can, từ hôm đó đến nay, anh liên tiếp bị mời đi “làm việc”, và ngày nào cũng như ngày nào, anh chỉ được thả về nhà vào hồi 9 giờ đêm.

Về phía tôi, mặc dù rất khó chịu, nhưng phản ứng với cách “làm việc” như thế lâu nay vẫn rất là kiềm chế.
Không phải vì tôi sợ. Nhưng vì tôi không thích làm mếch lòng anh Huệ Chi. Anh và tôi là hai cá tính: tôi dễ nổi nóng, còn anh thì điềm đạm. Tôi hay đùa (một chọn lựa để khỏi phản ứng nổi nóng), hay bóng bẩy, hay dông dài, cả khi lý luận cũng có thể dông dài, còn anh thì thận trọng, rành mạch, chặt chẽ. Anh thường trách tôi vì những khác biệt như vậy.


Chẳng hạn, trong bài Chị Hưng vợ Huệ Chi, anh không bằng lòng khi ở cuối bài tôi viết… Huệ Chi bước vào, đứng giữa nhà giơ hai tay lên trời thông báo, mặt hớn hở như cậu học trò lười: “Ngày mai được nghỉ!” Thì vưỡn! Ngày chủ nhật là ngày nghỉ. Cái lệ thường đó của nhân loại chẳng dễ gì vi phạm đâu! Anh nghiêm giọng bảo tôi qua điện thoại: “Viết thế là tếu, sai sự thật. Tôi phải trình bầy là huyết áp tôi tăng rất cao, chủ nhật tôi phải đi kiểm tra… Rất nghiêm trọng, nhưng anh lại mô tả mặt tôi hớn hở như cậu học trò lười. Bậy! Thế là bậy!”


Đây nữa là một cách dông dài, bóng bẩy nhưng rất có chủ đích của tôi. Như trong bài Phe nước mắt tôi cho đăng ngày 16 tháng 1-2010 trên trang blog
boxitvn, cuối bài hết bài và nằm ngoài bài, tôi đánh dấu ngày viết bài bằng một ghi chú bâng quơ: Hôm nay, thứ bảy, biết Huệ Chi có về sớm với vợ không? Ấy là vì tôi cứ muốn những người đang “làm việc” với Huệ Chi hãy tưởng tượng về những cảnh ngộ. Tôi hy vọng họ nghĩ đến hoàn cảnh hai vợ chồng già mà sự “âu yếm” nhau hàng ngày là giục nhau uống thuốc!

Nhưng người ta sẽ cãi: chúng tôi đang còn phải làm việc mà! Vâng, “làm việc”! Nếu biết chắc Huệ Chi là tội phạm, thì làm việc cách gì cũng được. Nhưng một khi Huệ Chi chưa bị gán tội với những bằng chứng không chối cãi được, thì một gợi ý lịch sự như vậy có làm lòng họ rung cảm?
Kinh nghiệm cho thấy là sự rung cảm là một khái niệm xa vời với nhiều người trên đời này! Vì thế, trong một bài khác, tôi đã phải nói thẳng. Sau khi kể chuyện sáng thứ bẩy 16 tháng 1 có những ai đến chơi gặp tôi nhưng cốt để “thăm hỏi” (chưa thăm nuôi) Huệ Chi, tôi đã viết thẳng thừng như sau:


Tôi bảo các cô các cậu ấy rằng, hôm nay Huệ Chi vẫn được mời đi “làm việc”. Và chắc là cũng như mấy hôm vừa qua, người ta vẫn cố ý kéo dài cuộc “làm việc” cho mãi tới lúc tối sầm tối sì. Một đòn tâm lý đấy thôi, sao cho ông đồ gàn cựu Trưởng ban Văn học Cổ-Cận đại, nguyên chủ tịch Hội đồng Khoa học ấy phải mệt mỏi tấm thân dẫn tới mệt mỏi tấm lòng. Sự mệt mỏi có dẫn đến những Sự Thật cần tìm kiếm không nhỉ? Sai lầm biết bao nhiêu khi nghĩ rằng tâm lý Huệ Chi cũng giống hệt như tâm lý kẻ thường phạm nửa đêm bị dựng dậy để yêu cầu trả lời thêm một chi tiết vô thưởng vô phạt nào đó. Liệu những đòn tâm lý thông thường đó đối với những đầu óc quen tự do và độc lập có dẫn tới Sự Thật không? Sự Thật gì? Sự Thật về những điều chỉ diễn ra trong đầu những kẻ mà nếu được tự do biểu đạt thì “cái lũ người xớ rớ” ấy sẽ tạo thành những think tank đủ sức tạo ra vô vàn giá trị cho đất nước.


Tiếc thay, văn chương hình như hoàn toàn vô tích sự trước sự vô cảm của con người. Và hôm nay, tôi buộc lòng phải nói thật: cái thói giữ người vô tội từ sáng sớm tới đêm khuya là một hình thức khủng bố chứ không phải một phương pháp đi tìm Sự Thật.


Với một công dân (tôi không nói đến một nhà khoa học), hoàn toàn có thể ngồi với nhau bên ly cà phê, thêm vài giọt cô-nhắc, và hai bên có thể trò chuyện để biết đâu là những cái cần biết. Người bị tìm hiểu cần biết rõ, nếu mình che giấu bất cứ điều gì đó mờ ám, tiên hậu bất nhất, thì đó sẽ là tự chống lại chính mình theo đúng như luật định. Còn người đi tìm hiểu thì chỉ cần thấy rõ một và chỉ một điều thôi: ấy là ít nhất mình cần phải thông minh ngang với đối tác.


Tôi xin lỗi anh Huệ Chi khi viết bài này mà không được anh biên tập và duyệt. Những ai thích lập công bằng bắt bớ xin ghi tên tôi vào bản danh sách tập trung đi. Tôi đang chán sống ở cái xã hội này rồi đây! Đến mau đi khi tôi chưa kịp đổi ý!


Nhưng trước đó, xin hãy cứ bỏ ngay đã cái thói làm việc lối khủng bố: giữ Huệ Chi dưới danh nghĩa “làm việc”, giữ một công dân không có tội, giữ mãi đến đêm rét mướt bụng đói huyết áp tăng mới được thả về nhà. Không quốc gia pháp quyền nào làm ăn như thế hết!


Hà Nội, 20-1-2010
Phạm Toàn

Nguon:http://boxitvn.wordpress.com/2010/01/20/kh%e1%bb%a7ng-b%e1%bb%91-hay-di-tim-s%e1%bb%b1-th%e1%ba%adt/#more-379

2 ĐẠI GIA 2 SỰ KIỆN

Lời tác giả : Sáng nay đọc báo mạng tình cờ gặp lại 2 đại gia quen biết, từng cùng chung với tôi tham gia đoàn tháp tùng Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2007. Cùng một ngày, 2 đại gia, 2 sự thể ở 2 thái cực khác nhau một trời một vực, nhưng vẫn rất giống nhau ở chất… đại đại gia.

1. TẠC TƯỢNG PHẬT NGỌC LỚN NHẤT THẾ GIỚI
Từ khối ngọc bích thô khổng lồ, 50 thợ lành nghề sẽ chế tác bức tượng Đức Phật tổ trọng lượng gần 20 tấn. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã dự lễ khởi công sáng 18/1.


8h30 sáng, ngay trước lễ khởi công tại Hải Dương, Đại lão hòa thượng Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thích Phổ Tuệ (ngoài cùng bên trái) cùng với 400 tăng ni cầu kinh, niệm Phật

Đến dự lễ còn có Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cùng lãnh đạo nhiều bộ, ngành, đại diện Hội Phật giáo Ấn Độ...

Sau phần nghi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ khai quang khối ngọc bích dùng để tạc tượng...... trước sự chứng kiến của 400 tăng ni phật tử và hàng trăm đại biểu tham dự


Khối ngọc bích dùng để chế tác tượng Phật có trọng lượng 35 tấn, cao 3 mét, rộng hơn 2 mét, được mua từ Malaysia. Đây là khối ngọc bích lớn nhất còn gần như nguyên vẹn.


Ảnh của tượng Phật được dán tượng trưng trên một mặt của khối Ngọc. Sau khi tạc xong, bức tượng có kích cỡ như trong ảnh, với trọng lượng lên tới gần 20 tấn. 50 thợ lành nghề của công ty Thần Châu Ngọc Việt cùng các chuyên gia nước ngoài sẽ làm việc trong 2-3 năm để hoàn thành bức tượng.


Sau khi làm lễ, Chủ tịch nước cùng các đại biểu đã khởi công việc tạc tượng...

... và phóng sinh chim bồ câu.

KHÁNH CHI
Nguồn:
VnExpress

2. CHUYỆN KỲ LẠ Ở PHỐ LINH LANG, HÀ NỘI

Từ đường Đào Tấn, muốn rẽ ra Đội Cấn, Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), các phương tiện phải đi theo bảng chỉ dẫn này:

Nhưng từ ngày 16-1 đến hết 19-1, các phương tiện sẽ gặp cảnh thế này (nhìn từ đường Đào Tấn)...

CSTT của Hà Nội cùng nhiều thanh niên áo đen (không phải áo xanh tình nguyện) giơ gậy chỉ đường hướng dẫn các phương tiện... quay lại hoặc rẽ sang đường khác, không cho đi qua cái cổng chào màu tím, trước cửa Tòa án quận Ba Đình.


Phương tiện đi từ Đội Cấn rẽ sang cũng buộc phải dừng trước mấy thanh niên áo đen rồi rẽ sang Phan Kế Bính mà không thể đi tiếp vào Linh Lang.

Không chỉ CSTT, TTGT Hà Nội cùng những thanh niên áo đen, mà còn thấy xe của CSGT Hà Nội núp trong ngõ để sẵn sàng phục vụ.


Hoá ra sự ra quân của các lực lượng chức năng Hà Nội là để phục vụ… đám tang một đại gia bất động sản có nhiều dự án ở Từ Liêm và Hà Tây (cũ), ông chủ tịch Tập đoàn Nam Cường!
Huhu...!

Ngăn đường, cấm xe vì đám tang
Trong hai ngày 17 và 18-1, các phương tiện khi đi qua phố Linh Lang (đoạn giao cắt với đường Phan Kế Bính, trước cổng trụ sở TAND quận Ba Đình, Hà Nội) đều bị lực lượng công an, cảnh sát giao thông ngăn lại, buộc đi đường khác.

Nguyên do trong đoạn phố này đang tổ chức đám tang ông T.V.C - Chủ tịch HĐQT một tập đoàn ngành xây dựng.

Từ ngày 16-1, người dân ở đây nhìn thấy hai chiếc cổng chào lớn dựng trên phố Linh Lang với dòng chữ “Vô cùng thương tiếc”. Hai đầu vào cổng chào, công an, CSGT và đội ngũ bảo vệ với đồng phục đen tuyền, tay cầm dùi cui ngăn đường không cho các phương tiện đi vào. Cạnh đó, các lực lượng công vụ còn đặt cả ôtô có hàng chữ “Cảnh sát”. Ở vòng ngoài, xa hơn phía giao cắt đường Đào Tấn cũng có hai chốt hướng dẫn giao thông như vậy.

Một người dân sống trong khu vực nói: “Phố Linh Lang là tuyến phân luồng, giảm ùn tắc cho đường Kim Mã. Nay vì đám tang nên người dân chật vật khi tìm lối khác đi lại. Dù nghĩa tử là nghĩa tận nhưng tôi không thông được việc vì đám tang mà cảnh sát ngăn đường, cấm xe. Đường phố là của công kia mà…”.

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Hoàng Hóa, Trưởng Công an phường Cống Vị, khẳng định những người mặc cảnh phục ngăn đường ở khu vực tang lễ ông C. không phải là lực lượng của phường. Có thể đó là lực lượng của CSGT TP, hướng dẫn giao thông khi lãnh đạo đến viếng thôi!”.

Bà Phạm Thị Thanh Bích, Chủ tịch UBND phường Cống Vị, nói: “Nghe dân phản ánh, hôm 17-1 tôi đã xuống kiểm tra và cũng đã báo cáo với UBND quận. Quan điểm của chúng tôi là không thể dựng cổng chào, chặn đường cấm xe như thế, cần tháo dỡ, không cản trở giao thông…”.

Bà Bích cho biết đã thu hồi hơn 30 chiếc dùi cui của nhóm bảo vệ đám tang, đồng thời yêu cầu những người này có thái độ lịch sự với người tham gia giao thông qua khu vực tang lễ vì nhiều người dân không đồng tình với chuyện lực lượng bảo vệ dùng dùi cui khi hướng dẫn người dân.

THÀNH NGHĨA
nguồn: báo Pháp luật TP HCM

Khi cán bộ nhà nước bị sai khiến…
Bất chấp sự bất bình của nhiều cán bộ hưu trí sống quanh khu vực TAND quận Ba Đình (Hà Nội), đám tang một đại gia trong ngành bất động sản Hà Nội vẫn kéo dài mấy ngày, chiếm trọn đoạn phố Linh Lang (trước cửa TAND quận Ba Đình).

Có người kể, khách đến chơi nhà bị mấy thanh niên bận comple đen, kính đen cầm dùi cui chặn xe, bắt gửi ngoài bãi rồi đi bộ mấy trăm mét mới vào được đến nhà. Sáng thứ Hai 18-1, có đương sự đến TAND quận xin sao trích lục án bị đám thanh niên áo đen chặn từ ngã ba Phan Kế Bính – Linh Lang đành quay xe. Nhiều tài xế chạy xe trên đường Đào Tấn khi rẽ sâu vào phố Linh Lang (theo bảng chỉ dẫn ra phố Đội Cấn) mới ngã ngửa bởi con phố bị cấm vì… đám tang trên!

Điều khiến các cụ ở đây bất bình không chỉ vì việc đi lại, sinh hoạt bình thường của họ bị đảo lộn, mà còn vì việc hiểu lầm khi thấy nhiều thanh niên dựng cổng chào chắn đường. Có cụ kể tưởng hai cái cổng chào dựng lên để “Chào mừng 80 năm thành lập Đảng”, nhưng cụ rất thất vọng khi thấy đề “Vô cùng thương tiếc…” và ghi “công đức” của người chết. Sự bất bình tăng lên mạnh mẽ khi họ trông thấy lực lượng TTGT, CSGT, CSTT Hà Nội ra tay chặn phố, chặn phương tiện nhằm phục vụ… đám tang trên suốt mấy ngày.

Việc người khuất núi để lại niềm tiếc thương cho những người sống là chuyện bình thường. Nhưng việc tổ chức đám tang như trên diễn ra trong bối cảnh Hà Nội đang quyết liệt tìm mọi biện pháp giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông; tăng cường thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang theo Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14 của Thủ tướng khiến nhiều người đặt câu hỏi: tại sao có chuyện cán bộ nhà nước bất chấp lợi ích cộng đồng để doanh nghiệp tư nhân sai khiến?

Trả lời câu hỏi này, có người nói lý do vì người đã khuất là Chủ tịch một tập đoàn bất động sản lớn, có “quan hệ” rộng rãi nên được Hà Nội ưu ái giao và hỗ trợ thực hiện rất nhiều dự án đô thị ở Từ Liêm và Hà Tây (cũ). Lý do thực thì Hà Nội cần xác minh thêm để trả lời công luận, nhưng con số 61,26% doanh nghiệp mà VCCI điều tra nói rằng phải có “mối quan hệ” mới tiếp cận được các tài liệu của địa phương liên quan đến kế hoạch sử dụng đất, quản lý quy hoạch giao thông, đô thị… thì rất đáng suy nghĩ!
Khi cán bộ nhà nước bị sai khiến như thế, dứt khoát phải có… nguyên do!

(Nguồn:
Bút Lông blog)



Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết san rượu cho Tổng giám đốc công ty Thần Châu Ngọc Việt Đào Trọng Cường tại Los Angeles, bên cạnh là Phó Thủ tướng Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm và “tướng râu kẽm” Nguyễn Cao Kỳ.

....và Chủ tịch Tập đoàn Nam Cường Trần Văn Cường ngồi xe đạp thồ với Trương Duy Nhất tại New York trong chuyến tháp tùng Chủ tịch nước thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2007.