Chào mừng bạn đến với blog ĐỌC & SUY NGẪM .

13 thg 8, 2010

Nhân tài là... "hành khất"


Nhân tài là "hành khất" cao cấp, "tôi trung" - "ngu trung" và "tôi tư"... những câu chuyện của Phát ngôn & Hành động tuần này có thể khiến người đọc trăn trở, xúc động, suy ngẫm...

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng các lãnh đạo Nhà nước thăm GS Ngô Bảo Châu tại nhà riêng, Ảnh VNN

Nhân tài là ... "hành khất" cao cấp
Một sự kiện mới đây làm phấn chấn cả xã hội vốn nhiều bức xúc về giáo dục: GS Ngô Bảo Châu (người được dự đoán sẽ đoạt giải thưởng Fields trong toán học- tương tự giải Nobel trong khoa học) vừa về nước.

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã đến thăm GS Châu tại nhà. Từ năm 2000, GS Châu thường xuyên về VN làm việc, tham gia giảng dạy cho khoảng 100 SV học toán, đào tạo thạc sĩ toán trình độ quốc tế ở các trường ĐH trong nước.

Hoan nghênh những đóng góp đáng kể, thường xuyên của GS Châu, Phó TT cho biết, CP muốn tặng GS Châu một căn hộ, để GS có thể thuận tiện hơn khi về nước làm việc. Phó TT cũng thông báo, một doanh nghiệp lớn, muốn tặng GS Châu một biệt thự tại khu du lịch Tuần Châu, Quảng Ninh.

Còn ông Lê Tuấn Hoa, Phó Viện trưởng Viện Toán học cũng cho biết, "Viện Toán học cũng đã "phá lệ" khi trả cho anh Châu mức cao nhất mỗi khi anh về VN làm việc, tức là bậc lương cao nhất của GS là 8.0, nhân với hệ số. Như vậy một tháng cao nhất là 5 triệu, không bằng tiền một ngày làm việc ở nước ngoài. Vì tâm huyết với đất nước, anh Châu tự bỏ tiền túi về VN làm việc và nhận đồng lương như thế".


Sau những thông tin mới khá hấp dẫn, thì cái thực tế trần trụi của lĩnh vực chuyên môn, ở đây là Viện Toán, khiến không ít người như bước hụt.
Nhưng không ai trách Viện Toán, vì đó là thực tế chung của đất nước ta, dù phũ phàng. Phũ phàng như khi người ta chợt liên hệ đến chính sách mới ban hành của Bộ Tài Chính: Bộ trưởng đi công tác, nghỉ lưu trú khách sạn, được tính 2,5 triệu/ngày.
Có nghĩa là chỉ 2 ngày công cán của Bộ trưởng, bằng cả tháng làm việc miệt mài của GS Ngô Bảo Châu, người có công trình toán nổi tiếng đang được tiên đoán đoạt giải thưởng Fields danh giá.

Có lẽ vì thế, câu nói của ông Lê Tuấn Hoa cũng rất thật: "Khả năng về nước làm việc 100% là khó, vì điều này không tốt cho bản thân GS Ngô Bảo Châu. Tháng 10 tới, GS Châu sẽ chuyển sang ĐH Chicago làm việc. Ngoài điều kiện về lương bổng, ở đó, anh còn có môi trường là những đồng nghiệp giỏi để cùng làm việc".

Vì sao mà trở về quê hương, đất nước để làm việc lại là "không tốt", như câu nói của ông Lê Tuấn Hoa?
Câu hỏi xót xa này, lại được một người nước ngoài trả lời hộ khá chính xác. Đó là bà Jessica Lua, quản lý nhân sự của Towers Watson, tại Hội nghị thường niên của Diễn đàn VNR500 vừa tổ chức mới đây, khẳng định: "Chế độ lương thưởng, đừng nghĩ đó là cách duy nhất để giữ chân nhân viên...Ngoài lương, còn phải tạo môi trường tốt cho các nhân sự giỏi có độ "tự do" nhất định...Bản thân chúng ta, các lãnh đạo...cũng phải thay đổi tư duy về việc sử dụng nhân sự này".

Phải, không chỉ cần đồng lương trả xứng đáng cho chất xám, mà nhân tài, người tài còn cần điều kiện làm việc, và môi trường làm việc có những đồng nghiệp giỏi, cùng đó, tư duy người quản lý phải thật sự mềm dẻo, biết tôn trọng cá tính, tư tưởng sáng tạo của nhân tài...Nhưng tất cả những thứ đó, đặc biệt môi trường làm việc và cơ chế quản lý hiện nay của chúng ta đều rất thiếu.

Không chỉ GS Ngô Bảo Châu, một nhân tài khác là Đặng Thái Sơn. Đoạt giải nhất cuộc thi piano quốc tế Frédéric Chopin tháng 10 năm 1980 ở Warszawa (Ba Lan), lúc mới 22 tuổi. Được phong NSND lúc mới 26 tuổi, da dẻ còn hồng hào, thư sinh, cho đến giờ, râu rậm rạp, gương mặt vẻ phôi pha, NSND Đặng Thái Sơn vẫn lang thang khắp thế giới biểu diễn để kiếm tiền. Cho dù những nơi ông biểu diễn là những phòng hòa nhạc danh giá và nổi tiếng như Lincoln Center (New York), Jordan Hall (Boston), Barbican Centre (London), Salle Pleyel (Paris), Herkulessaal (München), Musikverein (Wien), Concertgebouw (Amsterdam), Opera House Sydney (Sydney) và Suntory Hall (Tokyo)...

Bởi nếu về nước, ông sẽ sống ra sao? Cho dù, dân ta rất ngưỡng mộ ông, yêu quý ông, tự hào về ông, nhưng nếu ông sống lâu dài ở VN thì sao? Tài năng ông sẽ mòn mỏi đi. Tinh thần ông sẽ mệt mỏi đi. Và thân xác ông chắc sẽ già đi nhanh chóng vì rất nhiều những điều ...vớ vẩn phi âm nhạc sẽ làm hao tổn thần kinh ông. Trong khi đó, môi trường làm việc và những điều kiện cho dòng âm nhạc mà ông đã dấn thân lại rất thiếu. Và thiếu cả...người biết thưởng thức.

Chả thế, có một nhà báo đã đùa rằng, nếu tin ở số tử vi, thì NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu và rất nhiều trí thức tài năng người Việt khác đang lang thang khắp thế giới, có số... "hành khất". Khác chăng họ là "hành khất" cao cấp (!)

Xin lỗi NSND Đặng Thái Sơn, GS Ngô Bảo Châu, vì đó chỉ là câu nói đùa, nhưng câu nói đùa này lại ám chỉ chính xác số phận những người tài trong cái rộng dài của trời đất và nhân loại, hóa ra nhiều khi một chỗ trú chân lại hơi bị khó. Và điều đó, cũng chua chát biết bao.

Đó còn chưa kể tâm lý định kiến của không ít nhà quản lý lo sợ, e ngại những người tài, những tài năng gốc Việt khi trở về? Kiểu như "Chưa chấp nhận Việt kiều về nước làm công chức" (VNN 21/7/2010)
Với một tư duy còn chật hẹp hơn cả chỗ trú chân như thế, thì đất nước này, lẫn không ít nhân tài đất Việt còn "lênh đênh". Đất nước vẫn phải chịu phận nghèo, chậm phát triển, và nhân tài còn phải chịu kiếp nạn... "hành khất".

Ca sĩ Y Moan biểu diễn cùng Mỹ Linh trong buổi biểu diễn "có thể cuối cùng" của ông, Ảnh VTC

Y Moan - "ngọn lửa hát" bùng cháy giữa đời...
Ngày 7/8 mới đây, người viết bài này, đọc bản tin "Nước mắt đã rơi sau giấc mơ Chapi" (Dân trí), mà không thể bình tĩnh nổi vì quá xúc động. Đó là tin về buổi biểu diễn của nghệ sĩ Y Moan- người con của núi rừng Tây Nguyên tại Thủ đô.. .
Sẽ chẳng có gì đáng nói lắm, nếu như đó chỉ là buổi biểu diễn thông thường như muôn nghìn buổi biểu diễn của ông- người nghệ sĩ nổi tiếng, trên sân khấu ca nhạc, trong nước hay nước ngoài.

Thế nhưng, đây lại là buổi biểu diễn rất đặc biệt. Đặc biệt, vì có thể là buổi biểu diễn cuối cùng của đời ông. Cách đây không lâu, người thân, bạn bè và người hâm mộ đã sững sờ, và đau đớn biết tin ông mắc bạo bệnh.
"Sinh- lão- bệnh- tử" là quy luật thường tình của kiếp nhân sinh. Nhưng khi phải đối diện với cái chết, phải xa rời những người ta yêu thương nhất, hơn chính bản thân ta, hẳn nỗi đau đó sâu sắc và đau đớn lắm. Hơn ai hết, Y Moan là người thấu hiểu điều đó nhất.

Nhưng ông cũng là một nghệ sĩ, một ca sĩ. Ca hát là "kiếp" của ông, là cái duyên hồng trời buộc cho ông. Đến giờ, cái dây tơ ấy mỏng mảnh và mong manh biết chừng nào. Ông hiểu. Và như một người đàn ông chính trực, một nghệ sĩ chân chính, ông chọn cho mình cách "từ biệt".

Cái đêm "từ biệt" ấy, hẳn mãi mãi khán giả Thủ đô, những người sành nhạc, ngưỡng mộ giọng hát đậm đặc và khoáng đạt chất Tây Nguyên hùng vĩ sẽ không bao giờ quên. Đêm "từ biệt" của ông đã biến thành đêm giao hòa hiếm có, một niềm đồng cảm đầy thương yêu giữa người nghe và người hát, giữa người thưởng thức và người nghệ sĩ.

Trên sân khấu, "ngọn lửa hát" mang tên Y Moan cháy rực. Hay đó chính là ông đang tự sự, về nỗi khát khao sâu thẳm được hát mãi với đời. Khát khao sự sống đời người, khát khao tình yêu...Ông luôn biết cách tươi cười. Nhưng dưới sân khấu, nước mắt rất nhiều khán giả rơi. Và người viết bài này, nước mắt cũng tràn đầy.

Một người có nick ảo Vuidua đã viết trên mạng: "Tôi may mắn được có mặt tại đêm diễn có lẽ là cuối cùng này của nghệ sĩ Y Moan. Và hạnh phúc vì được khóc gần như cả buổi diễn, bởi xúc động vì sự chân thực ngự trị tại đó. Danh hiệu Nghệ sĩ Nhân Dân được trao cho ông có lẽ là xứng đáng nhất từ trước đến nay, bởi nó đến không vì ông cần nó, mà bởi ông xứng đáng được công nhận, vì sự cống hiến và tình yêu đối với quê hương của ông".

Nhưng không ai biết, sau mỗi lần ông hát, lui vào sau cánh gà, người nhà đều phải cho ông thở ôxy. Nhìn gương mặt đầy nam tính, xanh xao vì gắng gượng quá sức, không ai có thể cầm lòng. Vậy mà mỗi lần bước ra sân khấu ông như "lột xác", như "hóa thân"...

Giọng hát Tây Nguyên đẹp như cánh chim Chơrao bay liệng giữa đại ngàn, mượt mà như dòng sông Poko thiết tha, sục sôi những mùa lũ, trầm lắng những chiều tà. Cũng không phải ông hát nữa. Ông đang tự sự về chính mình, đang mang đến cho người nghe chúng ta, vẻ đẹp lấp lánh của nghệ thuật, của nội tâm, của tài năng đích thực. Ông hạnh phúc. Và người nghe cũng thật hạnh phúc.

Chợt nhớ đến thế giới âm nhạc mang tên cơn lốc thị trường của các nghệ sĩ trẻ trong cơn điên đảo của kim tiền. Đủ cách lăng- xê, đủ mọi kiểu đánh bóng tên tuổi, từ cao thủ đến mẹo vặt. Nhưng tài năng ảo, thì danh cũng ảo. Không ít người trong số họ nổi lên rất nhanh để rồi chìm xuống còn nhanh hơn cả lúc nổi, giữa sự thờ ơ, hờ hững của khán giả, của người nghe.

Cũng phải nói một điều, đằng sau Y Moan, người nghệ sĩ của nhân dân, lúc nào cũng có bóng dáng người vợ- một người đàn bà xứ Bắc, đẹp người và đẹp cả tâm hồn...Tôi cứ ngờ rằng, không phải ngẫu nhiên mà ông chọn "Giấc mơ Chapi"- giấc mơ về hạnh phúc làm tinh thần chủ đạo của buổi diễn: "Ở nơi ấy ...có hai người, chỉ có hai người yêu nhau. Họ đã sống, không mùa đông không mùa nắng mưa. Có một mùa, chỉ có một mùa yêu nhau"....

Hạnh phúc vốn là điều tuyệt vời nhất mà con người có thể mang đến cho nhau. Và, cũng có thể là điều, Tạo hóa bất ngờ sẽ mang đi...
Tình yêu của người đàn bà đẹp, bao giờ cũng là điểm tựa êm ái và vững chãi, cho người đàn ông đi qua mọi khốc liệt của chiến tranh, đi qua mọi cam go của cả...thời bình, và sự khắc nghiệt của Số phận. Tôi tin là vậy.
Cảm ơn ông - Y Moan, "ngọn lửa hát", đốt cháy tận cùng nỗi khát khao...Và cảm ơn bà, người đàn bà đẹp luôn biết nhóm và nuôi giữ ngọn lửa, ấm áp và yêu thương, từ Tây Nguyên rừng núi đến với cuộc đời lớn rộng.

Bùi Tiến Dũng cùng đồng bọn trước tòa, Ảnh VNE

Tôi trung", "ngu trung" và... "tôi tư"
Có một vụ án làm tốn không kể xiết giấy mực của giới báo chí, không biết bao lời bàn luận ngược xuôi, xuôi ngược của xã hội. Đó là Vụ án Dũng "tổng", nguyên Tổng Giám đốc Ban Quản lý các dự án 18 (PMU18), thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Theo quyết định của tòa, Dũng "tổng" đã phải nhận 2 bản án với hình phạt chung là 16 năm tù giam với 3 tội danh. Tuy nhiên, đó chưa phải là hình phạt cuối cùng bởi sai phạm của Bùi Tiến Dũng vẫn đang phải tiếp tục làm rõ. Sắp tới, Bùi Tiến Dũng sẽ tiếp tục hầu tòa vì hành vi tham ô tài sản khi PMU18 triển khai Dự án xây dựng cầu Bãi Cháy.
Điều đáng nói trong vụ án Dũng "tổng", có những thuộc hạ gắn với Dũng như "hình với bóng". Đó là Vũ Mạnh Tiên, nguyên Phó Chánh văn phòng và Lương Mạnh Hoa, nguyên lái xe cho PMU18. Vũ Mạnh Tiên đã bị tòa án xử phạt 7 năm tù giam cho hai tội đánh bạc và đưa hối lộ. Lương Mạnh Hoa cũng bị xử phạt 7 năm tù về hai tội đánh bạc và đưa hối lộ.
Cùng hầu tòa với Bùi Tiến Dũng ở giai đoạn 2 của vụ án, Vũ Mạnh Tiên nhận thêm bản án 2 năm tù giam về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Cả 2 người này, gắn với Dũng ra sao, cáo trạng của tòa đã làm rõ. Nhưng cả 2 thuộc hạ đắc lực này còn gắn với Dũng "tổng" ở những phát ngôn rất mạnh, như cái chữ đệm "Mạnh" của 2 tên Mạnh Tiên- Mạnh Hoa, và vì thế đều cực kỳ ấn tượng trước tòa.
Đó là Mạnh Tiên thừa nhận hành vi mình làm là sai, nhưng vì "anh Dũng là "sếp" nên Mạnh Tiên không dám làm trái, anh bảo gì thì cứ thế mà thực hiện"(!)
Còn Mạnh Hoa, cũng giống như Mạnh Tiên, khi trả lời câu hỏi của vị chủ tọa: "Sếp nhờ việc vi phạm pháp luật mà bị cáo cũng làm à?", Mạnh Hoa đã phân trần: "Thưa tòa, vì anh ấy là sếp ạ". Thoạt nghe, người ta không thấy có gì khó hiểu. Nhiều người còn thông cảm và chia sẻ. Đời là vậy. Sếp mà!

Nghe 2 anh Mạnh trả lời lí nhí, và nhìn 2 anh Mạnh cũng khá phong độ "đàn ông", người viết bài này, chợt nhớ đến những khái niệm đã làm nên bản chất của đạo quần thần, làm nên cốt cách của một bậc nam nhi sống ở đời, mà từ xưa, dân gian tổng kết thật thâm thúy và sâu sắc: "Tôi trung" và "ngu trung".

Chữ "trung" của 2 khái niệm này có phần giao thoa nhau. Đạo làm quân, phải trung thành, trung trinh với cấp trên (vua chúa, quan lại thời xưa; quan chức, các sếp thời nay). Nhưng cũng lại khá khác nhau ở bản chất. Sự khác nhau bản chất nằm ở chữ "tôi" và chữ "ngu", cho dù nó giống nhau- đều có 3 chữ cái gộp lại.

Chữ "tôi trung" chỉ sự trung thành nhưng sáng suốt của thuộc cấp. Chữ "ngu trung" chỉ sự trung thành một cách mù quáng, không suy nghĩ, trên bảo gì, dưới làm nấy. Nhưng cũng chính vì khác nhau ở "cái đầu" tiếp nhận, ở chữ "tôi" hay chữ "ngu" mà kết quả của chữ trung - có hệ lụy khác nhau. Chuyện của dân gian từ xa xưa, nhưng đời hiện đại nay luôn ứng nghiệm.

Dân gian cũng lại có câu người lớn mắng những đứa trẻ con lỡ làm điều dại dột: "Thế nó bảo mày làm gì, mày cũng làm à?". Hai "đứa trẻ" lớn đầu Mạnh Tiên và Mạnh Hoa ở đây "làm" còn hơn thế- phạm tội lớn: Ăn bạc (đánh bạc) và đưa bạc (hối lộ).

Nếu soi vào hành vi của 2 "đứa trẻ" Mạnh Tiên- Mạnh Hoa, thì kết quả của việc a dua, làm theo sự sai bảo lầm lạc của quan trên- ở đây là Dũng "tổng" cũng là một kiểu "ngu trung"- "Thưa tòa, vì anh ấy là sếp".
Thế nhưng, đời xưa, một kẻ mang tiếng "ngu trung" có thể bị chê cười, có thể bị đời thương hại, nhưng trong cái "ngu trung" của họ, vẫn còn cốt cách của kẻ sĩ- mù quáng trung thành cho một mục đích của bậc bề trên.
Còn nay, trong thời buổi kim tiền này, "mọi cái đều có thể mua được bằng tiền, hoặc rất nhiều tiền" đã trở thành triết lý hành xử của không ít con người tham lam đến mù quáng, thì ai dám bảo đảm Mạnh Tiên - Mạnh Hoa hành động lại không vì cái "tôi tư" (tư lợi vì cái tôi của mình)? Thậm chí, giữa 2 cái "ngu trung" và cái "tôi tư" thì "Bên mình, bên sếp, bên nào nặng hơn" đây?

Gắn bó với nhau như bóng với hình khi phạm tội ngoài đời, đương nhiên cả 3 lại tiếp tục gắn bó với nhau như hình với bóng ở trong tù. Đó là cái giá không rẻ của cuộc đời cho những đồng bạc "đi đêm".

Chỉ có điều, không phải lúc nào cái "ngu trung' của thuộc cấp cũng có ích lợi. Biết đâu, sự phản đối, can ngăn của 2 thuộc cấp: Mạnh Tiên- Mạnh Hoa dù nghịch nhĩ, mà Dũng "tổng" bớt đi một phần tội lỗi, thêm một ngày ở thiên thu, như câu tổng kết: "Nhất nhật tại tù/ Thiên thu tại ngoại". Bài học của Dũng "tổng" trong tù lại là bài học lớn, rất ích lợi cho không ít quan chức ngoài xã hội.
Hãy biết nghe những phản biện, can gián, thậm chí có khi nghịch nhĩ của cấp dưới, của người dân. Đó mới chính là những "tôi trung".

Tác giả: Kỳ Duyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét