Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

28 thg 8, 2010

Đồ án … “đổi màu”


Hà Nội vừa đề nghị Thủ tướng không thông qua Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì, “bác” nốt cả trục Thăng Long. Bộ Xây dựng ngay sau đó vội vã tổ chức cuộc họp báo khẳng định làm gì còn Trung tâm hành chính quốc gia ở Ba Vì nữa. Bỏ ra khỏi đồ án rồi. Trục Thăng Long, cũng không còn, vì đó giờ chỉ là con đường Hồ Tây- Ba Vì. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Đình Toàn còn cho rằng vấn đề “không còn ai nhắc đến nữa”.

Được biết, Đồ án quy hoạch thủ đô đã được đưa vào lấy ý kiến đóng góp của người dân...TP Hồ Chí Minh. Nhưng bây giờ, khi nghe các quan chức giải thích không nhất quán, khi chứng kiến quan điểm thay đổi thì người dân thực cũng chẳng biết đâu mà lần.

Nói một cách công bằng việc chấm dứt ý tưởng “dời đô” lên Ba Vì cho thấy các cơ quan hữu quan của Hà Nội đã lắng nghe ý kiến của giới nhân sĩ trí thức, các nhà khoa học, các đại biểu QH, và nhân dân. Người dân cho rằng đây là quyết định dũng cảm của lãnh đạo thành phố. Có một lãnh đạo khi nói về quy hoạch Hà Nội đã phát biểu: Quỹ đất ở Ba Vì có thể quy hoạch thành đất đầu tư xây dựng trung tâm công cộng rất tốt. Do vậy ý tưởng đề xuất của tư vấn là dành khu vực này để xây dựng các cơ quan công cộng trong đó có cơ quan hành chính. Trục Thăng Long là trục không gian kết nối giữa trung tâm Ba Đình với Ba Vì. Hà Nội hiện có 7 trục, nhưng để tạo nên một trục không gian kiến trúc có những điểm nhấn và nổi bật của quy hoạch kiến trúc thì chưa có. Quy hoạch trục Thăng Long là điều kiện và cơ hội để tạo được quỹ đất thực hiện mục tiêu đó....

Còn nhớ khi quy hoạch Thủ đô được công bố, có người đã gọi Trung tâm hành chính Ba Vì là “Khu nghỉ dưỡng quốc gia” và việc quy hoạch này chẳng khác gì việc “dời đô” lên chân núi. Trục Thăng Long - khi đó còn mang một cái tên đầy ấn tượng là “Trục tâm linh”. Người dân khi đó hoàn toàn không hiểu tại sao lại phải dời đô xa đến thế. Việc giá bất động sản tăng vùn vụt, thậm chí theo cấp số nhân ngay sau đó đã chứng minh một cách sinh động ý kiến của không ít người dân băn khoăn rằng ý tưởng “Dời đô” có phải để phục vụ cho một số người, hay là để phục vụ 6 triệu dân Thủ đô.

TS Nguyễn Xuân Diện nhận xét: Trục Thăng Long, hay trục tâm linh, hay đường Hồ - Ba Vì như cách nói của Bộ Xây dựng bây giờ thực ra chỉ là những tên gọi khác nhau nhau của “con đường bất động sản”, các cách gọi khác nhau được đưa ra như vậy chỉ nhằm chống đỡ dư luận và các nhà chuyên môn chứ bản chất không có gì thay đổi.
Ông cho rằng không có lý do gì về đưa Trung tâm hành chính quốc gia về Ba Vì, cũng chẳng có lý do gì để làm trục Thăng Long hay đường Hồ Tây- Ba Vì. Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, GS Phạm Ngọc Đăng thì nói thẳng: “Trục đường này chỉ phục vụ cho quyền lợi của một nhóm người chứ chẳng phải vì Hà Nội, vì quốc gia. Người ta muốn làm trục đường ấy để tăng giá đất ở vùng đó. Ở đấy đã có một số dự án, từ đó mới đưa ra vấn đề làm đường ở đó. Dự án đã đón đầu quy hoạch”.
Việc có sự vênh nhau giữa Bộ Xây dựng và Hà Nội về quy hoạch Hà Nội khiến người ta cảm thấy các ý kiến nêu ra có phải vì công việc chung không hay còn là vì điều gì khác ở trong này. Việc “chuyển màu” của đồ án đã làm cho những người theo dõi sát sao phải suy nghĩ.

Thật khó hiểu và khó lý giải khi Bộ Xây dựng không thể phân định được mình là bên A, hay bên B. Chỉ biết rằng một mô hình sa bàn đồ án Quy hoạch chung có giá thành hơn 3 triệu USD được nhập về một cách xa xỉ, chưa cần thiết có thể là sự vội vã nhưng không thể không gây ra bức xúc đối với dư luận.

Với tư cách là một nhà khoa học, một công dân của Thủ đô, tôi mong Thủ tướng bác cái đồ án bởi đáng lẽ, ngay từ đầu, từng nét bút của họ trong đồ án phải được công khai cho người dân được biết được bàn- TS Nguyễn Xuân Diện nói. Có thể đó là một ý kiến nhưng nó đã đại diện được ý nguyện của nhiều người dân Thủ đô về một quy hoạch cho mình, cho Thủ đô hôm nay và mai sau.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét