Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

6 thg 8, 2010

Thí tốt Phạm Thanh Bình, bỏ tù thằng cơ chế

Nếu sắp xếp thứ tự vụ việc bắt nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn kinh tế Vinashin sẽ cho thấy dường như đã có sự chỉ đạo nhất quán.
Ngày 2-8, Bộ Chính trị có kết luận 78/KL-TW phải sớm đánh giá toàn diện hiệu quả của các Tập đoàn, Tổng công ty để chấn chính, sắp xếp lại các đơn vị thua lỗ.
Trong các bản tin được in, phát trên các phương tiện truyền thông, không có một chữ nói về Vinashin nhưng đương nhiên đối tượng cần được chấn chỉnh đầu tiên chắc chắc phải là "con khủng long về tiêu vốn" và "khổng lồ về thua lỗ" này.

Một ngày sau đó, phiên họp của Chính phủ dường như đã chỉ bàn tới việc xử lý Vinashin, bao gồm cả xử lý sai phạm và xử lý sắp xếp. Trong thông báo khẩn gửi đến các cơ quan truyền thông sáng 4-8, Văn phòng Chính phủ yêu cầu ngoài phóng viên theo dõi, phải có đại diện của Ban biên tập vì cuộc họp báo lúc 17h chiều thường kỳ hàng tháng hôm 4-8 sẽ có sự xuất hiện của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng và chủ đề chính là các biện pháp chấn chỉnh Vinashin. "Chính phủ khẳng định quyết tâm xử lý nghiêm minh, kịp thời các sai phạm ở Vinashin để lấy lại niềm tin trong nhân dân"- Phó Thủ tướng nói trong cuộc họp báo.

Quả nhiên, chỉ ít phút sau khi số lỗ 86.000 tỷ của Vinashin được công bố, "đồng chí" Phạm Thanh Bình bị bắt giữ. Việc bắt giữ ông Bình đã được đồn đoán từ ngày 2-8, gần gần giống vụ cựu Bộ trưởng Năng lượng Vũ Ngọc Hải, bởi nếu không có một con tốt cho khoản lỗ 86.000 tỷ kia thì quả thực người ta đã xỉ nhục 87 triệu dân đóng thuế một cách quá đáng.

Nhìn lại 4 năm Vinashin từ một Tổng công ty làng nhàng bỗng một đêm trở thành đại gia thì có thể thấy nhiệm vụ chính của ông Bình là tiêu tiền và phải tiêu thế nào cho "phải đạo".
Ai cũng ngại không muốn nói đến, nhưng chính cái quyết định phê duyệt quy hoạch ngành đóng tàu theo lối đốt cháy giai đoạn mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt mới là cái nguyên cơ để Tập đoàn con cưng này kinh doanh theo hình thức đi vay, và để tiêu, tất nhiên. 4 năm, Vinashin đã thực hiện tới 108 dự án, một con số thể hiện khả năng tiêu tiền của họ, hơn là một minh chứng cho sự hùng mạnh của họ.
Còn nhớ là chỉ 1 năm sau khi Tập đoàn kinh tế Vinashin được thành lập, đã có quá nhiều cảnh báo về cái kiểu kinh doanh thục mạng "thấy đỏ là đâm". Nhưng khi đó, các ngân hàng vẫn tiếp tục được chỉ đạo cho Vinashin vay tiền. Cho đến khi khả năng tài chính của họ "có vấn đề", không thể vay được tiền trong nước thì Vinashin vay nước ngoài (Tổng nợ nước ngoài mới được công bố là 600 triệu USD). Và khi nước ngoài cũng không cho vay thì Chính phủ đứng ra vay cho họ qua hình thức phát hành trái phiếu. 500 triệu USD hiện vẫn đang đẻ lãi hàng ngày mà con nợ là Chính phủ, chứ không phải Vinashin. Có bậc cha mẹ nào lại cứ bơm tiền cho thằng nghiện để nó tăng liều không nhỉ?

Tiền dồn quá nhiều, trong khi VNS không thể không tiêu. Cho nên, có thế nói không quá rằng, thực ra Chủ tịch Vinashin vừa bị bắt hôm qua, chỉ là nạn nhân của tiền (Đã có kiến nghị rất mỉa mai rằng nếu với tư duy quản lý kiểu "cái gì khó, cái gì không quản được thì cấm" như hiện nay, có lẽ là phải cấm in tiêu tiền!).

Cuộc họp báo công khai hôm qua cho thấy Chính phủ cho thấy đã nhận ra nhiều vấn đề từ Vinashin. Chẳng hạn "Khuyết điểm của Vinashin là đầu tư đa ngành, đa nghề". Hay, "Có nguyên nhân chủ quan từ chỉ đạo điều hành của chúng ta, của bộ máy quản lý ở bộ ngành", Hoặc là lỗi của tham mưu ""Cũng là tham mưu nhưng tham mưu cho các tập đoàn khác thì được mà tham mưu cho Vinashin lại chưa ổn"...Có điều, đây là những vấn đề đã được đặt ra từ năm 2007 và cũng được liên tục cảnh báo trong suốt những năm Chính phủ ca ngợi mô hình Vinashin.

Trong cuộc họp báo, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nêu một ví dụ về sự: "Bất tuân thượng lệnh": "Chẳng hạn như việc Vinashin đi mua tàu, trong khi chỉ được phép đóng tàu. Hơn thế nữa, báo cáo Thủ tướng hôm trước thì hôm sau đã đi mua luôn. Thanh tra phải mấy tháng sau mới vào. Khi đó tàu đã đi mua rồi". Nhưng sự giỡn mặt chỉ có thể xảy ra khi người Chính phủ quản lý nhân sự theo kiểu "Cả nhiệm kỳ không kỷ luật một ai", vì lý do "Kỷ luật thì lấy đâu ra người để làm". Và cái sự "Hạ tắc loạn" chỉ có thể xảy ra được đáp lại bằng lối chép miệng cười xòa, chặc lưỡi coi như sự đã rồi?

Có một điểm không thể không đặt câu hỏi: Liệu sau Phạm Thanh Bình, còn có quan chức nào sẽ tiếp tục bị "kiên quyết xử lý"? Bởi rõ ràng sự vi phạm, một cách quá trớn và trắng trợn của người này phải là sự thiếu trách nhiệm của người khác.

Rất may là Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ đã khẳng định: Tôi nhấn mạnh một lần nữa việc kiểm soát trước còn nhiều yếu kém. Yếu kém này là do cơ chế.

Cơ chế là thằng nào? Ai đẻ ra nó? Và nó đã dụ dỗ đồng chí Phạm Thanh Bình vào con đường nghiện ngập thế nào? Chịu!

Thôi cũng đành hy sinh thằng nghiện, dù là nghiện tiền, cho dân tình hả dạ. Chứ còn thằng cơ chế? Tài thánh thì cũng không bỏ tù được cơ chế.

Tái bút: Khi được đặc xá, dứt khoát phạm nhân sẽ phải viết vào đơn rằng: "Tôi đã nhận rõ tội lỗi". Nhưng hồi được đặc xá, cựu Bộ trưởng Vũ Ngọc Hải đã không chịu những viết những dòng chữ này. Bởi ngẫm ra: Lỗi tại thằng cơ chế chứ đâu phải tại ông. Thông tin này rất đáng để cựu Chủ tịch Vinashin tham khảo

Nguồn :http://vn.360plus.yahoo.com/tuanddk/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét