Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

25 thg 8, 2010

Độc lập đầy vơi ba chén rượu

Tờ ĐĐK của Tại hạ sáng nay có một bài của GS Nguyễn Lân Dũng, đặt tên là "Đại tướng Võ Nguyên Giáp chăm lo xây dựng đội ngũ trí thức" nhân kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ông.
Ngồi ở cuộc họp giao ban, Tại hạ ngứa mồm định nói rằng bài này thực không hiểu là viết về "bác Giáp", về GS Nguyễn Lân "bố tôi", hay viết về chính "tôi"- GS Nguyễn Lân Dũng.
Nhưng nghĩ đi nghĩ lại ngậm miệng, nhẫn đi một tí có lẽ là hơn nhất. Chẳng phải là sự trí nhẫn, mà biểu hiện bên ngoài là sự bình thản, đã giúp Đại tướng Võ Nguyên thượng thọ trăm tuổi, vượt qua bao cơn "bạo bệnh" đó sao.

100 tuổi. Chỉ có sự bình thản đến ghê gớm của một một bản lĩnh phi thường, hoặc một sự nhẫn nhịn hơn người mới giúp người ta có thể chiến thắng cả thời gian đến như thế.
Tác giả Lê Mai viết: Giữa những ngày chiến tranh cực kỳ khốc liệt, ông vẫn chơi đàn piano. Hình như, âm nhạc làm cân bằng con người ông. Ông đã ngồi đệm đàn đàn piano để Nghệ sỹ Nhân dân Tường Vi hát. Giữa mặt trận,, một ông Tổng tư lệnh đệm đàn cho người nghệ sỹ nhân dân hát bài hát ngợi ca người lính của mình, thật là một hình ảnh xúc động, hiếm có.

Nhưng có nhiều cuộc chiến không ác liệt bởi súng nổ và máu đổ. Có những điều còn đáng sợ hơn cái chết. Có những kẻ thù còn nguy hiểm hơn kẻ thù ngoài mặt trận. Tại hạ rất muốn được hỏi ông rằng: Ông phải ngồi thiền nhiều nhất là khi nào? thời chiến hay thời bình?

Đến nay, vẫn còn tồn tại trong dân gian câu chuyện về "bài thơ chữ Nhẫn" mà cứ 10 người thì 9 cho rằng đó là bài thơ của Đại tướng Võ Nguyên Giáp (người còn lại chắc không biết là của ai). Có những câu thế này:

Có khi nhẫn để yêu thương
Có khi nhẫn để liệu đường lo toan
Có khi nhẫn để vẹn toàn
Có khi nhẫn để chớ tàn sát nhau.
(Bản phổ thông dùng chữ "tàn hại"- Tại hạ để chữ tàn sát)

Cách đây ít lâu, có người khẳng định đây là bài thơ của Cụ cử Tử An Trần Lê Nhân (1888-1975) người làng Bát tràng đồng soạn giả Cổ học tinh hoa, từng làm quan đốc học tỉnh Hưng Yên. Và bài thơ này sau đó được Giáo sư Trần Văn Hà đọc tặng cho Đại tướng.
Trên tạp chí “Thế giới trong ta”, giáo sư Trần Văn Hà (người cháu, gọi giáo sư Trần Lê Nhân là bác ruột) đã kể lại trong một dịp đến chúc tết “thầy Võ" , giáo sư đã đọc để Đại tướng nghe bài thơ “Nhẫn” này. Còn Đại tướng khi nghe xong thì vẩn vơ, dáng vẻ trầm ngâm.
Nhưng thôi, dù là thơ của ai thì Nhẫn vẫn là một chữ cả đời phải học, dùng trăm năm không cũ, không hết.

Thế đâu là hình ảnh về sự bình thản của ông?
Đoạn dưới đây trích từ bài viết của nhà báo Huy Đức
Tiếng vỗ tay như vỡ tung Cung Hữu Nghị Việt Xô khi Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn giọng: “Xin chào mừng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, thời đó là Tổng Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã chấp hành triệt để và sáng tạo quyết định của Chủ tịch HCM và Bộ Chính Trị, cùng Bộ Chỉ huy Chiến dịch, chỉ đạo trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ giành toàn thắng”.

Thật khó biết điều gì đang diễn ra trong lòng Tướng Giáp, từ lâu ông đã có 1 gương mặt rất ít biểu lộ. Nhưng, những giọt nước mắt của những người có mặt hôm ấy thì không thể kềm chế, chúng lăn rất nhanh trên má họ; lăn khi, tiếng vỗ tay vẫn cứ kéo dài. Hôm ấy là ngày 6-5-1994, tại HN, Nhà nước tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.

Bài diễn văn dài của Thủ tướng Võ Văn Kiệt chỉ vỏn vẹn có 59 từ nói về Tướng Giáp, lại được viết rất công thức, “rào đón” bằng cả “Bộ Chính Trị” và “Bác Hồ”. Sở dĩ, chúng có thể tạo ra sự rung động đặc biệt đến vậy, là vì đó là lần đầu tiên trong hơn 1 thập kỷ, cái tên Võ Nguyên Giáp lại được nhắc đến trong 1 buổi lễ chính thức. Điện Biên Phủ là 1 chiến thắng “chấn động”, 1 chiến thắng đưa Võ Nguyễn Giáp trở thành 1 bậc tướng huyền thoại. Nhưng, năm 1984, khi chuẩn bị số đặc biệt mừng 30 năm Điện Biên, vào giờ chót, 1 tờ báo lớn đã phải “bóc” hình Tướng Giáp.

Tác giả Lê Mai viết: Năm 1984, giữa lúc thế giới và Việt Nam đang chuẩn bị kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ thì người ta giao cho ông Giáp kiêm thêm chức phụ trách Uỷ ban sinh đẻ có kế hoạch. Việc đó, dù quan trọng, nhưng ai làm cũng được.Họ” ghen tỵ với tài năng của ông, với hào quang của ông, với sự yêu mến của nhân dân dành cho ông? “Họ” muốn viết lại lịch sử, muốn phủ định vai trò của ông?Họ” bảo, thôi cất cái mũ phớt đi được rồi (ám chỉ hình ảnh Võ Nguyên Giáp đội mũ phớt, đứng trước hàng quân). “Họ” tâng bốc, đồng chí (….) là Tổng công trình sư của đường lối đánh Mỹ và là Tổng tư lệnh trên thực tế. Chỉ một câu đó thôi, đã phủ nhận hai nhân vật lịch sử là Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp.

Nhà sử học Dương Trung Quốc thì nhớ lại: Năm 2004, vào dịp kỉ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, tôi đã có dịp hỏi Đại tướng về một trong những nhiệm vụ dân sự mà ông đã đảm nhiệm là Chủ tịch Ủy Ban Quốc gia Dân số và sinh đẻ có kế hoạch. Tôi tưởng đấy là câu hỏi "nhạy cảm" nhưng ông cười và trả lời: Chắc có nhiều điều thêu dệt lắm phải không? Thực ra, khi đó, chính anh Tô (Thủ tướng Phạm Văn Đồng) trực tiếp "nhờ" tôi gánh vác vì theo tập quán Quốc tế, với vấn đề quan trọng này thì phải cấp Thủ tướng phụ trách mà anh Tô quá bận. Đối với tôi, đấy là một nhiệm vụ, mà đã là nhiệm vụ thì phải hoàn thành...

Tại hạ tin là sử gia họ Dương đã nói thật, tin cả câu trả lời của tướng Giáp cũng thật. Nhẫn đã đến độ "Mưa to (coi) như mưa nhỏ. Mưa nhỏ như không mưa" thì quả là đã đạt đến hai chữ trí nhẫn.

Liên quan đến quan điểm về chữ nhẫn của tướng Giáp, trong một cuộc giao lưu gần đây một bạn đọc đã đặt câu hỏi: "Tôi có cảm giác chữ NHẪN xuyên suốt trong bác Giáp.
Nghe nói, bác Văn luôn khuyên cán bộ dưới quyền phải biết nhẫn, biết kiềm chế?
Bà Võ Hòa Bình, con gái của tướng Giáp đã trả lời như sau: Những khi bạn bè, đồng chí, người thân hoặc chính bản thân ông gặp lúc khó khăn, bao giờ chúng tôi cũng thấy ở Ba một thái độ bình thản. Ông điềm tĩnh nhưng kiên quyết làm rõ đúng - sai với niềm tin rằng sự thật và cái đúng sẽ sáng tỏ. Và ông đã truyền cho chúng tôi niềm tin như vậy.
Còn Đại tá Trịnh Nguyên Huân, người mấy chục năm theo tướng Giáp thì đáp: Hiểu chữ Nhẫn có rất nhiều cách hiểu.
Để mọi người hiểu quan điểm của mình, cần phải thuyết phục và có thời gian. Đấy cũng là Nhẫn.
Để thực hiện việc nào đó, cần thuyết phục mọi người để họ hiểu và đi vào hành động, cũng cần thời gian. Đấy cũng là Nhẫn.
Trong khoa học, để ra một chính sách một chiến lược về khoa học, có nhiều quan điểm khác nhau, nhưng để đi tới thống nhất, Đại tướng cũng phải thuyết phục. Đấy cũng là chữ Nhẫn.
(Trích đến đây thì Tại hạ hết kiên nhẫn trước sự kiên nhẫn của Đại tá Huân trong việc giải thích chữ nhẫn).

Viết đến đây, Tại hạ chợt nhớ là mình đã điện hỏi chị Lương Thị Bích Ngọc, đồng hương Quảng Bình và cũng là người tổ chức buổi giao lưu bên Bee. Chị Ngọc rối lên rằng tế nhị lắm, phải bỏ nhiều câu hỏi lắm, lại than: Giờ tao còn đang run đây.
Vì sao, đến giờ làm một cái giao lưu trực tuyến tôn vinh người anh hùng dân tộc vẫn còn phải ngó trước ngó sau, bỏ cái này thêm cái kia vì "tế nhị" thì quả thực Tại hạ không hiểu được.

Năm 1986, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng phát biểu: "Tất cả chúng ta đều có thắc mắc giống nhau: Kỷ niệm 30 năm chiến thắng Điên Biên Phủ mà không nhắc đến tên đồng chí Võ Nguyên Giáp. Lịch sử là lịch sử, nếu thiếu chân thật, sẽ ảnh hưởng đến đạo lý…T
rong đấu tranh tư tưởng, có khi một người nào đó bị đánh giá là sai, rồi với thời gian, ý kiến của người đó chịu được thử thách, là đúng thì chúng ta thẳng thắn công nhận cho đúng mức, bằng không sẽ có trường hợp kỳ quặc sau đây: Người đúng luôn luôn phải sai và người sai luôn luôn phải đúng! Một thứ số mệnh rất khó hiểu”.
Bình luận về chuyện này, tác giả Lê Mai viết: Bản lĩnh lớn của ông là ở chỗ, không bao giờ ông thanh minh cho cá nhân mình bất cứ việc gì. Kể cả với những người “xấu chơi”, ông vẫn giữ thái độ hoà nhã, cư xử nhã nhặn. Bởi, tầm văn hoá của ông cao hơn hẳn họ. Cũng có người không đồng ý với ông điểm này, điểm khác, song đặt mình vào hoàn cảnh của ông để mà hành động, thật không đơn giản chút nào. Hành động bao giờ cũng cao hơn mọi lời nói!

Bài học lịch sử là người nào định xoá bỏ lịch sử, người đó sẽ bị lịch sử xoá bỏ! Đó là quy luật!

Năm nay vị tướng của nhân dân đã tròn trăm tuổi nhưng vẫn còn rất nhiều dấu hỏi xung quanh cuộc đời ông. Chẳng hạn, về hồi Mậu thân, (Nói như nhà sử học Dương Trung Quốc, Mậu thân là một khoảng trống trong sử liệu), cái hồi mà Hữu Thỉnh viết:

Có trận đánh trở về
Nhìn đống súng thừa như nhìn thừa đũa bát
Thừa đến nỗi những người sống sót
Cũng không nỡ nhận mình là may

Hay câu chuyện Thành cổ, nơi mà vị tướng "tiếc đến từng giọt máu của lính" có lẽ đã khóc khi nghe những câu thơ Lê Bá Dương
"Đò lên Thạch Hãn xin khua nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm".

Vì sao hồi Mậu Thân tướng Giáp được đưa sang Bungari "nghỉ ngơi". Vì sao hồi đánh Thành cổ ông lại không được quyết định chiến thuật. Tất cả đều là những khoảng trống. Bản thân những gì viết về tướng Giáp cũng có những "khoảng trống" đến nỗi Nhà thơ Trần Đăng Khoa từng viết: Thực sự vị danh tướng ấy thế nào, số phận ra sao thì cho đến nay, vẫn chẳng có mấy ai biết.

Đoạn kết dưới đây lấy lại của nhà báo Huy Đức:
Năm 1975, kết thúc chiến tranh. Năm 1977, Đại tướng Võ Nguyên Giáp được cho thôi chức Bí thư Quân ủy trung ương, thôi bộ trưởng Bộ Quốc phòng, những chức vụ mà ông được giao kể từ năm 1946.
Năm 1982, ông không còn là ủy viên Bộ Chính trị.
Năm 1983, ông được giao kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về sinh đẻ có kế hoạch. Năm 1983, dân gian làm thơ:
“Nhà thơ làm kinh tế/Thống chế đi đặt vòng”.
Cũng trong năm 1983 ấy, ông về quê, thảnh thơi đi bộ ra chợ Tréo (huyện Lệ Thủy, Quảng Bình). Chợt hỏi: “Bún chợ Tréo chấm ruốc, giờ có còn ngon không?”. Mấy người dân quê nghe “bún chấm ruốc” từ miệng vị tướng lẫy lừng, không hiểu sao, òa khóc


Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/article?mid=3599

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét