Sáng, tiện tay bật TV. Giọng cô phát thanh viên Bắc chuẩn đang nói về quy định thu phí các loại xe qua cầu Quán Hàu và đường tránh Đồng Hới.
Xe dưới 15 chỗ là 15 000/ lượt.
Xe container 40feet là 120 000/ lượt.
Thế là thiên la địa võng những trạm thu phí trên mạng lưới giao thông đường bộ lại thêm nút thắt. Hình như đây là độc đạo, tức là ta không có lựa chọn nào khác…rẻ hơn.
Nghĩ thì tội nghiệp cho người đi đường, ra đường là gặp trạm thu phí.
Có hơn trăm cây số Tp HCM đi Đắc Nông đã phải móc ví bốn năm sáu lượt cho các trạm thu phí, thật quá đáng.
Nhưng thôi, miễn là tiền ấy được sử dụng đúng chỗ và hiệu quả trong việc phát triển hệ thống giao thông vốn đang rất thiếu và nhiều ổ gà.
Dĩ nhiên, việc các PMU mập mạp thì đã là một thuộc tính của thời kỳ “quá độ” này rồi. Các vị ấy cứ việc giàu, nhưng đừng dùng tiền ấy mua bia tắm gái là được.
Đường bộ là như thế, phải đầu tư thì mới có đường mà đi, đi thì phải trả ít tiền. Phải đạo.
Đường thủy hình như chưa được đầu tư gì nhưng vẫn đầy “trạm”.
Hỏi chuyện một chủ sà lan chở cát từ Đồng Tháp về Kiên Giang, anh kể rành rọt có bao nhiêu trạm, trạm nào “chung chi” bao nhiêu, cách chung chi thế nào, khả năng “né” được hay không.
Các trạm này nhà nước không quy định mức phí, vì xét chức năng thì các trạm này không được thu. Thế nhưng nhà nước lại cấp ho-bo, cấp lương cấp gạo cấp quần áo cho các “trạm viên”, là các ông trời CSGT đường thủy, để các vị ấy hành nghề. “Ăn như thuồng luồng”, dân chúng ví von.
Trên bờ, những khoản ấy kêu là “mãi lộ”, dưới nước cũng kêu là “mãi lộ”, tức là mua đường đi, “lục lộ” hay “thủy lộ” đều phải mua. Không mua thì đừng đi.
Hay thật, đường có phải của Bộ công an đâu mà cảnh sát giao thông có quyền bán mua nhỉ ?
Xét ra ở ta có nhiều lĩnh vực mà người ta có thể bán những thứ không phải của mình. Hoặc tán rộng ra một chút, nhiều người tự cho mình những quyền hành xử chẳng ai công nhận, ví dụ chuyện đánh chết hay bắn bị thương những người vi phạm hành chính. Ai ? lại cảnh sát giao thông.
Họ sống bằng tiền Dân, áo quần trang phục, quân trang quân dụng cho đến đồng lương hàng ngày, viên thuốc lúc đau ốm…tất tật là tiền Dân, thế mà coi dân như kẻ thù truyền kiếp, có dịp là “ra tay” không thương tiếc.
Dân mình ngu thật, tự nhiên bỏ tiền ra nuôi ong trong tay áo.
Không thể phủ nhận vai trò của cảnh sát giao thông trong đời sống xã hội, nhưng đó là khi người cảnh sát ấy làm đúng với chức trách : Bảo đảm cho nhân dân được lưu thông thuận lợi, đúng luật, giúp đỡ người dân khi họ tham gia giao thông.
Còn một khi họ bắt đầu “rình mò” kiểu “anh hùng núp”, rồi sáng tạo ra kiểu “thường phục” nữa thì nhân dân ơi, ngươi đã trở thành các con mồi trong trò chơi săn bắt của chính những kẻ ngươi đẻ, ngươi nuôi rồi.
Nhiều khi thắc mắc : Tiêu cực trong cảnh sát giao thông vốn nổi tiếng xưa nay, sao Bộ, Thanh tra Bộ không “thường phục” đi kiểm tra và làm trong sạch lực lượng của mình nhỉ ? Bảo đảm “bắt là dính” 100%. Có anh bạn quen là dân “nội bộ” giải thích : Có một luật bất thành văn, rằng không được áp dụng các nghiệp vụ kiểu “gài bẫy” đối với người trong ngành.
Hèn chi.
Đến cả chuyện lỡ nặng tay đánh chết người ở Bắc Giang vừa rồi mà ban đầu, cấp trên của anh kia còn bảo “đột tử”, sau thấy lộ liễu quá mới chịu “điều tra nguyên nhân”. Bác Hồ dạy “Với đồng đội phải thân ái giúp đỡ”. Thân ái đến thế, giúp đỡ đến thế là cùng. Ngoan !
Vedan chịu đền bù 100% cho người dân ven Thị Vải. Ừ, phải thế chứ. Kết quả của phong trào “Tẩy chay hàng Vedan” đấy. Hễ thấy anh không tôn trọng dân thì dân tẩy chay anh, anh phá sản ngay chứ chơi à.
Nhưng khổ, có phải bạ cái gì cũng tẩy chay được ?
Phàm là cái gì dính tới chữ “độc” đều miễn dịch với các loại tẩy. EVN đó, có ai tẩy chay được bóng đèn điện trong nhà mình không ?
Hết “Bản tin buổi sáng” của VTV1.
Cô phát thanh viên mặc cái áo dài khá đẹp. Hầy da, đầu tuần rồi nhỉ. Chúc bình an
Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/nguyendinhdong/article?mid=6229
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét