4 thg 8, 2010
Nhà văn Việt nam nghĩ về Hội nhà văn VN
Cảm tưởng rõ nét nhất của tôi là: Lại một đống tiền thuế của nhân dân bị vơ vét chia chác nhau trong phong trào vơ vét triệt để chưa từng có như hiện nay… Xem các bác đấu đá nhau từ tiền “event” đến nay thì cũng vui thật. Nhưng tôi cũng thấy lạ ở chỗ là: mọi chuyện nhân sự ở đất nước ta đều đã có Ban Tổ chức Đảng từ trung ương xuống đến các địa phương “qui hoạch”, “cơ cấu” cả rồi thì ồn ào, căng thẳng làm gì nhỉ?… (Nguyễn Viện)Hoàng Ngọc Tuấn / Nguyễn Viện
Hoàng Ngọc-Tuấn: Hôm nay, 04/08/2010, Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII đang diễn ra tại Hà Nội. Cách đây vài ngày, blogger Nguyễn Xuân Diện viết trong bài “Nghẹt thở theo dõi diễn biến Đại hội Nhà văn” như sau: “Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 sắp khai mạc. Văn giới sẽ có cuộc tụ họp cực kỳ hoành tráng tại một nơi cũng cực kỳ hoành tráng, đó là Học viện Nguyễn Ái Quốc (Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh)…”
Anh/chị có cảm tưởng gì về cái sự kiện “hoành tráng” này?
Nguyễn Viện: À, cảm tưởng rõ nét nhất của tôi là: Lại một đống tiền thuế của nhân dân bị vơ vét chia chác nhau trong phong trào vơ vét triệt để chưa từng có như hiện nay.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Đại hội “hoành tráng” đến thế mà nhà văn Tạ Duy Anh, một hội viên, lại phát biểu trong một cuộc phỏng vấn (đăng trên talawas) có nhan đề “Chưa khi nào nhà văn xứng đáng bị coi thường như hiện nay” rằng:
“Khi nghe tin Đại hội tiến hành ở Cung Văn hoá Hữu nghị, tôi nghĩ là mình sẽ tham gia. Nhưng nay chuyển đến địa điểm mới thì có thể nói 90 % là tôi không dự. Kể cả dự hay không dự thì tôi cũng không kỳ vọng bất cứ điều gì ở Đại hội. Dở hơi mà kỳ vọng vào cái thứ hão huyền. Chúng ta cứ hay long trọng hoá cả những trò vốn chỉ sinh ra để mua vui, (cho vài kẻ cầm trò cực kỳ xỏ lá nhưng giấu mặt) nên mới cứ căng thẳng một cách xa xỉ như vậy.”
Anh/chị nghĩ thế nào về lời phát biểu này?
Nguyễn Viện: Xem các bác đấu đá nhau từ tiền “event” đến nay thì cũng vui thật. Nhưng tôi cũng thấy lạ ở chỗ là: mọi chuyện nhân sự ở đất nước ta đều đã có Ban Tổ chức Đảng từ trung ương xuống đến các địa phương “qui hoạch”, “cơ cấu” cả rồi thì ồn ào, căng thẳng làm gì nhỉ?
Đồng ý với phát biểu của nhà văn Tạ Duy Anh, tôi nghĩ chỉ nên xem đây là một “trò mèo” như những trò mèo khác.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Theo một bản tin trên trang web của Hội Nhà Văn Việt Nam, lần này, có 150 nhà văn từ Sài Gòn ra Hà Nội để tham dự Đại hội Nhà văn Việt Nam lần thứ VIII. Trước khi họ lên đường, ông Nguyễn Văn Đua, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM đã có cuộc gặp họ vào chiều ngày 22/07/2010.
Theo anh/chị, trong thời buổi kinh tế thị trường theo định hướng XHCN này, tại sao Đảng lại quan tâm đến văn chương như vậy?
Nguyễn Viện: Theo tôi, chưa bao giờ như lúc này Đảng và Nhà nước lại quan tâm đến văn chương như vậy, mặc dù đa số những phát biểu chính thức trong hệ thống đều cho rằng văn chương hiện nay xa rời hiện thực xã hội (tất nhiên cái hiện thực xã hội này cũng phải coi lại nó là hiện thực kiểu gì: kiểu của nông dân đi đòi đất, công nhân biểu tình và những cuộc xuống đường của những thành phần xã hội khác, bất công xã hội, tham nhũng thối nát… hay hiện thực theo mô hình của Ban Tuyên giáo?).
Sự quan tâm của Đảng dành cho văn chương chính là vì chưa bao giờ như hôm nay Đảng mất quyền kiểm soát đối với văn chương, đặc biệt là văn chương ngoài luồng và những thứ chữ nghĩa trên internet.
Có lẽ vì thế mà tất cả các nhà văn hội viên cả nước đều được tham dự đại hội, thay vì chỉ là đại hội đại biểu như những lần trước.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Năm 2007, trong bài “50 năm Hội Nhà văn Việt Nam: Tài sản lớn của một chặng đường”, nhà thơ Phạm Tiến Duật có kể ra 4 tài sản lớn của Hội Nhà văn Việt Nam, gồm có:
1/ tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng, của nhân dân; vì sự nghiệp văn học sâu xa và lâu dài của dân tộc;
2/ tài sản thứ hai của Hội Nhà văn Việt Nam là lấy việc tôn vinh học thuật đỉnh cao, tôn vinh cá tính sáng tạo riêng biệt của mỗi tài năng là công việc hàng đầu và quan trọng nhất;
3/ tài sản thứ ba của Hội Nhà văn Việt Nam là tấm lòng của mỗi nhà văn và của Hội đối với người cầm bút trẻ;
4/ tài sản lớn thứ tư của Hội Nhà văn Việt Nam là xây ngôi nhà của mình thành ngôi đền lớn của văn học dân tộc.
Anh/chị nghĩ thế nào về những “tài sản” đó?
Nguyễn Viện: Tôi thấy chỉ có mỗi câu này là ông Phạm Tiến Duật nói đúng: “tài sản lớn nhất của Hội Nhà văn Việt Nam là sự đoàn kết trong đội ngũ những người viết văn vì sự nghiệp của Ðảng”. Không bình luận thêm.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Hội Nhà văn Việt Nam có tham vọng trở thành “ngôi đền lớn của văn học dân tộc.” Nhiệm vụ của Hội là “tập trung tất cả nhà văn Việt Nam nhằm xây dựng một nền văn học tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.” Thế nhưng, gần đây, tôi đọc bài phóng sự “Các nhà văn về nguồn” trên trang web của Hội Nhà văn Việt Nam thì thấy cuộc “về nguồn” ấy, do chính ông Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, dẫn đầu đoàn nhà văn, đi đến xã Kim Bình huyện Chiêm Hoá, để viếng thăm nơi diễn ra Đại hội đại biểu Đảng Cộng sản Đông Dương lần thứ I. Không lẽ cái “bản sắc dân tộc đậm đà”, cái nguồn của “văn học dân tộc”, nằm ở cái chỗ đó?
Theo anh/chị, ta nên lý giải cái logic này như thế nào?
Nguyễn Viện: Cái logic này đúng quá. Chúng ta đừng quên rằng: Tiêu đề của báo Văn Nghệ (diễn đàn chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam) là “Vì tổ quốc xã hội chủ nghĩa” và trong điều lệ của Hội Nhà văn có câu: “Hội Nhà văn Việt Nam đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; Hội hoạt động theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng” thì về nguồn là về cái nơi đẻ ra Đảng Cộng sản là đúng rồi. Họ cần phải làm cái thứ văn nghệ “báo hiếu”. Tôi chẳng thắc mắc gì.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Ngày 29/07/2010 vừa qua, nhà báo Trang Hạ có viết bài “Em không phải là nhà văn”, đăng trên Trangha’s Blog. Trong đó, Trang Hạ cho chúng ta thấy nhiều điểm rất thú vị trong nội tình của Hội Nhà Văn Việt Nam hiện nay (đạo văn, mạo danh, bao che, quỵt tiền…) và đặc biệt ngoạn mục là thái độ của ông Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam đối với Trung Quốc và… tiền.
Theo anh/chị, những việc thú vị và ngoạn mục như thế diễn ra trong “ngôi đền lớn của văn học dân tộc” đã phản ảnh đúng mức cái “bản sắc dân tộc đậm đà” chưa? Hay là anh/chị còn biết những sự kiện thú vị và ngoạn mục hơn nữa để làm những ví dụ xác đáng hơn nữa?
Nguyễn Viện: Bí mật cung đình hay “ngôi đền lớn” thì không thể biết hết được. Tuy nhiên, theo tôi nên coi thái độ và cách ứng xử của ông Hữu Thỉnh trong trường hợp này là rất tiêu biểu cho bản sắc cầm quyền và cầm tiền hiện nay của… (không biết bao nhiêu phần trăm) các vị vua quan.
Hoàng Ngọc-Tuấn: Nếu có một vị tiên trên trời hiện xuống ban cho anh/chị 3 điều ước về Hội Nhà Văn Việt Nam, thì anh/chị sẽ ước những gì?
Nguyễn Viện: Tôi chỉ ước một điều thôi: Cái hội ấy (cũng như một số hội khác) biến cho nhanh. Uổng tiền nhân dân quá.
Nguồn : http://anhbasg.multiply.com/journal/item/2578
http://www.talawas.org/?p=23075
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét