Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

2 thg 8, 2010

Nói thêm về vụ BẮC GIANG


Trong tuần qua, nhiều cán bộ chuyên trách của Bộ Công an từ Hà Nội đã về Bắc Giang giải quyết hậu quả vụ nổi dậy của dân chúng Bắc Giang chống lại chính quyền hôm 25 tháng Bảy.

Cái chết của em Khương: Giọt nước làm tràn ly!


Nguồn tin nội bộ từ trong nước cho biết, diễn tiến của vụ biểu tình đã được an ninh quay phim.
Dựa trên phim này và lời khai báo của những đặc tình trà trộn trong đám đông, nhóm chuyên trách sẽ xác định ai đã có hành động ném đá, gạch hoặc sử dụng gậy gộc chống lại công an.
Một nhân viên của Bệnh viện Tân Yên nói có 7 công an bị đả thương, 4 người bị nhẹ về trước, 3 người bị nặng hơn về sau, nhưng tất cả đều đã xuất viện.

Hôm 25/07, bối rối trước tình hình, công an Bắc Giang đã cầu cứu quân đội từ các huyện can thiệp, nhưng bị khước từ.
Thật may mắn! Nếu không, khó lường được thảm kịch sẽ kết thúc như thế nào. Phải nói trong trường hợp này quân đội đã ứng xử đúng với chức năng, nghĩa vụ của người lính.

Khoảng hai chục người dân đã bị công an của Bộ gọi lên thẩm vấn, trấn áp tinh thần.
Họ đang lập danh sách và chuẩn bị hồ sơ khởi tố, con số có thể lên tới mấy chục người mà họ cho là đã gây rối trật tự, chống lại người thừa hành công vụ, không loại trừ cả người thân của gia đình nạn nhân Nguyễn Văn Khương.
Họ đang cay cú và cố gắng tìm ra người đã giật bỏ lá cờ cắm ở trụ sở Ủy ban tỉnh Bắc Giang và đe dọa án tử hình cho hành động này!
Cái chết của em Nguyễn Văn Khương

Thông tấn xã Việt Nam đã đưa tin vô trách nhiệm khi chỉ theo lời của ông Phó Chủ tịch Bắc Giang: “Khi ngồi trên ghế, anh Khương có biểu hiện sức khỏe không bình thường và công an đã đưa anh đi cấp cứu ở Bệnh viện huyện Tân Yên. Đến bệnh viện thì anh Khương chết”.

Dù vậy, trong thực tế rất khó chứng minh em Nguyễn Văn Khương bị công an đánh chết qua lời khai của nhân chứng.
Nhân chứng nào đây, khi mà sự vụ xảy ra trong trụ sở công an, kín cổng cao tường. Trừ phi ông Nghiên, công an trực tiếp xử phạt em Khương, tự thú vì ăn năn, sám hối về sự độc ác, bất nhân của mình; hoặc ông Nghiên buộc phải khai báo sự thật trước áp lực của luật pháp trong một cuộc điều tra minh bạch.

Trên góc độ pháp lý, hành vi khuất tất, vội vã đem xác em Khương đi khám nghiệm tử thi của công an, đã được Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ nhận định trong
cuộc phỏng vấn của RFA hôm 28/07:
“Phải khẳng định ngay cái việc một thanh niên chết trong trụ sở công an Bắc Giang là một vụ mang tính hình sự đã. Mà đã là một vụ hình sự thì dù ốm đau, thậm chí là chết rồi, thì phải được giải quyết theo phương thức hình sự, đó là phải mời thân nhân của nạn nhân trước khi làm bất kỳ hình thức gì. Kể cả trong tình trạng tắt thở rồi, thì gia đình cũng cần phải có mặt. (Chỉ có) xóa dấu vết tội phạm thì mới giải phẫu mà không có mặt gia đình nạn nhân!”.

Cuộc giải phẫu được thực hiện bởi những người làm công việc chuyên môn của bệnh viện. Những người này biết rất rõ công an đã yêu cầu gì, nói gì. Nhưng vì an toàn đến đời sống và tính mạng của bản thân và gia đình, họ chưa dám nói ra.
Ông Nghiên có thể che mắt dư luận tạm thời, nhưng khó trốn tránh được vĩnh viễn. Khi có môi trường pháp luật trong sạch và nghiêm minh, họ sẽ sẵn sàng đứng ra tố cáo – họ khẳng định như vậy.

Nguồn tin của bệnh viện cho biết, đây không phải là lần đầu tiên có những chuyện mờ ám trong khám nghiệm tử thi của công an Bắc Giang. Để trốn tránh trách nhiệm về tổn thất do mình gây ra, hoặc do ăn hối lộ rồi làm tăng hoặc giảm thương tích trong các tai nạn, nên nhiều trường hợp đã bị đổi trắng thay đen, đánh tráo tình trạng thực tế của tử thi. Chính cả đồng đội của họ cũng lâm vào bi kịch. Nghi ngờ và phẫn uất tồn tại ngay trong ngành công an.

Hơn một năm trước đây, vào đêm 30/04 rạng sáng 1/05/2009, cùng với ba công an khác trong một cuộc tự vệ quyết liệt trước sự tấn công của những người khai thác cát trộm trên sông Thương, Thượng sỹ công an Nguyễn Văn Hoan đã bị chết và xác anh được đồng đội tìm thấy lúc 7 giờ sáng cùng ngày. Hoan đã được truy tặng quân hàm thiếu úy.

Công an tỉnh Bắc Giang phối hợp với Công an huyện Tân Yên và Lạng Giang tiến hành điều tra vụ án. Kết thúc điều tra, trong 10 đối tượng ra đầu thú, có 5 người bị khởi tố về tội chống người thi hành công vụ. Năm đối tượng khác cũng có hành vi tương tự, nhưng chỉ bị phạt hành chính vì “xét chưa đến mức xử lý hình sự”!

Trong loạt bài “
Mù mờ sau cái chết của một cảnh sát”, báo “Tiền Phong” ngày 14/12/2009 cho biết: Trung tá công an của tỉnh Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Thông, cha của anh Nguyễn Văn Hoan, đã gửi đơn khiếu nại tới Giám đốc Công an tỉnh Phạm Văn Minh.
Ông Thông cho rằng, con trai của ông đã bị các đối tượng dùng xẻng hoặc mái chèo đánh vào gáy, sau đó bị dìm chết và bản kết luận của Giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang về nguyên nhân chết của Hoan do ngạt nước là không khách quan.
Khiếu nại của ông đã không thay đổi được tình huống chút nào vì bị cho là “không có căn cứ”.

Tờ “Tiền Phong” kết luận: “Có thể thấy, việc giải quyết khiếu nại của Công an tỉnh Bắc Giang đối với gia đình thiếu úy Hoan dựa chủ yếu trên bản kết luận giám định của Hội đồng giám định pháp y Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Đáng tiếc, bản kết luận giám định này lại có nhiều sai sót”.
Khám nghiệm tử thi của đồng đội hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ mà còn đầy trắc ẩn, “nhiều sai sót” như thế, thì chúng ta nghĩ sao đối với trường hợp em Nguyễn Văn Khương, con một gia đình nông dân nghèo, thấp cổ bé miệng?

Vì sao dân Bắc Giang ghét quan chức?
Bắc Giang là tỉnh gần như thuần nông nghiệp, thu nhập bình quân đầu người mới bằng một nửa mức trung bình cả nước, tỷ lệ hộ dân nghèo cao (gần 18%), có nơi như huyện Sơn Ðộng tới hơn 50%.

Trên địa bàn tỉnh Bắc Giang người ta đã phát hiện được 63 mỏ với 15 loại khoáng sản khác nhau, bao gồm: đất sét làm gạch ngói, cát, cuội, sỏi, barit, than, sắt, vàng, đồng… Đây là tiềm năng để Bắc Giang có thể phát triển các ngành công nghiệp vừa và nhỏ. Từ năm 2006, Thủ tướng nguyễn Tấn Dũng đồng ý cho Bắc Giang khai thác một số điểm.

Tiếp theo, được Chủ tịch Ủy ban tỉnh cho phép, các địa phương cấp huyện như chim sổ lồng, đua nhau cấp giấy phép khai thác rừng, đất đồi núi, vàng, đồng, cát, sỏi, v.v…

Rất nhiều địa phương vi phạm nguyên tắc khai thác khoáng sản, gây ô nhiễm môi sinh, mang tai tiếng xấu, làm dân chúng hết sức bất bình. Phổ biến hiện tượng vội vàng, giao mỏ cho các doanh nghiệp không đủ năng lực, kéo dài dự án, hiệu quả thấp, song song với việc khai thác khoáng sản trái phép…



Khai thác khoáng sản biến thành cái ổ của tiêu cực xã hội. Tranh chấp đất đai, bất công, nạn tham nhũng, cửa quyền, ức hiếp của cán bộ trong khu vực hành chính và lực lượng bảo vệ trật tự trị an, dẫn đến những mâu thuẫn gay gắt giữa người dân với chính quyền.


Ngoài ra, Bắc Giang còn là cửa ngõ lưu chuyển hàng hóa hai chiều Trung Quốc – Việt Nam. Cổng kiểm soát quan trọng nhất là Trạm nằm ở thị trấn Kép, mà ông Phạm Văn Minh đã từng làm Trạm trưởng trong giai đoạn 1995-1997.


Hàng Trung Quốc qua Việt Nam thường là xe gắn máy, đồ gia dụng điện tử, máy móc nông nghiệp, giày dép, vải vóc, quần áo, v.v… Hàng từ Việt Nam qua Trung Quốc gồm nông sản, thú rừng quý hiếm, ba ba, rắn, rùa…, nhưng đặc biệt là các mặt hàng cấm như đồng, nikel…


Những người buôn bán có hàng (phần lớn là hàng lậu) qua đây đều bị kiểm soát nghiêm ngặt. Dân chúng kể lại rằng, nếu muốn yên phận thì phải biết điều, làm luật, chơi đẹp với công an của Trạm Kép. Ngược lại, hoặc bị đóng thuế cao, hết lãi hoặc bị tịch thu trắng tay. Hàng tịch thu được Trạm Kiểm soát nói sung vào công quỹ nhà nước, nhưng cái kho công quỹ nằm ở đâu thì không ai biết.

Bị ăn chặn ngang nhiên như cướp ngày và bị mất tiền của, nhiều người tan gia bại sản phải gán nhà trả nợ, nên công an của Trạm Kép bị dân chúng rất oán giận.

Phạm Văn Minh, tuổi trên 50, xuất thân từ làng Phương Đậu, xã Song Mai, thuộc thành phố Bắc Giang. Làng Phương Đậu nằm trên sông Thương, cách trung tâm thành phố khoảng 4 km, được dân ở đây gọi hài hước là làng Tè (vì có thói quen làm vệ sinh bậy bạ).
Chỉ sau một thời gian ngắn làm Trưởng Trạm Kép, ông Minh đã phất lên nhanh chóng. Từ một gia đình nghèo mấy đời làm ruộng, vậy mà ngoài việc sở hữu nhà và đất ở thành phố, ông Minh đang sống trong một trang trại bề thế, sang trọng ở làng Tè, với nhà cửa thêng thang, vườn tược có rất nhiều cây cảnh, mỗi gốc trị giá hàng chục triệu đồng, được chăm sóc thường xuyên bởi lính dưới quyền.

Một người đã làm việc tại Trạm Kép với ông Minh ngày trước, nay làm ở công an tỉnh Bắc Ninh (từ khi Hà Bắc tách thành hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh), cho biết rằng, ông Phạm Văn Minh cao lớn, hoạt ngôn, khôn ngoan và nhiều tham vọng.
Ông ta biết rất rõ khó có thể leo cao trên con đường công danh từ Công an bảo vệ, là đơn vị được xếp hạng chót trong thang bậc của công an. Cho nên, không biết bằng thủ đoạn hay phép mầu nào, rời khỏi chức vụ Trưởng Trạm Kép, ông Minh được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Cảnh sát Hình sự. Một thời gian ngắn sau ông nhảy lên ghế Phó giám đốc Sở, Tỉnh ủy viên, rồi trở thành Giám đốc.

Sự thăng quan, tiến chức nhanh chóng mặt của ông Phạm Văm Minh là đề tài bàn tán của dân chúng Bắc Giang và ngay trong nội bộ công an tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Ân oán giang hồ lắm, mà ghen tức cũng nhiều.

Từ tất cả những điều tôi nêu ra, suốt hơn một thập niên nay, những cơn giận hờn đã nung nấu, âm ỉ trong xã hội trước một giai cấp quan lại mới. Từ lúc ông Đỗ Bình Dương còn làm Bí thư tỉnh Ủy tỉnh Hà Bắc, cho đến thời nay của ông Đào Xuân Cần, Bí thư Tỉnh ủy và ông Nông Quốc Tuấn, con trai của Tổng bí thư Nông Đức Mạnh, Phó Bí thư Thường trực, lúc nào cũng đầy rẫy bất công, cùng với các hiện tượng hà hiếp dân, ăn chơi phóng túng, sa đọa của những kẻ có sức mạnh của quyền lực và tiền bạc.

Sự nung nấu giống như quả bong bóng đã quá căng, chỉ cần nhích bơm thêm một chút là nổ tung.
Cái chết tức tưởi của em Nguyễn Văn Khương, mới 21 tuổi đầu, trong một hoàn cảnh vô cùng khó hiểu và trước sự hành xử mờ ám, vô lý của công an huyện Tân Yên, chính là giọt nước tràn ly, là ngòi nổ, là lực nén cuối cùng.

Cũng trong cuộc phỏng vấn của RFA đã dẫn, Luật sư Trần Lâm nhận định:
“Hiện nay tình hình bức xúc với công an, nhà nước, bởi vì người ta bị mất nhà mất cửa người ta kêu cứu không tới. Thế nhưng công an cứ nghĩ rằng có một kẻ nào đó xúi giục để làm cho nó to chuyện lên, làm cho trật tự nó xấu đi, làm cho chế độ xấu đi”.

Còn Giáo sư Tương Lai, phân tích:
“Những người dân không phải là ngẫu nhiên, hay như những ngôn từ trong các bài báo nói là do những phần tử cực đoan xúi giục và họ đi biểu tình. Quá khích vì họ đập phá. Chuyện này tôi có một thực tế, cách đây đã lâu hơn 10 năm rồi, khi mà tôi với tư cách là một nhà khoa học, xã hội học theo yêu cầu của thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi về nghiên cứu các vụ bạo động ở Thái Bình, Quỳnh Phụ thì tôi hiểu rõ người dân họ hiền hòa và không bao giờ họ muốn nổi loạn, gây chuyện với chính quyền cả. Chỉ có khi tức nước thì mới vỡ bờ mà thôi”.

Lời kết
Các cuộc biểu tình tự phát phản đối chính quyền nổ ra liên tục trên nhiều địa phương khác nhau ngày càng có quy mô lớn hơn, đối đầu quyết liệt hơn, không là còn là tín hiệu báo động nữa, mà là tiếng súng bắn vào hệ thống chính trị của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Thay vì phải thay đổi, trấn an dân chúng bằng thái độ cầu thị, biết lỗi, xử phạt nghiêm khắc và nhanh chóng những kẻ lợi dụng chức quyền vi phạm pháp luật, thì nhà chức trách lại chăm chăm truy lùng, tra khảo, bắt bớ những người dân nghèo yếu, tay không tấc sắt, có quá khích một chút nhưng chỉ vì thân phận của con giun, bị xéo mãi cũng phải quằn.

Cách làm này của nhà cầm quyền chằng khác gì hành động tự đào huyệt sâu hơn để chôn mình. Trong một tương lai gần! Khi người dân trên khắp mọi miền biết đoàn kết và có tổ chức.

2 nhận xét:

  1. Tôi là một người dân Bắc Giang. Nhu cầu có được thông tin sự thật và xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật là nhu cầu hoàn toàn tự nhiên của người Bắc Giang nói chung và của Gia đình nạn nhân nói riêng. Sự biểu tình là tất yếu khi các nhà chức trách không đáp ứng được điều này một cách nhanh chóng. Qua vụ việc này Tôi thấy chính quyền Bắc Giang phản ứng quá chậm chạp, không hiểu do vô tình hay cố ý hay là thủ tục truy xét phải chậm như vậy (Từ lúc anh Gia đình anh Khương nhận được tin báo từ chính quyền khoảng 20h ngày 23/7 đến tận 12h trưa 25/7 không thấy nhà chức trách đủ thẩm quyền nào cam kết điều tra xử lý đúng sự thật đúng pháp luật cho gia đình anh Khương. Phải đến khi đã xảy ra cao trào của sự bạo loạn thì nhà chức trách Phó chủ tịch tỉnh mời đại diện gia đình vào làm việc và cam kết bằng biên bản “sẽ giải quyết vụ việc thoả đáng” thì sau đó mới giải quyết được sự bạo loạn. Nguyên nhân của sự chập chạp này theo một số nguồn tin là do Lực lượng Công an định bao che cho nhau, làm sai sự thật ). Thêm nữa chính sách dùng bạo lực (vòi rồng, lựu đạn và hơi cay, dùi cui..) để trấn áp đám đông là một hành động hạ sách nhất.
    Sự việc đáng tiếc vừa rồi diễn ra 1 phần do sự bức xúc của nhân dân. Nhưng thử hỏi nếu như cơ quan chức năng ở huyện làm việc rõ cho người dân đúng với sự nghiêm minh của Pháp luật thì liệu vụ việc có đi quá xa như thế ko?
    Đây là một bài học đắt giá cho chính quyền tỉnh Bắc Giang, Tôi tin tưởng rằng qua vụ việc này Chính quyền tại Bắc Giang sẽ thực hiện nghiêm minh pháp luật, cán bộ có tội cũng phải xử lý nghiêm minh, lấy lại lòng tin từ người dân

    Trả lờiXóa
  2. chinh quyen va nha nuoc tinh bac giang phai dau tranh manh me hon ve cuoc tham o tham nhung dut lot bao che lan nhau lay lai long tin o dan theo guong CT HO CHI MINH vi dai .su li nghiem minh quan truc trong viec gay len toi ac ve CA nhan dan lay lai su cong bang cho cai chet chu e khuong cung nhu cua moi nguoi dan khac

    Trả lờiXóa